Ads 468x60px

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Nổ

GS TS Nguyễn Vân Nam
Phòng khám bệnh y học Trung Quốc ‘nổ’ mỹ phẩm làm trắng da trong vài ngày; quần làm giảm cân trong 5 phút,…Nổ ầm ầm trên các kênh TV. Nhìn đâu cũng thấy ‘nổ’.
Phòng khám Trung Quốc : bác sĩ ‘chui’, quảng cáo ‘nổ’. Nguồn : thanhnien.vn
Tình trạng các công ty ‘nổ’ khi quảng cáo, trách ai ? Sở y tế chăng ? Sở Y tế có trách nhiệm xem xét cấp giấy phép hoạt động cho phòng khám Trung quốc. Do đó sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm, nếu thầy thuốc ở đó không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn hợp lệ, cơ sở vật chất của phòng khám không bảo đảm.
Sở y tế có trách nhiệm duyệt nội dung quảng theo các qui định về quảng cáo của Luật quảng cáo, chứ không phải là kiểm tra tác động của hành vi quảng cáo theo tiêu chuẩn Luật Cạnh tranh. Mà những quảng cáo ‘nổ’ như thế là nhằm để thu hút người bệnh (người tiêu dùng), tức là phải được xem xét bởi Luật Cạnh tranh. Nói một cách khác, Sở Y tế không có nhiệm vụ kiểm tra, buộc các phòng khám bệnh không được ‘nổ’. Đó là nhiệm vụ của Luật cạnh tranh.
Trách các nghệ sĩ tiếp tay cho ‘nổ’ mạnh hơn, xa hơn cũng không nên. Họ không có trách nhiệm kiểm tra trước xem quảng cáo đó có phạm pháp luật hay không rồi mới tham gia, bởi có muốn họ cũng không đủ khả năng. Nghệ sĩ cũng không có nghĩa vụ cùng chịu trách nhiệm với người thực hiện một quảng cáo phạm luật, vì chỉ là người được thuê.
Trên hết, với một ý thức trách nhiệm, họ có quyền tin vào sự hợp pháp, chính đáng của những quảng cáo đã được Sở Y tế duyệt nội dung, được nhà đài phát sóng. Luật Cạnh tranh có nhiệm phụ làm cho doanh nghiệp ‘sợ’ mà không dám chiêu dụ người nổi tiếng tham gia quảng cáo không lành mạnh.
Nhà sản xuất chương trình, nhà đài phát sóng có tội to nhất? Nhà sản xuất phải làm chương trình theo ý tưởng, mục tiêu quảng cáo của phòng khám. Họ không có trách nhiệm kiểm tra nội dung quảng cáo để nhắc nhở người đặt hàng đừng phạm luật. Trách nhiệm tuân thủ Luật cạnh tranh là trách nhiệm của riêng doanh nghiệp đặt làm và hưởng lợi từ quảng cáo. Nhà đài phát sóng một chương trình quảng cáo phạm luật, chỉ phải chịu trách nhiệm khi biết nó phạm pháp mà vẫn tiếp tục phát sóng.
Lời quảng cáo của một loại kem tẩy trắng siêu tốc. Hình minh hoạ.
Cạnh tranh thu hút người tiêu dùng bằng quảng cáo là mục tiêu của doanh nghiệp. Nhưng phải là cạnh tranh lành mạnh, nghĩa là chỉ cạnh tranh thu hút người tiêu dùng (người bệnh) bằng chất lượng và giá cả. Người tiêu dùng phải được quyền tự do (không bị các yếu tố tinh thần, vật chất dụ dỗ, ép buộc) quyết định lựa chọn sử dụng hàng hóa (dịch vụ) chỉ và chỉ theo chất lượng, giá cả.
Để bảo đảm điều này, Luật cạnh tranh có những qui định cấm quảng cáo gây ngộ nhận, như quảng cáo ‘nổ’ chẳng hạn, vì nó làm người tiêu dùng có một xác tín sai sự thật về chất lượng món hàng, dịch vụ, mà quyết định mua chúng với giá trên trời không đúng với chất lượng thật sự.
Người tiêu dùng là một tác nhân hoạt động trên thị trường và được bảo vệ chủ yếu bởi Luật cạnh tranh. Một Luật cạnh tranh với đầy đủ những qui định- như nói ở trên- là nền tảng bảo đảm một cơ chế cạnh tranh lành mạnh hạn chế tốt nhất các hoạt động quảng cáo gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chừng nào Luật cạnh tranh vẫn không thể hoàn thành nhiệm vụ, chức năng, mục đích của nó trên thị trường như hiện nay, thì đến chừng đó các quảng cáo sai sự thật, gây ngộ nhận, lừa dối người tiêu dùng vẫn tiếp tục ‘nổ’ lớn và lan rộng.
GS TS Nguyễn Vân Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét