Vụ giàn khoan HD-981 hiệp 1 coi như đã kết thúc. Nói hiệp 1 vì hầu như, trên
thế giới, ai cũng biết là Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ ý định lấn chiếm
Biển Đông. Một ngày nào đó, có thể rất gần, khi mùa bão đã qua, không chừng họ
sẽ sang thăm dò tiếp, và sau đó, có thể khai thác dầu khí ở ngay trên thềm lục
địa Việt Nam. Hơn nữa, họ cũng có thể tuyên bố vùng kiểm soát hàng không ngay
trên con đường lưỡi bò để bất cứ chuyến bay nào, kể cả của Việt Nam, đi ngang
qua vùng không phận ấy, đều phải xin phép chính quyền Trung Quốc!
Tất cả những việc đó đều có thể xảy ra. Chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là về phía Việt Nam: Họ sẽ phản ứng như thế nào
trước các hành động xâm lấn càng lúc càng ngang ngược của Trung Quốc?
Suốt mấy tháng vừa qua, trong khi trên thế giới, người ta đưa tin và bình
luận rất nhiều về các âm mưu lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc, thì ở Việt
Nam, dân chúng được biết rất ít. Không ai biết chính quyền Việt Nam có chiến
lược hay chiến thuật gì để đối phó với Trung Quốc. Không ai biết Việt Nam có
kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế hay không. Không ai biết Việt Nam sẽ làm
gì với những khẩu hiệu “4 tốt” và “16 chữ vàng”. Không ai biết Bộ Chính trị đảng
Cộng sản Việt Nam có thống nhất với nhau được về vấn đề gì hay không; nếu không
thống nhất, thì ai ở phe nào và động cơ thực sự của việc không thống nhất ấy là
gì. Không ai biết Việt Nam có ý định liên minh với nước nào để tạo thành sức
mạnh nhằm cân bằng sức uy hiếp đến từ Trung Quốc hay không.
Tất cả những việc ấy đều là bí mật. Gần như là bí mật tuyệt đối.
Cũng nhân vụ giàn khoan HD-981, người ta biết rõ hơn về công hàm của Phạm Văn
Đồng, thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gửi Chu Ân Lai vào năm 1958
trong đó chính quyền miền Bắc thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không có nhà lãnh đạo nào của Việt Nam lên tiếng về
cái công hàm ấy cả. Không xác nhận. Mà cũng không phủ nhận. Người dân cũng tò mò
muốn biết thêm: cái công hàm ấy có ảnh hưởng gì đến việc mang Trung Quốc ra
trước tòa án quốc tế hay không. Không có người nào giải đáp cái thắc mắc ấy
cả.
Có thể nói, một cách tóm tắt, trong suốt mấy tháng vừa qua, người dân Việt
Nam hoàn toàn bị bưng bít mọi thông tin. Thảng hoặc một vài nhà lãnh đạo Việt
Nam có tuyên bố gì đó, họ cũng chỉ nói với thế giới bên ngoài chứ không hề nói
với dân chúng trong nước.
Không còn hoài nghi gì nữa, đó chính là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy chính
quyền Việt Nam hoàn toàn coi thường nhân dân của họ: Họ không thèm đối thoại với
nhân dân. Không thèm cung cấp thông tin cho nhân dân dù đó là những vấn đề ai
cũng thấp thỏm lo lắng và muốn được biết. Đó là chính là dấu hiệu chắc chắn nhất
cho thấy Việt Nam hoàn toàn không có dân chủ.
Nói đến dân chủ là nói đến quyền của người dân. Những cái quyền ấy phong phú
và đa dạng vô cùng, từ quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do tôn giáo, tự
do lập hội đến các quyền đi lại, quyền cư trú, quyền biểu tình, quyền ứng cử,
quyền đối lập, v.v… Nhưng người ta thường quên một quyền đơn giản hơn và cũng
căn bản hơn: quyền được biết.
Dân chúng không thể suy nghĩ hay phát biểu về những vấn đề họ hoàn toàn không
có thông tin. Dân chúng không thể chọn lựa các ứng cử viên trong các cuộc tuyển
cử nếu không có thông tin về các ứng cử viên ấy. Dân chúng không thể làm được gì
cho đất nước nếu họ hoàn toàn bị bưng bít mọi thông tin, ngay cả những thông tin
quan trọng và có ảnh hưởng sâu rộng đến số phận của toàn dân tộc. Dân chúng cũng
không thể ủng hộ chính quyển nếu họ không biết chính quyền đang nghĩ gì và làm
gì.
Ở Tây phương, người ta xem quyền được biết của dân chúng là một trong những
quyền căn bản nhất. Cái gọi là quyền được biết ấy bao gồm rất nhiều khía cạnh.
Ví dụ liên quan đến thực phẩm, chẳng hạn, tất cả các công ty sản xuất phải ghi
rõ các thành phần hoá chất trên nhãn để đáp ứng quyền được biết của người tiêu
thụ. Về phương diện xã hội, ví dụ để sửa một khúc đường vốn sẽ có ảnh hưởng đến
vấn đề giao thông, các công ty phải thông báo trước ngày bắt đầu khởi công về
thời hạn của công việc theo quyền muốn biết của dân chúng.
Nhưng quan trọng nhất là trong lãnh vực chính trị. Hầu hết những toan tính và
những dự án lớn của chính phủ đều phải được thông báo cho dân chúng. Dân chúng,
đặc biệt giới truyền thông và giới đối lập đều có quyền đòi hỏi các chi tiết
chung quanh các toan tính và các dự án ấy. Theo luật về quyền tự do thông tin,
chính phủ hoàn toàn không thể từ chối.
Các nhà phân tích chính trị và luật pháp đều cho quyền được biết của dân
chúng là một thứ dưỡng khí của dân chủ. Không có quyền được biết, mọi thứ quyền
khác đều bất khả thực hiện.
Không chừng ở Việt Nam hiện nay những người tranh đấu cho dân chủ nên đặt vấn
đề về quyền được biết của dân chúng và của chính mình. Để không có cảnh ngoại
xâm đang rình rập ngay trước ngõ mà chính quyền cứ im thin thít như vậy mãi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét