Ads 468x60px

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Sài Gòn, ai còn ham đá cá lia thia

Người bán dạo cá lia thia.
(Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Trần Tiến Dũng
Người đi trên đường Lê Ðại Hành, ven lề đường khu trường đua Phú Thọ sẽ bắt gặp một người bán cá lia thia.
Trước đây, ông để những cái hủ đựng cá lia thia, cá phướng trên cái kệ cột vào yên một chiếc xe đạp, nhưng giờ số cá được ông chở đi bán bằng chiếc xe Honda đời cũ mèm.
Khách hàng ông có người đi xe gắn máy đời mới trăm triệu và cũng có những cậu bé chỉ đứng ngó chơi cho đỡ ghiền. Ông nói, “Mấy anh em có tiền, họ đều nói mua về cho con nhưng tôi đoán là họ còn ham chơi cá đá lắm.”
Nhiều thế hệ tuổi thơ Sài Gòn và các tỉnh miền Nam mê cá đá. Con nít ít tiền thì ngày nghỉ hè, đạp xe ra ngoại thành vớt cá lia thia-bảy trầu, loại cá này lúc đá chỉ cắn nhau vài tua là chạy mặt, con nít nhà có tiền thì vô lò mua cá lia thia-xiêm để cáp độ, loại cá này đá trầy vi tróc vảy kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ. Sau này dân bán cá lai giống cho ra lò loại cá phướng, thứ cá này chỉ được màu sắc sặc sỡ để ngó chơi chớ chẳng đá đấm gì ra hồn.
Ðất Sài Gòn có các lò cá lia thia-xiêm nổi tiếng ở quận 8, quận 11,... và những nơi đó cũng là trung tâm đá cá ăn tiền. Các lò đá cá độ chắc là có lịch sử dài không kém chuyện các trường đá gà. Nhưng sau 1975, một phần vì nghèo đói, một phần do trận đá cá kéo dài hơn một trận đá gà dễ bị công an bắt nên các lò đá cá đành dẹp tiệm, nhưng cái cụm từ: cá độ, vẫn còn nguyên trong các trò chơi có tính cờ bạc mà phổ biến nhất là cá độ đá banh.
Trở lại chuyện ông già bán dạo cá lia thia. Cá lia thia của ông có giá từ 20 ngàn đồng đến hơn 50 ngàn đồng một con. Ông nói, “Tui mê cá cả đời không bỏ được.” Quả thật, các loại cá lia thia của ông con nào màu sắc cũng đẹp và lạ. Dù có hàng chục năm ở Sài Gòn không còn người chơi, người mua cá lia thia nhưng ông vẫn giữ cá giống rồi cáp đôi cho ép để ra các lứa cá con có màu sắc lạ mắt cũng là một công phu.
Ông nói. “Ðời bây giờ người ta không đá cá nữa nên phải có cá màu lạ, kỳ, vi tha thướt bắt mắt để người ta ngó cho đỡ buồn con mắt họ mới mua.”
Theo lời ông, vua của loại cá lia thia “ngó cho đỡ buồn con mắt” là giống cá phướng. Cái khó của loại cá cảnh tuyệt đẹp này là không sống chung được với bất kỳ loại cá cảnh nào, một mình một hủ keo, lâu lâu người nuôi cáp hai hủ keo lại với nhau để chúng đá bóng trên thành hủ thủy tinh mà coi chơi.
Từng có thời nhờ các lò cá lia thia, cá cảnh mà nhiều người lao động nghèo ở ngoại thành kiếm sống được với nghề phụ trợ vớt lăng quăng, bo bo, trùng chỉ...
Nghề kinh doanh cá cảnh ở Việt Nam hiện nay có những giống cá nhập ngoại tính tiền trăm tiền ngàn đô la, nhưng nhiều người Sài Gòn vẫn cứ khoái con cá lia thia.
Hôm chúng tôi ghé chỗ ông bán cá, gặp một bà mẹ trẻ mua mấy con cá phướng, nói là mua cho con trai. Tò mò chúng tôi hỏi thằng bé mấy tuổi mà biết chơi cá đá, bà cho biết con bà chỉ tuổi nhà trẻ. Vợ chồng bà nhờ ông ngoại giữ cháu nên mua mấy con cá vừa cho ông chơi vừa để ông có cái mà dỗ cháu mỗi khi nó khóc, nó quậy.
Nghe bà nói, tôi và ông bán cá phì cười. Kể ra thì chuyện con cá lia thia được sống đời miễn đá đấm để làm thứ đồ chơi sinh vật cảnh cho con nít và người già cũng là một cái hay trong thời người Sài Gòn già trẻ lớn bé đều cần xả stress. 
Trần Tiến Dũng/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét