Ads 468x60px

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Cái Nhum, Vĩnh Long

Một góc thủ phủ của thị trấn Cái Nhum.
(Hình: Panoramia.com)
Nam Sơn Trần Văn Chi
Nếu em có về thăm quê đất Vĩnh
Ghé Cái Nhum dòng Mang Thít nước còn xanh?
(Thơ của HL)
“Cái” là từ cổ của người Phù Nam, nghĩa là con rạch.
Ở miền Nam có những địa danh bắt đầu bằng chữ Cái, chỉ vùng nằm bên một con sông nhỏ, chảy ra một con sông lớn.
Ðịa danh Cái Nhum được đặt từ tên của cây nhum thuộc họ của cây cau, cây dừa.
Cái Nhum nằm cách tỉnh lỵ Vĩnh Long 17 km về phía Ðông Nam. Thời Việt Nam Cộng Hòa, Cái Nhum là quận của tỉnh Vĩnh Long.
Lịch sử Cái Nhum
Ngày 25 tháng 1 năm 1908, Pháp lập quận Cái Nhum, gồm có 2 tổng là Bình Thạnh với 3 làng và Bình Chánh với 5 làng.
Ngày 18 tháng 12 năm 1916, quận Cái Nhum bị giải thể, nhập tổng Bình Thạnh vào quận Chợ Lách và tổng Bình Chánh vào quận Tam Bình cùng tỉnh.
Ngày 18 tháng 5 năm 1955, chính phủ Ngô Ðình Diệm lập quận Cái Nhum, thuộc tỉnh Vĩnh Long, trên cơ sở tách ra từ quận Châu Thành, gồm tổng Bình Long với 9 xã, quận lỵ đặt tại Cái Nhum. Ngày 08 tháng 10 năm 1957, giải thể quận Cái Nhum, nhập địa bàn vào quận Châu Thành và quận Chợ Lách cùng tỉnh.
Ngày 10 tháng 3 năm 1961, quận Cái Nhum được tái lập, gồm 2 tổng là Thanh Thiềng với 4 xã và Bình Thiềng với 4 xã.
Ngày 31 tháng 05 năm 1961, đổi tên quận Cái Nhum thành quận Minh Ðức.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cái Nhum là huyện của tỉnh Cửu Long. Ngày 11 tháng 3 năm 1977, huyện Cái Nhum hợp với huyện Châu Thành Tây (trừ các xã Tân Ngãi, Tân Hòa) và các xã Hòa Hiệp, Hậu Lộc của huyện Tam Bình thành huyện Long Hồ.
Ngày 18 tháng 3 năm 1994, thành lập thị trấn Cái Nhum trên cơ sở tách ra từ xã Chánh Hội.
Rạch Cây Nhum/Cái Nhum
Vàm sông Mang Thít.
Thời Pháp rạch Cây Nhum được người dân đọc trại thành rạch Cái Nhum. Theo thời gian, lòng sông rộng ra và sâu hơn nên cư dân gọi là sông Cái Nhum. Bấy giờ đầu vàm có bắc cây cầu tên cầu Số 9 do đó sông Cái Nhum còn gọi là sông Số 9.
Sông Cái Nhum dài khoảng 9 km. Vàm sông giáp sông Mang Thít, ngọn sông ăn sâu quanh co vào đất liền về hướng Tây Bắc đến giáp rạch Cây Sộp (xã Hòa Tịnh), từ đầu vàm vào khoảng 4,5km, lòng sông rộng khoảng 70m, còn lại rộng trung bình khoảng 32m và sâu đến 9-10 m. Ðây là sông lớn và dài nhất, thuộc địa bàn huyện Mang Thít.
Sông Cái Nhum vừa là sông mang nguồn nước tưới tiêu vừa là đường giao thông thủy huyết mạch của quận. Từ thị trấn Cái Nhum theo tuyến sông Cái Nhum có thể lưu thông hàng hóa, hành khách đến các xã Chánh Hội, Nhơn Phú, Mỹ An, Hòa Tịnh, Bình Phước... Ðặc biệt, theo tuyến sông Cái Nhum đến kinh Thầy Cai đổ ra sông Cổ Chiên là tuyến lưu thông đường thủy chính từ trung tâm quận Mang Thít đến thị xã Vĩnh Long.
Ven hai bờ sông nhà cửa san sát với nhiều cây ăn trái. Phía sau bờ Tây Bắc của sông Cái Nhum là hương lộ trải đá thông xe hai bánh vào mùa khô lẫn mùa mưa đến tận tỉnh lộ 31, thông về thị xã Vĩnh Long.
Sông Cái Nhum còn gắn liền với chợ Cái Nhum, thị trấn Cái Nhum, huyện lỵ Mang Thít, do đó nó có vị trí rất quan trọng cho việc giao lưu cũng như phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Cái Nhum có họ đạo lâu đời nhứt miền Nam
Nhà thờ Cái Nhum
Họ đạo Cái Nhum có lâu đời nhất ở miền Nam Việt Nam, được thiết lập vào năm 1731.
Lúc đầu có ít người Công Giáo đến đây tìm đất đai sinh sống. Họ tìm thấy có nhiều nhà bỏ hoang nên vào ở trọ nơi đó. Như thế là giai đoạn đầu của họ đạo được thành hình.
Khi được biết có một số người Công Giáo tập họp sinh sống trong xã này, Linh Mục Giuse Garcia dòng Phanxicô (1687-1761) thường thăm viếng, như chủ chăn ưu ái luôn bám sát vào đoàn chiên.
Tiếp sau Cha Garcia là Cha Emmanuel De Valdehermoso đang truyền đạo ở vùng sông Cửu Long giữa những năm 1742 đến 1747. Có thể Cha đã lần lượt ở tại Cái Nhum, Cái Mơn.
Những tháng cuối năm 1749 cho đến tháng 6, 1750, đúng vào thời kỳ triều đình Huế cấm truyền đạo Kitô bùng lên, và lúc này số tín đồ vào khoảng 600 người, một con số rất to đối với thời ấy. Có thể nói toàn trong làng đều là người Công Giáo (?).
Cái Nhum tương tự như Cái Mơn, Bình Nhâm, Nhị Bình là những vùng có tỷ lệ tín đồ Thiên Chúa Giáo cao và là vùng có nhiều vườn cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm do các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo mang giống từ Penang về.
Trương Vĩnh Ký xuất thân trường dòng Cái Nhum
ÔngTrương Vĩnh Ký
Ông sinh ngày 6 tháng 10 năm 1837, tại chợ Cái Mơn, làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, mất ngày 1 tháng 9 năm 1898 tại Sài Gòn, hưởng thọ 62 tuổi.
Lúc nhỏ đi học chữ Hán, sau đó được một linh mục người Pháp đưa vào học trường Dòng ở Cái Nhum.... Có thể nói chuyện này đã góp phần định hướng những suy tư và chánh trị Trương Vĩnh Ký sau này...
Trong lĩnh vực văn hóa, Trương Vĩnh Ký đã chứng tỏ có kiến thức uyên bác về nhiều mặt, không chỉ trong khoa học xã hội mà cả trong khoa học tự nhiên. Ðặc biệt về hoạt động sưu tầm, biên khảo, phiên âm, phiên dịch, ông đạt những thành tựu đáng kể.
Mặt khác, cũng có nhiều ý kiến phê phán, buộc tội họ Trương là đã cộng tác với thực dân, phản lại Tổ quốc, như Lê Thanh trong quyển Trương Vĩnh Ký, Trần Huy Liệu trong Lịch sử 80 năm chống Pháp, Phạm Long Ðiền và Nguyễn Sinh Duy trong quyển Cuốn Sổ Bình Sanh của Trương Vĩnh Ký...
Nhiều ý kiến trái ngược nhau tùy thuộc vào chỗ đứng, cách nhìn và đánh giá khác nhau của từng người đối với nhân vật lịch sử này.
Ðến cuối đời Trương Vĩnh Ký đã rơi vào hoàn cảnh nghèo nàn, túng bấn khi bị Pháp bỏ rơi cho nên ông cũng đã bộc lộ nhiều băn khoăn, khắc khoải. Hai câu cuối của bài thơ tuyệt mệnh như muốn gửi gắm tâm sự cho người đời sau, khi phẩm bình về sự nghiệp của ông:
Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa sai
Ngày nay, chúng ta không ai phủ nhận toàn bộ những cống hiến của ông đối với văn hóa của dân tộc.
Nhưng chắc chắn Trương Vĩnh Ký đã có những sai lầm về chính trị, hoạt động chính trị của ông rất ngắn ngủi so với hoạt động văn hóa khá nhất quán của ông là phục vụ trung thành nước Pháp, như ông đã hơn một lần thừa nhận.
Hãy suy ngẫm về trường hợp Trương Vĩnh Ký...
Nam Sơn Trần Văn Chi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét