Ads 468x60px

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Văn minh và Văn hóa

Trần Trường Sa
Nhìn những sự kiện lớn nhỏ gần đây, thấy chán ngán, tôi chẳng có hứng thú nói lên điều gì nữa. Y đức ư? Hết hy vọng! Nghĩa tử - Nghĩa tận ư? “Người ta ăn không chừa cái gì” đúng như bà phó Doan nói! Công lý ư? Đã mất hết từ lâu!... Đấy là những gì bị bộc lộ ra qua vụ Cát Tường; ngoại cảm; Nguyễn Thanh Chấn… Nay đọc được một việc mà có thể nhiều người coi là nhỏ: Đồng tiền có mùi gì? - Đào Tuấn - Theo Báo Lao động - choáng váng đành có mấy dòng tâm sự xót xa. Chuyện kể rằng:
“Vào một buổi trưa, bà L - đi ngang trường Hùng Vương - nhìn thấy cháu nội là Lã Thị Th V đang đứng bơ vơ trước cổng trường đóng kín. Hỏi cơ sự thì cháu V nói không được ăn cơm vì chưa nộp tiền. Sáng hôm sau, bà đưa cháu đến trường và khất cô tài vụ hẹn buổi trưa sẽ đến đóng tiền và được phòng tài vụ đồng ý. Vậy mà trưa hôm đó khi đến trường đóng tiền, bà L một lần nữa lại thấy cháu nội của mình đứng dưới cái nắng chang chang trước cổng trường đang đóng kín… Hóa ra, nguyên do của việc bị đuổi cổ ra ngoài cổng trường trong giờ các bạn ăn trưa chỉ là vì chậm nộp tiền.” 
Chúng ta đang đào tạo cái gì đây? Cháu V, bạn bè cháu V chứng kiến chuyện này sẽ trở thành những con người như thế nào trong mai sau? Sau này các cháu trưởng thành, chế độ này coi các cháu là “con người XHCN”. Vì các cháu sẽ là những sản phẩm đồng loạt của chế độ chứ không phải là cá biệt như Nguyễn Anh Tuấn; Từ Anh Tú; Đỗ Minh Hạnh; Nguyễn Phương Uyên…
Cơ sự do đâu nên nổi này!? Gần 40 năm qua, từ sau 1975 - không chỉ ở miền Nam mà ngay ở cả miền Bắc – Văn minh và Văn hóa đi ngược chiều nhau. Nhờ tiếp cận với văn minh nhân loại, nền văn minh của nước nhà đi lên bao nhiêu lần thì văn hóa toàn dân lại tuột dốc bấy nhiêu lần. Nguồn cơn là do chúng ta dùng một căn bản man rợ (chuyên chính) để tiếp thu những phát minh nhân bản (có được do tự do sáng tạo). Điều này, ta có thể hình dung như dùng một chiếc túi mục đi đựng những con dao sắc. Nhất định những con dao này sẽ lần lượt chích thủng túi để lòi những đầu nhọn ra ngoài. Một thời chúng ta cứ đổ lỗi cho tính sắc nhọn của những con dao (mặt trái của nền kinh tế thị trường). Kỳ thật là do túi của ta mục (bản chất tha hóa của chuyên chính).
Ngày xưa, khi tan trường học sinh tiểu học sắp hàng một đi ra cổng trường về tận nhà, thầy cô dìu theo từng bước (bị cho là sự kìm kẹp phong kiến). Ngày nay, tan trường học sinh chen chúc nhau tìm phụ huynh (cũng đang chen nhau); người ô tô, kẻ xe máy đón con đi học thêm cho kịp giờ; cô giáo vội vã về đi chợ (được cho là bình đẳng giữa giáo viên và học sinh). Than ôi! Cái các em học được trong giờ học thêm chỉ có thể là một chút văn minh rất nhỏ, nhưng cái các em đánh mất là cả một khối văn hóa khổng lồ.
Ngày xưa, thước đo giá trị con người là phẩm giá, trí tuệ. Những gia đình giàu có, những tiểu thư danh giá luôn dành sự ngưỡng mộ cho các chàng trai học hành giỏi dang, chăm chỉ, trung thực và lể độ (bị cho là tư tưởng tiểu tư sản). Ngày nay sự ngưỡng mộ đó lại dành cho các chàng trai ăn diện hàng hiệu, đi xe đắt tiền, tác phong sành điệu (được cho là thiết thực).
Từ sau 1975, tôi được nghe rất nhiều người diễn giải câu châm ngôn “Có thực mới vực được đạo” theo nghĩa của chủ nghĩa duy vật. “Thực” được hiểu là “ăn”. Thời “gạo châu, củi quế” cái ăn được ưu tiên hàng đầu. Câu châm ngôn “No thành Phật, thành tiên; đói ra ma, ra quỷ” được đem ra biện giải cho mọi hành đông phi nhân, giả dối. Cách giảng nghĩa của tôi: “thực” ở đây là “thực tiễn’ trở nên lạc lõng. Việc ăn thịt gà phải dùng kéo được cho là khôn ngoan, “samit nói ít hiểu nhiều, 3 số 5 vừa nằm vừa ký”… ai cũng cho đó là những chuyện nhỏ mang tính tế nhị, “miếng trầu là đầu câu chuyện”… đúng theo truyền thống. Không ít kẻ được cha mẹ nuôi bằng thịt gà ăn bằng kéo nay là cán bộ cao cấp trong đảng và nhà nước; lắm kẻ ngày trước khi đi xin việc trong túi ít nhất 2 bao thuốc (1 bao samit hoặc 555 và 1 bao Đalat) nay là Giám đốc, Tổng giám đốc các cơ sở kinh tế lớn của nhà nước. Di họa của chúng hôm nay toàn dân gánh chịu không nhỏ tí nào!
Trở lại câu chuyện em V bị bỏ đói ở trên, các cô trường Hùng Vương cho đó là công bằng, là đúng với tư duy trong chế độ XHCN ngày nay. Công bằng về mặt vật chất (làm ít - hưởng ít; làm nhiều - hưởng nhiều). Nó không công bằng về mặt nhân văn (chị ngã – em nâng). Nhưng chế độ này có coi trọng nhân văn đâu mà xét. Một thế hệ “máu lạnh” mới đang được hình thành trong nhà trường XHCN.
Tư duy “đảng ta lãnh đạo đánh Pháp, đuổi Mỹ giành độc lập thì đảng ta cầm quyền mãi mãi chẳng cần hỏi ý kiến nhân dân” là một lối lý luận hàm hồ mang tính cướp giật tiêu biểu, là cội nguồn của mọi suy thoái văn hóa, đạo đức xã hội suốt mấy mươi năm qua.
Ông Nguyễn Phú Trọng bảo “không biết 100 năm nữa đã thấy CNXH hoàn thiện hay chưa ?” nhưng vẫn cương quyết buộc dân ta phải đi tìm cái chưa biết hình thù đó là gì. Thế thì cái “thực” của ông Trọng là gì? Chưa có thực tiễn làm sao có lý thuyết? Khoa học giả tưởng ư?
“Tại tuyên bố xã hội dân sự, họ đòi hỏi đảng ta phải cải cách thể chế chính trị, chuyển từ chế độ “toàn trị” sang “dân chủ”, mở đầu bằng việc sửa đổi Hiến pháp”- Quân đội Nhân dân. Hẳn người viết phải cho là chế độ “toàn trị” ưu việt hơn chế độ “dân chủ”? Đây hẳn là tư tưởng của các lãnh đạo chóp bu trong đảng? Sao không trưng cầu dân ý đúng nguyên xi hai khái niệm này: “Dân thích được toàn trị hay thích được dân chủ?”
Những phát ngôn trơ tráo, vô cảm không chỉ dừng lại ở báo Nhân Dân, báo QĐND… mà còn xuất hiện nhan nhản trên các diễn đàn cấp trung ương. Thái độ, phát ngôn của một số cán bộ cấp trung ương về các sự vụ chết người của ngành y, về xã lũ thủy điện, về khai thác bôxit, về điện hạt nhân, về làm đường sắt cao tốc, về sửa đổi hiến pháp, về những bê bối trong ngành tư pháp, về nạn lộng hành của công an, về nạn tham nhũng, về sự lúng túng quanh co trong cải cách giáo dục, trong bang giao với Trung Quốc… càng minh chứng văn hóa xã hội chúng ta đã xuống tận đáy. Đó là sản phẩm được tạo ra do sự lãnh đạo của đảng. Tinh hoa văn hóa còn sót lại chỉ là những mãnh vụn manh mún trong nhân dân chưa tập hợp lại được thành cái chung, cái phổ biến.
Việc bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa cũng bị lợi dụng một cánh vô văn hóa để làm tiền. Ngày hội đoàn kết toàn dân trở thành những bữa ăn nhậu toàn xóm, toàn làng có ngân sách nhà nước hổ trợ một phần. Ngày nhớ ơn thầy cô giáo trở thành ngày giáo dục thực hành kỹ năng đưa quà…
Chỉ có dân chủ mới cứu vãn được đạo đức xã hội đang xuống tận đáy của chúng ta. Tôi rất trân trọng ý kiến của các vị trí thức (trong đó có rất nhiều người đã từng hay hiện nay đang là đảng viên Cộng sản), nhưng càng ngày càng thấy nỗ lực của quý vị muốn đảng cộng sản thay đổi dần dần đem lại dân chủ cho xã hội càng trở nên vô vọng. Câu nói của Yeltsin: “Cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không thể thay đổi được” không chỉ đúng ở Đông Âu mà còn đúng cho cả Đông Á.
Trần Trường Sa 
19/11/2013

0 nhận xét:

Đăng nhận xét