Có
lẽ, không có nơi đâu trên trái đất này, chịu nhiều đắng cay và tủi
nhục như mảnh đất quê tôi. Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ
nước, triều đại nào, thế hệ nào cũng phải căng mình chống giặc
phương Bắc. Khi người anh hùng liệt sỹ Ngụy Văn Thà, đã lao thẳng tàu
vào tàu của kẻ xâm lăng Trung cộng, để găm thân mình vào trong lòng
đất, lòng biển của Tổ Quốc. Và cũng từ đó, đất nước tôi phải đối
mặt với một trận chiến mới, tuy có lúc âm thầm nhưng nham hiểm, đê
tiện gấp ngàn lần. Vâng! Vậy là, các anh đã hy sinh, để đốt lên ngọn
lửa Hoàng Sa, rồi đến Trường Sa.
Sau
trận chiến biên giới với giặc Tàu năm 1979, dường Tổ Quốc chưa bao
giờ bị cô đơn và lâm nguy, trong sự yếu đuối của những người lãnh
đạo đất nước như lúc này. Sự đối sách mềm dẻo, để bảo vệ được Tổ
Quốc, đưa đến Hòa bình, trong tình yêu thương con người với con người,
nghe ai mà chẳng khoái. Chiến tranh, đánh đấm khói lửa, (vâng) bảo
đảm chỉ có kẻ điên thì mới thích. Nhưng, khi cướp đã vào nhà, ngang
nhiên đánh đuổi chủ đất, rượt theo tàu cảnh sát biển VN đâm thẳng
cánh, không dám phản kháng, nhũn như con chi chi. Và trên thành phố
đất liền, linh khí (đoàn kết) của dân tộc chống giặc bị nhốt vào
rọ, thì đối sách này, không còn là mềm dẻo nữa, mà nó là sự hèn
hạ, nhu nhược. Sự hèn hạ và nhu nhược ấy, dẫn đến bán nước có một
khoảng cách rất gần. Chỉ có người thần kinh, mới chọn kẻ lưu manh
trộm cướp, xông vào nhà mình giết con cháu, bố mẹ anh em mình làm
bạn. Nói là như vậy, nhưng rất kỳ lạ, từ thủ tướng trở xuống, cấm
thấy bác đầy tớ nhân dân nào gửi con, gửi cháu sang ông bạn lớn “môi
hở răng lạnh“ học hành, mà cứ dứt khoát phải gửi sang mấy thằng
thù địch, đang giãy chết Âu Mỹ. Đây có lẽ, cũng là một trong nhiều
mâu thuẫn, nghịch lý lớn nhất trong xã hội hiện nay. Mọi người ai
cũng hiểu, cũng biết, nhưng đều mắc chứng giả vờ cả. Chả trách, hôm
rồi ngồi nhậu trong đám cưới, đang lúc tranh luận rôm rả, có ông bạn
bàn bên, chạy đến, ghé vào tai tôi thì thào, nói với ông cái này,
đừng nói lại với ai nhé. Rượu vào, nên tự ái hơi bị cao, tôi gắt,
sống gần hết đời ở đất nước tự do, có gì nói toẹt ra, thì thụp
cứ như xài bạc giả vậy. Hắn nhìn trước ngó sau: Những cán bộ đảng
viên ở trong nước, chỉ khi nào về hưu mới trở thành người tử tế ông
ạ.
Vâng!
Tử tế, mấy chục năm trước nhà làm phim Trần Văn Thủy đã phải đốt
đuốc đi tìm nó. Nhưng dường như ông đã thất bại. Làm cho một nhà văn
tên tuổi phải cay đắng thốt lên: Những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống,
dường như thời nào cũng có, nhưng không hiểu sao, thời nay lại đẻ ra
nhiều đến thế. Đúng vậy, nó không những nhiều, mà còn ngự cả từ
trên thượng tầng, tràn xuống hạ tầng, sinh ra cả một bầy sâu (như lời
ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói). Và chính nó đang khiêng dần
nước Việt đi chôn.
Trên
ba mươi năm trước, thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo có viết một câu thơ cảnh
báo, rất hay: “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa“. Thật vậy! Đã là
qui luật tuần hoàn của tự nhiên, thì không ai có thể cưỡng lại được.
Không có cái gì là muôn năm, là trường tồn vĩnh cửu. Chế độ xã hội
cũng vậy, có thịnh thì phải suy, rồi đến lúc thối mục, sụp đổ,
nhường lại cho chế độ xã hội mới, hợp với lòng người cũng như sự
phát triển tư tưởng, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Một người mặc chiếc
áo đã quá cũ, quá chật, dứt khoát khi có thời cơ điều kiện, sẽ
cởi phăng chiếc áo đó vứt đi, thay chiếc áo mới. Và người Homosapiens
không thể sống trong xã hội thời người Neanderthals. Chính sự tiến
hóa của loài người, thúc đẩy, buộc xã hội phải phát triển, văn minh
hơn lên (và ngược lại).
Nhìn
lại lịch sử, sự sụp đổ của các triều đại, đều bắt nguồn từ cái
thối nát, độc đoán của chế độ, làm bần cùng hóa đời sống người
dân lương thiện. Lợi dụng lúc lòng dân ly tán, giặc phương Bắc lăm le
chiếm đất giữ biển. Và sự nhu nhược của chính quyền, trước giặc
ngoại xâm, càng đẩy mâu thuẫn xã hội lên cao. Bị đẩy đến chân tường,
buộc giai cấp bị áp bức đứng dậy lật đổ chính quyền. Đó cũng là
điều tất yếu, hợp với lẽ thường, với qui luật tự nhiên.
Phải
nói, chưa bao giờ lòng người ly tán, như hiện nay. Sự kêu gào, đoàn
kết xóa bỏ thành kiến, tư tưởng dường như mang nặng tính giả tạo.
Cái sự ly tán, giả tạo ấy, không chỉ thấy ở trong nước, mà ngay
trong cộng đồng người Việt, cùng sống trên nước Đức tự do dân chủ
này. Nó thể hiện rất đậm nét trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc
(ngày 11-5) của người Việt ở Berlin,
qua Clips và bài tường thuật của anh Phạm Đăng Hiếu, trên mạng. Thật
ra, lúc đầu tôi có ý định sẽ đi Berlin, nhưng vợ chồng ông bạn ở
Frankfurt, mời dự lễ ăn hỏi cho con trai, trùng vào ngày biểu tình ở
Berlin. Thấy tôi lưỡng lự, ông bạn bảo, ngày 10-5 Frankfurt cũng biểu
tình, tôi sang trước một ngày, một công đôi việc. Nghe có lý, thế là
tôi đi Frankfurt. Phải nói, cuộc biểu
tình chống Trung Quốc của người Việt ở Frankfurt
rất khí thế. Không phân biệt chính kiến tư tưởng, cờ quạt đỏ, vàng
tùy ý. Với tôi, màu vàng đã đi vào quá khứ. Còn màu đỏ, không phải
là màu tôi thích. Cái màu này, dường như nó gắn liền với máu và
chết chóc. Có lẽ vì thế, mà người ta thường gắn nó với những chỉ
dẫn nguy hiểm như đường cấm, đường ngược chiều, trong giao thông chẳng
hạn.Viết đến đây, làm tôi chợt nhớ đến câu chuyện buổi tối, gần ba
mươi năm về trước. Tôi và Phi Béo (Phan Hùng Phi, hiện đang là huấn
luận viên bóng đá ở Berlin) nấu cơm xong, chờ một ông em mới sang, làm
việc ở khu bể bơi, hay hồ tắm gì đó, về cùng ăn. Chờ mãi, mới thấy
ông em về, mặt bí xị. Chúng tôi chưa kịp hỏi, hắn đã kể: Cùng ca có
con người Đức, thỉnh thoảng nó bảo, hôm nay tao bị Sowjetunion, không
làm việc dưới nước được, nên hắn phải làm việc dài hơn. Mà đ.biết
cái bệnh Sowjetunion là bệnh gì? Phi Béo tủm tỉm cười, hắn gặng
hỏi. Phi Béo giải thích, đó không phải bệnh, mà là ngày đầu tháng
của đàn bà, tức là kéo cờ đỏ, tiếng lóng của chị em đấy. Cứ nghĩ
đến câu chuyện này, tôi lại bật cười, như kẻ điên vậy. Thôi thì, trên
pháp lý giấy tờ, mình đã là người Đức rau muống giả cày, cầm hai
lá cờ Đức, châu Âu nhỏ nhỏ, xinh xinh đi giữa rừng vàng và đỏ cho nó
dịu, nó lành.
Khi
xem Clips của anh Phạm Đăng Hiếu với cái tựa: Nhà thơ Thế Dũng bị BTC
ngăn cấm đọc thơ trong cuộc biểu tình chống TQ ở Berlin ngày 11.5.2014,
tôi không khóc như anh Tùng Dương trên Facebook, nhưng đau và cảm thấy
nhục. Cái đau đó không riêng ai, mà đó nỗi nhục cho cả dân tộc Việt,
trước hàng ngàn con mắt người ngoại quốc, chưa kể đến Clips được sao,
tải trên các trang mạng. Nó được thể hiện qua hành động bỉ ổi, vô
văn hóa, vô giáo dục của ông trưởng ban tổ chức Lê Hồng Cường, khi
nhảy lên sân khấu cướp, giật thơ trên tay ông Thế Dũng. Xem ra, hành
động tắt Mikro, khi nhà thơ Bùi Minh Quốc và Trần Mạnh Hảo đang phát
biểu trong kỳ đại hội nhà văn Việt Nam mấy năm trước, của Hữu Thỉnh
còn nhân cách hơn rất nhiều, cảnh giật cướp thơ của Hội Liên Hiệp
Người Việt Ở Đức mà bác GS-Tiến sỹ Nguyễn Văn Thoại cầm đầu. Hội
của bác Nguyễn Văn Thoại, đại diện cho tầng lớp nào, thế lực nào,
tôi không cần biết, nhưng chí ít không phải đại diện cho cá nhân tôi.
Nhìn hành động cướp giật của người dưới quyền, và tấm hình GS-TS
Nguyễn Văn Thoại, đứng dưới khẩu hiệu yếu đuối, nửa vế : Không chiến
tranh-Việt Nam yêu hòa bình (Kein krieg- VietNam Liebt den Frieden) thấy
được cái tư duy ngắn tũn của bác giáo sư này. Với cái khẩu hiệu
này, chẳng khác gì la lên cho tên cướp hàng xóm biết sự yếu đuối,
sợ sệt của mình. Không ai là không yêu mến hòa bình, căm ghét chiến
tranh. Nhưng đi biểu tình mittinh thể hiện sự quả cảm lòng yêu nước,
trước kẻ thù đang công khai cướp biển, đánh người, thì dứt khoát
phải có dũng khí. Do vậy, cái khẩu hiệu trên phải có thêm vế thứ
hai cho trọn ý: Không chiến tranh-Việt Nam yêu hòa bình, nhưng sẵn
sàng hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc.
Vâng!
Chúng ta yêu hòa bình, nhưng hình ảnh cuốn cờ đỏ rực quanh mình,
hùng hổ xông lên sân khấu, cướp giật, nó đã là bằng chứng hùng hồn
nhất, thể hiện sự hiếu chiến, không riêng của ông trưởng ban tổ chức
Lê Hồng Cường, mà cho cả một quốc gia, dân tộc, trước mắt bạn bè.
Gỉa dụ ông Thế Dũng, có đọc thơ chống đối chế độ, hoặc làm việc
gì thất thường đi chăng nữa, không thiếu gì cách xử lý khác đẹp đẽ
hơn, trước hàng trăm nhà báo, Camera và bạn bè quốc tế. Tiện đây, tôi
cũng mong bác GS-TS Nguyễn Văn Thoại và Lê Hồng Cường chỉ ra câu thơ
nào, đoạn thơ nào trong bài: Mẹ Việt Nam Không Chỉ Nhìn Ra Biển của
Thế Dũng là bức xúc cá nhân, phản động, chống lại đảng, nhà nước
của các bác. Tôi không rõ, bằng cách nào, các bác được trường đại
học mời giảng dạy. Chứ với cái tư duy u lì này, các bác sẽ dạy
sinh viên như thế nào và họ học được gì từ các bác?
Đây có thể là hành vi bột phát, điên rồ của
cá nhân Lê Hồng Cường, nhưng bác Nguyễn Văn Thoại là người đứng đầu
cái hội này, nên có trách nhiệm. Thật ra các bác không có tài, không
có khả năng lãnh đạo. Nó thể hiện rõ từ việc nhỏ nhất, với cái
không dám gánh trách nhiệm của người lãnh đạo, qua bản tổng kết
biểu tình, bằng cách không ký tên, của các bác vừa được đăng trên nguoiviet.de.
Hơn nữa, trong văn bản, từ ngữ các bác không nên ví cuộc biểu tình
như một cuộc chơi. Nó không đúng bản chất của sự việc, dù đó chỉ
là ví dụ. Bởi vì, văn của văn bản phải mang đúng tính chính xác
chính luận, rất khác văn của văn học. Cũng là người Việt sống lâu
năm ở Đức, tôi có ý kiến: Nếu vì cộng đồng, các bác nên từ chức,
nhường quyền lãnh đạo cho người có tài, uy tín thật sự, gần gũi,
hiểu biết anh em lao động cũ và anh chị em sang sau này ở khu vực
Berlin. Chứ nói thật, tôi bảo đảm, tám mươi phần trăm người Việt vùng
phía đông Đức, chẳng biết bác Thoại, bác Cường là ai. Nếu như vì cổ
cánh, lợi ích bè nhóm hay do cấp trên chỉ đạo các bác phải cố
đấm.., thì coi như ý kiến của tôi vứt bỏ.
Quả thật, tôi rất dốt về chính trị và cũng
không khoái tham gia, tụ tập hội hè, đảng phái. Nhưng khi đọc và xem
cái Clips của anh Hiếu Đăng Phạm, tôi khó thở, tức khí, nên buộc xả,
bằng cách viết. Trong cái u tối, cuồng tín của những kẻ đội lốt
trí thức này, chắc chắn không riêng gì cộng đồng người Việt sống ở
trên nước Đức, mà thân gầy đất mẹ, cũng hằn lên những vết nhơ, nước
biển Đông không bao giờ rửa sạch.
Leipzig ngày 21-5-2014
Đỗ Trường
0 nhận xét:
Đăng nhận xét