Ads 468x60px

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Văn hoá nhặt rác

Một cậu bé 4 tuổi đang nhặt rác trên đường. Hình minh hoạ.
Kim Chi
Mình đem con sang Úc từ tuổi học mẫu giáo. Những gì nó được học từ nhỏ cũng dạy cho mình được nhiều điều. Mình viết ra những suy nghĩ này về những gì mình thấy tận mắt ở nước ngoài và những gì đang thấy ở trong nước.
Khi dẫn con đi chơi ngoài phố nếu nó nhìn thấy có tý rác trên đường là nó cũng cúi xuống nhặt rồi tìm cho ra chỗ để bỏ vào thùng rác mới thôi. Thấy con biết tự giác ở nhà, mình hài lòng lắm, nhưng mà cả những khi đang đi chơi ở đâu, nó cũng cứ nhặt rác giữa đường như thế nên mình mới lấy làm lạ. Hỏi thì được nghe nó bảo là cô giáo dạy thế. 
Trẻ con tuổi này được cô giáo dạy từ lời ăn, tiếng nói đã đành, lại còn được rèn giũa ý thức “phải nhặt rác” ở trường học, ở nhà và cả ở ngoài đường phố nữa. Trong những đợt trường cho các cháu đi chơi hoặc đi dã ngoại, đều có mục cho bọn trẻ thu rác. Các cháu được trang bị găng tay, khẩu trang, đội mũ, được phân công làm sạch từng khu vực nơi vui chơi. Có tới vài chục cháu nhỏ, nhưng khi kết thúc chuyến đi chơi ra khỏi nơi nào là nơi ấy chắc chắn không có một tý rác nào để lại.
Các cháu được dạy phải bỏ rác đúng nơi quy định, nếu không thấy thùng rác thì phải gói rác trong bọc nilông mang lên xe, hoặc xách tay đem về nhà chứ không được vứt lung tung. Ngay cả trước khi cả nhà lên đường đi đâu đó, cháu cũng nhắc người lớn đừng quên mang theo túi để đựng rác. Bây giờ ở Hà Nội và Sài Gòn, thỉnh thoảng cũng thấy tụi nhỏ học trường quốc tế và các thầy cô giáo người nước ngoài đeo găng tay đi nhặt rác trên đường phố làm cho người ta lạ lắm!
Bọn trẻ đi nhặt rác như ngày hội hoạt động ngoài trời hứng thú, thì tự nhiên sẽ thấm nhuần việc không được xả rác ra đường. Thói quen đó sẽ trở thành hành trang cho các em khi trưởng thành. Nếu trường học của chúng ta cũng rèn học sinh làm thế thì đường phố của chúng ta sẽ bớt rác đi nhiều.
Thản nhiên xả rác ra đường. Hình minh hoạ.
Nguồn: moitruongxanh.org.vn
Bây giờ ở Việt Nam thấy nhiều người bình thản xả rác, ngay cả những nơi thùng rác có đó, nhưng trong thùng thì rỗng không, rác vẫn đầy khắp nơi ngay xung quanh thùng! Đi đâu ở nước ta từ nông thôn đến thành thị đều thấy rác hiện diện. Những nơi xây dựng đô thị mới có vẻ tận dụng hết đất làm nhà, không để ý khu tập kết rác, hành trình thu rác và cơ sở xử lý rác. Những công trình phục vụ “rác” không làm ra tiền, mà làm tăng chi phí công trình cho nhà đầu tư nên không được quan tâm là điều dễ hiểu. Những người có trách nhiệm thì hoặc là vì xa rời thực tế, hoặc là vì quá bận bịu với những trách nhiệm tầm cao, nên không coi trọng vấn đề ở tầm...dưới đất! 
Có dịp ngồi chuyện trò với vài người kiến trúc sư được giao trách nhiệm thiết kế chợ ở địa phương, thấy họ quan tâm tính toán chia lô, khoanh chỗ làm gian hàng để bán và để cho thuê nhằm đạt lợi nhuận tối đa cho nhà thầu, không để ý dành diện tích cho việc bỏ rác, tập kết rác, chuyển rác. Bởi vậy nên khi chợ mới xây xong trông khang trang, khi đưa vào hoạt động, bà con cứ thế đổ rác ra quốc lộ! Công nhân môi trường đến giờ tan tầm mới mang xe tới dọn rác, thế là chợ mới bớt đẹp vì ai cũng ta thấy núi rác lù lù cả ngày giữa mặt tiền!
Các gia đình chúng ta lau nhà rất kỹ, guốc dép bỏ ra ngoài, nhà ai cũng chật chội nên sàn nhà là nơi sinh hoạt cho cả gia đình, lúc nào cũng phải giữ sạch sẽ. Nhưng ống cống đổ nước thải lại đưa thẳng ra lối đi chung, rác cũng quét ra đường, túi rác gia đình cũng vất ra đường, ai cũng làm thế cả nên đó là chuyện bình thường.  Hầu như ai cũng cho rằng chuyện rác không phải là việc của mình. Vì quan niệm của người dân cho đó là trách nhiệm của bên môi trường đô thị, cho nên những công nhân quét đường và dọn rác phải làm việc thật cực nhọc và luôn trong tình trạng quá tải. Dù người dọn vệ sinh đông đến mấy đi nữa cũng không làm sao kịp chuyển đi lượng rác khổng lồ đang được người người, nhà nhà tống ra đường mỗi lúc mỗi nơi.
Phản tác dụng! Hình minh hoạ. Nguồn: nld.com.vn
Bỏ mặc việc rác cho ai đó cũng là nguợc với với trào lưu ngày nay trong cộng đồng. Ngay tại các nước châu Á, thật ấn tượng thấy cách người ta xử lý rác. Người Nhật ở nông thôn và tỉnh nhỏ dọn sạch đoạn đường phía trước nhà mình, “cất” rác vào nhà để xử lý theo hệ thống thu gom công cộng. Ở Đài Loan có nhiều loại xe chở rác, xe lớn tới đường lớn, xe nhỏ vào hẻm nhỏ, hẻm bé nữa thì có cái xe bé bằng xe lam thu rác theo giờ cố định. Người dân không bỏ rác ra đường, mà tới giờ xe qua thì mang túi rác ra “nộp”. Xe rác được sơn màu sáng vui mắt, phát tiếng nhạc êm dịu, công nhân nhặt rác mặc đồng phục chỉnh tề. Ngay cả những thành phố nhỏ trên đảo ở Philippine, xe rác không bóp còi hoặc gõ kẻng, nhưng cứ tới giờ đó là xuất hiện với tiếng chào hỏi vồn vã “hello, hello” của những công nhân theo xe rác. Họ cũng khiêng vác nặng nhọc, cũng chạy tới lui giúp cư dân bỏ rác lên xe, cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại trong nắng hè như ở ta, nhưng cái riêng của người Philippine là lúc nào cũng sẵn nụ cười, rồi khi xe đi lúc nào cũng “bye bye” vui vẻ. 
Du khách không được đem chewing gum vào Singapore.

Ở Singapore thì áp dụng lệnh cấm không cho nhập khẩu và kinh doanh buôn bán kẹo cao su, không cho khách du lịch mang kẹo cao su vào nước họ, để triệt hết đầu cung cấp, vì mục tiêu giữ cho đường phố không bị dính bã kẹo cao su. Mới nghe thì thấy chính sách ấy có vẻ khắc nghiệt, nhưng khi thấy đường phố của họ chỗ nào cũng sạch đẹp thì mới hiểu. 
Nhìn lại ở mình dù là trong nhà hát, nơi quảng trường, nơi công viên hoặc đường phố ở đâu cũng dây đầy vết đen từ bã kẹo cao su dính lại. Các công trình nhà ở cũng thế, từ cầu thang  lối đi trong các tòa nhà cao cấp ra đến ngoài đường đều lem nhem nhuốm bẩn do rác, do đủ thứ gây bẩn. Để ý thấy các quán ăn nhà hàng dù có để thùng rác, nhưng khách vẫn thản nhiên vứt giấy ăn, bỏ xương, vứt rác xuống sàn. Những nhà hàng nào thấy sàn nhà càng trắng xóa rác rưởi tức là nơi ấy đông khách lắm đấy! Những làng xóm ven đường lộ và đường xe lửa mới càng khủng khiếp, vì ngoài lượng rác tại chỗ chưa biết đổ đi đâu, còn phải tiếp nhận số rác xả xuống từ xe đò và xe lửa chạy ngang địa phương ấy.
Nhìn những đống rác ở nông thôn thì thấy rõ là người dân tiện đâu bỏ đó. Phong cảnh đồng quê xinh đẹp bị nhuốm bẩn bởi những cái bịch nilông và rác rưởi mắc ngang cành cây, bay phất phơ trên ngọn cỏ, nổi lềnh bềnh nơi ao hồ và vương vãi cả ở ngoài đồng. Thế mới thấy vấn nạn của thời hiện đại tại nông thôn cũng ghê gớm chẳng kém gì nơi đô thị. Các vị chủ khách sạn và chủ tàu bè tại các khu du lịch than rằng ngại đón khách nội địa vì người ta cứ thích đem theo đồ ăn đồ uống, dùng xong là xả rác, bỏ vỏ hộp, vỏ thùng khắp nơi, làm cho việc dọn dẹp mất nhiều công sức.
Đất nước chúng ta có nhiều cảnh thiên nhiên ngoạn mục, nhưng khách du lịch đi đến nhiều nơi không hiếm cảnh phải nín thở tìm đường thoát vì mùi hôi của xú uế, kể cả ở những nơi thiêng liêng như đình chùa và nơi chiêm bái cũng không phải là ngoại lệ.
Một người nước ngoài “chăm chỉ” nhặt rác 
tại Hồ Gươm vào mỗi sáng Chủ Nhật.
Mình về hưu ở chung cư trong thành phố nhỏ, thấy rác nhiều quá nên mình từng đứng ra nói mọi người tham gia dọn rác tại chung cư vào ngày cuối tuần như việc làm tự nguyện. Ý tưởng này là do hồi còn bên Úc, mình thỉnh thoảng cũng tham gia với các phụ huynh làm công ích cho trường của con trong những dịp cuối tuần. Mình đã tưởng đó là việc làm hay, cứ “gương mẫu làm đầu tầu” thì thế nào cũng sẽ được mọi người ở hưởng ứng, nhưng thật không ngờ lại bị người ta mắng cho mới khổ chứ! 
Những người đã không tham gia còn bảo “chung cư đã có nhân viên vệ sinh, vẽ chuyện làm gì.” Mình làm việc ấy đúng một lần, nhưng vẫn hy vọng sẽ làm nữa để giúp tạo thành nếp “công ích” cho chung cư. Nhưng khi mình có lời với bà con hàng xóm để tiếp tục thì được nhắc nhở là phải được phép của tổ trưởng dân phố, hoặc phải thông qua chi bộ phường xóm, hoặc phải trình bày với hội phụ nữ, hoặc xin hội phụ lão vì “làm gì cũng phải có tổ chức”, chứ cứ tự nhiên đi vận động bà con thế này thế nọ là không được đâu. Nản quá, mình đành bỏ cuộc.
Kêu ca thì dễ, cơ sở hạ tầng không thể có ngay, bỏ công sức ra tự làm cũng không xong, có lẽ việc này phải bắt đầu từ khâu giáo dục ý thức con người.
Có thùng rác cũng như không.
Giáo dục trẻ từ tuổi nhỏ, trong nhà trường như là giáo dục ý thức công dân là việc làm được ngay mà không phải đầu tư gì tốn kém. Chỉ cần bớt đi những nội dung giáo dục vô bổ, sẽ dành được thời gian rèn cho trẻ có thói quen tốt với bản thân, với gia đình và xã hội trong vấn đề rác. Còn hiện trạng thì cơ sở hạ tầng thu gom rác ở khắp nơi đều rất thiếu, việc giáo dục đã yếu lại nặng về hình thức, không chú trọng tới những yêu cầu thiết yếu của đời sống.
Hành động xả rác thiếu suy nghĩ của con người đang xảy ra ở tất cả mọi nơi, thậm chí mình thấy các vị cha mẹ còn xui con đổ rác ra đường, quẳng rác đi đâu cũng được, kể cả vứt sang nhà hàng xóm, thì khó hi vọng chúng ta có môi trường vệ sinh sạch sẽ trong tương lai. Bây giờ đang “bó tay” thế này thì chúng ta còn phải sống chung với rác lâu đấy.
Nỗi khổ chẳng của riêng ai, chúng ta không những đang làm ô nhiễm môi trường nơi mình đang sống, mà cả khi một số người Việt ra nước ngoài cũng mang theo thói quen vứt rác lung tung, trở thành hình ảnh người Việt xấu xí trong mắt người ta, thì thật là xấu hổ quá. 
Kim Chi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét