Một gian hàng bán quẹt Zippo ở chợ ve chai Sài Gòn. |
Mấy
năm gần đây, giới trẻ Sài Gòn lại có thú săn tìm các kỷ vật chiến tranh
Việt Nam 1955-1975. Trong những món kỷ vật chiến tranh ở miền Nam được
sưu tập, cái hộp quẹt Zippo là một trong những kỷ vật “hot” nhất.
Thật ra với người am hiểu về lịch sử hộp quẹt Zippo ở Việt Nam, thì
sau năm 1975, khi những đoàn khách du lịch ngoại quốc đầu tiên được phép
đến Sài Gòn, cái hộp quẹt lừng danh này của lính Mỹ và VNCH được săn
tìm đến mức chính Sài Gòn đã trở thành một trung tâm sản xuất và tiêu
thụ hộp quẹt Zippo Mỹ giả.
Chúng tôi đem
chuyện này nói với anh Thái, người mê hộp quẹt Zippo thời chiến tranh.
Anh chàng này gân cổ, đỏ mặt cãi, “Chú nói khó nghe quá, làm gì có
chuyện nước ngoài thu gom được hết hộp quẹt Zippo. Dân Sài Gòn mình ghê
lắm. Cháu biết một ông ở chợ Ông Tạ, thời khổ chỉ làm nghề bơm ga hộp
quẹt nhưng âm thầm mua Zippo, bây giờ bán ra mua được nhà, còn truyền
nghề sửa Zippo lại cho con nối nghiệp.”
Ðể chứng minh, anh Thái mời chúng tôi đến nhà trên đường Nơ Trang
Long, chỉ là ngôi nhà nhỏ, với đồ vật tầm thường vậy mà có nguyên cái tủ
sắt cỡ nhỏ. Sau vài tuần trà, anh lui cui mở khóa số cái tủ sắt. Hai
món đồ trước tiên anh đưa ra trình diện là hai cái dao găm sĩ quan còn
nguyên bao da và đá mài. Trong hàng chục cái quẹt Zippo mà anh sưu tập,
anh lấy ra một cái và đưa cho tôi cái kính lúp để soi. Cái hộp quẹt có
in hình 1 chiếc giang đỉnh, cắm cờ Hoa Kỳ và dòng chữ “River divison 592
Go Dau Ha,Viet Nam.”
Anh nói, “Chú biết không, tui phải kỳ công bám theo một ông già cả
mấy năm, khiến ổng phải thương mà để lại cho ‘con’ này. Tui thấy người
ta có nhiều cái Zippo ghi hành trình chiến địa ở Nha Trang, Nhà Bè, Ðông
Hà... tui ham lắm, nằm mơ cũng thấy nhưng không rớ được.”
Nghe và nhìn cảm xúc anh bày tỏ với hộp quẹt Zippo, chúng tôi không
dám đưa nhận xét về chuyện thật giả. Thôi thì giả cũng tốt, vì một khi
hình ảnh từ kỷ vật chiến tranh nào đó mở cho người trẻ con đường để tìm
hiểu về sự thật lịch sử cũng là một điều đáng trang trọng.
Từ anh chàng bán bánh mì trân quí cái hộp quẹt “Go Dau,” chúng tôi
tìm đến một người có tên là Út, nghe đồn rằng anh chàng làm nghề giữ xe
máy ở quận Tân Bình có cái Zippo “đáng giá ngàn vàng.” Nhưng thật không
may khi người mà chúng tôi muốn gặp, mấy tháng trước phải mổ não vì xuất
huyết, không thể tiếp chuyện.
Gặp vợ anh, chúng tôi hỏi về việc anh từng có cái hộp quẹt Zippo mạ
vàng cùng chữ ký của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Người vợ tuổi ngoài
bốn mươi kể, “Trước đây ổng mua của mấy tay ba gác-lạc xon với giá
50,000 VND. Tui có thấy qua nhưng không biết ổng bỏ đâu, bây giờ có hỏi
ổng cũng đâu nhớ nổi.” Chúng tôi không giấu được sự thất vọng khi không
thấy được cái hộp quẹt Zippo, dân sưu tầm ở Việt Nam hiện coi là báu vật
và cũng không mong gì thấy. Về cái hộp quẹt đặc biệt này, trước đây có
tay chơi cỡ bự rao trên Facebook rằng đang sở hữu, nhưng anh chàng ích
kỷ này tuyên bố không cho dân chơi, kể cả nhà báo nào rớ dù chỉ là ngó
qua cho biết.
Với anh Thái, chiếc Zippo có in hình cờ Mỹ này là báu vật.
Thật ra trong
nhiều gia đình người miền Nam hiện nay vẫn còn kỷ vật Zippo thời chiến
đấu vì chính nghĩa tự do, vật dụng đánh lửa và giữ lửa tuy nhỏ nhưng có
tính biểu tượng đến từ bến bờ có tượng Nữ Thần Tự Do. Chúng tôi có một
người anh bà con, anh vốn là sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị, lúc anh ra
trường, lên chức thiếu úy, rồi trung úy, anh đều khắc lên từng cái hộp
quẹt Zippo để làm kỷ niệm, đánh dấu chặn đường phụng sự lý tưởng Quốc
Gia. Ngày anh rời trại tù cải tạo, anh vẫn giữ những kỷ vật đó cho đến
khi chết vì bạo bệnh. Tôi không biết những người con của anh hiện nay
còn giữ được các kỷ vật đó không!
Chúng tôi đến một trong những cái chợ ve chai nổi tiếng của Sài Gòn,
chợ bên hông cầu Băng Ky-Bình Thạnh. Kiểu chợ trời này là ý tưởng bắt
chước từ các khu chợ trời tư nhân ở các nước phát triển.
Sáng Chủ Nhật, người đi bán, đi mua các kỷ vật đông nườm nượp, nhưng gian hàng bán hộp quẹt Zippo là hút khách đến không có chỗ chen chân. Chúng tôi cố gắng đến gần để nghe những câu chuyện truyền kỳ về Zippo từ người chủ hàng. Trong đó có một chi tiết đáng chú ý là chính người chủ hàng này đã lặn lội qua tới tận Nhật Bản, Mỹ, Úc... để tìm lại những cái Zippo in dấu chiến tranh Việt Nam được đưa ra khỏi Sài Gòn sau năm 1975.
Một người đàn ông dáng trí thức đứng cạnh tôi nói một câu hàm ý sâu xa, “Anh chàng bán hàng này quảng cáo Zippo chỉ thiếu một chuyện là thứ hộp quẹt này cũng đã từng theo chân người Việt vượt biên mà được may mắn trở lại Mỹ. Anh rành thứ hộp quẹt Mỹ gió bão gì cũng không tắt lửa này không?”
Ðã là năm thứ bốn mươi sau biến cố 1975, với hàng triệu gia đình đã là quá dài cho những đau khổ và mất mát huống gì là cái hộp quẹt kỷ vật nhỏ bé. Từ ngày những người bạn đồng minh bỏ rơi miền Nam Tự Do đến nay, cái hãng Zippo Manufacturing Company vẫn tiếp tục tung ra thế giới những dòng hộp quẹt thương mại lừng danh và những tay chơi hộp quẹt Zippo vẫn tiếp tục săn tìm sưu tập.
Chính vì thế nên có người nhìn vào hiện tượng những người trẻ Việt Nam sinh sau biết cố năm 1975 săn tìm kỷ vật chiến tranh như hộp quẹt Zippo, cho đó là một thú chơi đồ cổ nhưng đa số những người chơi trẻ tuổi lại tự nguyện phát biểu rằng: Tuy là chuyện chơi và có khi cũng kiếm được chút tiền cà phê, nhưng thật sự trong lòng họ mỗi khi rờ chạm vào các kỷ vật chiến tranh là muốn tìm hiểu và giữ lại cho mình kỷ vật của cha ông và một thời kỳ lịch sử của miền Nam, nơi sáng rõ giá trị chính nghĩa quốc gia trong định chế chính trị dân chủ tự do, một giá trị mà họ không được nhà trường của chế độ Cộng Sản Hà Nội dạy, họ chỉ được nghe kể truyền miệng qua cảm xúc của các thế hệ người đi trước.
Trần Tiến Dũng/Người Việt
Sáng Chủ Nhật, người đi bán, đi mua các kỷ vật đông nườm nượp, nhưng gian hàng bán hộp quẹt Zippo là hút khách đến không có chỗ chen chân. Chúng tôi cố gắng đến gần để nghe những câu chuyện truyền kỳ về Zippo từ người chủ hàng. Trong đó có một chi tiết đáng chú ý là chính người chủ hàng này đã lặn lội qua tới tận Nhật Bản, Mỹ, Úc... để tìm lại những cái Zippo in dấu chiến tranh Việt Nam được đưa ra khỏi Sài Gòn sau năm 1975.
Một người đàn ông dáng trí thức đứng cạnh tôi nói một câu hàm ý sâu xa, “Anh chàng bán hàng này quảng cáo Zippo chỉ thiếu một chuyện là thứ hộp quẹt này cũng đã từng theo chân người Việt vượt biên mà được may mắn trở lại Mỹ. Anh rành thứ hộp quẹt Mỹ gió bão gì cũng không tắt lửa này không?”
Ðã là năm thứ bốn mươi sau biến cố 1975, với hàng triệu gia đình đã là quá dài cho những đau khổ và mất mát huống gì là cái hộp quẹt kỷ vật nhỏ bé. Từ ngày những người bạn đồng minh bỏ rơi miền Nam Tự Do đến nay, cái hãng Zippo Manufacturing Company vẫn tiếp tục tung ra thế giới những dòng hộp quẹt thương mại lừng danh và những tay chơi hộp quẹt Zippo vẫn tiếp tục săn tìm sưu tập.
Chính vì thế nên có người nhìn vào hiện tượng những người trẻ Việt Nam sinh sau biết cố năm 1975 săn tìm kỷ vật chiến tranh như hộp quẹt Zippo, cho đó là một thú chơi đồ cổ nhưng đa số những người chơi trẻ tuổi lại tự nguyện phát biểu rằng: Tuy là chuyện chơi và có khi cũng kiếm được chút tiền cà phê, nhưng thật sự trong lòng họ mỗi khi rờ chạm vào các kỷ vật chiến tranh là muốn tìm hiểu và giữ lại cho mình kỷ vật của cha ông và một thời kỳ lịch sử của miền Nam, nơi sáng rõ giá trị chính nghĩa quốc gia trong định chế chính trị dân chủ tự do, một giá trị mà họ không được nhà trường của chế độ Cộng Sản Hà Nội dạy, họ chỉ được nghe kể truyền miệng qua cảm xúc của các thế hệ người đi trước.
Trần Tiến Dũng/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét