Luật rừng |
Phạm
Chí Dũng
Nếu
hiệu ứng vô chính phủ xảy ra, không thể nói khác hơn là tình trạng mất kiểm soát
ở Việt Nam có thể trở nên vô phương cứu chữa, rút ngắn tính chính danh của chính
thể và ghê gớm hơn nhiều là xâm hại những gì còn lại của một lịch sử văn
hóa.
Tình
trạng quá thiếu chính danh của cơ quan bảo vệ luật pháp khiến người dân không
khỏi chạnh nhớ vụ việc một nhóm 50 tên côn đồ tấn công dân chúng ở huyện Tiên
Lãng, Hải Phòng với mục đích đẩy đuổi dân khỏi mảnh đất chôn rau cắt rốn của họ.
Chỉ sau khi nông dân phẫn uất gào thét, cơ quan công an Tiên Lãng mới vào cuộc
để làm rõ hành vi một doanh nghiệp thuê mướn đám đầu gấu kia hành hạ dân
oan.
Tiên
Lãng lại là vùng đất nơi đã từng xảy ra sự kiện Đoàn Văn Vươn chấn động vào đầu
năm 2012, với đồng tác giả của vụ can thiệp cướp đất chính là những lãnh đạo của
chính quyền huyện - một đối tượng mà người dân Tiên Lãng không ngại ngần chỉ mặt
“còn tệ hơn chó!”.
Nhưng
xem ra, ngay cả nhân dân cũng đã bất công với loài chó - vốn được xem là thú
nuôi trung thành nhất với con người. Chỉ có những kẻ trộm chó mới nên được đem
ra so sánh với loại người “ăn đất” mất nhân tính.
Nhiều
kẻ trộm chó bị dân đánh đến chết
|
Trộm
chó lại đang là một mầm mống gây kinh hoàng ở nông thôn miền Bắc. Sự tăng tiến
vượt bậc của những tên trộm được thăng hoa bằng thứ súng hoa cải nhập lậu từ đất
nước của người bạn có tên “Bốn Tốt”, nay được dùng để bắn trả “người thi hành
công vụ”.
Đã
có không ít trường hợp “người thi hành công vụ” phải nhận lãnh thương vong khi
đuổi bắt kẻ trộm chó.
Khi
cuộc sống bị đẩy đến đường cùng, ngay cả giai cấp vô sản cũng quay ra cắn xé lẫn
nhau.
Người
ta nghe thấy ngày càng nhiều câu chuyện người dân thay thế cho lực lượng chức
năng nhà nước để xử tử kẻ trộm chó. Đã có đến hàng chục vụ đồng loại giết nhau
như thế trong vài năm qua.
Đốt
xe và đánh hội đồng đến chết - như một đặc trưng ghê sợ của nông thôn hiện đại
miền Bắc.
Sự mô tả đã lên đến cao độ khi hàng trăm người dân, với gậy gộc và cả dao rựa
trong tay, tấn công và giẫm đạp đến chết những kẻ bất lương đang rên rỉ - âm
điệu giống hệt những con chó bị chúng bắt cóc.
Báo
chí Việt Nam, sau một thời ngơ ngác, đã chợt bừng tỉnh khỏi cơn mơ
màng.
Nhưng
các ban biên tập cũng chỉ đến mức dè dặt nêu câu hỏi: vì sao đám đông lại trở
nên hung hãn đến thế?
Cũng
vẫn là những người được gọi là nhân dân đó, cũng vẫn là những người thuộc giai
cấp bị trị và một phần trong họ đang chớm có dấu hiệu của kẻ cùng
đinh.
Nhưng
những kẻ cùng đinh lại lý giải rằng sự bần hàn của họ được khơi nguồn từ chính
thái độ tột cùng của cực quyền:
đa số nhân viên công lực là những kẻ vô cảm, chỉ quan tâm những gì có lợi cho
mình.
Thực
tế là, đa số vụ trộm chó đã chẳng hề được các nhà chức trách quan tâm. Cũng bởi
không ít thành viên trong khối chức trách lại là những tín đồ trung hiếu của một
thứ dị đạo mà người dân ví là “vitamin gâu gâu”.
Trong
hai từ “nhân dân” và “quan chức” ấy, ai là kẻ hung hãn và mất nhân tính
hơn?
Nhưng
khi sự việc đã bị đẩy đến giới hạn tột cùng, công an và tòa án luôn lập tức xuất
hiện nơi công đường, và người ta xử án những kẻ chỉ đi bảo vệ cái mà pháp luật
không thể hoặc không muốn bảo vệ.
Những
cái án đã thành hình đối với những người dân thẳng tay với kẻ trộm. Nhưng còn một loại kẻ trộm khác móc của từ túi người dân thì
vẫn công nhiên dàn mặt nơi công đường. Phải chăng đó cũng là một thứ
luật thổ phỉ, không khác mấy thứ luật rừng mà người dân đang dùng để đối phó với
đồng loại cùng cảnh ngộ với họ?
Xã
hội Việt Nam đang manh nha những thứ luật rừng như vậy, từ nông thôn đến thành
thị. Nếu trước đây chuyện đánh chết kẻ trộm chó chỉ mới được kể ở hai tỉnh Nghệ
An và Hà Tĩnh, thì sau này nó đã được dân gian hóa ở khá nhiều địa phương như
Thanh Hóa và ngay tại thủ đô Hà Nội - nơi được coi là bộ mặt của dân tộc “ngàn
năm văn hiến”.
Hà
Nội cũng là nơi có đầy đủ các quan chức cao nhất, những chủ tọa có gương mặt
nghiêm khắc với tội danh chính trị nhưng lại dường như bỏ quên thảm cảnh xã hội
đang cận kề, tự mang trong mình căn bệnh chủ quan duy ý chí đối với một trong
những nguy cơ có thể gây thảm họa cho “sự tồn vong của chế độ” - như cảm thán
của Tổng bí thư đảng chỉ cách đây không quá lâu.
Vụ Tiên Lãng chứng kiến cảnh đối đầu giữa dân và chính quyền |
Chính
thể mất kiểm soát?
Mầm
mống hỗn loạn xã hội được cảm hứng từ những phản ứng tự phát của hành vi vô
chính phủ. Từ ý thức tuân thủ luật pháp vào thời chỉnh chu pháp luật, người dân
đang đánh mất dần nhận thức về sự tồn tại của một chế độ và cả về một nền văn
hóa lâu đời hơn nhiều so với chế độ đó.
Trong
hơn hai mươi năm qua kể từ khi mở cửa, đất nước này đã chạy theo tăng trưởng
kinh tế và vơ vét cá nhân mà gần như lãng quên trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn
hóa của nó, cho dù các nghị quyết của Đảng vẫn không ngớt nói đến những tính từ
“đậm đà” và “tiên tiến”.
Giáo
điều sẽ đẻ ra giả tạo và thái độ bất tuân. Sự
bất tuân thủ của người dân giờ đây đã vượt qua ranh giới của tâm lý cam chịu
trong bức xúc, khi đang tiến sang lãnh địa gieo mầm của những bức xúc được
chuyển hóa thành phản ứng tự phát.
Tất
cả những hệ lụy xã hội lại phát sinh từ tình trạng nền kinh tế bị lạm dụng và
phải chịu cảnh bị lợi dụng quá sức chịu đựng. Từ Bắc
chí Nam, những tập đoàn lợi ích thay nhau vò xé cơ thể mòn mỏi của dân tộc và
khiến cho ngày càng nhiều dân đen trở nên gày giơ xương. Đến khi đó,
quy luật tự ứng biến: những kẻ cùng quẫn biến phản ứng tự phát thành lối hành xử
bất tuân pháp luật, không cần đến pháp luật.
Tinh
thần bất cần vô chính phủ ấy giờ đây đang có triển vọng lan tràn trong dân chúng
và ở nhiều tỉnh thành.
Một hậu quả quá nguy hiểm mà chính quyền hình như không thể nhìn thấy là những
người dân bị coi là quá khích nhất đang nhìn rõ cái được gọi là “giới hạn sợ
hãi” và sẵn lòng “vượt qua sợ hãi”, dù rằng tinh thần sẵn sàng đó chỉ tiềm ẩn
nơi vô thức.
Những
dấu hiệu bạo ngược vô chính phủ trở nên lộ thiên một cách ngạo ngược và dường
như không thể lý giải trong con mắt vô cảm của chính quyền các địa
phương.
Vô
cảm chính quyền lại dẫn đến sự xúc phạm đến giai tầng dân chúng bị cai trị. Quan
chức càng tham lam và càng vô cảm thì người dân lại càng có lý do để thể hiện
lòng quyết tâm chống trả của mình.
Không
thể nói khác hơn là một nguồn dẫn từ hiện trạng vô chính phủ như thế đã khiến
cho tình trạng chống người thi hành công vụ mỗi lúc càng mạnh mẽ và quyết liệt
hơn. Ở nhiều nơi và vào nhiều thời khắc, không thiếu gì cảnh thanh niên tấn công
những cảnh sát giao thông chuyên “núp lùm” ăn tiền người đi đường. Nhưng chính
danh hơn nhiều là dũng khí dân oan sẵn sàng chống trả lực lượng cưỡng chế đất
đai.
Chỉ
có điều, những biểu hiện tự phát và vô chính phủ của người dân đang diễn ra một
cách manh mún và tản mát. Câu hỏi còn lại chỉ là đến
khi nào những mảnh vỡ ấy sẽ góp nhặt với nhau để trở thành một cái gì đó kinh
hoàng hơn - như một sự đối lập có tổ chức đối với các tổ chức thi hành công vụ
của chính quyền?
Nếu
tương lai không mong muốn đó xảy ra, không thể nói khác hơn là tình trạng mất
kiểm soát ở Việt Nam có thể trở nên vô phương cứu chữa, rút ngắn tính chính danh
của chính thể và ghê gớm hơn nhiều là xâm hại những gì còn lại của một lịch sử
văn hóa.
Phạm
Chí Dũng
Nguồn:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/07/130703_luat_rung_vietnam_comment.shtml
0 nhận xét:
Đăng nhận xét