Ads 468x60px

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Trung Quốc đưa giàn khoan thứ hai vào Bển Ðông

Lộ trình di chuyển giàn khoan Nam Hải 9
của Trung Quốc. (Hình: Internet)
Trung Quốc đưa giàn khoan thứ hai, có tên là Nam Hải 9 vào Biển Ðông để thăm dò dầu khí trong khi những rắc rối với Việt Nam về giàn khoan HD981 vẫn còn đó.
Dựa vào thông tin trên website của Cơ Quan An Toàn Hàng Hải Trung Quốc, thông tấn xã AP cho biết, Nam Hải 9, dài 600 mét, được kéo từ Nam đảo Hải Nam về hướng Ðông Nam và ngày 20 tháng 6 sẽ đến vị trí dự kiến mà một viên chức Việt Nam nhận định là “nằm bên ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, vốn là khu vực Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán để phân định chủ quyền.”
Việc phân định chủ quyền ở khu vực vịnh Bắc Bộ dựa trên một hiệp định đã được hai bên cùng ký năm 2000 và đã đàm phán được năm vòng.
Theo một tờ báo ở Hồng Kông thì cuối năm ngoái, ba công ty chuyên thăm dò dầu khí của Trung Quốc đã đặt đóng thêm ba giàn khoan mang các số hiệu: 982, 943 và 944. Tổng giá trị của ba giàn khoan này là 6.6 tỉ nhân dân tệ. Hai trong ba giàn khoan sẽ hoàn tất vào năm 2015. Giàn khoan thứ ba sẽ hoàn tất vào năm 2016.
Cả ba giàn khoan đều có khả năng hoạt động ở vùng biển có độ sâu hàng ngàn mét và có thể khoan sâu vào lòng đất đến hàng chục ngàn mét. Như vậy là ngoài giàn khoan 981, giàn khoan Nam Hải 9, đến 2016, Trung Quốc sẽ có tổng cộng năm giàn khoan, chuyên thăm dò, khai thác dầu khí ở những vùng biển sâu.
Theo dõi các diễn biến trước và sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan 981 đến quần đảo Hoàng Sa để thăm dò dầu khí hồi đầu tháng 5 vừa qua, một số chuyên gia tin rằng, Trung Quốc đã và sẽ sử dụng các giàn khoan như “lãnh thổ di động” để củng cố các yêu sách về chủ quyền trên Biển Ðông.
Ngoài việc loan báo đang đưa giàn khoan Nam Hải 9 vào Biển Ðông, Cơ quan An toàn hàng hải Trung Quốc còn yêu cầu các tàu bè trong khu vực tránh đường để việc di chuyển giàn khoan Nam Hải 9 dễ dàng.
Giới quan sát thời sự tin rằng, Việt Nam sẽ không phản ứng mạnh mẽ trước sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan Nam Hải 9 vào Biển Ðông vì việc phân định chủ quyền ở khu vực vịnh Bắc Bộ chưa rõ ràng. Chưa kể, trước đây, Trung Quốc đã từng tổ chức thăm dò ở khu vực mà theo dự kiến, nay, Trung Quốc sẽ đặt giàn khoan Nam Hải 9.
Trả lời báo giới Việt Nam, tướng Nguyễn Quang Ðạm, tư lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam, cho biết, vị trí mà Trung Quốc dự kiến đặt giàn khoan Nam Hải 9, “nằm sâu trong thềm lục địa của Trung Quốc từ 50 đến 60 hải lý.” Cũng theo ông này, vị trí của giàn khoan Nam Hải 9 cách đảo Lý Sơn, thuộc tỉnh Quảng Ngãi 140 hải lý. Ông Ðạm xem việc Trung Quốc đưa giàn khoan Nam Hải 9 đến vị trí mà Trung Quốc dự kiến đặt giàn khoan này để thăm dò dầu khí là “bình thường” vì cách đây khoảng 5 năm, Trung Quốc đã từng làm như vậy.
Trong khi đó, một viên chức ngoại giao của Việt Nam nói với AP rằng, Việt Nam cho là không quốc gia nào nên có hành động đơn phương trong vùng biển có tranh chấp. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Nam Hải 9 vào Biển Ðông diễn ra cùng lúc với sự kiện ông Dương Khiết Trì, ủy viên phụ trách đối ngoại của Quốc Vụ Viện Trung Quốc và ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam gặp nhau tại Hà Nội.
Cuộc gặp được xem là sinh hoạt thường niên của “Ủy ban chỉ đạo hợp tác Trung-Việt,” mà cả hai cùng là đồng chủ tịch. Có những dấu hiệu rất rõ ràng là việc giải quyết bất đồng về chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc đang bế tắc.
Báo chí Trung Quốc loan tin khi họp ở Hà Nội, ông Dương Khiết Trì đề nghị, cần phải gìn giữ quan hệ giữa hai đảng và hai quốc gia, không quốc tế hóa các tranh chấp. Ðồng thời, yêu cầu Việt Nam ngưng “quấy nhiễu” hoạt động của giàn khoan 981, bởi quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Họ đòi Việt Nam cũng cần ngừng “thổi phồng” bất đồng, gây ra tranh chấp mới.
Ngược lại, Bộ Ngoại Giao Việt Nam tường thuật, trong cuộc hội đàm, ông Minh nhấn mạnh, việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế. Cũng vì vậy, ông Minh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan 981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đàm phán, giải quyết các bất đồng giữa hai bên trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982. (G.Ð)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét