Người xưa thường có tên húy do cha mẹ đặt, tên tục, tên thường dùng, tên
thụy (sau khi chết). Nhiều người có thêm tên tự (tên chữ), tên hiệu,
biệt hiệu. Ngày nay, các văn nghệ sĩ có bút danh, nghệ danh, biệt hiệu,
nhà buôn có thương hiệu, tu sĩ có pháp danh (Phật giáo), tên thánh
(Ky-Tô giáo), hướng đạo sinh có tên rừng ...
Trong ngành tình báo, kể cả trong tiểu thuyết gián điệp, các điệp viên
thường có nhiều tên hoặc bí danh, bí số khi hoạt động để tự giấu mình và
đánh lừa kẻ khác. Ngoài ra, còn có nhiều người thay tên đổi họ để lừa
bịp, lừa tiền hoặc lừa tình.
Kẻ trên trăm tên
Dầu là ngày xưa hay ngày nay, dầu thực tế hay tiểu thuyết, dầu là giới
tình báo hay những kẻ lừa bịp, trên cõi đời nầy, có lẽ không ai có nhiều
tên bằng Hồ Chí Minh (HCM), chủ tịch nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
tức Bắc Việt Nam trước năm 1975.
Theo thống kê chính thức của nhà cầm quyền cộng sản hiện nay ở trong nước, trong sách Những tên gọi, bí danh, bút danh của chủ tịch Hồ Chí Minh,
do Bảo tàng Hồ Chí Minh biên soạn, Nxb. Chính Trị Quốc Gia ấn hành năm
2001 ở Hà Nội, thì HCM có tất cả 169 bí danh, mà CS gọi là bút hiệu, bút
danh, vừa để hoạt động, vừa để viết báo. Sách nầy còn ghi thêm một số
bí danh nghi ngờ là của HCM mà người CS còn đang tìm hiểu thêm.
Hồ Chí Minh sống khoảng 80 tuổi. Từ khi sinh ra cho đến khi chết, HCM
dùng 169 bí danh, tính trung bình mỗi năm HCM có hai bí danh. Cũng theo
thống kê trên đây, trong 169 bí danh nầy, từ khi sinh ra cho đến năm
1954 (64 năm), HCM dùng 133 bí danh, nghĩa là trung bình một năm cũng
hai bí danh. Từ 1954, làm chủ tịch Bắc Việt Nam cho đến khi chết năm
1969 (15 năm), HCM có 36 bí danh. Vậy trung bình một năm, HCM dùng hơn
hai bí danh.
Trong bài nầy, chúng ta không nhắc lại tất cả những tên và bí danh của
HCM, chỉ xin nói đến một vài cái tên và bí danh đặc biệt mà thôi.
Nguyễn Tất Thành, hy vọng thành đạt
Đầu tiên, tên khai sinh của HCM là Nguyễn Sinh Cung. Giọng địa phương
nguyên quán Nghệ An của Nguyễn Sinh Cung, phát âm chữ Cung là Côông. Vì
vậy có tài liệu ghi tên cúng cơm của HCM là Nguyễn Sinh Côn. (Ví dụ:
Trần Quốc Vượng, Trong cõi, Nxb. Trăm Hoa, California, 1993, bài "Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia (kinh nghiệm điền dã)".)
Điều đặc biệt là anh của Nguyễn Sinh Côn tên là Nguyễn Sinh Khiêm
(1888-1950). Giọng địa phương phát âm chữ “Khiêm” là “Khơm”. Như thế,
một người tên Khơm, một người tên Côn. Tên hai anh em ghép lại đọc chung
là “Khơm Côn”. Đọc ngược hai chữ “Khơm Côn” nầy lại (nói lái) là “Khôn
Cơm”. Giọng địa phương (từ Nghệ An vào Thừa Thiên) “khôn” còn có nghĩa
là “không”. “Khôn cơm” nghĩa là không có cơm mà ăn. Có người lý giải
rằng vì tên của hai anh em nhà nầy “khôn cơm”, nên phụ thân là Nguyễn
Sinh Sắc (sau đổi tên là Nguyễn Sinh Huy) nghèo mãi. Người ta nói vì vậy
mà ông Sắc đổi tên hai con. Nguyễn Sinh Khiêm thành Nguyễn Tất Đạt. Còn
Nguyễn Sinh Cung (hay Nguyễn Sinh Côn) thành Nguyễn Tất Thành, hy vọng
về sau gia đình sẽ thành đạt, giàu có.
Nguyễn Ái Quốc: Chôm tên của nhiều người
Cái tên thứ hai đáng nói của HCM là Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Tất Thành làm
phụ bếp trên tàu Amiral Latouche-Tréville và theo tàu nầy rời Sài Gòn,
đi Pháp ngày 5-6-1911. Ông đặt chân đến Marseille, hải cảng miền Nam
nước Pháp, ngày 6-7-1911. Nguyễn Tất Thành làm đơn xin tổng thống Pháp
được đặc ân vào học Trường Thuộc Địa Paris để ra làm quan cho Pháp,
nhưng không được chấp thuận, nên Thành đành tiếp tục theo tàu hành nghề.
Sau thế chiến thứ nhứt (1914-1918), Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp giữa
năm 1919. (Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l 'Indochine au Vietnam,
Paris: Nxb. Gallimard, 1990, tr. 42.) Tại đây Nguyễn Tất Thành gặp Phan
Châu Trinh, đậu phó bảng tại Thừa Thiên (Huế) năm 1901, cùng khóa với
Nguyễn Sinh Huy, phụ thân của Nguyễn Tất Thành. Nhờ sự giới thiệu của
Phan Châu Trinh, Thành quen với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền. Qua
ba người nầy, Thành bắt đầu tiếp xúc với giới chính trị Paris, nhất là
giới chính trị đối lập với chính phủ Pháp.
Cả bốn ông (Trinh, Trường, Truyền, Thành) cùng dùng một bút hiệu chung là Nguyễn Ái Quốc (Daniel Hémery, sđd.
tt. 44-45), đồng ký bản “Revendications du peuple annamite” [Thỉnh
nguyện thư của dân tộc Việt], bằng Pháp văn, do Phan Văn Trường soạn,
gởi cho các cường quốc trên thế giới, đang họp Hội nghị Versailles tại
Paris sau thế chiến thứ nhứt, bắt đầu từ 18-1-1919. Thỉnh nguyện thư của
các ông xuất hiện lần đầu trên báo L'Humanité [Nhân Đạo] ngày 18-6-1919.
Trong bốn người cùng dùng chung bút hiệu (Nguyễn Ái Quốc), Phan Châu
Trinh, Phan Văn Trường đang bị mật thám Pháp theo dõi, không tiện ra
mặt; Nguyễn Thế Truyền là sinh viên du học, đang hưởng học bỗng của Pháp
để học ngành hóa học, nên không thể công khai chống Pháp; chỉ có Nguyễn
Tất Thành là người mới đến, chưa bị mật thám Pháp chú ý. Nguyễn Tất
Thành thường đại diện cả nhóm, dùng tên Nguyễn Ái Quốc để liên lạc với
báo giới và chính giới. Dần dần Nguyễn Tất Thành dùng luôn bút hiệu
Nguyễn Ái Quốc làm tên riêng của mình. Từ nay, Nguyễn Tất Thành được gọi
là Nguyễn Ái Quốc.
Hồ Chí Minh: Tiếm danh hay trở lại họ cũ
Cái tên thứ ba đáng nói nữa là Hồ Chí Minh. Cũng như tên Nguyễn Ái Quốc,
tên Hồ Chí Minh không phải do Nguyễn Sinh Cung chọn, mà Cung cũng tiếm
danh của người khác.
Nguyên hai nhà cách mạng Việt Nam ở Trung Hoa là Hồ Học Lãm và Nguyễn
Hải Thần, được sự giúp đỡ của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, thành lập Việt
Nam Độc Lập Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Minh tại Nam Kinh vào tháng
1-1936. Ngoài Hồ Học Lãm và Nguyễn Hải Thần, các hội viên nòng cốt khác
là Nguyễn Thức Canh, Đặng Nguyên Hùng, Hoàng Văn Hoan [bí danh là Lý
Quang Hoa, thuộc chi bộ Vân Quý tức Vân Nam và Quý Châu (Guizhou) của
đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD).]
Năm 1937, Hồ Học Lãm đến hoạt động ở tỉnh Hồ Nam, và lấy tên là Hồ Chí Minh. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí,
Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 168.) Cũng trong năm nầy, trước hiểm
họa xâm lăng của Nhật Bản, hai phe Quốc-Cộng Trung Hoa liên minh lần thứ
hai ngày 22-9-1937.
Do sự liên minh nầy, chính quyền Quốc Dân Đảng Trung Hoa cho phép đảng
CS hoạt động công khai trở lại. Vì vậy, vào mùa thu năm 1938, đảng Cộng
Sản Liên Xô, qua danh nghĩa Đệ tam Quốc tế Cộng sản, gởi Nguyễn Ái Quốc
từ Liên Xô qua Trung Hoa hoạt động trở lại với tên mới là Hồ Quang. Hồ
Quang liền liên lạc và điều động nhóm đảng viên thuộc cơ sở hải ngoại
đảng CSĐD.
Nhờ sự giới thiệu của Hồ Học Lãm, vào gần cuối năm 1940, một số đảng
viên CSĐD, dưới vỏ bọc là thành viên Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội
(Việt Minh), đến Quế Lâm (Guilin/Kweilin tỉnh Quảng Tây) gặp Lâm Uất,
phó chủ nhiệm hành dinh tây nam của Tưởng Giới Thạch. Lâm Uất đưa nhóm
nầy đến gặp chủ nhiệm của ông ta là Lý Tế Thâm. (Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, hồi ký. Portland, Oregon: Nhóm tìm hiểu lịch sử, 1991, tr. 134.)
Do tin cậy Hồ Học Lãm, cả Lâm Uất lẫn Lý Tế Thâm đã giúp đỡ họ, và không
biết nhóm nầy là những đảng viên CSĐD. Từ đó, những đảng viên CSĐD hoạt
động ở Trung Hoa cũng như ở trong nước, đều sử dụng danh xưng Việt
Minh, hay nói cách khác, đảng CSĐD đã chiếm dụng danh xưng tổ chức Việt
Minh của Hồ Học Lãm, làm tên mặt trận chính trị của đảng CSĐD. Trong khi
đó, từ cuối năm 1940, Hồ Quang (Nguyễn Tất Thành) sử dụng thông hành
khác mang tên là Hồ Chí Minh. Tên nầy vốn là bí danh của Hồ Học Lãm. Hồ
Chí Minh mới (Hồ Quang, Nguyễn tất Thành) ngụy trang là ký giả của một
tờ báo do Cộng Sản Trung Hoa điều khiển. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, sđd. tr. 161.)
Với bí danh khác là Già Thu, Hồ Chí Minh (HCM) trở về Việt Nam ngày
28-1-1941, sống ở Pắc Bó (Cao Bằng), lập Mặt trận Việt Minh ở trong
nước. Tại đây, thay mặt Quốc tế Cộng sản, Già Thu tổ chức Hội nghị Ban
chấp hành Trung ương đảng CSĐD lần thứ 8 từ ngày 10-5 đến ngày 19-5-1941
tại Pắc Bó. Sau đó, Già Thu tiếp tục qua Trung Hoa hoạt động khoảng từ
tháng 8-1942, lấy luôn bí danh của Hồ Học Lãm là HCM, làm tên mới của
mình. Hồ Chí Minh bị bắt tại trấn Thiên Bảo (Quảng Tây) ngày 29-8-1942
và được tha ngày 10-9-1943. (Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người & huyền thoại, tập 2, sđd. tt. 278, 283.)
Từ đây, HCM trở thành tên chính thức của Nguyễn Sinh Cung, kể cả khi lên
làm chủ tịch Bắc Việt Nam năm 1954, cho đến cuối đời. Trần Quốc Vượng,
một sử gia cộng sản ở trong nước, giải thích như sau về hiện tượng trên:
"Nguyễn Ái Quốc sau cùng đã lấy lại họ Hồ vì cụ biết ông nội đích
thực của mình là cụ Hồ Sĩ Tạo, chứ không phải là cụ Nguyễn Sinh Nhậm." (Trần Quốc Vượng, sđd. tr. 258.)
Trước sau vụ việc theo lời kể của Trần Quốc Vượng là như sau: Nguyễn
Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) là con của
Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy). Nguyễn Sinh Sắc là con của Nguyễn
Sinh Nhậm. Trước khi đám cưới, bà vợ của Nguyễn Sinh Nhậm đã có mang với
cử nhân Hồ Sĩ Tạo, cho nên Nguyễn Sinh Nhậm chỉ là người cha trên giấy
tờ của Nguyễn Sinh Sắc mà thôi, còn người cha thực sự của Nguyễn Sinh
Sắc là Hồ Sĩ Tạo, tức Hồ Sĩ Tạo là ông nội thực sự của Nguyễn Sinh Cung.
Vì vậy, Nguyễn Sinh Cung rất bằng lòng với danh xưng Hồ Chí Minh, là họ
của ông nội ruột của ông. Câu chuyện nầy, ngày nay ở quê của HCM, tức
huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, ai cũng biết và ai cũng đều xác nhận là
đúng sự thật.
C.B. là 'Của Bác', chứ của ai vô đó
Ngày 20-4-1953, sắc lệnh Cải cách ruộng đất (CCRĐ) đợt thứ 3 được ban
hành. Nơi thực hiện đầu tiên là Thái Nguyên. Người bị đấu tố đầu tiên là
bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu buôn Cát Hanh Long nên người ta quen gọi là
bà Cát Hanh Long. Bà Cát Hanh Long bị đem ra đấu tố ba lần và bị giết
ngày 9-7-1953.
Bà Cát Hanh Long (bà Năm) là một quả phụ, nổi tiếng là nhà kinh doanh
tài ba, hào hiệp, giúp đỡ nhiều người. Từ 1945 đến 1951, bà Cát Hanh
Long đã từng dùng nhà mình làm nơi hội họp, nghỉ ngơi, che giấu, ăn ở,
nuôi dưỡng cán bộ CS, trong đó có những nhân vật cao cấp như Trường
Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn
Chí Thanh, Lê Thanh Nghị, Lê Giản, Hoàng Tùng... Bà còn đóng góp nhiều
tiền bạc cho VMCS, nên việc đấu tố và xử tử bà Cát Hanh Long gây nhiều
dư luận bất bình.
Vì vậy, trên báo Nhân Dân ngày 21-7-1953, xuất hiện bài viết nhan đề là “Địa chủ ác ghê” của
tác giả C.B. nhằm trấn an dư luận. Bài báo lên án nặng nề địa chủ Cát
Hanh Long (Nguyễn Thị Năm) cùng hai con là những địa chủ gian ác, bóc
lột, dã man. Bài báo còn tố cáo gia đình bà Cát Hanh Long vừa trực tiếp,
vừa gián tiếp giết chết 260 người.
Theo hồi ký của Hoàng Tùng, từng là bí thư Trung ương đảng CSVN, khi
nghe tin cố vấn Trung Quốc yêu cầu xử tử bà Cát Hanh Long, có người báo
tin cho HCM biết. Họp Bộ chính trị đảng CS, HCM nói: “Tôi đồng ý
người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát
súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy lại giúp đỡ cho cách
mạng. Người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ đánh bằng một
cành hoa.” (Internet: Hồi ký Hoàng Tùng, mục “Những kỷ niệm về Bác Hồ”.) Hoàng Tùng còn cho biết rằng khi cố vấn Trung Quốc nhiều lần đề nghị, HCM nói rằng: “Thôi tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cho là không phải.”
Theo một tài liệu mới xuất bản vào giữa năm 2014, tác giả là một người
đã từng là ký giả báo Nhân Dân Hà Nội, có nhiệm vụ viết bài tường thuật
vụ xử án bà Cát Hanh Long, khi xảy ra vụ án thì: 1) Hồ Chí Minh bịt râu,
hóa trang để đến dự đấu tố. 2) Trường Chinh đeo kính đen để khỏi bị
nhận diện khi tham gia cuộc đấu tố. 3) Sau khi bà Năm bị giết, cán bộ
mua một cái hòm thật rẻ tiền để chôn địa chủ “gian ác”. Vì rẻ tiền nên
hòm nhỏ quá, bỏ xác người chết vào không lọt. Cán bộ CS kết án bà Năm
thêm lần nữa, là chết rồi mà còn phản động, không chịu chui vào hòm. Cán
bộ CS liền đứng lên đạp xác bà Năm xuống; xương gãy kêu răng rắc rất
rợn người. (Trần Đĩnh, Đèn cù, Hoa Kỳ: Người Việt Books, 2014, tr. 86.)
Sự hiện diện của HCM và Trường Chinh trong phiên tòa đấu tố nầy chứng tỏ
tầm mức quan trọng của cuộc đấu tố bà Cát Hanh Long và cũng chứng tỏ cả
hai đều quyết tâm giết bà Cát Hanh Long ngay khi mở đầu cuộc CCRĐ năm
1953.
Lúc đó, chỉ có giới cán bộ cao cấp và một số người trong báo Nhân Dân
(trong đó có Trần Đĩnh) mới biết được C.B. đích thị là ai? Còn đại đa số
dân chúng, trong thời gian dài, không biết C.B. là ai? Gần đây, trên
Internet, có tài liệu phát hiện C.B. là bút hiệu của HCM dùng trên 147
bài đăng trên nhật báo Nhân Dân từ tháng 3-1951 đến tháng 3-1957. Những
người làm việc trong báo Nhân Dân giải thích rằng hai chữ C.B. là “của
bác”, chứ còn ai vô đó nữa. Ngày nay, bộ Hồ Chí Minh toàn tập đã được
phổ biến rộng rãi. Mọi người có thể vào từ tập 6 (1951-1952), sẽ thấy
rất nhiều bài viết HCM ký tên C.B. đăng trên báo Nhân Dân, và đăng lại
trong sách nầy; ví dụ các trang 186, 187, 188-190, 202-204, 209-212,
215-220... (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, 1951-1952, in lần thứ hai, Hà
Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000.) Hồ Chí Minh lên tiếng có thể nhắm
cho đảng viên biết rằng vụ xử tử bà Cát Hanh Long là chủ trương của đảng
để chấm dứt chuyện bàn tán, phê bình.
Như vậy có nghĩa là bên ngoài thì HCM tỏ ra rất đạo đức, thương tiếc nạn
nhân, nhưng bên trong, chính HCM là người quyết định cái chết của ân
nhân Nguyễn Thị Năm. Đúng là “khẩu Phật tâm xà”, một kẻ đạo đức giả gian
ác, nham hiểm như Nguyễn Du đã mô tả: “Bề ngoài thơn thớt nói cười,/ Mà trong nham hiểm giết người không dao.” (Truyện Kiều câu 1815-1816.)
Trần Dân Tiên, T.Lan: Thổi ống đu đủ
Thổi ống đu đủ là trò chơi của trẻ con Việt Nam, dùng cọng lá đu đủ làm
ống, chấm nước xà phòng rồi thổi thành bong bóng bay lên trời. Trong văn
học, có hai tác giả chuyên thổi ông đu đủ hết sức tài ba là Trần Dân
Tiên và T. Lan. Trần Dân Tiên là tác giả sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, và T. Lan là tác giả sách Vừa đi đường vừa kể chuyện.
Quyển sách thứ nhứt xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc năm 1948, sau đó ấn
hành ở Paris năm 1949. Sau năm 1954, Nx, Văn Nghệ Hà Nội tái bản năm
1955, rồi Nxb. Sự Thật tái bản nhiều lần, và sau năm 1975, Nxb. Trẻ tái
bản ở Sài Gòn.
Sách Vừa đi đường vưa kể chuyện được đăng lần đầu trên báo Nhân
Dân năm 1961 và sau đó Nxb. Sự Thật tái bản nhiều lần. Những tái bản sau
cùng do Nxb. Trẻ ở Sài Gòn đảm trách.
Lúc đầu, người ta không biết hai tác giả Trần Dân Tiên và T. Lan là ai?
Người ta cũng không tìm ra hai người nầy ở đâu, vì chẳng ai có đứng ra
nhận mình là Trần Dân Tiên hay T. Lan. Tuy nhiên dần dần người ta cũng
tìm được hai bút danh nầy đều là của HCM. Trước hết, các phiếu sách
trong thư viện nhà nước đề là: “Trần Dân Tiên, T. Lan: tìm HCM”.
Điều nầy cho người đọc tự động hiểu rằng Trần Dân Tiên và T. Lan chính
là HCM. Tuy nhà cầm quyền CS không chính thức xác nhận điều nầy, nhưng
những nhà nghiên cứu trong nước hầu như đồng thừa nhận Trần Dân Tiên và
T. Lan là HCM. Có tài liệu cho biết bản gốc sách của T. Lan hiện còn
được cất giữ ở Phủ chủ tịch Hà Nội.
Trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Trần Dân Tiên đã viết trong phần đầu sách: "Một
người như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và
đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể lại cho tôi nghe
bình sinh của người được?” (Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời
hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb. Sự Thật, Hà Nội 1976, tr. 9.) Một người
dùng một cái tên khác viết sách, tự khen mình là khiêm tốn không muốn
nói về mình, rồi sau đó, suốt trong quyển sách lại kể lể, tự đề cao sự
nghiệp của mình, thì không biết nên xếp kẻ đó vào loại người gì đây?
Trong sách nầy, chẳng những HCM tự đề cao mình mà còn chê bai những anh
hùng dân tộc như Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, hoặc đả
kích các nhà đấu tranh khác như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ
Hồng Khanh, hoặc triệt hạ tổ chức hay đảng phái khác.
Cuối sách nầy, Trần Dân Tiên viết: "Nhân dân gọi Chủ tịch là cha già của dân tộc, vì Hồ Chủ tịch là người con trung thành nhất của Tổ quốc Việt Nam."
(Trần Dân Tiên, sđd. tr. 149.) Lời nầy cho thấy HCM muốn gợi ý để được
người Việt Nam gọi ông là cha già của dân tộc, nhưng không được hưởng
ứng, nên ông quay qua dùng chữ "bác". Ở đây lại thấy HCM thậm khôn, vì
trong cơ cấu gia tộc Việt Nam, bác là anh của cha, bác lớn hơn cha và
đứng trước cha trong sinh hoạt đại gia đình, hoặc lễ nghi tế tự.
Sách Vừa đi đường vưa kể chuyện do HCM tự kể tự viết, nhưng dùng
một cái tên khác là T. Lan, một cán bộ đi theo HCM trên bước đường công
tác. Câu chuyện bắt đầu từ khi HCM hoạt động ở Pháp từ năm 1919, rồi
những năm hoạt động ở Nga, Trung Hoa, cho đến khi về nước và chiến dịch
1950. Dĩ nhiên luôn luôn xen kẻ những lời xưng tụng HCM là người yêu
nước, đầy sáng kiến, tài ba, khoan dung...
Hồ Chí Minh sáng tạo ra hai con rối Trần Dân Tiên và T. Lan trong hai
quyển sách do HCM viết ra trên đây, nhắm thổi ồng đù đủ để ca tụng chính
mình, tự quảng cáo mình, huyền thoại hóa tên mình, mà một người tự
trọng bình thường không bao giờ làm thế. Những người không biết Trần Dân
Tiên và T. Lan là ai, nhất là các trẻ em ngây thơ, được học hai quyển
sách nầy trong nhà trường, nên một thời lầm lẫn tôn sùng thần tượng HCM.
Tuy nhiên khi lớn lên, biết được sự thật là Trần Dân Tiên và T. Lan chỉ
là HCM trá hình, thì chẳng những sẽ thất vọng mà còn khinh bỉ. Thì ra
HCM cũng có ngón nghề thổi ống đu đủ, tự bơm, tự nổ. Khổ một điều, ai
phát hiện kẻ đạo diễn của hai tên thổi ông đù đủ nầy, thì ngậm mà nghe
chứ không dám nói ra, vì nói ra sẽ bị báo cáo và bị CS bắt bỏ tù.
Trên trăm tên để làm gì?
Hồ Chí Minh có 169 tên, không ai có thể nhớ hết được. Ngay cả HCM có thể
cũng không nhớ hết được. Một câu hỏi đặt ra là HCM dùng nhiều tên,
nhiều bí danh để làm gì?
Thông thường, một người không dùng tên mình, mà dùng một tên khác trong
công việc, vì sợ lộ bí mật, muốn giấu mặt, giấu lý lịch, nhất là trong
những hành vi thiếu trong sáng, phi pháp, bất chính. Càng nhiều tên càng
muốn giấu mặt thật kỹ. Ngay cả vua Bảo Đại (trị vì 1926-1945) cho đến
tháng 8-1945 không biết HCM là ai? (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Nxb. Xuân Thu, 1990, tr. 188.)
Hồ Chí Minh hầu như muốn “chôn” luôn tên do cha mẹ đặt ra tức tên Nguyễn
Sinh Cung, dùng trên một trăm tên khác nhau tùy vào giai đoạn hoạt động
trong cuộc đời của HCM:
Từ nhỏ cho đến khi đến Pháp năm 1919: 11 tên
Từ 1920 đến khi về nước năm 1941: 73 tên
Từ 1941 đến 1945 (cướp chính quyền): 13 tên
Từ 1946 đến 1954 (thời chiến tranh): 36 tên
Từ 1955 đến 1969 (chủ tịch nước): 36 tên
Cộng: 169 tên
Nhìn vào bảng thống kê trên đây, từ khi còn nhỏ cho đến năm 1919 (khoảng
30 năm), HCM có 11 tên, tuy là ít so với tổng số tên trong toàn cuộc
đời HCM, nhưng có thể nói là đã nhiều so với cả đời người bình thường.
Lý do có thể là ngay từ khi vừa mới lớn, HCM mặc cảm hay xấu hổ về nguồn
gốc gia đình mình, vì vậy tránh dùng tên do gia đình đặt.
Nguyên do là khi mới lớn ở nguyên quán (Nam Đàn, Nghệ An), chắc chắn HCM
nghe được dân làng truyền miệng về nguồn gốc của cha mình. Đó là Nguyễn
Sinh Nhậm chỉ là cha hờ của Nguyễn Sinh Sắc (Huy), tức ông nội hờ của
HCM, còn Hồ Sĩ Tạo mới là cha thật của Nguyễn Sinh Huy (Sắc) tức ông nội
thật của HCM. Đây là một điều rất xấu hổ trong xã hội nề nếp Việt Nam
ngày xưa, nhất là ở nông thôn, nơi mà người người biết nhau, nhà nhà
biết nhau. Điều nầy có thể ám ảnh Nguyễn Sinh Cung và tạo ra tâm lý bất
thường nơi người thanh niên từ khi mới lớn cho đến cuối đời, sợ người ta
phát hiện cha mình là đứa con hoang.
Hơn nữa, HCM lớn lên trong thời đại khoa bảng Hán học. Con ông phó bảng,
nghĩa là cũng con nhà có học, mà thanh niên nầy lại không có học vị,
chẳng có bằng cấp gì, vì nếu có học vị, có bằng cấp giấy tờ, thì HCM
không thay đổi tên tuổi vì thay đổi thì văn bằng hết giá trị. Vì những
mặc cảm trên đây, HCM thay đổi tên họ nhiều lần ngay cả trước khi hoạt
động chính trị và gián điệp.
Từ năm 1920 cho đến năm 1954, tức từ khi tham gia hoạt động chính trị ở
Pháp, rồi gia nhập đảng CS Pháp, qua Nga (Liên Xô), qua Trung Hoa, về
Việt Nam, đến khi lên làm chủ tịch Bắc Việt Nam, HCM có 122 tên.
Cần chú ý là từ năm 1920 trở đi, xảy ra một khúc quanh quan trọng trong
đời HCM. Đó là HCM gia nhập đảng Xã Hội Pháp, rồi đảng Cộng Sản Pháp. Vì
vậy, HCM được Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS) chọn qua Liên Xô để huấn
luyện năm 1923, Tuy nhiên HCM không đủ trình độ văn hóa, nhất là ngôn
ngữ và toán học để học chủ nghĩa Mác-xít, vì HCM chỉ mới học tới lớp 6 ở
trường Quốc Học Huế, lại chưa biết tiếng Nga. Do đó, tại Học Viện Thợ
Thuyền Đông Phương ở Moscow, HCM chỉ học cấp tốc về nghề gián điệp, làm
nhân viên tình báo cho ĐTQTCS để mưu sinh. Nghề nầy phù hợp với khả năng
ứng xử linh động mau lẹ của một người giảo quyệt như HCM, vốn là một kẻ
giang hồ, lăn lóc trên các bến tàu trong các chuyến hải hành quốc tế.
Vì là một gián điệp chuyên nghiệp, được đào tạo chính quy tại Học Viện
Thợ Thuyền Đông Phương ở Moscow, HCM có thói quen thay họ đổi tên của
một gián điệp, thường dùng tên giả để hoạt động. Hơn nữa, những hoạt
động của HCM là hoạt động chính trị tả phái khuynh đảo, phá hoại nên
phải luôn luôn thay đổi tên họ để tránh bị theo dõi và bắt giam.
Trong thời gian hoạt động tranh đấu cướp chính quyền, cần phải ẩn trốn,
cần phải tránh né, HCM dùng nhiều bí danh, có thể cho là bình thường,
Tuy nhiên, điều đặc biệt là trong giai đoạn từ 1955 đến khi chết (1969),
tức thời kỳ làm chủ tịch nước, quyền uy tột đỉnh, không còn phải sợ ai
cả, HCM vẫn sử dụng 36 tên giả trên báo chí, không đề tên thật.
Đường đường là chủ tịch một nước độc tài toàn trị, chẳng còn sợ ai, tại
sao lại phải dùng nhiều tên giả để viết báo? Như thế phải có âm mưu gì?
Nếu những âm mưu nầy không gian trá, không bất chính, thì tại sao HCM
phải giấu tên? Điều nầy cho thấy HCM là một người bản chất xảo quyệt,
mang não trạng bệnh hoạn của một tên đại bịp, chuyên lừa đảo người khác,
ném đá giấu tay.
Hơn nữa, HCM là con người hết sức tham vọng, chủ trương thổi tên HCM
thành một huyền thoại cao quý, để cho dân chúng ngưỡng mộ HCM, không
muốn ai nghĩ xấu về HCM, nên HCM đặt tên HCM riêng ra một bên. Trong lúc
đó, khi có nhu cầu tự ca tụng mình, hay tấn công người khác, ném đá
giấu tay, thì HCM dùng đến bí danh, chứ không dùng tên mình, dù đang là
chủ tịch nước, nhằm bảo vệ thanh danh riêng của HCM. Đây là tâm lý của
một người sùng bái cá nhân trong các chế độ độc tài.
Kết luận
Tóm lại, HCM có 169 cái tên, bí danh, bút danh, bút hiệu, vừa trong thời
gian hành nghề gián điệp, hoạt động bí mật, và cả trong thời kỳ cầm
quyền, làm chủ tịch nước. Dầu chế độ CSVN có ca tụng gì đi nữa, có tung
hê HCM đến đâu đi nữa, HCM dùng 169 tên để giấu mặt, là bằng chứng rõ
ràng HCM là một kẻ xảo quyệt, gian trá, tráo trở, đạo đức giả, chuyên
ném đá giấu tay, chứ chẳng hay ho gì việc ẩn danh đánh phá kẻ khác.
Hồ Chí Minh không phải chỉ là “một kịch sĩ có biệt tài đánh lừa kẻ đối thoại" như Bernard Fall viết trong Les deux Viet-Nam (Nxb. Payot, Paris, 1967, tr. 102), mà HCM còn là tên lừa đảo muôn mặt, bịp bợm nhất trong lịch sử Việt Nam. (Trích: Một thế kỷ lừa đảo, sẽ xuất bản.)
(Toronto, Canada)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét