Đỗ Trường
Chiến tranh, binh đao khói lửa, chết chóc trên
chiến trường, không phải là cái đáng sợ nhất, đối với người lính.
Những trận chiến đày đọa tư tưởng tâm hồn cũng như thể xác trong lao
tù sau chiến tranh, đó mới là điều ám ảnh, đáng ghê tởm nhất đối
với họ. Bốn mươi năm là hai phần ba của cuộc đời đã qua đi, nhưng nỗi
đau đó, nào có khác chi những mảnh pháo, viên đạn còn đang găm sâu
vào từng con tim, sớ thịt. Dù họ, những người lính ấy, giờ này đang
sống nơi quê nhà, hay Đức, Mỹ, Pháp…hoặc một phương trời nào đó thật
bình yên. Và để xoa dịu cơn đau, bớt đi những điều ám ảnh, họ buộc
phải tìm đến trang viết, bằng những bút ký, hồi tưởng ấy.
Nếu như văn tường thuật, làm cho người đọc hiểu,
biết được câu chuyện, sự việc đã diễn ra một cách chính xác nhất,
thì bút ký, ngoài tái hiện lại một cách sinh động, sự việc con
người, nó còn được lồng ghép tư tưởng, cũng như cảm nghĩ của chính
tác giả. Vì thế, những năm gần đây, ngoài những tướng lãnh, các vị
chính khách (khi trở về với cuộc sống đời thường viết), đặc biệt,
còn có một loạt bút ký của các sỹ quan quân lực VNCH, công bố sau
một thời gian dài bị tù tội và đã thoát ra hải ngoại, như Phan Nhật
Nam, Cao Xuân Huy, Phạm Tín An Ninh…Gần đây nhất, tôi có được đọc cuốn
Sau Cơn Binh Lửa, bút ký của Song Vũ, do một người bạn vừa từ Mỹ
trở về, gửi tặng. Có thể nói, đây là cuốn sách hay, lời văn sống
động với những sử liệu rất chân thực.
Song Vũ sinh năm 1940 tại Hải Phòng với cái tên
cúng cơm Ngô Văn Xuân. Ông là cựu sinh viên sỹ quan khóa 17 trường võ
bị Đà Lạt. Dường như cuộc đời ông gắn liền với con số ba. Mười ba
năm chinh chiến, với ba lần bị thương và mười ba năm tù khổ sai ở núi
rừng phía Bắc, sau 1975. Đi lên từ sĩ quan trẻ, chỉ huy cấp trung đội,
ông đã lăn lộn khắp các chiến trường, để trở thành một trung đoàn
trưởng đầy mưu lược và can trường, ở nơi đầu sóng, khốc liệt nhất,
miền Trung, cao nguyên. Những ngày tháng lửa đạn, bi thương đẫm máu và
nước mắt ấy, đã găm vào linh hồn Song Vũ. Nó như một món nợ đeo
đẳng day dứt cả cuộc đời ông. Để một lúc nào đó, Song Vũ đã phải
cởi dần ra, đặt nó lên trang viết, trả lại món nợ đó, không chỉ
riêng cho đồng đội của mình, mà dường như cho cả những người lính
cùng một dòng máu, ở phía bên kia.
Truyện ký, bút ký, hồi ký là thể loại văn học
mà tôi thích và luôn tìm đọc. Ngay từ thuở còn là học sinh tiểu,
trung học, tôi đã say mê đọc: Một Trận Phố Ràng của Trần Đăng, Qua
Sông Đón Súng của Trần Độ…thay cho những tiểu thuyết, hay truyện kiếm
hiệp. Sau này, đọc hồi ký, bút ký của cựu phó thủ tướng Đoàn Duy
Thành, của Tướng Trần Độ, tôi vẫn thấy sự hấp dẫn của nó. Mà hình
như các tướng lãnh của quân đội miền Bắc chỉ có tướng Trần Độ viết
được hồi ký? Và ông đã viết rất hay. Gần đây, tôi có đọc hồi ký
của Tướng Võ Nguyên Giáp, do Hữu Mai chấp bút (viết theo lời kể
lại). Tuy có nhiều người khen, nhưng thành thật mà nói, với tôi, hồi
ký này, nhạt, khô rời rạc không khác gì một bài chính trị luận.
Bởi nhà văn Hữu Mai không có mặt, chứng kiến những sự kiện đó, ông
viết theo lời kể lại của tướng Giáp mà thôi. Vâng! Mà lời kể đôi khi
lại còn tam sao thất bản, mắm muối nêm, nếm vào. Và nó như một cây
gậy đã vạch sẵn, chỉ thấy rặt một điệp khúc, ta thắng địch thua.
Quân ta dũng cảm kiên cường, địch quân yếu hèn nhút nhát…Do vậy, người
viết thiếu cảm xúc, không có hồn cốt, máu lửa ở trong đó. Có lẽ,
cả cuộc đời bác nhà văn này, chỉ có nhiệm vụ viết hồi ký cho các
cụ ngồi trên?. Vậy, thành ra là thợ viết, chứ đâu còn là nhà văn
nữa. Hơn nữa bác Giáp, là tướng của văn phòng, chứ không phải từ
người lính trở thành tướng lĩnh, cầm quân ngoài chiến trường. Cho
nên, sự thiếu sinh khí trong cuốn hồi ký là điều đương nhiên. Có một
điều lạ là, bây giờ sao nhiều tướng đến thế. Có những bác, làng
nhàng giữ chân tổng biên tập một tờ báo ngành, tài năng văn chương
vào dạng thông tấn, thế mà phọt thẳng lên thiếu tướng, trung tướng.
Tướng kiểu này, có lẽ, chỉ chia hưởng quyền lợi và cho vui mà thôi.
Cũng như bút ký của Phan Nhật Nam, Cao Xuân Huy,
Phạm Tín An Ninh, Sau Cơn Binh Lửa của Song Vũ là tiếng nói chung tình
bằng hữu, đồng đội giữa cơn binh lửa, trong cái tàn nhẫn, dã man của
chiến tranh. Ngoài ra, một chút tinh ý thôi, người đọc cảm được cái
hay, cái quyền biến mưu lược của người chỉ huy trong từng trận chiến,
từ chính bản thân tác giả, hay các cấp cao hơn, trong bình diện chiến
trường rộng lớn, mà những trang viết của Phan Nhật Nam, Cao Xuân Huy,
Phạm Tín An Ninh, dường như không tìm thấy.
Có thể nói, Sau Cơn Binh Lửa là một trong những
truyện ký, tái hiện lại chiến trường một cách trung thực nhất. Song
Vũ không hề giấu giếm, che đậy những tổn thất của quân đội VNCH, tất
cả được đưa tuốt tuồn tuột lên trang sách. Đọc lên, tôi cứ ngỡ mình
đang đứng trước một trận chiến đẫm máu vừa xảy ra vậy: “…Mùi khói
của thuốc súng, các vật dụng bằng gỗ đang cháy ngún, mùi khét của
da thịt người chết, mùi tanh của máu hòa quyện vào với nhau tạo nên
một thứ mùi … Những xác chết nằm ngổn ngang, đủ loại binh chủng, từ
nhảy dù, trung đoàn 45, biệt đông quan, pháo binh, gia đình binh sĩ, xác
đặc công CS…“
Trong cái tang thương bi đát ấy, tình bạn, tình
đồng đội không còn kìm sâu, giấu kín trong lòng nữa, mà nó vuột ra
một cách tự nhiên, làm cho người đọc cảm thấy bùi ngùi, rớm lệ, dù
cuộc chiến qua đi đã rất lâu rồi: “…Tôi nhớ Võ Thừa Tự một bạn đồng
khóa Võ Bị với tôi, ôm mặt khóc nức nở, khi nhìn tôi nằm bất động,
chờ tản thương, máu thẫm đầy ngực áo trong trận đánh trên kinh Một
Thước Đồng Tháp năm 1965 ngày nào: Vũ ơi! Mày đừng chết nghe…(trang
162)
Tang thương chết chóc là thế, nhưng sự hồn nhiên,
trong trẻo của những người lính và những người sĩ quan trẻ sau những
trận đánh, hiện lên khá đậm nét trong bút ký của Song Vũ. Có lẽ,
cũng chính từ những cái hồn nhiên, trong trẻo ấy, nó đã làm cho tâm
trạng người đọc dịu lại hơn, giữa cái ngột ngạt của chiến tranh
chăng?: “…Nhu cầu chiến trường quá lớn, lực lượng tham chiến lúc nào
cũng thiếu. Thành ra có lúc chúng tôi nói đùa với nhau, chỉ có súng
đạn có lúc được nghỉ, còn lính được nghỉ phép khi cuộc sống dừng
lại. Một cuộc nghỉ ngơi theo đúng nghĩa…“ (trang 118)
Là người có thâm niên 13 năm, qua nhiều cấp bậc
chỉ huy trực tiếp ngoài chiến trường, nên Song Vũ mở rộng được tầm
nhìn hơn về chiến thuật, mưu lược, cũng như tác chiến hành quân.
Những tình tiết khi ông đưa vào trang sách và giảng giải này, quả
thật, mang lại cho người đọc nhiều điều tò mò và thú vị: “…Từ trên
quốc lộ nhìn lên, Chu Pao là một ngọn núi đá vách dựng gần như
đứng thẳng. Cách để giải quyết mục tiêu chỉ có một: Phải chiếm
được đỉnh núi này. Cái khó khăn muốn lên được đỉnh cũng chỉ có
một: Phải di chuyển quân từ phía tây nam mà… bò lên. Điều ấy có
nghĩa, chúng tôi bỏ mặt đường bọc vòng ra phía sau lưng, rồi dùng
hỏa lực pháo và không quân yểm thật mạnh để tiến quân…“ (trang
229)
Đọc Sau Cơn Binh lửa, không chỉ hiểu thêm được
những mưu tính quyền lực và những biến cố chính trị của lãnh đạo
Sài Gòn lúc đó, mà ta còn thấy được sự thật đằng sau những vụ
việc xuống đường của học sinh, sinh viên cũng như tôn giáo, nơi hậu
phương. Tuy chỉ thoảng qua trên trang sách và không đi sâu vào phân tích,
nhưng người đọc cảm được cái chính kiến rõ ràng của tác giả, trước
những thị phi đó.
Và trong bài, Thấy Gì Sau Cơn Binh Lửa? Tác giả
Võ Ý cho rằng: “Họ (Bắc Việt) không thắng bằng chính nghĩa, mà bằng
ngu muội, dối trá và tàn độc…“. Tôi không thể đồng cảm hết với ý
kiến của bác Võ Ý, vì có thế họ dối trá…còn tất cả đều ngu
muội, hoàn toàn không. Trong trận chiến huynh đệ vừa qua, người
phía Bắc làm tư tưởng, chính trị giỏi hơn lãnh đạo Việt Nam Cộng
Hòa. Nói cách khác, họ đã vẽ được cái bánh quá ngọt ngào. Và VNCH
đã thua ngay trên chiếc bàn chính trị có chiếc bánh ở trên cao ấy,
mà người lính không có quyền định đoạt số phận mình ở ngoài chiến
trường. Về lý tưởng, tinh thần chiến đấu của người lính hai phía,
tôi (không dám) không đủ khả năng so sánh, bàn bạc. Nhưng về sự đào
tạo và trang thiết bị của người lính cũng như tướng lãnh sĩ quan
Việt Nam Cộng Hòa hơn hẳn bộ đội miền Bắc.
Thật vậy! Chúng ta đọc đoạn văn dưới đây,
để thấy được cái sự thật đó, lúc Song Vũ đang chiến đấu trên mặt
trận Cao Nguyên tháng tư 1975. Ông đã phải đau đớn thốt lên, khi nhận
lệnh từ Bộ tổng tham mưu, rút quân về Vũng Tầu: “… Ngoài chiến
trường xương rơi, máu đổ, nhìn về phía sau lưng những trò nhố nhăng
chính trị của các chính khách tứ thời sống bằng cái miệng hò hét
hô hào, bôi nhọ, tranh đạt lẫn nhau…Rồi bà nọ ông kia, mua quan bán
chức, sống phè phỡn trên nỗi thống khổ, sự hy sinh vô bờ bến của
những người cầm súng. Bây giờ đây, trên radio, trên báo chí, trên những
tin tức tác động tâm lý của địch họ thấy gì? Thấy sự đổ vỡ của
các mặt trận giới tuyến, thấy sự rút chạy toán loạn khắp mọi nơi,
mà phát ngôn viên quân sự đặt cho nó một cái tên mới, di tản chiến
thuật…“.(trang 93)
Vâng! Dưới cái nhìn của Song Vũ, trong chiến
tranh, nhân cách của tầng lớp lãnh cao nhất mà như vậy, thì chính
quyền VNCH sụp đổ là điều không sớm thì muộn mà thôi.
Tôi không dám nghĩ, Sau Cơn Binh Lửa là tiếng nói
chung của những người lính VNCH. Nhưng trước nhất, người đọc cảm thấy
tính nhân đạo cao ngút trời trong tác phẩm này, qua ngòi bút của Song
Vũ. Cái sự nhân văn cao cả ấy, có được, chỉ khi nào, con người nhận
ra bản chất của chiến tranh. Do vậy, dù chỉ là một điều ước thôi,
cũng làm cho ta nhiều điều phải suy ngẫm: “…Tôi vẫn tự nói với mình giá như đừng có
chiến tranh…Chiến tranh làm cho mọi thứ tự giá trị bị đảo lộn. Tàn
ác lươn lẹo lên ngôi và được xưng tụng. Con người nhìn nhau qua khe
ngắm tới thẳng đỉnh đầu ruồi của súng ống. Cuộc đời con người vốn
đã ngắn, chiến tranh càng làm cho nó ngắn thêm…“ (trang 125)
Song Vũ dành khá nhiều trang, viết
về những năm tháng dài dằng dặc trong lao tù. Ước mơ trở về với
cuộc sống đời thường sau chiến tranh của ông đã trở nên vô vọng. Đọc
những đoạn văn này, nhiều lúc tôi phải dừng lại để đè nén cảm xúc
của mình xuống, vì sự khắt khe và tàn bạo của chế độ lao tù này.
Ngoài những đói rét, bệnh tật, lao động nặng nhọc người tù chịu
quá nhiều áp lực về tư tưởng cũng như kỳ thị đối xử. Những câu
chuyện bi hài trong lao tù, hay giữa quản giáo và tù nhân, qua ngòi
bút của Song Vũ, ta cứ ngỡ đang đọc truyện châm biếm, thích đùa của
Azit Nexin vậy. Trong cái bi đát đó, cho người đọc cảm giác, người tù
không sống bằng sinh hóa năng lượng nữa, mà chỉ còn sống bằng nghị
lực của bản thân và tình bằng hữu đồng đội mà thôi:
“Tôi đã mất đi một nửa trọng
lượng cơ thể, di chuyển phải chống gậy lê lết từng bước. Thậm chí
có lúc tôi đã nghĩ, sẽ bỏ xác nơi thâm sơn khỉ ho cò gáy này. Cũng
may được anh em đồng đội cưu mang đùm bọc, đặc biệt là các ông niên
trưởng và các niên đệ cùng một “lò cùi“ nên cơn hoạn nạn cũng qua đi
như một phép lạ. Chỉ có điều từ đấy trở đi, đầu óc tôi trở nên lộn
xộn, quên nhớ thất thường và có chiều hướng suy giảm dần“. (trang
333)
Đọc Sau Cơn Binh Lửa để thấy rõ
được thân phận người lính sau chiến tranh. Và nếu không có những cuộc
vượt biển kinh hoàng, không có những bàn tay nhân ái của con người,
với chính sách nhân đạo của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức…thì số phận họ sẽ đi về
đâu?
Nếu như văn Phan Nhật Nam sinh động, sắc sảo, của
Phạm Tín An Ninh đẹp, trong sáng, thì bút ký Song Vũ lời văn bình
dị, đằm thắm, như được nêm một chút gia vị thanh, ngọt đang tan dần
vào lòng người đọc, giữa cái xót xa đau đớn của chiến tranh và tù
tội. Với lối dẫn truyện đan xen, chồng chéo không theo một trình tự
thời gian, làm bố cục lạ và hấp dẫn người đọc hơn. Tuy bút ký của
Song Vũ không có nhiều những đoạn văn đẹp, lung linh tả tình, tả cảnh
lồng trong cái tâm trạng của tác giả hay nhân vật như văn của Phạm
Tín An Ninh. Nhưng có khá nhiều đoạn hay và truyền cảm, làm cho lòng
người rung động:
“Đất nước tôi dân tộc tôi sao cứ
mãi điêu linh khốn khổ như thế? Tôi bước ra ngoài trời, nhìn về phía
thành phố Pleiku, nơi ấy chỉ là một khoảng sáng vàng vọt, hắt lên
từ những ngọn đèn đường thành một dải sáng chạy dài theo đường chân
trời. Quay qua hướng Việt Miên, một màu đen đậm bao trùm. Nơi ấy là
những đơn vị Cộng sản, đang sẵn sàng ôm súng lao thẳng vào chúng
tôi…“ (trang 135-136)
Sau Cơn Binh Lửa là bút ký mở, tư
tưởng suy nghĩ của Song Vũ cũng là những vấn đề mở. Người đọc, cảm
thấy không bị gò ép trong cái tư tưởng dẫn dắt bởi tác giả. Điều
ông đặt ra trong cuốn sách, buộc người đọc phải suy ngẫm và đưa ra ý
kiến riêng của mình, mà có thể hoàn toàn trái ngược với tác giả.
Đọc Song Vũ, ta không chỉ thấy được sự can trường trong chiến đấu, mà
còn thấy được cái can trường trong nhận thức tư tưởng. Ông dám nhận
trách nhiệm chính về sự yếu kém của bản thân (là người chỉ huy) và
các cấp trên của ông dẫn đến thất bại vừa qua. Chúng ta đọc lại
đoạn văn dưới đây, để thấy rõ điều đó và nó cũng như là một thông
điệp, Song Vũ gửi đến người đọc trong cuốn sách này:
“… Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, phe thắng trận ít nhất cũng phải có được
một yếu tố nổi bật: Một nhóm chỉ đạo chíến lược thật sự tài năng hơn kẻ thù. Từ
yếu tố này sẽ mang đến những hệ quả tất nhiên – sự tổng hợp sức mạnh cần thiết
để đưa cuộc chiến đấu tới thắng lợi sau cùng. Dân tộc Do Thái có yếu tố ấy còn
chúng ta thì không. Các tướng lãnh, sĩ quan Do Thái sống chết với lính, còn hơn
thế nữa, các lãnh tụ chính trị của họ đồng kham cộng khổ với dân, sẵn sàng hy
sinh quyền lợi riêng tư cho lợi ích chung của đất nước. Tôi không chia sẻ quan điểm của
một số người khác cho rằng, một ngày nào đó khi Do Thái không còn cần thiết cho
lợi ích của Hoa Kỳ, họ sẽ bị bỏ rơi, nhưng tôi tin chắc rằng, chính phủ Hoa Kỳ
không thể bắt một dân tộc đồng minh diệt vong khi dân tộc ấy có đủ tài trí và
khả năng để tự sinh tồn. Thực tâm tôi không muốn khơi dậy một vết thương chưa lành
trong nỗi đau chung của những thế hệ trong trang lứa chúng tôi, một thế hệ đã
lãnh đủ mọi tai ách, hy sinh mà không hoàn thành được sứ mạng bảo vệ đất nước,
dân tộc mình. Nhưng nếu cứ mãi đổ vấy cho sự thất bại ấy là do sự tráo trở của
đồng minh, tự coi mình là một thứ lính đánh thuê thì theo tôi, sự hy sinh của
thế hệ chúng tôi trong cuộc chiến vừa qua là một điều rất đáng buồn!...” (trang
498)
Sống xa Tổ Quốc, và đã bước vào
cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng người lính chiến Song Vũ vẫn hừng hực
chiến đấu, vạch ra âm mưu và dã tâm xâm lăng bờ cõi của giặc Tàu,
trước sự yếu hèn của những người lãnh đạo Đảng CSVN. Với ông đất
nước dân tộc là tất cả.
Vâng! Đúng như vậy, người lính
già cần mẫn, can trường ấy, vẫn chưa thể bước chân ra khỏi cuộc
chiến này…
Đức Quốc ngày 7-7-2014
Đỗ Trường
0 nhận xét:
Đăng nhận xét