Ads 468x60px

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Địa danh quê nhà: Bãi Xàu, Sóc Trăng

Chùa Ba Thắc, Bãi Xàu, Sóc Trăng.
(Hình: Dulichsoctrang.org)
Nam Sơn Trần Văn Chi
Ai về thẳng tới Năm Căn
Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu.
Mắm nêm, chuối chát, khế, rau,
Tôm càng Ðại Ngãi cặp vào khó quên.
(Ca dao)

Bãi Xàu là địa danh của một vùng đất thuộc huyện Mỹ Xuyên, nằm cách Sóc Trăng 5 km. Xưa, nơi đây là một trung tâm kinh tế của tỉnh Sóc Trăng, hội tụ một nền văn hóa đặc sắc của người Việt-Hoa-Khmer, cùng nhau xây dựng đình, chùa, miếu, tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo.
Vào giữa thế kỷ 18, ÐBSCL đã xuất hiện nhiều tụ điểm mua bán sầm uất như cù lao Phố Biên Hòa, thương cảng Sài Gòn, thương cảng Hà Tiên và phố chợ Mỹ Tho. Riêng tại Sóc Trăng, sang thế kỷ 19 có nhiều trung tâm mua bán tấp nập như Ðại Ngãi, chợ Khánh Hưng, đặc biệt là Bãi Xàu, tên của huyện Phong Nhiêu, nay là Mỹ Xuyên, có diện tích 544,5km2, gồm 1 thị trấn và 15 xã với số dân 185,600 người.
Ðây là thương cảng mua bán gạo vào bậc nhất Nam Kỳ xưa, nơi có một lịch sử xuất cảng gạo thật đáng nể của người Hoa bấy giờ. 
Tại sao gọi Bãi Xàu 
Người Miên gọi nơi đây là Srok Bãi Xàu (xứ cơm sống), người Việt nói trại thành Bãi Xàu.
Bãi Xàu thời trước không phải là địa danh hành chánh nhưng tên Bãi Xàu được sử dụng khá rộng rãi trong dân gian.
Theo di chỉ khảo cổ học được khai quật vào năm 1994, tại thị trấn Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho thấy đây là một thương cảng lớn hồi đầu thế kỷ XX. Thương cảng Bãi Xàu được hình thành từ sông Ba Xuyên ăn thông ra sông Hậu, thuận tiện cho ghe xuồng, tàu lớn hoạt động liên tục suốt ngày đêm, là tuyến đường chính ăn thông với các xã huyện nhà, các huyện lân cận và liên tỉnh.
Có thể nói, trong buổi đầu khai phá, vùng đất Bãi Xàu là trong những địa phương trong khu vực Bassac có bước phát triển mạnh mẽ. Bãi Xàu cùng với Vàm Tấn và Rạch Gòi (Preck Koi) là những trọng điểm phát triển kinh tế thời bấy giờ, là bàn đạp và cũng là cửa ngỏ của cả hai tuyến đường bộ và đường thủy để đi vào nội địa của Sóc Trăng xưa.
Bãi Xàu, cửa ngõ Sóc Trăng
Ngày xưa, sở dĩ Bãi Xàu là trung tâm buôn bán đường thủy bởi bấy giờ giao thông đường bộ còn ít.
Gia Ðịnh Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Ðức đã ghi nhận:
“Ở Gia Ðịnh, chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hoặc để đi thăm người thân thích, hoặc chở gạo củi đi buôn bán rất tiện lợi. Ghe thuyền chật sông, ngày đêm đi lại không ngớt, cho nên nhiều khi đụng chạm nhau, bị hư hại rồi sinh ra kiện cáo, nhưng ai phải ai quấy thì thật khó xử đoán cho đúng lẽ.”
Hàng hóa thường được vận tải bằng đường thủy, trên những chiếc ghe lớn tải trọng chừng 200 hoặc 300 tấn gọi là ghe chài.
Ngành vận tải thủy Nam Kỳ hồi ấy khá phát đạt, nhưng do Hoa kiều khống chế. Họ dùng ghe nhỏ thu gom về chành xay xát, lưu kho rồi lại xuống ghe đi Sài Gòn, Chợ Lớn.
Mãi đến ngày 20 tháng 7, 1884, chỉ sau mười mấy năm chiếm trọn Nam Kỳ, người Pháp đã mở tuyến xe lửa đầu tiên chạy bằng hơi nước từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho, nhưng phải đến hết Thế Chiến Thứ I (1918) bến bắc Cần Thơ mới được hình thành. Từ đó những con lộ Cần Thơ đi Long Xuyên, Sóc Trăng mới được đắp từ từ.
Bãi Xàu do người Hoa không chế
Mạng lưới kinh doanh thương mại ở ÐBSCL trước năm 1945 đa số là người Hoa kiều. Công việc của họ thường là thu mua lúa gạo và hàng nông sản rồi bán lại không những trong khu vực mà còn chở ra ngoài Trung, ngoài Bắc và xuất sang một vài nước Ðông Nam Á.
Theo nhật ký của cố đạo Levavasseur vào năm 1769, thương cảng Bãi Xàu được hình thành nơi sông Ba Xuyên, gần mé sông, ăn thông ra sông Hậu.
Ngoài gạo, nơi đây còn buôn bán trái cây, rau, gà, vịt, heo. Lúa gạo ở đây thay vì chở lên Sài Gòn rồi mới xuất khẩu, các thuyền chủ hầu hết là người Hoa đã trực tiếp thu mua và bán thẳng cho các ghe buôn từ nước ngoài đến. Cửa sông lúc bấy giờ hơi cạn nên ghe lớn ra vào phải đợi con nước lớn mới vào tận cảng. Có lúc tàu buôn người Hoa vào đậu san sát từ 100-150 chiếc loại cà vom hoặc ghe chài để lấy gạo và đường.
Mãi cho đến thập niên 70 của thế kỷ trước, thương cảng Bãi Xàu nằm cặp chợ Mỹ Xuyên vẫn còn được coi là nơi mua bán lúa gạo thuận lợi nhất ở miền Tây.
Ðặc sản đất Bãi Xàu, Sóc Trăng
Nếu có dịp đến thăm Bãi Xàu Sóc Trăng, bạn đừng quên thưởng thức những đặc sản nổi tiếng lâu đời như bánh pía, mè láo, lạp xưởng, bún nước lèo... bánh phồng tôm, bánh cống.
Bánh phồng tôm “Bãi Xàu”
Bánh phồng tôm khá quen thuộc đối với người dân miền Nam. Nó thường được dùng chung với các món gỏi trong các buổi tiệc lớn nhỏ.
Bánh phồng tôm muốn ngon trước hết phải chọn tôm còn tươi, làm sạch, quết nhuyễn, thêm vào gia vị. Sau đó đem hỗn hợp này vò thành những viên nhỏ, cán mỏng thành hình tròn rồi đem phơi nắng.
Bánh được làm vào mùa khô vì như thế bánh phơi sẽ không bị đổi màu do và chiên lên sẽ phồng to hơn, thơm ngon hơn.
Bánh cóng
Là món ăn đơn giản, món “ăn chơi” hằng ngày, song món bánh cóng này rất nổi tiếng ở địa phương.
Bánh làm bằng gạo ngon ngâm trong hai đêm rồi mới xay làm bột.
Nhưn bánh là đậu xanh, thịt nạc xay, hành củ, tép bạc đất. Cái bánh cóng sau khi chiên vàng sậm, thơm phức nhờ nhưn bánh bên trong chín giòn bốc mùi ngào ngạt...
Ðặc biệt là nước mắm thì được pha chế từ nước mắm Phú Quốc chính hiệu hòa cùng với dưa chua. Các loại rau sống ăn kèm là cải xà lách, rau thơm, vài cọng hẹ... và không thể thiếu cải “tùa xại” cay nồng...
***
Ngày nay dầu thương cảng Bãi Xàu đã chấm dứt vai trò lịch sử. Nhưng nghiên cứu gần đây cho rằng thương cảng Bãi Xàu Sóc Trăng có rất nhiều ưu thế để phát triển cảng biển và dịch vụ vận chuyển, kho bãi đường sông, đường biển. Sóc Trăng đang hướng đến phát triển về mặt cảng biển để giảm chi phí vận chuyển đến Sài Gòn hay Bà Rịa-Vũng Tàu. 
Nam Sơn Trần Văn Chi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét