Buổi tối qua cầu vượt mới toanh ở ngã tư Nguyễn Tri Phương- 3/2, Sài Gòn.(Hình: Phan Chánh) |
Phan Chánh
Nhiều
bà con ở xa muốn biết chuyện đi ra đường ở Sài Gòn gần đây có gì ngộ.
Nếu nhanh miệng nói không cần nghĩ thì đó là mấy cây cầu vượt mới toanh .
Với bà con Việt kiều thì ba cái cầu vượt là thứ xưa rồi Diễm, nhưng đối với dân Sài Gòn, mấy cây cầu chống kẹt xe này khá ngộ.
Ông Tình, người làm nghề cho mướn dù ở Chợ Thiếc rất có hứng thú với
mấy cây câu vượt. Ông nói. "Tui mà quởn là xách xe rủ vợ chạy tà tà qua
cầu vượt ngắm cảnh hóng gió. Dễ gì có được chuyện chạy tà tà ngang đầu
ngọn cây ngó vô sân thượng mấy cái nhà lầu."
Không tính những cây cầu vượt ở ngã tư Thủ Đức, vòng xoay Hàng Xanh
và những cây cầu ở các cung đường vành đai khác, hiện nay nội ô Sài Gòn
có cầu vượt Lăng Cha Cả, ngã tư Nguyễn Tri Phương - 3/ 2, bùng binh
Cây Gõ. Những người thích phóng xe tà tà hóng gió cầu vượt, chỉ cần đi
từ bùng binh Dân Chủ đến cầu Phú Lâm thì sẽ được hai lần ngất ngưỡng
thoát khỏi đám đông ùn ùn trên đường phố.
Được biết các cầu vượt ở nội ô Sài Gòn không phải là cầu bê tông cốt
thép xịn, dân thợ hồ gọi loại cầu này là cầu giả bê tông. Nhà cầm quyền
thì gọi là cầu vượt bằng thép. Hẳn nhiên chỉ có thời hạn sử dụng và
trọng tải tàm tạm, không ai biết bao lâu thì dỡ bỏ làm cái cầu tàm tạm
khác dù mỗi cây trị giá khoản trên dưới 300 tỷ đồng Việt Nam.
Trước cái viễn cảnh các đô thị lớn ở Việt Nam thi nhau cho mọc lên
cầu vượt tàm tạm, dư luận người Sài Gòn cho rằng: Mấy quan tham càng
xây nhiều cầu vượt tàm tạm thì hốt tiền càng ngon.
Thiệt tình mà nói mấy cây cầu vượt phần nào đó cũng giúp giảm nạn
kẹt xe triền miên, nhưng trớ trêu là nếu xe bon bon qua cầu vượt thì vừa
xuống cầu là dồn cục ở những giao lộ sát cầu vượt. Thế nên, theo người
dân thì một trăm năm nữa vẫn chưa hết chuyện.
Mấy ông quan cộng sản làm qui hoạch giao thông đô thị theo kiểu nông
dân vác cuốc khai nước mương, cứ nước ứ đọng ở đâu là ngờ nghệch cuốc bờ
tới đó, cuốc miết cho đến khi banh chành mới thôi.
Về chuyện hứng thú lên cầu vượt hóng gió của một số người quởn việc
thì có người cho rằng làm như vậy là không văn minh; nhưng với một số
người khác thì chuyện văn minh giao thông ở Việt Nam là thứ xa xỉ, mà ai
cố sống sao cho văn minh thì dễ trở thành nạn nhân của tai nạn giao
thông.
"Qua cầu vượt thì sướng rồi nhưng lúc đi theo tuyến xe ở dưới cầu thì
cứ sợ có cha nào đó quăng rác, nhổ nước miếng trên đầu mình. Nói thiệt,
mấy cây cầu này mới xây người ta còn ngó ngàng, chớ chừng vài năm nữa
nếu đi theo tuyến dưới cầu ai không lo sập bất tử thì cũng sợ chuyện mấy
tay say sỉn đứng trên cầu tè xuống, dân nhậu đái đường xứ này nhóc
luôn." Một bác tài xe ôm, nhà ở quận 11, nói về sự tiện lợi và bất lợi
của cầu vượt.
Vì cái chuyện họp chợ nhóm, bán hàng rong... trên các cây cầu ở Việt
Nam không còn là chuyện lạ nên nhiều người dự đoán vào những tháng nóng
bức, nếu nhu cầu hóng gió trên cầu vượt được đám đông hưởng ứng thì
chắc ăn rằng các cây cầu vượt sẽ thành những cái shop mini và tụ điểm
giải trí nho nhỏ ở trên cao.
Nếu có việc này thì không thể trách người Sài Gòn vì thử hỏi một đô
thị với hơn 10 triệu dân nhưng chỉ có lèo tèo mấy cái công viên và hễ có
khoảng trống tương đối dễ thở là trước sau gì cũng bị chính quyền quản
lý bán vé thu tiền hoặc bán cho tư bản đỏ làm của riêng để kinh doanh.
(PC)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét