Ads 468x60px

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Xe khách 'chất lượng cao' thời mở cửa

Xe khách của hãng Thành Bưởi đón khách Sài Gòn-Ðà Lạt.
(Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
Nguyễn Sài Gòn
Phương tiện vận chuyển của người dân xứ sở này luôn luôn vẫn là những chiếc xe đò ì ạch đúng như bản chất của nó và sẽ không bao giờ khá hơn nếu những cái “đầu tôm” ấy không bao giờ chịu nhảy lên bờ. Và cũng sẽ không bao giờ đỡ khổ hơn một chút nếu những cánh cửa u ám đó không chịu tháo chốt bung ra để đón gió lộng bốn phương.
Trước 75 ở miền Trung có những hãng xe đò trứ danh như Phi Long-Tiến Lực chạy suốt từ Ðông Hà-Quảng Trị cho đến Ðà Nẵng-Qui Nhơn Quảng Ngãi-Sài Gòn. 
Mặc cho bom mìn của VC “gài” đầy trên quốc lộ 1, mặc cho cái chết luôn rập rình trên từng cây số, xe vẫn xuất bến đúng giờ vì từ trước sáng tinh mơ đã có đội “công voa” đi “rà mìn mở đường” thông xe.
Ðôi khi có vài chiếc xe cũng bị nổ tan xác pháo cùng với những con người, nhưng giao thông vẫn là điều không thể dừng lại đứng yên không chạy khi sự sống vẫn cần luân chuyển. Chiến tranh đạn bom vẫn cứ nỗ ra những chuyến xe thì vẫn phải gầm lên vận chuyển hàng hóa đưa đón cái chết lẫn cái sống không trì hoãn một ngày nào.
Miền Nam sau những ngày bộ đội miền Bắc từ trên rừng ào xuống tiếp quản thì mọi thứ đảo lộn, từ chiếc xe đạp cho đến chiếc Honda và dĩ nhiên đến những chiếc xe khách và rốt ráo là xe hơi “cần phải bị tịch thu sung vào các công ty quốc doanh nhà nước quản lý.”
Và từ đó có một loại xe mới lạ được ra đời đó là xe chạy bằng than, nghĩa là vừa chạy vừa đổ than vào để đốt cháy nó thành nhiên liệu để có thể hầm hè lê lết chạy từ ngày nầy qua ngày khác mới đến được bến đỗ. Cá biệt vẫn có những loại xe hiệu Desoto của Mỹ còn sót lại thì biến thành xe “tốc hành Nam Bắc” chạy nhanh hơn xe than một chút để mong rút ngắn đoạn đường dài từ Sài Gòn ra Hà Nội.
Hồi đó với đoạn đường 300 km từ Sài Gòn đi Ðà Lạt với xe tốc hành thì phải tốn hết 48 tiếng đồng hồ mới đến bến, và xe than thì kinh hoàng hơn phải nhiều gấp hai.
Việt Nam chỉ thực sự thay đổi sau khi lệnh cấm vận của Hoa Kỳ được dỡ bỏ sau khi những con thuyền vượt biên thưa dần và những chuyến xe mới hiện đại hơn được nhập khẩu với thuế suất cao để được kinh doanh lưu thông.
Ðất nước cũng đã bắt đầu thay da đổi thịt từ sự lưu thông nầy - như một cái cơ thể ốm đói của chế độ bao cấp lười nhác được tháo bung, được bơm tiếp máu vào những hình hài quặt què thiếu đói.
Lúc đó thập niên 80 đầu xuất hiện những đoàn xe Hải Âu của Nga dùng để chở chuyên gia Liên Xô được hô biến thanh xe của các công ty du lịch chạy suốt từ Ðà Lạt xuống Sài Gòn chỉ mất 12 tiếng. Người dân được hưởng thành quả “đổi mới” của XHCN sau bao nhiêu năm “bế môn tỏa cảng” nhưng như vậy là cũng sang quá trời rồi.
Những chuyến xe đã đã thông luồng như vậy đó sau khi cả một đất nước bị ngục tù bởi những trạm kiểm soát dày đặc chốt chặt khắp các ngả đường, bởi chính sách “ngăn sông cấm chợ.”
Ðó là chuyện ngày xửa ngày xưa. Bây giờ nằm nhớ lại như một giấc mơ hung bạo nhưng có thật trăm phần trăm.
Bây giờ bằng những phương tiện vận chuyện hiện đại tiện nghi gấp mười lần bạn đã có thể đến nơi mình mong muốn an toàn thuận lợi, cho dù so với thế giới thì vẫn còn tụt hậu xa nhưng như vậy là “mừng” lắm rồi đừng mơ nhiều hơn khi chế độ vẫn còn muốn dân phải “chịu ơn” nhiều hơn vì đã được “đảng và nhà nước quan tâm.”
Dân Sài Gòn bây giờ đã quá quen với loại xe Mega Bus như bên Mỹ. Kiểu xe “giường nằm hai tầng” của các hãng xe đò cao cấp. chỉ cần nhấc máy alo là đã có thể có cho mình một chỗ nằm hay cho cả một gia đình vào bất cứ thời gian nào để khởi hành ngay đến mọi nơi trên toàn quốc. Ðà Lạt, Nha Trang, Hà Nội, Ðà Nẵng, Quảng Ngãi, Qui Nhơn...
Ða số loại xe hiện đại nầy đều mang nhãn hiệu Huyndai do Hàn Quốc Sản xuất. Mang vác tối đa 42 hành khách chạy suốt không đón khách chỉ dừng lại để tiếp nhiên liệu và nghỉ ngơi dùng cơm tùy theo cung đường xa gần.
Ví dụ như tuyến khách du lịch Sài Gòn-Ðà Lạt với hiệu suất xuất bến dày đặc 1 giờ 1 chuyến cả ngày lẫn đêm, thì các hãng xe đó Phương Trang, Thành Bưởi, là hai thương hiệu luôn cạnh tranh nhau quyết liệt. Thời gian cho một chuyến đi đến là 8 giờ đến 9 giờ và nhanh hơn trong đêm. Du khách có thể yên tâm ngủ một giấc là có thể đặt chân xuống thành phố sương mù ngay trong sớm mai - nếu khởi hành lúc 12 giờ đêm ở Sài Gòn và ngược lại ngay trong ngày đã có mặt ở Sài Gòn từ tờ mờ sáng.
Với lối phục vụ có một không hai, hành khách ở Ðà Lạt khi đặt vé sẽ được xe xịn đưa đón tận nơi về đến nhà ra bến đến khách sạn không phải mất tiền, nhà xe gọi đó là “trung chuyển” nên cho dù bạn có đến Ðà Lạt vào lúc nửa khuya mưa bão mù trời thì cũng không lo lạc lõng, yên tâm bạn đã có thể về đến tận nhà ấm êm mà không lo bị ướt chút nào.
Nhiều người đã bất ngờ với lối phục vụ chu đáo đấy chất cạnh tranh nầy của hai đại gia trên. Nó quyết liệt đến nỗi mỗi hãng đều có “bến bãi” riêng với cung cách phục vụ tận răng cho hành khách của mình, những ai quen với phong cách giang hồ bụi bặm chắc sẽ thích xe Thành Bưởi hơn và những ai muốn lịch sự đàng hoàng sạch sẽ một chút sẽ chọn Phương Trang.
Với bến bãi khang trang rộng thoáng ở ngay cửa ngỏ thành phố Ðà Lạt, với các trạm dừng chân dọc đường để nghỉ ngơi vệ sinh lịch sự, Phương Trang hình như có vẻ qui mô hơn nhưng Thành Bưởi cũng không kém khi những điểm dừng chân của họ lại hơn hẳn về ăn ngon với giá cả phải chăng...
Người ta nói rằng Việt Nam đang vào thời bùng nổ của giao thông vận chuyển hành khách, bằng chứng là cứ vào dịp lễ tết thì xe đò trở thành một vấn nạn cho những ai muốn về quê, cũng giống như bà con Việt kiều hàng năm cũng phải đối diện với nạn khan hiếm vé máy bay từ Mỹ về thăm nhà.
Nhưng đường bay thì chỉ ùn ứ vào mùa Xuân, xe cộ thì chỉ kẹt cứng vào dịp Tết, đường sá thì mỗi ngày mỗi hẹp trong khi xe cộ thì quá nhiều bất an thì việc chọn cho mình một phương tiện phục vụ tốt không bao giờ thừa.
Vì vậy các hãng xe đò “chất lượng cao” mọc ra như nấm, mỗi tỉnh đều có cho mình một hai thương hiệu để có thể lôi kéo hành khách về phía mình, với tiêu chí chiều chuộng tối đa, đi lại thuận tiện như bao luôn ăn sáng cơm trưa chiều của các hãng xe Quảng Ngãi, miền Trung, bảo đảm khi lên xe khách không phải ngồi bó gối như đã từng chịu đựng, nên mặc dù giá vé có cao hơn bình thường khách vẫn không phiền hà khi phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để có thể yên tâm ngủ một giấc cho đến khi tới nơi đến chốn.
Tất nhiên không phải mọi thứ đều an toàn hoàn hảo ngay cả máy bay đang bay trên độ cao mười ngàn mét vẫn bị rơi thì những chuyến xe dù có siêu hạng đến đâu cũng không là ngoại lệ. Tai nạn với loại xe “giường nằm” nầy không phải nhiều nhưng cũng đáng báo động như tại nạn thảm khốc ngày 2 tháng 9 vừa qua ở Lào Cai-Sa Pa khi chiếc xe giường nằm nầy lao xuống vực sâu 200 m với hàng mấy chục người thương vong và hàng năm đâu đó trên những cung đường “tử thần” vẫn là những là “điểm đen” đáng sợ cho những sinh mạng con người.
Nhưng nói gì thì nói mặc những nguy hiểm rình rập thì ngoài xe lửa máy bay tàu thủy thì phương tiện “đặc biệt” này với ưu điểm thoải mái được trùm chăn duỗi chân “nằm ngủ” đong đưa trong máy lạnh rì rào thì đây vẫn là lựa chọn tối ưu không thể khác dược cho những chuyến đi dài xa hàng trăm, hàng nghìn cây số.
Có một dịp nào đó khi cần phải lang thang đâu đó gần nhất như Nha Trang-Ðà Lạt, từ Sài Gòn bạn có thể dùng phương tiện này để hưởng cái cảm giác nhàn nhã của một kẻ rong chơi, bảo đảm bạn sẽ thấy cuộc đời nầy cho dù có ra đi hay trở về. Dù lúc trời sáng hay trong đêm mưa bão, chắc đó vẫn là một niềm hạnh phúc hiếm hoi khi những chuyến xe của thời mở cửa nầy trong tương lai sẽ không bao giờ có lý do nào để khép lại.
Nguyễn Sài Gòn/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét