Ads 468x60px

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

BAO GIỜ THÌ HƠN 200 OAN HỒN Ở PHÚ MỸ MỚI SIÊU THOÁT?

Võ Văn Tạo
Ngày 27-9-2015, 40 năm sau vụ thảm sát đẫm máu sáng 21-4-1975 (9 ngày trước khi Sài Gòn thất thủ) tại ấp Phú Mỹ, xã Tân Lập, huyện Xuân Lộc (nay là xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh), làm hơn 200 thường dân thiệt mạng oan khốc, cựu tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch (Diễn Châu, Nghệ An; cựu trinh sát tiểu đoàn 8, trung đoàn 266, sư 341 QĐNDVN) mới có cơ hội thăm lại người xưa, cảnh cũ, thắp nén nhang tạ tội.
Mắt ngấn lệ, nghẹn ngào muốn ngất, cựu binh Thạch cùng nhân chứng sống là ông Đàn, hiện ấp trưởng Phú Mỹ hồi tưởng vụ thảm sát. Hồi ấy, ông Đàn 19 tuổi, suýt thiệt mạng oan uổng.
Vụ thảm sát xảy ra trong bối cảnh sư đoàn 18 QLVNCH vừa rút khỏi Phú Mỹ, đơn vị ông Thạch tràn vô ấp làm nhiệm vụ chốt chặn đối phương. Trước đó, trong một trận đánh khốc liệt tại Xuân Lộc, trung đoàn 266 có hơn 250 bộ đội tử trận. Cấp trên "quán triệt": dân vùng Xuân Lộc, Long Khánh, Hố Nai, Biên Hòa... chủ yếu là công giáo di cư, chống cộng khét tiếng... Trên đường vô ấp, một bộ đội bị tàn binh là địa phương quân bắn chết. Bộ đội lập tức lùa dân chúng già trẻ, trai gái trong các nhà dân 2 bên đường ra mặt đường, xả súng điên cuồng.
Tiếp cận hiện trường, trinh sát Thạch phát hiện thường dân bị giết hại, máu chảy như suối ven đường, người bị thương rên la khủng khiếp... lập tức yêu cầu dừng bắn và chỉ huy dân ấp chở người bị thương ra Bệnh viện Suối Tre cấp cứu; đưa phụ nữ và trẻ em vô rừng để tránh sốc tinh thần; lệnh đàn ông ấp 18-45 tuổi tập trung đào hố chôn các tử thi ngay chiều cùng ngày và dọn dẹp sạch vết máu hiện trường.
Không có máy đào, phải dùng máy xới, đào chiếc hố hình chữ nhật chừng 800m2, sâu khoảng 0,5m để chôn lấp tập thể các nạn nhân. Trừ 17 tử thi được người nhà sống sót nhận diện và mai táng riêng, tất cả còn lại đều chôn lấp trong chiếc hố này. Ông Đàn cho biết, dân ấp có hơn 150 người thiệt mạng, còn lại là bà con chạy loạn từ Sài Gòn. Có gia đình bị giết sạch, chỉ may mắn sống sót duy nhất bé gái 3 tháng tuổi.
Trong hồi ký "Hố chôn người ám ảnh" (viết 2008), cũng như trong cuộc hàn huyên với ông Đàn, ông Thạch đều bộc bạch: lúc ấy, ngoài mục tiêu chôn lấp để tránh sốc và ô nhiễm môi trường, còn có ý "phi tang", giữ hình ảnh "đẹp" cho "Bộ đội cụ Hồ".
Hơn 40 năm qua, dân ấp chưa nhận được một lời xin lỗi, bồi thường từ phía quân đội và nhà nước. Họ cũng chẳng biết (và chẳng dám) kêu oan ở đâu.
Thảm sát tàn ác là điều khó tránh trong chiến tranh ở bất cứ nơi nào. Tuy nhiên, tội ác do phát xít Đức, phát xít Nhật, Liên Xô gây ra trong Thế chiến 2 đều đã được các nguyên thủ các nước này lên tiếng thừa nhận và nói lời xin lỗi nạn nhân và hậu duệ họ.
Bao giờ thì hơn 200 oan hồn ở Phú Mỹ mới siêu thoát?
Võ Văn Tạo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét