Thưa các anh chị, các bạn,
Tôi vốn không định phát biểu mà nhường vinh dự thực hiện nghĩa
vụ công dân hôm nay cho một anh chị khác. Nhưng, các bạn đã quyết định trao cho
tôi vinh dự thực hiện nghĩa vụ công dân trong lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy
sinh tại Gạc Ma ngày 14.3.1988 tôi xin mạo muội thay mặt cho những người yêu
nước có mặt hôm nay nói lên lòng biết ơn vô hạn với 64 liệt sĩ đã anh dũng hy
sinh tại Gạc Ma, chống lại bọn Trung Quốc xâm lược.
Máu của các anh đã nhuộm đỏ nước Biển Đông, dù ai đó có muốn
làm mờ nhạt đi cũng không sao che được hình ảnh liệt sĩ Trần Văn Phương quyết
giữ chặt cờ Tổ quốc, đã tự quấn lá cờ quanh thân mình, ưỡn ngực ra trước họng
súng của kẻ thù đang nã đạn vào mình và đồng đội. Hình ảnh của chỉ huy tàu HQ
604 Vũ Huy Trừ, Lữ đoàn phó Trần Văn Thông, chỉ huy tàu Vũ Huy Lễ, người ra lệnh
cho đồng đội lao thẳng lên bãi cát đảo Colin quyết hy sinh giữ đảo. Máu các anh
đã loang trên Biển Đông. Máu người đâu phải là nước lã, máu các anh đã hòa vào
nước biển, vỗ vào bờ biển Việt Nam, vỗ vào trái tim của mỗi người Việt Nam yêu
nước.
Ai dám ngăn cản nhịp đập của trái tim yêu nước của các liệt sĩ
đang hòa cùng nhịp đập của những trái tim Việt Nam? Vì thế chúng ta có mặt ở đây
hôm nay. Cũng dịp này, hôm qua tại Khánh Hòa đã tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên
xây đài tưởng niệm "Những người đã ngã xuống phía chân trời" để
đời đời ghi nhớ những người con thân yêu của Tổ quốc đã hy sinh vì chủ quyền
thiêng liêng của tổ quốc.
"Những người đứng lại ở phía chân trời" đang nhắn
nhủ, nhắc nhở chúng ta: kẻ thù đang thực hiện "chiến lược đảo nhân
tạo" với lời tuyên bố ngạo ngược và trắng trợn của Vương Nghị, bộ trưởng
Ngoại giao Trung Quốc: những công trình xây dựng của chúng là xây trên sân nhà
chúng, không ai có quyền can thiệp. Đây là một thách thức mới đối với ý chí
Việt Nam, với truyền thống tự tôn dân tộc, phẫn nộ với chiến lược Biển Đông của
Trung Quốc.
Xin nhắc ngài ngoại trưởng họ Vương, không hiểu ngài có phải là
hậu duệ của Vương Thông, viên tướng chỉ huy quân xâm lược nhà Minh thế kỷ XV đã
bị đánh cho tan tác kinh hồn bạc vía không? Dù có hay không cũng xin mời ngài
nghe những lời Nguyễn Trãi trong "Đại Cáo Bình Ngô": "Mã Kỳ, Phương
Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển chưa thôi trống ngực. Vương
Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi. Nó đã sợ
chết cầu hòa, ngỏ lòng thu phục; ta muốn toàn quân là cốt, cả nước nghỉ
ngơi". Điều ấy nói lên rằng, hòa hiếu, hòa bình luôn là mong muốn của
ông cha ta suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Nhưng ngoại giao hòa hiếu không thể thực hiện nếu không có khí
phách của tinh thần bất khuất như sứ thần Đỗ Khắc Chung đã trả lời viên tướng Ô
Mã Nhi khi y hạch sách về hai chữ "Sát Thát" được khắc trên cánh
tay tướng sĩ Việt Nam: "vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ lên cánh
tay, vua của tôi không biết việc đó. Tôi là trung thần, sao không có"
nói đoạn, vén áo chìa cánh tay có hai chữ Sát Thát cho Ô Mã Nhi xem. Viên tướng
xâm lược sau đó nói với tả hữu rằng "không nhục mệnh vua, chúng nó còn
người giỏi, người tài, ta chưa dễ mưu tính được", rồi sai người đuổi
theo bắt để giết đi nhưng không kịp.
Để thấy rằng suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước,
ông cha ta có thừa kinh nghiệm đối phó với kẻ thù vì hiểu rất rõ chúng. Rõ ràng
là một quá khứ gần và một quá khứ xa đang dồn dập tái hiện và hòa quyện vào
trong thời điểm hiện tại của chúng ta. Quá khứ xa là tôi nói về cuộc chiến đấu
của ông cha ta ở thế kỷ XIII, XV. Quá khứ gần là trận chiến ở Gạc Ma ở Trường Sa
năm 1988 và trước đó là hải chiến Hoàng Sa năm 1974, tiếp theo là các cuộc chiến
đấu đẫm máu chống quân xâm lược Trung Quốc trên nhiều trận tuyến.
Biển Đông đang dậy sóng. Chúng ta không thể nào ngồi yên, vì
thế hôm nay chúng ta quy tụ lại ở đây. Để làm gì? Chỉ có một mục tiêu: Giương
cao ngọn cờ yêu nước chống kẻ thù xâm lược, hỗ trợ cho những ai đang cùng chúng
ta kiên quyết đấu tranh vạch trần mọi thủ đoạn của kẻ thù xâm lược.
Tôi nghĩ rằng, lòng yêu nước có nhiều cách biểu hiện, tuy
nhiên, bao giờ chúng ta cũng lựa chọn con đường ôn hòa, con đường thuyết phục.
Chính nghĩa nhất định thắng phi nghĩa, vì thế, thuyết phục để làm chuyển biến
những đầu óc đang còn lú lẫn, ngu muội cả tin vào những lời đường mật của kẻ
thù. Chỉ ra rằng không thể mơ hồ khi mà những toan tính của kẻ thù xâm lược đang
rất trắng trợn chẳng hạn như "chiến lược đảo nhân tạo" của chúng. Không chỉ đe
dọa chủ quyền lãnh thổ mà trước hết là buộc Việt Nam phải khuất phục để chúng
thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Vì vậy, chúng ta ở đây phải hết sức cảnh
giác và chúng ta kêu gọi mọi người phải cảnh giác với hành động mới của Trung
Quốc ở Biển Đông.
Chính vì thế, Đài "Tưởng niệm những người đứng lại phía
chân trời" phải thực hiện sứ mệnh cảnh giác đó. Cũng vì vậy, chúng hoan
nghênh phát biểu của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam tại buổi lễ nói
trên: "Đây là công trình tưởng niệm của toàn dân tộc". Cả dân tộc
nhớ đến những người đã ngã xuống ở Gạc Ma tại Trường Sa, đã hy sinh trong trận
hải chiến Hoàng Sa và trên Biển Đông để rồi đây còn phải đối phó với những âm
mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù. Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải kết làm
một, gắn bó với nhau vì một tiêu chống kẻ thù xâm lược. Đó là mục tiêu cao cả
nhất vào lúc này, phải biết gạt bỏ những khác biệt đẻ hướng vào mục tiêu chung
đó.
Nhân hôm nay, tôi kêu gọi mỗi chúng ta sẽ tham gia vào việc góp
đá xây dựng tượng đài tưởng niệm ấy, và tôi xin thực hiện ngay phần đóng góp nhỏ
nhoi của mình thêm một viên đá ấy.
Đề nghị bà con, anh chị em chúng ta để một phút mặc niệm những
chiến sĩ đã hy sinh ở Trường Sa, ở Hoàng Sa, những người đã ngã xuống ở phía
chân trời, máu của họ đã nhuộm đỏ Biện Đông. Phút mặc niệm bắt đầu.
Xin cám ơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét