Một khoá họp Quốc Hội tại Hà Nội (ảnh minh hoạ) |
Anh Vũ
Không hiểu mình nói gì?
Một số đại biểu Quốc Hội có không ít những phát biểu ngay tại nghị
trường cho thấy sự thiếu thận trọng, hoặc chưa thật hiểu những gì họ
nói; thậm chí còn trái luật. Điều này đã khiến dư luận băn khoăn về chất
lượng và trình độ của thành viên cơ quan lập pháp Việt Nam.
Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện
vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân
dân.
Theo Hiến pháp Việt Nam, thì Quốc Hội là cơ quan lập pháp, có nhiệm
vụ quyết định những vấn đề lớn, các chính sách cơ bản của nhà nước và
hoạt động của bộ máy nhà nước. ĐBQH là những người ưu tú về phẩm chất,
năng lực, do cử tri trực tiếp bầu ra và thay mặt cử tri thực hiện quyền
lực nhà nước tại Quốc Hội. Nhưng thực thế là việc bầu cử ĐBQH ở Việt Nam
từ trước đến nay luôn bị cho rằng chỉ là việc làm hình thức, tiến hành
theo cơ chế Đảng cử, Dân bầu.
Và thực tế các phát biểu của các ĐBQH tại nghị trường trong thời gian gần đây cho thấy, có sự thiếu thận trọng, hoặc chưa thật hiểu những gì họ nói, thậm chí là trái với luật pháp.
Thực trạng này không chỉ làm cho dư luận lo ngại về khả năng và trình
độ của các ĐBQH, mà còn cho thấy chất lượng của cơ quan quyền lực cao
nhất ở Việt Nam đã và đang có các vấn đề đáng báo động.
Gần đây nhất, ĐBQH Sư thầy Thích Thanh Quyết phát biểu tại Quốc Hội
rằng Việt Nam phải xây dựng quân đội như quân đội Cộng hòa DCND Triều
tiên là một ví dụ.
Hoặc chuyện ĐBQH Đỗ Văn Đương, người phát biểu nhiều ý kiến phản đối
việc quy định về quyền im lặng trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự
(sửa đổi), cho rằng: “đây là chuyện kiểu như vẽ đường cho hươu chạy để bọn tội phạm lộng hành”. Đáng chú ý hơn, ông Đỗ Văn Đương đã quy chụp một cách thiếu căn cứ khi cho rằng “thực chất luật sư Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”.
Phản ứng về phát biểu này, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê
Thúc Anh đã cho rằng, phát biểu đó của ĐB Đỗ Văn Đương không chỉ là một
nhận định thiếu căn cứ mà còn hoàn toàn trái với quy định tại Điều 3,
luật Luật sư. Mà còn không phù hợp với nguyên tắc về đảm bảo quyền tự
bào chữa và nhờ người khác bào chữa được xác định là một trong những
quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Việt Nam khóa 13 hôm 21 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội. |
Một phát biểu khác cũng gây ra bao ý kiến phản đối, là của ĐBQH
Nguyễn Thị Nhung thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh hóa. Bà này yêu cầu Quốc Hội
luật hóa việc quy định đặt tên con của người Việt Nam. Bà ĐBQH này cho
rằng, cần xây dựng một luật mới là Luật Đặt tên, theo đó quy định đặt
tên phải thuần Việt, sao cho hợp văn hóa truyền thống, phong tục tập
quán.
Đề nghị của vị ĐBQH này được các chuyên gia luật cho rằng đã trái với
quy định Điều 26 Bộ luật Dân sự nước CHXHCN Việt Nam đã quy định là “Công dân có quyền đối với họ, tên. Họ tên của một người được xác định theo tên khai sinh của người đó”. Hay đối với trẻ có cha hoặc mẹ là người nước ngoài thì Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ cũng có quy định rõ là: “Việc đặt tên Việt Nam hay tên nước ngoài là theo sự lựa chọn của cha mẹ.”
Bình luận về chuyện các đại biểu phát biểu có vấn đề như thế, ông
Nguyễn Văn Thạnh một nhà hoạt động xã hội ở Đà Nẵng nói với chúng tôi:
“Quốc Hội Việt Nam được đạo diễn bởi Đảng CSVN theo cơ chế Đảng cử
dân bầu, điều đó đã làm cho Quốc Hội phụ thuộc. Đó là lý do vì sao mà
Quốc Hội Việt Nam chưa làm tốt được cái vai trò theo sự hiến định của
Hiến pháp. Cái phát biểu như thế tôi thấy nói hài hước, nó hơi
buồn cười. Nhưng mà tôi nghĩ hoàn toàn đúng với thực trạng của Quốc Hội
Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ thực trạng kém cỏi của ĐBQH là có và tồn tại
lâu rồi, là điều mà bất cứ ai quan sát nghị trường ở Việt Nam lâu năm
cũng đã rõ, không có gì là bất ngờ.”
Nguyên nhân?
Trả lời hỏi nguyên nhân do đâu dẫn tới tình trạng chất lượng của các ĐBQH Việt Nam rất yếu kém như vậy?
Chuyên gia Bùi Kiến Thành thấy rằng, nguyên nhân là do các ĐBQH đa số
là thiếu chuyên môn, và công tác nhân sự tuyển chọn thiếu tính chuyên
nghiệp. Theo ông đây là hậu quả của vấn đề dân chủ hình thức, thiếu thực
chất và còn là sự vi phạm quyền làm chủ của người dân.
Ông Bùi Kiến Thành cho biết:
“Quốc Hội Việt Nam rất đặc biệt là nó tập hợp rất nhiều lĩnh vực
với nhiều kinh nghiệm khác nhau. Ở Việt Nam mấy người vào Quốc Hội như
mấy ông sư hay tướng tá là một việc hết sức khác so với các nước. Họ
không bắt buộc phải hiểu biết về chính trị hay lập pháp, luật lệ. Nó độc
đáo ở chỗ phần lớn là nghiệp dư, cứ mỗi năm tới gặp nhau chờ chính phủ
đưa ra những dự án luật này luật kia rồi họp nhóm rồi cho ý kiến và cuối
cùng thì bấm nút thế là xong!”
Khi được hỏi về các giải pháp khắc phục tồn tại để nhằm nâng cao chất lượng và năng lực của các ĐBQH?
Ông Nguyễn Văn Thạnh thấy rằng, cần có sự tôn trọng quyền lực của
người dân trong việc bầu cử ứng cử theo Hiến pháp quy định, theo ông nếu
không có sự cạnh tranh trong quá trình bầu cử sẽ không chọn lựa được
các ĐBQH xứng đáng. Do đó việc cải cách thể chế chính trị để tiến tới
việc bầu cử công bằng, trung thực, tự do và có cạnh tranh đa đảng là đòi
hỏi cấp thiết.
Một cán bộ ở Văn phòng Quốc Hội phía Nam không muốn nêu danh tính cho chúng tôi biết suy nghĩ của ông:
“Trong quá trình đổi mới QH, việc hình thành và phát triển đội ngũ
các ĐBQH hoạt động chuyên trách được coi là một trong những giải pháp
có tính quyết định để nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động của cơ
quan này. Từ những ý tưởng, định hướng ban đầu, đến nay, QH đã tăng thêm
nhiều đại biểu chuyên trách. Thời gian vừa qua, sự vận hành của chế
định đại biểu chuyên trách đã mang lại những nét rất mới cả về nhận thức
và thực tiễn tổ chức và hoạt động của QH, mà trước đây, tuy có đặt ra,
nhưng có lẽ chưa bao giờ lại sát sườn và được kiểm nghiệm như lúc này.”
Theo nguyên tắc ĐBQH là người được cử tri trực tiếp bầu ra, đại diện
cho ý chí và nguyện vọng của cử tri. Đồng thời các đại biểu được bầu
phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình trước cử tri. Trong trường
hợp ĐBQH không hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoặc tỏ ra thiếu năng lực thì cử
tri có quyền phế truất và chắc chắn sẽ không bao giờ lựa chọn trong các
cuộc bầu cử sắp tới. Song tiếc rằng điều đó sẽ không bao giờ có trong
cơ chế “Đảng cử, Dân bầu” như ở Việt Nam bấy lâu nay.
Anh Vũ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét