Ads 468x60px

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Mạc Đĩnh Chi trượt Trạng nguyên vì ngoại hình xấu xí?

Tượng Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thờ
ở Chùa Dâu, Bắc Ninh. Nguồn: Wikipedia
Thiện Ngộ
Mạc Đĩnh Chi (1280-1346) có tên chữ là Tiết Phu, người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tài liệu cổ từng viết rằng ông học giỏi, nhưng vì xấu tướng nên không được vua lấy đỗ trạng nguyên. Có phải vậy không?
Từ nhỏ, Mạc Đĩnh Chi đã nổi tiếng thần đồng, đỗ Trạng nguyên vào niên hiệu Hưng Long thứ 12, đời vua Trần Anh Tông (1304). Mạc Đĩnh Chi được mô tả có tướng mạo vô cùng xấu xí: lùn, đen, mồm rộng, mũi tẹt, trán dồ.
Tháng 3 năm Giáp Thìn (1304) khi ông đi thi, văn bài làm trội hơn người, nhưng vua không muốn lấy đỗ Trạng nguyên. Các tài liệu cổ để lại đã giải thích sai sự việc này, cho là vua thấy Mạc Đĩnh Chi xấu tướng không muốn lấy đỗ. Thực ra là vì lý do chính trị!
Trần Anh Tông (1276 – 1320) là vị vua thứ tư của nhà Trần, lên ngôi năm 1293, khi chiến tranh Nguyên Mông – Đại Việt lần thứ ba kết thúc, được đánh giá là một vị vua anh minh không kém gì cha mình (Trần Nhân Tông). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng “Vua khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần”. Như vậy, việc một vị vua anh minh như ông không muốn chấm đậu một kỳ tài như Mạc Đĩnh Chi chỉ vì dung mạo xấu xí là một điều không hợp lý.
Đời Trần là thời kỳ bắt đầu dùng chữ Nôm làm thơ văn, lại gọi chữ Nôm ấy là Quốc Âm. Đây là một cách tạo thế độc lập trong văn tự với nhà Nguyên bên Trung Quốc. Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã để lại hai bài phú bằng chữ Nôm nổi tiếng là “Cư trần lạc đạo phú” và “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca”. Đời vua Trần Nhân Tông có ông Nguyễn Thuyên làm bài văn tế cá sấu bằng chữ Nôm, vua lấy làm vinh hạnh, coi chẳng kém Hàn Dũ đời Đường, nên hạ chỉ cho ông đổi từ họ Nguyễn sang họ Hàn, thành Hàn Thuyên.
Sau ba lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược, chúng ta thừa biết tinh thần quốc gia cao vọt như thế nào. Đây mới chính là lý do khiến vua Trần Anh Tông không muốn lấy Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên, bởi vì ông này đã từng là môn khách của Trần Ích Tắc.
Trần Ích Tắc là ai?
Đại Việt Sử ký Toàn thư viết “Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng [Trần Thái Tông], thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu ... gồm 20 người, đều được dùng cho đời... Đến 15 tuổi, thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật, vẫn còn có ý tranh đoạt ngôi trưởng đích. Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống nam. Đến nay [1285], người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng để mong được làm vua...”
Việc Trần Ích Tắc đem cả gia đình đầu hàng, làm quan cho giặc là một sự sỉ nhục lớn đối với nhà Trần. Do đó, Trần Ích Tắc tuy cũng bị kết án vắng mặt, nhưng vì tình thân cốt nhục, không nỡ đổi họ xoá tên, mà bị gọi là Ả Trần, ý nói hèn nhát như đàn bà. 
Ngày 15/3/1285, Trần Ích Tắc đem cả gia đình hàng giặc, được đưa về phương Bắc và được Hốt Tất Liệt phong làm An Nam Quốc Vương, chờ ngày đưa trở về nước. Sau khi quân Nguyên Mông đại bại, Trần Ích Tắc ở lại Trung Quốc, trải qua nhiều chức quan to cho đến khi qua đời. Năm Chí Thuận thứ nhất Nhà Nguyên (1330), Trần Ích Tắc được truy tặng tước Trung Ý Vương.
Chính việc từng là môn khách của Trần Ích Tắc khiến vua Trần Anh Tông không muốn chấm đỗ Mạc Đĩnh Chi. Bởi như ta thấy, ở khoá thi năm Giáp Thìn ấy (1304), có tới 44 người đỗ Thái học sinh, thậm chí người đỗ hoàng giáp là Nguyễn Trung Ngạn mới chỉ 16 tuổi, điều này chứng tỏ chính sách thu hút nhân tài thời Trần Anh Tông rất rộng mở.
Vị vua anh minh
Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông có hứa gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Thành Chế Mân. Sau đó, Chế Mân nhiều lần sai sứ giả sang Đại Việt hỏi việc hôn lễ, nhưng triều thần nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung chủ trương tán thành. Năm 1306, Chế Mân dâng hai châu Ô, Rý làm của hồi môn, Trần Anh Tông đồng ý gả công chúa cho vua Chiêm. Điều này cho ta thấy vua là người có tầm nhìn xa, nhờ đó đã mở mang biên giới Đại Việt xa hơn về phương Nam.
Mặc dù đương còn Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông, nhưng Trần Anh Tông đã mạnh dạn bãi bỏ nhiều tục lệ cũ như xăm rồng vào đùi hay hôn nhân nội tộc. Điểm này cho ta thấy Trần Anh Tông là một người vị vua có đầu óc canh tân. Từ hai điều trên cho phép ta kết luận một vị vua anh minh, canh tân và có tầm nhìn xa như ông không thể nào muốn đánh trượt Mạc Đĩnh Chi chỉ vì dung mạo xấu xí.
Đền thờ Mạc Đĩnh Chi ở quê hương. Nguồn: Wikipedia

Có một điểm quan trọng nữa là tính vua rất nghiêm khắc. Lúc trước, đức vua bị Thái thượng hoàng quở trách vì thói rượu chè, sau này chẳng những ông bỏ hẳn mà còn ghét những người nghiện rượu. Khoảng năm Hưng Long (1293-1314), triều đình khuyết chức Hành khiển, Thái thượng hoàng muốn chọn Nguyễn Quốc Phụ cho chức ấy, nhưng Trần Anh Tông không đồng ý chỉ vì Nguyễn Quốc Phụ là kẻ nghiện rượu "Nếu lấy ngôi thứ mà bàn, thì [Quốc Phụ] được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi!". Nhân Tông im lặng rồi không dùng. Quốc Phụ cuối cùng vẫn giữ chức cũ cho đến khi chết. Trần Anh Tông thận trọng đối với những chức vị quan trọng như thế đấy.
Chính tính nghiêm khắc này khiến cho ta thêm chắc rằng Trần Anh Tông không muốn Mạc Đĩnh Chi đậu Trạng nguyên là vì lí do chính trị. Một người thông minh như Mạc Đĩnh Chi tất đoán được nguyên do. Do đó, ông đã làm bài phú Ngọc Tỉnh Liên để bộc bạch lòng mình:
"Anh cũng là người quân tử ưa hoa sen đó chăng?
Ta có giống lạ trong ống áo này.
Chẳng phải như đào trần lý tục; chẳng phải như trúc cỗi mai gầy.
Câu kỷ phòng tăng khó sánh; mẫu đơn đất Lạc nào tày.
Giậu Đào Lệnh cúc sao ví được; vườn Linh Quân lan khó sánh thay!
Ấy là giống sen giếng ngọc ở đầu núi Thái Hoa đây.”

Bài phú Ngọc Tỉnh Liên nếu ta phân tích kỹ thì thấy ý tứ hàm chứa trong đó rất lớn. Mạc Đĩnh Chi ví mình như hoa sen, vốn có tiết khí thanh cao, không loại hoa nào sánh được, gần bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn. Hơn nữa, sen này lại trồng trong giếng ngọc nữa thì càng cao quý biết bao. Mạc Đĩnh Chi như sen, dù có phải ở vào hoàn cảnh ô trược thế nào thì cũng vẫn giữ khí tiết thanh cao, huống chi ở phải vào một thời tốt đẹp, vua minh chánh thì người ông càng cao quý biết mấy. Sen quý nhưng phải có người sành mới biết thưởng thức. Vua đọc bài phú của ông cho là kiệt tác nên mới lấy đỗ và yêu dùng.
Bài phú dùng để giải thích việc Mạc Đĩnh Chi từng làm môn khách cho Trần Ích Tắc thuở trước là do thời thế chứ chẳng hề bị nhiễm ô thì đúng hơn là giải thích cho một việc tầm thường như dung mạo xấu xí của ông.
Tác giả Thiện Ngộ tên thật là Nguyễn Quốc Bửu, hiện đang sinh sống và làm việc tại Phú Yên. Đã xuất bản tiểu thuyết kiếm hiệp Huyết Án Phiên Ngung Thành.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét