Ads 468x60px

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Khi một chế độ độc tài sụp đổ

Lê Mạnh Hùng
Khi những chế độ độc tài như tại Ðông Âu hoặc Việt Nam và Trung Quốc sụp đổ, đôi khi chúng để lại một số những di chỉ không cố ý, giúp người ta hiểu được một số những chi tiết của sự áp bức.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, nhiều người Ðức mới khám phá ra, từ những hồ sơ mà cơ quan mật vụ Stasi để lại, rằng chính những người thân cận nhất với mình như chồng, vợ hoặc con cái lại là những người chỉ điểm báo cáo những hành động của mình cho cơ quan mật vụ. Tại Romania vài tháng sau đó, những người như ông Doru Pavaloiae, một giáo sư kinh tế, lúc đó mới biết rằng một người mà ông coi như là bạn thiết, một ca sĩ nổi tiếng đồng hương lại là một chỉ điểm viên cho cơ quan mật vụ đáng kinh sợ Securitate với bí danh Minstrel.
Những tiết lộ như vậy hầu như không thể nào xảy ra được nếu những chế độ này không bị ám ảnh bởi một nhu cầu cần phải biết tất cả mọi chuyện xảy ra cho chính những công dân của họ. Những thông tin đó được coi là cần thiết để có thể kiểm soát, giống như trong truyện 1984 của George Orwell, nhà nước Anh Cả (Big Brother) cần phải theo dõi mọi công dân 24/7 để bảo đảm rằng họ không thể đến dám nghĩ ra ngoài chính sách.
Thông tin, nói một cách khác là quyền lực. Báo cáo của những chỉ điểm viên cho biết tất cả người ta gặp gỡ ai, nói chuyện với ai, làm tình với ai... kể cả trái tim đập làm sao và đầu óc tưởng tượng thế nào - được coi như là những nền tảng củng cố cho những chế độ vốn tìm cách chi phối toàn diện những nạn nhân không may phải sống trong đó. Nếu cuộc sống riêng tư được coi như là một lá chắn chống lại những sự dòm ngó từ phía ngoài thì việc mất cái riêng tư đó làm mạnh thêm cảm giác bất lực của nạn nhân. Tại văn khố International Tracing Service Archive đặt tại Bad Arolsen Ðức quốc, hồ sơ của chế độ Quốc Xã để lại tại 51 trại tập trung và nhà tù lên đến gần 50 triệu trang ghi tất cả những chi tiết nhỏ nhất của khủng bố nhà nước.
Nhưng đôi khi người ta gặp một câu chuyện tế nhị hơn - không phải thô tục như diệt chủng hoặc là đàn áp một cách thô bạo, mà kín đáo hơn. Nó cho người ta một hy vọng rằng những chế độ độc tài còn lại hiện nay có thể có những người như vậy.
Câu chuyện này do nhà văn người Nam Phi vốn được giải thưởng Nobel về văn chương J.M.Coetzee kể lại tại Pháp trong một buổi nói chuyện với sinh viên tại trường đại học American University tại Paris về kinh nghiệm sống tại Nam Phi của ông dưới thời apartheid.
“Cho đến khi tôi 50 tuổi, những đồng bào Nam Phi của tôi chỉ đọc được sách của tôi sau khi nhũng cuốn này được thông qua một ủy ban kiểm duyệt,” Ông Coetzee kể lại cho các khán giả. Nhưng phải đến năm 2008, một nhà nghiên cứu mới cho tác giả thấy những hồ sơ liên quan đến ba tác phẩm của ông Coetzee xuất bản từ những năm 1970 và 1980.
Trong những năm đó chế độ apartheid chi phối toàn diện vùng đất này chỉ định người ta được sống và làm việc ở đâu, sinh đẻ ở đâu, chôn cất ở đâu, đi lại thế nào, được yêu đương những ai... Một đạo luật gọi là Immorality Act đặt hôn nhân qua giới tuyến màu da như là một tội hình sự. Thế nhưng một hồ sơ, ký hiệu DPIE, P77/7/103 liên quan đến cuốn “In the Heart of the Country” (1977) có vẻ đã tìm ra một cách để qua mặt cái giới hạn giả tạo đó, nói rằng “mặc dầu có mô tả làm tình vượt qua giới tuyến màu da, cuốn sách chỉ được đọc và thưởng thức bởi những nhà trí thức.”
Trong một cuốn sách khác “Waiting for the Barbarians” (1980) một viên kiểm duyệt khác kết luận, mặc dầu có đến 22 trường hợp có thể được coi là không tốt, nhưng nội dung tình dục có thể được coi là “không kích dâm.” Và trong cuốn “Life and Time of Michael K” (1983) một viên kiểm duyệt khác tuy rằng than phiền là “có những đoạn nói xấu nhà nước cũng như là công an và những phương pháp mà họ dùng để thực hiện nhiệm vụ của mình” nhưng rồi cuối cùng cũng quyết định cho phép xuất bản.
Trên một phương diện nào đó, đây là một biểu hiện hiện thực của một tình trạng mô tả trong cuốn phim “The Lives of Others” của Ðức trong đó một viên công an dần dà trở nên đồng tình với nạn nhân bị mình theo dõi.
Những nhà kiểm duyệt Nam Phi là nhũng nhà trí thức, học giả, mà theo ông Coetzee dự đoán, nghe nhạc Mozart và Beethoven trên máy hi-fi của mình khi họ đọc các truyện của Jane Austen và Anthony Trollope ở nhà và tự coi như là họ “làm việc với công tâm.”
Ông Coetzee còn hồi tưởng lại rằng chính một trong những nhà kiểm duyệt đó đã mời ông đi uống trà “và chúng tôi có một cuộc thảo luận dài về văn học.” Ông nói, “Tôi không có chút khái niệm nào rằng chính bà ta lại là một trong những người kiểm duyệt văn của tôi.”
Vào lúc đó ông Coetzee là giáo sư văn chương Anh tại trường đại học Cape Town và theo ông, “Cộng đồng trí thức ở đây không lớn. Sự kiện là thường ngày tôi vẫn đụng độ thường xuyên với những người mà một cách bí mật vẫn làm phán xét xem có cho tôi được xuất bản và đọc ở Nam Phi hay không.”
Nhưng những nhà kiểm duyệt này chỉ là một phần nhỏ của một hệ thống rộng lớn hơn và đáng sợ hơn nhiều, một hệ thống mà mặt kia của nó là đàn áp, bạo động và cả ám sát chống lại những đối thủ của apartheid.
Ðiều khác biệt giữa chế độ apartheid và những chế độ độc tài toàn trị khác là những người lãnh đạo chế độ muốn được coi là một phần cả trên luật pháp và tinh thần của một thế giới phương Tây nhân bản xa vời thay vì là một phần của một lục địa mà họ mô tả như là tàn bạo và dã man.
Thành ra nếu một nhà kiểm duyệt cho rằng một tác phẩm chỉ được đọc bởi những nhà “trí thức” thì người ta giả sử rằng những người như vậy sẽ không tìm cách lật đổ chế độ.
Những nhà kiểm duyệt theo ông Coetzee tự coi họ cũng là những nhà bảo vệ cho cộng đồng trí thức. “Dưới mắt họ họ đứng ở cùng phía với tôi.”
Những nhà kiểm duyệt hiện nay ở Việt Nam có ai nghĩ như vậy hay không?
Lê Mạnh Hùng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét