Ads 468x60px

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Tượng Ðại Phật lớn nhất thế giới tại Nhật

Trần Nguyên Thắng
“Ðức tin luôn ở trong tâm hồn con người”
Nhật không chỉ là một quốc gia có nền kỹ thuật công nghiệp cao mà đây còn là một đất nước có rất nhiều điểm rất đặc biệt về tôn giáo và văn hóa là những điểm thu hút lôi cuốn du khách đến đây thưởng ngoạn. Ngoài Thần Ðạo là tín ngưỡng dân gian trong suốt chiều dài lập quốc của xứ Phù Tang, Phật Giáo là một tôn giáo lớn khác đã hiện diện ở đây có hơn cả 1,500 năm. Một kỳ tích hiện đại của Phật Giáo Nhật là tượng Ðại Phật Ushiku cao nhất thế giới (cao 120m) tại tỉnh Ibaragi. 
Có lẽ, nếu không có tượng Ðại Phật A Di Ðà tại ngôi làng Ushiku thuộc tỉnh Ibaragi này, tôi cũng không biết tỉnh Ibaragi nằm ở đâu trong xứ Nhật (cho dù tôi đã từng ở Nhật 9 năm và có những người bạn đã từng ở đây trước năm 1975 mà cũng ít ai để ý đến). Nhưng lần theo quá khứ thì mới biết Ibaragi là một tỉnh khá nổi tiếng, nơi sản xuất ra loại vải chuyên để dùng may áo Kimono, ngoài ra vào đầu thế kỷ 13 một cao tăng tên Thân Loan (1173-1262) đã có dịp đến nơi đây hành đạo trong suốt một thời gian dài (20 năm), ngài lập ra Tịnh Ðộ Chân Tông của Phật Giáo Ðại Thừa.
Cũng cần nói một chút sơ qua đôi chút về Ðại sư Thân Loan, ông xuất gia từ thuở nhỏ lúc mới lên 9 tuổi vì gia đình không còn ai, bố mẹ mất sớm. Ông theo học thầy là Ðại sư Pháp Nhiên người sáng lập ra Tịnh Ðộ Tông. Tuy nhiên, giáo pháp của thầy đã không hoàn toàn giúp ông thoát ra khỏi các điều phiền não khổ đau của trần thế. Ông lập ra Tịnh Ðộ Chân Tông, cho rằng chúng sanh luôn cần đến sự giúp đỡ của Ðức Phật A Di Ðà. Một khi niềm tin vào Ðức Phật A Di Ðà đã trở thành đức tin thì chỉ cần Niệm danh hiệu của Ðức Phật A Di Ðà là mọi người có thể thoát ra khỏi mọi điều phiền não bệnh tật khổ đau. Một điểm đặc biệt, sau khi trải dài những thăng trầm trên bước đường tu học, khi bị bắt buộc phải hủy bỏ tăng tịch của mình; Ðại sư Thân Loan đã sống cuộc đời bình thường như mọi người. Ngài lập gia đình với Ni sư Eshin là một thiếu nữ thuộc gia đình quí tộc Nhật. Cũng vì điều này mà các tông phái khác cho rằng ngài đã phạm vào giới luật Phật Giáo, nhưng ngược lại thì đại sư Thân Loan lại cho rằng tất cả mọi chúng sanh, kể cả nam nữ đều là đối tượng cứu độ của Ðức Phật A Di Ðà.
Ngày bố mẹ tôi mất, tôi đã có dịp đến chùa tụng kinh Tịnh Ðộ cho ông bà cụ. Ðọc đoạn kinh “Phật nói Kinh A Di Ðà” trong nghi thức Tịnh Ðộ, quả thực tôi không hiểu lắm vì có thể nhiều lý do như trình độ hiểu của cá nhân mình chưa đủ hay ngôn ngữ của mình không đồng điệu với ngôn ngữ trong kinh. Nhưng từ khi tôi đến đảnh lễ “tượng Ðại Phật Ushiku” thì sự hiểu biết thêm về Kinh A Di Ðà mở rộng thêm nhiều. Không biết Ðức Phật mở mang kiến thức cho đầu óc tôi thêm thoáng rộng hay chính những nhà thiết kế tượng Ðại Phật Ushiku giúp tôi thêm cơ duyên để hiểu thêm kinh.

Tượng Ðại Phật Ushiku do các tín đồ tại ngôi làng Ushiku khởi xướng, tượng được thiết kế từng phần tại Ðài Loan và sau đó đem về Nhật để ráp nối trong suốt một thời gian 10 năm. Tượng Phật A Di Ðà đứng trên một đài hoa sen, cao tổng cộng 120m và nặng đến 4,000 tấn. Tượng được ráp nối bằng 6,000 tấm thanh đồng, màu sắc của tượng hiện tại là màu đồng nâu. Người ta ước lượng khoảng 80-100 năm nữa thì vì bị oxy-hóa, tượng Phật sẽ đổi màu nâu thành màu xanh như bức tượng Nữ thần Tự Do dựng ở cửa sông Hudson, New York.
Khi đến gần ngôi làng Ushiku, vào ngày không bị sương mù, người ta có dịp nhìn ngắm tượng Phật cao vụt qua khỏi các lùm cây và các mái nhà. Nếu bạn có duyên lành, bạn có dịp ngắm phần ngực và đầu Phật hiển hiện trong mây. Không biết kể sao cho hết được cảm xúc khi gặp hình ảnh như thế.
Dưới chân tượng là một khoảng không gian thoáng rộng, người ta trồng đủ các loại hoa dành cho bốn mùa xuân hạ thu đông. Các hàng cây anh đào thẳng tắp ở nhiều nơi trên các con đường dẫn đến chân tượng, mùa Xuân anh đào trắng hồng nở rộ vào Tháng Tư. Tháng Năm là tháng của hoa California poppy nở vàng cả thửa vườn dưới chân Phật. Tháng Chín, Tháng Mười là tháng của mùa hoa Cosmos hồng cả không gian Ðại Phật Ushiku. Từ bên ngoài bước vào tượng Ðại Phật, người ta cho đào một con rạch nhỏ, cho bắc một cây cầu gỗ để tín đồ niệm đủ bảy chữ “Na mu A mi da bu tsu” (có nghĩa là Nam Mô A Di Ðà Phật, tiếng Việt chỉ có 6 chữ) trước khi đi đến tượng. Niệm đủ danh hiệu Phật là người ta đã đi qua bến mê để vào cửa Phật.
Tượng Ðại Phật Ushiku vốn được thiết kế để cho người thưởng ngoạn có thể có được cảm giác “khi con người qua đời” thì cái cảm giác ngay lúc đó như thế nào. Du khách sẽ đi vào tầng một dưới chân tượng. Tầng này được gọi tên là Hikari no Seikai (Thế giới ánh sáng). Khi cánh cổng tầng này đóng lại, không gian trở nên tối om. Tối đến độ không ai có thể trông thấy ai thì ngay lúc đó du khách sẽ nghe một âm thanh rất nhỏ nhưng vi vu bên tai bạn, dĩ nhiên âm thanh nói bằng tiếng Nhật, đại ý cho bạn biết khi rời trần thế, Ðức Phật A Di Ðà với “vô lượng quang”, vô lượng thọ” sẽ tiếp dẫn bạn về “Cực Lạc Quốc”. Sau đó, cánh cửa từ từ mở ra, bạn sẽ thấy một luồng sáng xanh blue chiếu thẳng đến một tượng Phật A Di Ðà đứng ngay giữa không gian. Chung quanh đó là các tượng chư Phật vây quanh, người ta design đủ màu sắc chắc cốt cho mọi người hình dung đến cảnh niết bàn hay “An Lạc Quốc”.
Có lẽ tôi chấm “tầng một của Ðại Phật Ushiku” là tầng tuyệt hảo nhất, cũng nhờ tầng này mà tôi hiểu thêm được rất nhiều ý nghĩa trong “đoạn kinh A Di Ðà” trong nghi thức Tịnh Ðộ. Tôi tạm hiểu thế nào là “vô lượng quang”, “vô lượng thọ”, ”thế giới phương trên, dưới, đông, tây, nam, bắc”. Ôi! Chỉ đem cái trí của mình để tìm hiểu câu kinh, còn không tu không tập như tôi thì chỉ gây thêm phiền não. Biết thế mà sao vẫn không “thoát” được!
Tầng hai là tầng “Chion Hodoku no Seikai” (Thế giới tri ân báo đức). Ở đây là nơi có trưng bày các tượng Phật A Di Ðà các loại lớn nhỏ khác nhau. Các tín đồ có thể mua tượng từ vài trăm đến hàng ngàn mỹ kim, sau khi được chùa tụng niệm thì các tín đồ có thể để lại đây nhờ chùa giữ lại.
Tầng ba là tầng “Rengezo no Seikai” (Thế giới đài sen) là nơi du khách có thể biết qua các hình ảnh kiến trúc tượng Ðại Phật từ lúc khởi đầu cho đến lúc hoàn thành. Một ngón chân cái của tượng cũng được trình bày ở đây để du khách có thể hình dung ra sự vĩ đại của tượng.
Tầng bốn là tầng du khách có thể mua các vật kỷ niệm về tượng Ðại Phật Ushiku. Tuy không phải là một gian hàng lớn nhưng cũng đủ các món quà kỷ niệm cho du khách.
Tầng năm là tầng cao nhất mà du khách có thể lên thăm. Từ đây du khách có thể ngắm cảnh làng Ushiku xuyên qua 3 cửa sổ ngay lồng ngực Phật. Bên dưới là nơi an nghỉ của các tín đồ Tịnh Ðộ Chân Tông. Ngoài ra, tầng này cũng trình bày các bức họa đồ vẽ về núi Linh Thứu và các nơi chốn “tứ động tâm” bên Ấn Ðộ-Nepal. Ðồng thời tại tầng năm, một “xá lợi Phật” cũng được một chùa Thái Lan (?) gửi tặng được thờ ở đây.
Ðiều khác biệt giữa tượng Ðại Phật Ushiku so với các tượng Phật khác trên thế giới là du khách có thể đi vào trong lòng Phật. Ở đây có cả thang máy đưa du khách lên “lồng ngực” Phật ở độ cao 85m.
Mỗi năm thế giới này lại có thêm những building cao hơn, những đền thờ to lớn hơn, những ngôi tượng tôn giáo cao hơn. Tôi có nhiều may mắn và cơ hội hơn mọi người được tận mắt ngắm nhìn các “thắng cảnh” đó. Nhưng những vĩ đại, kỳ tích đó thường cho tôi những nỗi buồn khi chứng kiến những cảnh nghèo ở Ấn Ðộ, Châu Phi hay ở các xứ vùng Nam Mỹ. 
Trần Nguyên Thắng 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét