Hà Văn Thịnh
40 người chết và mất tích,
243.000 nhà dân bị lũ cuốn trôi hoặc bị hư hỏng, 3.000 ha lúa và hoa màu bị phá
hủy (NLĐ, 18.11.2013)…, chỉ mới là những con số thiệt hại sơ bộ do cơn lũ
(thiên tai thì ít) và do con người (nhân tai thì nhiều) xả nước vô cảm, vô
nhân… Vậy mà, các quan chức cứ đổ lỗi vòng quanh, tìm mọi cách để lấp liếm sự
thật. Chưa hề thấy một chút xót xa, đồng cảm với nỗi đau của người dân một chút
gọi là. Chưa bao giờ và chưa thấy ở đâu có những quan chức “vì dân” tệ hại và
ác tàn như thế!
Ngụy biện 1
Họ cho rằng lập ra hàng trăm
đập thủy điện là có quyết sách từ cấp cao nhất nên bên dưới (các bộ, ngành, địa
phương) không hề sai. Nếu thế, người dân biết trông chờ vào ai, vào đâu khi
phải
chết oan chết uổng, khi phải màn trời chiếu đất, khi phải mất trắng cả đàn
gia súc, gia cầm, ruộng lúa, đồng khoai? Việc phải dừng hàng trăm dự án thủy
điện chỉ nói lên cái đúng một phần của sức ép dư luận nhưng cái cơ bản nhất
chính là: Nó làm tòe loe những bộ mặt, “kế hoạch”, “tầm nhìn” vừa dốt, vừa tham
của đủ loại quan chức đang cầm cân nẩy mực làm cho xã hội, tương lai của đất
nước, giống nòi điêu tàn, đau đớn.
Ngụy biện 2
Cái gọi là “điều tiết” trong
những trận lũ hồi tháng 9 và mới đây được các cơ quan “chức năng” lý giải là do
thiên nhiên, “nếu không xả thì thiệt hại sẽ nặng hơn”… chỉ là sự ngụy biện trơ
tráo. Thử hỏi, khi thi công bất kỳ công trình liên quan đến tác động của tự
nhiên nào (kể cả nhà ở) có tính đủ, tính đúng đến sức nước, sức gió, động đất
hay không? Tính sai, tính qua loa, tính kém, tính tiền là tính chính nên mới
gây ra các tai họa liên tiếp như thế. Mặt khác, trong điều kiện người dân thiếu
thông tin (mất điện, không biết mở đài, mở TV giờ nào; trong khi lại xả lũ giữa đêm, ngay cả khi không mưa …).
Tại sao không thể điều 5-10 chiếc trực
thăng phát loa đến tận xóm làng? Không có bão nên không thể đổ thừa cho bão
là không bay được; còn, tốn kém vài tỷ đồng tiền xăng dầu, chi phí cho mấy
chuyến bay chẳng lẽ là việc không thể làm được sao?
Ngụy biện 3
50.000 ha hay hàng trăm ngàn
ha rừng bị tàn phá chủ yếu là do “mượn” thủy điện để ăn cướp tài nguyên rừng vô
tội vạ. Có mùa lũ nào mà dân bị lũ không vớt được hàng ngàn m3 gỗ trôi từ phía
các đập thủy điện trôi về? Chuyện đâu phải chỉ năm nay mà nhiều năm trước đã có
rồi. Đã có ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm hay chưa? Chẳng lẽ gỗ nó tự đứt, tự
trôi?
Ngụy biện 4
Thủy điện được coi là nguồn
điện năng rẻ nhất nhưng đầu tư càng nhiều thì giá điện lại càng… tăng? Nếu tính
chi li từ các khoản tăng giá điện và các khoản nợ (mỗi người dân phải gánh vài
triệu đồng cho các dự án) thì ngành điện đang ăn nên làm ra từ nỗi đau của hàng
triệu con người. Thử thống kê xem có nước nào trên thế giới có chuyện cười ra
nước mắt vậy không?
Ngụy biện 5
Nếu tính đủ các thông số bão,
lũ từ hàng trăm năm qua sẽ không có chuyện các đập thủy điện không chịu được
sức ép của lũ. Đập xây cao, xây chắc thì tốn kém về đầu tư, chậm thu hồi vốn.
Vả lại, mục đích phá rừng, ăn bớt vật liệu là chính nên chỉ cần mưa nhiều hơn
một chút là đua nhau xả lũ ầm ầm. Không có một cơ quan nào đứng ra chịu trách
nhiệm nên bây giờ mới mất bò, lo chuồng, thành lập vội vàng Ban điều hành… Hãy
xem thông báo sau đây của Trung tâm Dụ báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thì
biết rõ ngay rằng chẳng có biến động thời tiết nào phức tạp cả, vậy mà dân vẫn
chết oan thì mới thấy đau và nhục đến mức nào!
NHẬN ĐỊNH XU THẾ THỜI TIẾT THÁNG 11 NĂM 2013 CÁC KHU VỰC TRÊN
PHẠM VI CẢ NƯỚC: Lượng
mưa tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ với TBNN cùng thời
kỳ, với lượng mưa dao động trong khoảng từ -20% đến 20% so với TBNN cùng thời
kỳ. Các tỉnh Nam Trung Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ dưới so với TBNN cùng thời kỳ,
với lượng mưa thấp hơn từ 20% đến 40% so với TBNN.
Những người
phụ trách các đập thủy điện xả lũ vô trách nhiệm, coi cuộc sống, sinh mạng của
người dân như cỏ rác phải bồi thường và phải bị truy cứu trách nhiệm nghiêm
khắc. Những cơ quan lập ra dự án, tạo ra vô số tai ương cho đất nước cũng phải
chịu trách nhiệm tương tự. Không thể có một đất nước mà mọi sai lầm đều đổ hết
lên đầu dân còn quan chức cứ cò cưa ngụy biện vòng quanh, ngang nhiên ve vẩy
những nụ cười thỏa mãn vô lương. Việc UBNN Phường Thủy Châu, TX Thủy Xuân, TTH
ăn chơi, nhảy múa chỉ là “một con sâu” bị báo chí bắt gặp trong khi hàng đàn
sâu khác đang tung tăng bơi cùng dòng nước lũ! Chợt nhớ đến sự thật xót xa hồi
nào nay vẫn còn nóng hổi: Năm nay có lẽ cán bộ ăn Tết to hơn vì có bão lụt!...
Huế, 7h00, 19.11.2013.
Hà Văn Thịnh
Hà Văn Thịnh
Tác giả gửi Quê Choa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét