Ads 468x60px

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Hoa trái ngày Tết Sài Gòn

Bưởi hồ lô và dưa thỏi vàng được bày bán
tại chợ Bến Thành. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Văn Lang/Người Việt
Chợ hoa Tết mở sớm nhất năm nay có lẽ là khu Thành Thái (con đường Thành Thái-Bến Hải bán hoa quanh năm), nếu không kể tới khu nhà vườn của “làng hoa” Gò Vấp trên đường Phan Huy Ích, thì kế đến là Bến Bình Ðông “khai hoa” từ ngày rằm 15 Tháng Chạp, tới ngày 23 thì đồng loạt các chợ hoa lớn nhỏ (khoảng 128 điểm) còn lại đều tưng bừng khai hội.  
Năm nay trời lạnh, suốt từ trước Giáng Sinh cho tới cận Tết Nguyên Ðán, ảnh hưởng nhiều tới hoa, nhất là hoa mai. Trời càng lạnh Mai càng “ngậm nụ” không chịu nở, trái ngược với năm trước, nắng vàng rực rỡ lại thêm mấy cây mưa khiến Mai nở bung trước Tết, nhiều nhà vườn Mai thuộc Thủ Ðức, Bình Chánh đều “méo mặt.” 
Năm nay, tại “bản doanh” công viên Gia Ðịnh (khu ngã ba chú Ía cũ) hoàn toàn vắng bóng Mai vàng miền Trung, lý do là Mai miền Trung bị trận bão “lịch sử” mới đây tàn phá nặng nề. 
Trên đường phố Sài Gòn chiều 26 Tết, chúng tôi thấy một bác lớn tuổi chạy chiếc Honda cũ chở theo một chậu mai, cây còn nhỏ mà nụ thì mới “chúm chím.” Hỏi thăm, bác cho biết chậu mai nhỏ vậy mà mua đúng 1 triệu đồng, mọi năm cây cỡ này giá chỉ khoảng 500 ngàn đồng. Bác cũng cho biết là mua biếu người có ơn với mình, chứ sự thật thì bỏ 1 triệu bạc mua chậu mai nhỏ vầy, thấy cũng “đứt ruột.” 
Ghé chợ hoa khu công viên làng hoa Gò Vấp, hỏi thăm một người bán, anh cho biết mai của anh là mai nhà vườn miệt Cái Mơn, giá chậu mai nhỏ nhất cũng có giá từ 300 ngàn tới 400 ngàn (tùy loại). Loại trung (cao chừng hơn 1 mét một chút) có giá từ 2 triệu rưỡi tới 5 triệu (tùy cây). Loại lớn hơn thì chúng tôi không dám hỏi vì biết giá rất cao. Nhưng khi chúng tôi hỏi người bán là có đảm bảo hoa nở đúng dịp Tết không, thoáng lưỡng lự một chút rồi anh nói “Trời lạnh như vầy hoài thì không có gì là đảm bảo nở đúng ngày!” 
Mọi năm, ngoài mai người Sài Gòn cũng thích trưng hoa lan, hoa cúc và một số loại cây gốc ngoại nhu cây hoa Mãn Ðình Hồng, theo quan niệm của người Hoa cây này trưng ngày Tết lấy hên, hoa cũng đẹp lại tươi lâu. Cây hoa này có nguồn gốc từ Trung Quốc và Trung Âu (còn gọi là Ðông Âu dưới thời cộng sản). 
Cảnh trên bến dưới thuyền của chợ hoa Tết
Bến Bình Ðông, quận 8. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Trên đường Lý Thường Kiệt (Nguyễn Văn Thoại cũ) thấy bày bán một giống hoa lạ, khá đẹp dừng chân hỏi thăm, chàng trai nói giọng miền Trung cho biết, hoa này tên là Dã Yến Thảo xuất xứ từ... Mỹ, bán nguyên bụi (một chậu lớn) có giá là 2 triệu đồng, bán lẻ từng cây (trưng trong chậu nhỏ) giá là 100 ngàn đồng. Về tra cứu lại trên mạng Internet, chúng tôi biết là cây Dã Yến Thảo (có người phát âm là Dạ Yến Thảo) tên khoa học là Petunia, nguồn gốc từ Nam Mỹ (Argentina) du nhập về Việt Nam được mấy năm nay, nhiều người Việt còn gọi Dã Yến Thảo là cây... ban-công (vì mấy chậu bông của loại hoa này thường được treo nơi ban-công của mấy nhà lầu, nhà phố).
Ðặc biệt năm nay một loại hoa lạ, khá đẹp lại có nguồn gốc Việt “lên ngôi” bán giá cao mà rất hút hàng. Ðó là cây hoa Hạc Ðỉnh (một loại địa lan) phân bố tại vùng Cao Nguyên chủ yếu là Bảo Lộc và Di Linh (Lâm Ðồng).
Hỏi thăm một người bán giống hoa lá giống như hoa Huệ, nhưng cành thì vươn thẳng, bông “chỉa” ra hai bên nách thân giống như hoa Lây-ơn (layon), trước khu cổng bệnh viện Trưng Vương (gần khu trường đua Phú Thọ cũ). Người bán cho biết đó là hoa Hạc Ðỉnh, giá một bụi (chậu lớn) là 1 triệu 600 ngàn đồng, còn bán lẻ thì một cây có giá là 200 ngàn đồng. Người bán cũng cho biết hoa này thuộc loại “độc quyền” vì trên vùng Bảo Lộc chỉ có vài ba nhà vườn “tạo” ra được giống hoa thương phẩm này, phân phối cho khắp các chợ hoa ngày Tết năm nay, còn hoa hoang dã thì cao nghệu và “xấu” lắm không trưng bày được.
Hèn chi, hôm 15 Tháng Chạp, dạo qua Bến Bình Ðông, giữa những ghe bông, trái đang thong thả dọn bông ra bán, chúng tôi đã thấy xuất hiện loại hoa Hạc Ðỉnh này, bữa sau xách máy ra tính chụp thì thiên hạ đã mua sạch không còn sót một cây.
Thị trường hoa Tết năm ngoái hoa bông giấy bán rất chạy, nhưng năm nay không rõ vì trời lạnh, ít nắng mà bông giấy kém hẳn sự rực rỡ, hay vì kinh tế đang thời khó khăn nên loại hoa này không hút hàng như mọi năm. Bông giấy chậu nhỏ là 150 ngàn đồng, chậu lớn có giá là 800 ngàn đồng.
Cúc đại đóa (chậu lớn) hầu hết tại các chợ hoa đều được “hét” giá từ 900 ngàn đồng tới 1 triệu đồng một cặp, trong khi Cúc thường (loại nhỏ) chỉ có giá là 100 ngàn tới 150 ngàn đồng một cặp. Hoa Cúc là loại hoa ngày Tết tiêu thụ rất mạnh, nhưng càng cận Tết thì giá càng giảm, cho tới trưa 30 Tết thì giá Cúc “chạm đáy.” Do vậy tâm lý nhiều người dân thường thích chờ hoa Cúc bán “xổ” thi mới mua (nhưng Cúc “xổ” thường chỉ là loại Cúc thường), năm ngoái Cúc thường bán “xổ” còn có 5 ngàn đồng 1 chậu. 
Chở hoa Tết trên phố Sài Gòn. (Văn Lang/Người Việt)
Thị trường tắc (quất) kiểng năm nay hàng không “ê hề” như mọi năm, cây ít chỉ bằng 1/3 năm ngoái nhưng cây tươi và trái sum sê đẹp hơn năm rồi. Loại tắc không tạo thành “tháp” cây thì loại nhỏ có giá là 150 ngàn đồng/1 cây, loại trung là 300 ngàn đồng, loại lớn là 700 ngàn đồng/1 cây. Loại tắc “tháp” do công phu tạo dáng của nhà vườn nên giá cao hơn hẳn, loại trung (không có loại nhỏ) là 2 triệu rưỡi, còn cây lớn thì có giá từ 5 tới 7 triệu đồng. Trái cây loại trưng Tết năm nay số lượng cũng ít đi thấy rõ,và giá cả thì có tăng hơn năm rồi khoảng 30%. Tại các chợ, dưa hấu loại lớn để trưng Tết (10-15 ký) có giá từ 15 tới 20 ngàn đồng/1 ký. Nhưng tại góc trường đua Phú Thọ (cũ) dưa hấu bày bán trên vỉa hè nhưng có vẽ hình “nghệ thuật” Tết, như hình ảnh mấy chú ngựa phi, vừa chỉ năm Giáp Ngọ vừa như câu chúc “Mã đáo thành công” thì một trái dưa khoảng 5-6 ký, được bán với giá là 200 ngàn đồng/1 trái. 
Tại chợ Bến Thành, năm nay cũng vẫn là loại bưởi hồ lô (loại xanh) trên thân có in rõ chữ Tài hoặc chữ Lợi và Dưa thỏi vàng nhưng hàng rất ít và bán hết sớm. Nhiều người phải lên mạng săn lùng mới mua được cặp bưởi tài-lợi với giá từ 2 triệu tới 2 triệu 600 ngàn đồng/1 cặp, dưa thỏi vàng in chữ Tàu thi mắc hơn, khoảng từ 4-5 triệu đồng/1 cặp. 
Năm nay theo ghi nhận của chúng tôi, xuất hiện thêm khu chợ hoa Tết Bình Ðiền, rộng rãi, khang trang xứng đáng là một nơi cho cảnh “trên bến dưới thuyền” nhưng vì là địa điểm mới lại xa trung tâm thành phố, cũng như không được quảng bá đúng mức nên chợ hoa tết Bình Ðiền còn thưa thớt cảnh mua - người bán. Trong khi Bến Bình Ðông hai năm nay ra sức quảng bá vì muốn khôi phục lại cảnh trên bến dưới thuyền của một Sài Gòn xưa, nhưng lực vẫn bất tòng tâm vì dòng kênh đen vẫn bốc mùi hôi thối, nhược điểm duy nhất này hầu như đã làm mất đi tới hơn 90% giá trị của chợ hoa Bến Bình Ðông. 
Năm nay, hoa cũng như người có vẻ đều trầm lắng, không hẳn vì thời tiết trở lạnh kéo dài, trời không mang nắng. Mà có lẽ vì khủng hoảng kinh tế kéo dài đã hơn 6 năm, nhiều người có lẽ đành “lỗi hẹn” với hoa. Dù hoa là hương sắc mùa Xuân không thể thiếu mỗi dịp Tết về trong mỗi gia đình người Việt. 
Văn Lang/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét