Ads 468x60px

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Tinh hoa xử thế

Minh Văn 
Lịch sử các thời đại thăng trầm, ngàn năm bụi mờ che phủ. Tinh hoa nhân loại vẫn như kim cương lấp lánh, tỏa sáng muôn năm. Biết bao giá trị văn hoá đáng cho hậu thế ngưỡng mộ, cũng nhiều lẽ ứng xử hay khiến ta phải không ngừng suy ngẫm.
Ở đời có nhiều kinh nghiệm tốt, cũng lắm phương châm không hề tồi chút nào. Cái lẽ ứng xử phải như nước chảy mây trôi, nhẹ nhàng mà uyển chuyển, không thể nào cứng nhắc được. Ai mà cứng nhắc và khuôn sáo, ắt là hỏng việc ngay. Kể cả chuyện chinh chiến ngoài sa trường cũng vậy, nó không đơn thuần là gươm đao và quân lệnh như sơn đâu. Tuỳ vào tương quan binh lực mà cân nhắc lợi hại, nếu quân địch khí thế mạnh mẽ thì ta nên tránh đi là hơn. Binh Pháp Tôn Tử có câu “Tẩu vi thượng sách”, kế này được liệt vào hàng cao kiến nhất đấy. Khi địch mạnh ta yếu, không có gì đúng đắn hơn là bỏ của chạy lấy người.
Cái sự tranh cãi cũng vậy, nếu đối phương đang nộ khí xung thiên, thì ta nên nhường nhịn cho qua cơn sóng dữ. Cổ nhân có câu “Nhịn một lúc sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Cứ đợi đến lúc đối phương hạ hoả rồi, ta sẽ nhẹ nhàng giải thích cho họ hiểu về chân lý sau. Nếu làm được như vậy, đảm bảo là biển luôn lặng sóng, trời sẽ mãi cao xanh.
Còn nhớ hồi nhỏ, lũ trẻ chúng tôi thường đến cắt tóc ở quán ông giáo Phương. Ông giáo đã già, giờ về hưu nên mở quán cắt tóc bên đường. Ông cắt rất nhanh, chỉ một loáng là đầu đứa nào đứa nấy nhẵn thín như quả bưởi. Nhờ thế mà đầu tóc trở nên mát mẻ, gọn gàng hơn trong mùa hè. Các bậc cha mẹ trong xóm đều tín nhiệm mà giao con cái cho ông cắt tóc, thành ra thương hiệu cũng không đến nỗi nào. Cái nghề giáo trước đây chẳng mang lại tiếng tăm gì, giờ đây nhờ cắt tóc mà ông lại trở nên nổi tiếng, làng trên xóm dưới đều nức danh.
Bữa nọ lũ trẻ chúng tôi đang xôn xao xếp hàng chờ đến lượt ở hàng ông giáo. Chợt một bà làng bên, chẳng hiểu có ân oán gì mà tự dưng xông vào chửi ông giáo té tát. Tôi không còn nhớ bà chửi những gì, chỉ biết  là toàn những lời rất khó nghe và mạt sát nặng nề. Thậm chí bà ta còn chỉ tay vào tận mặt ông giáo mà đay nghiến nữa. Tuy danh tiếng và sự tôn nghiêm bị tổn hại nghiêm trọng, nhưng ông giáo vẫn điềm nhiên cắt tóc, không hề đổi thay sắc mặt. Ông coi như không nghe thấy tiếng chửi, và cũng chẳng nói lại câu nào. Thấy đối phương chịu lép, bà già chửi một lúc thì chán mà bỏ đi. Ai cũng nghĩ như thế là xong chuyện. Nhưng khi bóng bà già chỉ còn là cái chấm nhỏ, thì bất ngờ ông giáo Phương nhìn theo mà cất tiếng chửi vang rền:
- Tiên sư nhà mày! Tao không thèm chấp là vì nói với cái loại vô học thì mất lời nhé. Mày thử nghĩ coi, thứ ngoa ngoắt vô học như mày thì có ai coi ra gì? Tao cũng chỉ xem mày như là một con chó ghẻ bên đường mà thôi!...
Ông giáo nói những lời đó với vẻ mặt giận dữ tột cùng, động tác phụ họa thì hùng dũng như Quan Vân Trường khi múa Long Đao vậy.
Lũ trẻ chúng tôi lúc đó ngơ ngác mà chẳng hiểu gì cả. Chỉ có điều thắc mắc là, bà kia đã đi xa như vậy rồi, có nghe được gì nữa đâu mà ông giáo lại chửi? Tại sao ông không hơn thua lúc bà ấy còn ở đây? Sau này lớn lên thì mới luận ra rằng, lúc bà kia có mặt thì ông không nói lại, vì biết rằng chửi nhau với một người ngoa ngoắt thì thể nào mình cũng thua. Tránh voi chẳng xấu mặt nào mà. Ông lại chọn thời điểm khi đối phương đã đi xa thì mới chửi, vì biết chắc bà kia chẳng thể nào nghe được mà phản ứng lại. Đó cũng là giải pháp khôn ngoan và an toàn, ông tha hồ nói một cách rành mạch mà chẳng sợ bị ai lấn át. Kẻ nói thì phải có người nghe chứ. Vậy là bất kể nội vụ thế nào, trong mắt mọi người thì ông giáo vẫn là người đúng đắn và thắng cuộc. Đúng là vì ông là người tự vệ, còn bà kia vô cớ xông vào mà chửi trước. Lại nữa, cả hai người đều được chửi như nhau, cũng chừng ấy người nghe cả. Chuyện đến đó là hoà. Nhưng thắng ở chỗ ông là người nói sau, vì thế mà được chốt lại vấn đề. Nhiều người nói ông giáo làm như vậy là vì sợ, còn tôi thì lại cho rằng sự ứng biến đó thật xứng với danh xưng “Tinh hoa ứng xử” vậy.
Tạm biệt ông giáo, chúng ta cùng đến với nhân vật khác cũng có phương châm ứng xử hay không kém. Cách đó hai thôn thì có một ông hay đánh tổ tôm, cứ đi hôm về tối suốt. Chuyện đánh bạc mất tiền đã đành, nhưng già cả rồi mà cứ đi đêm như vậy, nhỡ sẩy chân mà rơi xuống ao, xuống hố thì biết làm thế nào? Khuyên can mãi không được, bà vợ giận lắm, mới quyết một phen làm cho ông phải từ bỏ đam mê cờ bạc mới thôi. Từ đó, cứ buổi tối ông đi đâu thì bà theo đó, những lúc như vậy ông đành phải quay về nhà.  Dĩ nhiên là cũng sẽ có cách đối phó, ấy là nhân lúc bà không để ý thì ông lại lẻn đi đánh bạc. Một hôm sáng trăng, ông lại trốn bà mà đi như mọi khi. Trăng thanh gió mát, vừa đi bộ thung thăng vừa nghiền ngẫm nước đánh cho những ván bài sắp tới thì thật tuyệt. Vì vậy mà ông cứ vung vẫy mà đi như tiên ông đến dự hội bàn đào. Nào ngờ lúc này bà cũng đang lặng lẽ đi theo phía sau. Để bí mật, bà giữ một khoảng cách an toàn giữa hai người. Đến một khúc quanh thì thấy buồn đi giải, ông liền đứng lại để giải quyết nhu cầu. Vừa lúc đó thì thấy một bóng người lướt tới, ông giật mình hỏi lớn:
- Ai?
Bà lạnh lùng đáp:
- Tôi đây chứ ai? Khuya rồi mà ông còn định đi đâu vậy?...
Bị bất ngờ, nhưng ông nhanh trí nói ngay:
- Bà ...đó hử? Ta đi về nhà...bà nó... nhỉ?
Nói rồi ông ngoan ngoãn mà theo bà trở về, mặc cho cái chiếu tổ tôm với ánh đèn mê hoặc đang chờ ở phía trước.
Sở dĩ ông nhường bà là vì muốn giữ cái hoà khí, không để xẩy ra xung đột, vì bà cũng không phải là tay vừa. Thứ nữa là ông không đi tiếp để bà khỏi biết được địa điểm chơi bài. Quyết định đó quả là rất sáng suốt và thông minh. Nếu biết được chỗ thì lần sau bà cứ đến thẳng đó mà lôi cổ ông về hoặc làm lu loa lên cho xấu mặt thì sao?
Người ta khó nhất trên đời là thắng được cái ham muốn bản thân. Đi bộ một quãng đường dài, khi chỉ còn cách chiếu tổ tôm có mấy bước chân mà vẫn nhịn được để quay về. Chiến thắng được dục vọng như vậy, cụ ông nọ  cũng thật không phải hạng người tầm thường. Như thế là giữ cho mọi việc được êm đẹp mà không để xẩy ra bất hoà. Về mặt xử lý tình huống khẩn cấp, thì kể cụ cũng đã đạt đến cảnh giới cao rồi vậy.
Chéo sang phía Đông một làng nữa, có ông nọ cũng hay chơi tổ tôm. Bà vợ lại là người nổi tiếng dữ dằn, nên cả đời ông phải nhịn nhục, chỉ lấy cái thú đam mê tổ tôm làm lẽ sống ở đời. Nghi ngờ ông hay đi đánh bài đêm là có ý nhăng nhít với cô nào, bà vợ mới quyết làm một mẻ để ông chừa cái thói kia đi.
Bữa ấy ông lại đi chơi bài về khuya. Nghe tiếng gọi cửa nhưng bà nhất quyết không thưa, làm ra vẻ đã ngủ say mà không hay biết gì. Gọi mãi không được, sợ làm ồn hàng xóm nên ông đành nằm ngoài thềm đánh một giấc ngon lành. Sáng mai bà mở cửa, thấy ông đang nằm chòng queo, hai tay ôm chó mà ngủ say sưa. Miệng thì cứ chóp chép mỗi khi chú chó cúc liếm soàn soạt vào mặt.
Bài học xử thế của người đời thực là nhiều, kể sao cho hết được. Điều cốt yếu là lớp hậu sinh chúng ta phải chịu khó sửa mình, đặng mà học tập vốn cổ. Cách tốt nhất để những kinh nghiệm đó được lĩnh hội đầy đủ là nên tắm gội và trai giới mấy ngày trước khi nghiền ngẫm vậy. Vì khi thân thể thanh sạch, cái tâm thanh tịnh thì mới xứng đáng để mà đón nhận những tinh hoa xử thế cổ kim. 
Minh Văn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét