Ads 468x60px

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Từ Chết Tới Bị Thương – Chuyện Gỏi Cá Sống Và Tiệc Rắn

Giun đầu gai Gnathostoma (photo Internet)
NGUYỄN THƯỢNG CHÁNH, DVM
Nình ông Việt Nam khi về thăm quê hương thường hay được người thân hoặc bạn bè rủ đi nhậu… mà đặc biệt là cái món uống máu và nuốt luôn cả tim rắn cho được sung sức cũng như hy vọng cải thiện được phần nào chứng bệnh “chung vô dịm”. (xin nói lái)
Chuyện tiệc rắn, uống máu và nuốt luôn tim rắn là một mặt hàng khuyến mãi của nhiều quán nhậu tại Việt Nam…
Nhiều người vì tò mò, vì tự ái cá nhân, muốn bắt le để sau đó nổ cho thiên hạ ngán chơi.
Video: Ăn tim rắn ở Lệ Mật
http://www.youtube.com/watch?v=8sJJqzO5T78
Gỏi cá sống, một món nhậu ngon hết sẩy

Đầu giun đầu gai (photo internet)
Gỏi cá sống là đặc sản của vùng duyên hải VN. Món gỏi cá sống tuy rất ngon nhưng nó vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe chúng ta.
Cá sống có thể nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng mà đáng kể nhất là giun đầu gai Gnathostoma spp.
Loại giun này rất phổ biến tại vùng Đông Nam Á, Nam Mỹ, Mexico, Peru và Ecuador.
VN là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm giun đầu gai khá cao.
“… Tiềm năng nhiễm ấu trùng Gnathostoma spinigerum ở nhiều loài thủy sản khác như cá lóc, cá mè, tôm nước ngọt, ếch nhái và rắn chưa được khảo sát một cách hệ thống. Tuy nhiên đây là các món ăn, món nhậu đặc sản rất phổ biến tại các nhà hàng và trong bữa ăn của nhiều gia đình ở miền Nam Việt Nam. Vì vậy đây cũng là nguồn lây bệnh rất đáng kể, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, hàng năm đều có những ca bệnh lẻ tẻ được phát hiện, đa số bệnh nhân đến khám rất trễ do không biết bệnh, đi chữa chạy nhiều nơi không khỏi. Đa số bị di chứng về thẩm mỹ như khối u ở đầu, mặt, cổ, ngực, rất khó chịu cho bệnh nhân.
Để phòng tránh bệnh nhiễm ấu trùng Gnathostoma spinigerum cần ăn chín. Khi ăn thủy sản hoang dã, phải nấu thịt thật chín, giữ sôi trong ít nhất 20 phút, tránh ăn các món sống, tái như gỏi cá sống, tôm tái chanh, lẩu cá lóc…” (Ngưng trích TS. TRẦN PHỦ MẠNH SIÊU, BV NHIỆT ĐỚI TP HCM)
Chu trình tăng trưởng (life cycle) của giun đầu gai
Ấu trùng giun đầu gai Gnathostoma trong
nhãn cầu (Photo eyepathologist.com)
Giun trưởng thành (adult) sống trong bao tử chó và mèo (loại Gnathostoma spinigerum) hoặc heo (loại Gnathostoma hispidum). Chó mèo và heo là những ký chủ thật sự (definitive host).
Trứng giun theo phân nhiễm vào nước mưa chảy xuống ao hồ sông rạch. Trứng nở ra ấu trùng (larvae) và bị một loại giáp xác (crustacea) thật nhỏ có tên là cyclop ăn vào.
Cá, lươn, rắn, ếch nhái, gà vịt, và các loại thủy cầm (waterfowl) đương nhiên nuốt cyclop vào bụng và bị nhiễm giun đầu gai. Trong các loài vật vừa kể, ấu trùng giun sẽ định vị trong thịt.
Khi chúng ta dùng cá sống hay nuốt tim rắn, ấu trùng gọi là larva migrans vào bụng, xuyên ruột và đi tứ tung trong cơ thể chúng ta.
Giun có thể vào gan, vào mắt, di chuyển dưới da, hoặc đến định vị trong não hay trong tủy sống. Đây là bệnh Gnathostomiasis.
Đi đến đâu, giun gây tình trạng viêm sưng đến đó.
Tùy nơi giun định vị mà triệu chứng sẽ khác nhau. Ở mắt, sẽ làm giảm thị lực hoặc mù lòa, và gây ho hen nếu ở hệ hô hấp.
Nguy hiểm nhất là nếu giun định vị trong hệ thần kinh trung ương và gây chứng viêm não tủy (encephalomyelitis), làm rối loạn cảm giác, liệt tứ chi và có thể chết.
Không dễ gì chẩn đoán bệnh giun đầu gai. Nếu biết rõ nơi định vị của nó, thì có thể làm sinh thiết (biopsy) để xét nghiệm. Người ta cũng có thể chẩn đoán bệnh qua xét nghiệm huyết thanh học (test ELISA)…
Người thiệt việc thật
Chu trình tăng trưởng - Gnathostoma life cycle
(Photo CDC)
1) Chuyện của một người Việt tại Hòa Lan
Mới đây, người gõ có đọc được trên Blog Văn học Nguồn cội bài tùy bút “Trái tim rắn”. Tác giả Topa (?) hình như ngụ tại Amsterdam, Hoà Lan đã kể lại chuyện hai chuyến về thăm nhà của anh ta.
“… Năm sau tôi lại trở về Việt Nam và lần này thì không vào dịp đầu năm. Người bạn về cùng với tôi năm trước năm nay cũng về chung và cũng lại đề nghị cùng trở lại quán Tri-Kỷ, mặc dù trong lòng tôi hoàn toàn không thích món ăn đó nhưng vì nể bạn nên tôi cũng gật đầu.
Màn biểu diễn bắt và giết rắn cũng được các chú phục vụ nhà hàng biểu diễn rất điệu nghệ làm đã con mắt bất biết luôn. Rồi, trái tim con rắn lại cũng được mọi người ưu ái dành tặng cho tôi. Ai đó trong bàn đã lên tiếng: “Qúy lắm đó anh”.
Đúng là không có cái ngu nào giống cái ngu nào nên, một lần nữa tôi lại nuốt sống trái tim con rắn. Cũng như lần trước, lần này tôi bị ép phê ngay tức khắc và ép phê cho đến… ngày trở về lại bên đây.
Trong hơn mười ngày tôi không thể đi đâu ra khỏi nhà vì không ăn được gì nên quá yếu. Về đến bên đây ngày hôm trước thì ngày hôm sau các hiện tượng bắt đầu xuất hiện. Cứ đến khoảng sáu giờ chiều thì toàn thân tôi đổi màu từ từ. Từ màu da bình thường đổi qua màu sậm gần như đen. Mấy ngón tay bỗng mập ú lên như những trái chuối sứ. Xoè bàn tay ra không nhìn thấy kẽ tay. Toàn thân tôi run lên như bị sốt rét và dưới lưng thì đầy nước như đang nằm trên vũng nước và, nửa đêm thì bị mê sảng. Tình trạng này kéo dài cả đêm cho đến sáng thì ngưng lại và tôi đi tắm như người bình thường như không có bệnh gì cả. Tôi những tưởng chỉ bị một lần như vậy rồi chấm dứt chứ nào ngờ nó cứ lập đi lập lại cả vài ngày làm tôi hoảng quá phải đi gặp bác sĩ gấp…
… Hú hồn hú vía quá các quý ông “Việt kiều” ơi! Hèn chi ở Việt-Nam có quá nhiều ông chết lãng xẹt, có những người đến khi chết vẫn nghĩ là mình chết vì bị bệnh sốt rét. Cứ nhìn con rắn nuốt con chuột rồi mình nuốt trái tim con rắn vẫn còn đang đập. Rùng rợ và dã man quá!!!” (ngưng trích Văn Học Nguồn Cội)
2) Chuyện của một người Việt tại Hoa Kỳ
Mấy năm trước đây Hội Dược Sĩ VN tại Hoa Kỳ cũng có đăng một bài nói về một ca nhiễm giun đầu gai ở một Việt kiều lúc về thăm quê hương.
Trong thời gian ở VN, anh ta có nhậu với bạn bè món thịt rắn hổ mang, và đặc biệt là anh ta xơi sống nguyên tim rắn với hy vọng là sẽ được sung sức bằng 5 bằng 10 ngày thường.
Khi trở về Hoa Kỳ, anh ta bắt đầu ngã bệnh và có dấu hiệu mệt mỏi yếu sức lạ thường lại thêm sốt, nổi mề đay (urticaria) ở chân, đau ở vùng gan và ớn lạnh về chiều.
Kết quả xét nghiệm máu, cho thấy số bạch cầu eosinophils trong máu tăng cao 13.000.
Các bác sĩ bên Mỹ mò mẫm chữa trị bằng kháng sinh, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm.
Cuối cùng qua sự cố vấn của một nhà ký sinh trùng học, bác sĩ Nagami, thuộc The Centers for Disease Control & Prevention (CDC), bệnh đã được chẩn đoán chính xác: bệnh nhân đã bị nhiễm giun đầu gai Gnathostoma spinigerum.
Thuốc Albenza (Albendazole) đã được sử dụng để trị dứt bệnh…
Kết luận
Trường hợp có đi du lịch VN, Thái Lan hoặc Nam Mỹ, để phòng ngừa giun đầu gai chúng ta chỉ nên ăn thịt, cá, rắn, lươn, ếch vv… đã được nấu thật chín mà thôi.
Đông lạnh ở nhiệt độ trừ 20 độ C diệt được giun Gnathostomas spp.
Và nên nhớ câu “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”./.
NGUYỄN THƯỢNG CHÁNH, DVM
Đọc thêm
- A serious case of Parasitic Infection, Vietnamese Pharmacists Association in the USA
Corresponding Authors: Dung X. Dinh, M.D., Giang N. Trinh, D.Ph, Thomas D. Le, Ph.D
- Larval Gnathostoma hispidum detected in the red banded odd-tooth snake, Dinodon rufozonatum rufozonatum, from China. Cho SH, Kim TS, Kong Y, Na BK, Sohn WM
- Gnathostomosis, an EmergingFoodborne Zoonotic Disease inAcapulco, Mexico
- TS. Trần Phú Mạnh Siêu. Bệnh nhiễm giun đầu gai Gnathostoma tại các tỉnh phía nam
- Trái tim rắn
- Tiệc rắn làng Lệ Mật

1 nhận xét:

  1. Em mới đi học 1 lớp ẩm thực, gặp ngay món khoai là món gỏi cá. Món này ở vùng biển, e còn chưa dc ăn bjo ấy, làm sao mà chế biến được

    Trả lờiXóa