Ads 468x60px

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

'Trà chanh chém gió': quán vỉa hè, thu bạc triệu

Ly “trà chanh chém gió”
Nguyên Lê
Vài năm trở lại đây, thức uống lề đường trà đá được người dân Hà Nội chế biến thành trà chanh (trà đá bỏ thêm đường, chanh) và trở thành một trong những nghề siêu lợi nhuận.
Chỉ cần một ít vốn, nhiều chủ cửa hàng dễ dàng hốt bạc cả chục triệu đến trăm triệu một tháng nhờ loại nước uống giải khát này.
Ban đầu, từ một vài địa điểm thì đến nay số lượng cửa hàng trà chanh tại Hà Nội đã tăng đến mức chóng mặt. Thậm chí những quán trà chanh còn bắt đầu du nhập vào Sài Gòn và trở thành một trong những thức uống được ưa chuộng, hớp hồn giới trẻ với cái tên thường dùng là “trà chanh chém gió.” 
Thu nhập siêu lợi nhuận 
“Chém gió” là một hình thức nói xạo, nói phét và cường điệu hóa vấn đề. Từ ngày những cửa hàng trà chanh nở rộ, “trà chanh chém gió” được xem là mốt thời thượng của giới trẻ Hà thành.
Ðến những cửa hàng “trà chanh chém gió,” khách hàng ngoại trừ được thưởng thức nước uống giải khát là trà chanh thì còn có các loại uống giải khát khác như me đá, sấu dầm, bát bảo...
Tùy từng cửa hàng sẽ có thêm các loại đồ ăn vặt khác như hướng dương, chè, trái cây, nem chua rán, mực nướng...
Trà chanh được chế biến theo hai công thức, một là trà thật pha với đường và chanh, hai là nước pha hương liệu chanh thêm đường và chanh.
Tại Hà Nội hiện nay, đa số các cửa hàng trà chanh đều pha bằng hương liệu tẩm sẵn của Trung Quốc (thường bán tại chợ Ðồng Xuân Hà Nội) với giá khoảng 100,000 đồng/kg, cứ 1kg hương liệu chanh chế biến được khoảng 1,000 ly nước là ít nhất.
Chừng đó ly nước trà hương liệu chanh, chủ cửa hàng chỉ cần bỏ thêm 100,000 đồng cho đường và chanh tươi cắt lát là có thể kinh doanh ngay lập tức.
Số vốn bỏ ra ít ỏi nhưng một ly trà chanh được các quán bán ra với giá từ 8,000 đồng-10,000 đồng tùy theo khu vực.
Những cửa hàng pha bằng lá trà nấu sẵn theo công thức thì giá thành cao hơn nhưng không đáng kể. Như vậy chỉ cần bỏ ra chừng 200,000 đồng là một cửa hàng trà chanh có thể dễ dàng thu về 10 triệu đồng. Nhất là khi trà chanh được định hình thành nước uống vỉa hè nên hầu hết các cửa hàng trà chanh đều kinh doanh trên vỉa hè, và chỉ thu hút nhiều khách nhất từ 7 giờ tối đến 11 giờ khuya nên chủ cửa hàng hầu như rất nhàn nhã kiếm tiền.
Bên cạnh bán trà chanh, các chủ quán còn tận dụng bán các đồ ăn vặt, mỗi quán trung bình một ngày dễ dàng bán được từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.
Những quán trà chanh mọc lên trên vỉa hè.
Tại các địa điểm được yêu thích, đông khách như Nhà Thờ Lớn Hà Nội, Ðào Duy Từ, Chợ Gạo... mỗi ngày chủ cửa hàng phải thu được hàng chục triệu. Ở những tụ điểm này, khách ngồi la liệt, thậm chí đông đến mức nhiều cửa hàng còn không có chỗ.
Ban đầu, từ một vài địa điểm trên phố Cổ mở bán trà chanh, ngày nay, đi khắp đường phố nào của Hà Nội cũng gặp các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này.
Từ những phố lớn cho đến những ngã tư nhiều khói bụi các phương tiện giao thông như Ngã Tư Sở, các cửa hàng trà chanh mọc lên nhan nhản khắp nơi. Mặc dù không khí ô nhiễm nhưng những cửa hàng trà chanh vẫn rất đông khách.
Các quán trà chanh đông khách tại Hà Nội hầu hết đều là công thức vỉa hè, ghế nhựa, còn những quán định chơi sang như khu Doãn Kế Thiện bày ghế mây có chỗ dựa thì lại vắng tanh không ai hỏi han.
Nở rộ tại Hà Nội vì thu hút được nhiều khách, “trà chanh chém gió” bắt đầu lan vào Sài Gòn và trở thành một trong những thức uống được ưa chuộng. Ðến nay, nhiều con đường tại Sài Gòn được biến thành tên gọi mới “đường chém gió.” Thậm chí nhiều nghệ sĩ cũng mở cửa hàng trà chanh theo xu thế để tăng thêm thu nhập. 
Ðuổi khách vẫn đông 
Mặc dù từ lâu, trà chanh được truyền tai nhau là “siêu bẩn” “siêu độc hại,” thậm chí có người còn đồn là uống trà chanh pha hương liệu Trung Quốc dễ bị ung thư nhưng bất chấp tất cả những điều tiếng, các cửa hàng trà chanh vẫn tha hồ hốt bạc.
Thậm chí có hẳn những clip phát tán khắp nơi về công thức pha trà chanh bằng hóa chất nhưng cũng không khiến các cửa hàng trà chanh vãn khách.
Hơn thế, nhiều quán đông khách đến mức từ chối nhận thêm khách hàng và có thái độ phục vụ rất kiêu kỳ, khó chịu nhưng khách vẫn đến nườm nượp.
Thu Hoa, một sinh viên cho biết: “Ngồi uống trà chanh ở Nhà Thờ Lớn bị chủ quán đuổi đi dù tôi mới chỉ ngồi một lúc. Thế nhưng không hiểu sao ở những quán này vẫn rất đông khách. Ðã thế khách hàng còn vừa phải chịu tiền nước lại mất thêm tiền tự gửi xe.”
Với diện tích nhỏ, những quán trà chanh khu Nhà Thờ Lớn Hà Nội mọc lên san sát nhau nhưng khách vẫn ngồi chen chúc. Còn những phố nhỏ như khu Ðào Duy Từ và Chợ Gạo, một cửa hàng thầu nguyên một đoạn đường, khách ngồi chật kín hai bên. Dù ở dây diện tích to hơn nhưng nhu cầu khách quá đông nên nhiều khi cửa hàng cũng không đủ chỗ phục vụ. Mỗi địa điểm này, một ngày chủ cửa hàng phải đón mấy nghìn lượt khách ra vào liên tục. 
Từ khi trở thành mốt của giới trẻ Hà Nội, những cửa hàng trà chanh liên tục gia tăng. Thậm chí nhiều công chức có thu nhập cao cũng phải mơ ước về lợi nhuận của nghề này. Vì thế mà nhiều sinh viên nói đùa, đi học hai bằng đại học cũng chẳng kiếm được nhiều tiền bằng nghề bán trà chanh chẳng cần học vất vả. 
Nguyên Lê

0 nhận xét:

Đăng nhận xét