Nhà văn Đình Kính |
Nhà văn Đình Kính
Chúng
ta không "đề nghị", phải "yêu
cầu" và "bắt buộc" Trung Quốc rút giàn khoan
NQL: Sau khi đọc bài phát biểu của
Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Shangri-La, trên Fb người thở dài kẻ văng
tục. Đây là ý kiến chính thức đầu tiên mà Quê Choa vừa nhận được. Nhà văn Đình
Kính là một người lính biển, suốt đời gắn bó với biển, từng sống và chiến đấu
trên những con tàu không số vượt biển vào Nam. Có lẽ vì thế ông quá đau khi
thấy Biển đã mất, đang mất và không chừng sẽ mất nếu cứ tiếp tục hết "trao
đổi với bạn" đến "đề nghị". Than ôi!
Đọc
bài phát biểu của người đứng đầu Quân đội nhân dân Việt Nam, một đất nước độc
lập, có chủ quyền, tự hào với ngàn năm văn hiến tại hội nghi đối thoại Shangri-La ở Singapore trưa 31 tháng
5 năm 2014, không những không vui, mà buồn!
…
Bộ trưởng cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng TQ về tổng
thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ
quyền trên Biển Đông và đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng
như sự việc ngày 1/5/2014, TQ đã đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải
Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã
gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực
và cộng đồng quốc tế. (ViêtNamNet- 31-4-2014).
Thưa
Bộ trưởng, không phải là "đôi khi" mà đó là máu bành trướng và thôn
tính biển Đông mang tính chiến lược lâu dài, mà bất cứ hành động nào đối với
Việt Nam hàng thập niên qua đều nằm trong ý đồ đó của họ. Chỉ cần điểm lại mấy
sự kiện lớn, không tính các sự việc lặt vặt, từ 1974 đến 2015 này, đã có bao
nhiêu "đôi khi"?
Và
dùng chữ "đôi khi cũng có những va chạm", là
đánh đồng kẻ ăn cướp với chủ nhà đấy. Việt Nam đâu va chạm với
Trung Quốc. Họ cố tình kéo quân vào Biển của ta đấy chứ. Và với sự kiện kéo dàn
khoan 981 rồi đặt hạ vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam còn gọi
là va chạm nữa không?
Người
đứng đầu Quân đội Việt Nam nói tiếp: Chúng tôi đề
nghị TQ rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa
của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ
hữu nghị hai nước. Điều đó có lợi cho hai nước, cho cả khu vực và thế giới…. (ViêtNamNet-
31-4-2014).
Kẻ
cướp nó kéo cả một cái giàn khoan to như cái Hàng không mẫu hạm, với trên dưới
trăm tầu hộ tống bảo về, rồi đặt chình ình trong sân nhà mình vậy mà chủ nhà
lại chỉ đề nghị nó rút đi, nghe có buồn không? Đề
nghị, có nghĩa là nó không có lỗi xâm lược; đề nghị có nghĩa là nó muốn
rút hay không rút, tùy nó. Tại Sao không yêu cầu nó
rút, không bắt buộc nó rút, mà lại đề nghị? (Rất
hy vọng rằng báo chí đã dẫn sai, để dân khỏi buồn!).
Khi
kéo giàn khoan vào Biển Đông, Việt Nam có trên dưới 20 cuộc thương thảo với
Trung Quốc, nhưng hoặc họ hờ hững, chiếu lệ, hoặc cả vú lấp miệng em, cãi bậy,
thậm chí ta muốn gặp ở cấp cao hơn, họ từ chối, trong khi đó họ đón những người
lãnh đạo Căm-pu-Chia và Mã-lai rất trọng thể. Hãy hiểu bản chất của Trung Quốc
để mà không hy vọng!
Nhân
dân Việt Nam không đề nghị, nhân dân Việt Nam yêu
cầu và bắt buộc Trung Quốc phải rút ngay giàn
khoan 981 và tàu hộ tống ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt
Nam!
Nhà văn Đình Kính
0 nhận xét:
Đăng nhận xét