Ads 468x60px

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Y đức ở đâu?

T. Bình
Những vụ bê bối liên tục xảy ra ở các bệnh viện gần đây có phải là hồi chuông báo động về “y đức” trong xã hội hiện nay?
Trang nhất báo Tuổi trẻ số ra sáng thứ Tư 7-8 đưa một “chuyện động trời” ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội: hàng ngàn người xài chung kết quả xét nghiệm. Theo bài báo, có khoảng 1.000 kết quả xét nghiệm huyết học tại bệnh viện này được dùng chung cho khoảng 2.000 bệnh nhân.
Trong số này có rất nhiều nhóm (từ 3-4 người, thậm chí 5 người) có chung chỉ số sinh hóa, ngày giờ xét nghiệm, ngày giờ in phiếu kết quả xét nghiệm… Đoàn công tác của Bộ Y tế nhận định, vụ “động trời” này không đơn giản là sai sót về chuyên môn như lý giải của những người trong cuộc mà là giả mạo, gian lận, gây hậu quả nghiêm trọng.
Phiếu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) của hai người khác nhau nhưng các kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn giống nhau.
Được biết, Công an TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra vụ gian lận kết quả xét nghiệm này từ hai tháng trước và thu giữ nhiều tài liệu liên quan. Một lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội cho rằng, đây còn là một thủ thuật rút ruột quỹ bảo hiểm y tế…
“Chuyện động trời” ở bệnh viện Hoài Đức bị phát giác chưa lâu sau nhiều sự cố gây chấn động khác; chẳng hạn như trường hợp bé sơ sinh ở Núi Thành bị bệnh viện đa khoa Quảng Nam trả về cho gia đình “lo hậu sự” khi bé vẫn còn sống mới ngày 5-8 vừa qua, hay trường hợp các em bé sơ sinh ở Quảng Trị tử vong sau khi tiêm vắc-xin chủng ngừa viêm gan B… Còn vô số những câu chuyện khuất tất khác vẫn xảy ra hàng ngày ở các bệnh viện, từ việc nâng giá thuốc, lạm dụng yêu cầu xét nghiệm hay “nuôi bệnh” để trục lợi… đôi khi được hé lộ trên báo chí.
 
Cháu bé sơ sinh con chị Quy được bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chuẩn đoán tử vong, nhưng khi chở về nhà vẫn còn sống và suýt bị chôn sống.
Tuy không thể lấy một vài trường hợp riêng lẻ để quy kết chung về một ngành nghề, nhưng những sự cố liên tục như vậy không khỏi khiến cho người dân lo lắng và đặt nghi vấn về hoạt động của hệ thống y tế nước nhà, làm niềm tin của xã hội đối với ngành y bị lung lay dữ dội.
Điểm chung của những chuyện buồn này là gì? Sơ sót nghề nghiệp hay là sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của những người mặc áo blouse trắng mà xã hội vẫn tôn vinh là “thầy thuốc”? Làm thế nào để chấm dứt thực trạng đáng buồn này để người dân có thể yên tâm đặt sinh mệnh và sức khỏe của mình, của con em mình vào bàn tay chăm sóc của thầy thuốc?
 (Theo TBKTSG)
T. Bình

0 nhận xét:

Đăng nhận xét