Ads 468x60px

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Người bán bánh phồng

Một người bán bánh phồng dạo ở Sài Gòn.
(Hình: Duy Thức/Người Việt)
Duy Thức/Người Việt
Người Việt ta rất khoái thức ăn nướng cho nên nơi nào cũng thấy món này. Chắc vì sợ trong nhà khói um nên món nướng thường lan ra vỉa hè.
Các tiệm cơm nướng thịt gà, thịt sườn gợi vị giác chảy nước miếng, ngửi thì đã muốn xề lại ăn dĩa cơm với cái mùi vị nướng xém ấy ngay.
Cách đây không bao lâu, Sài Gòn có phong trào nướng khoai lang ngoài lề đường. Các con đường gần trung tâm thành phố thường đặt bếp than nướng khoai. Củ khoai cháy cạnh nóng hổi, vị ngọt bùi ai ăn cũng thích.
Một loại quà vặt nướng nữa là bánh tráng nướng phồng. Trước kia, ở góc đường hay có hàng bánh tráng nướng than trong chiếc nồi đất to miệng khum kê nghiêng để giữ nóng và tránh gió. Ai ăn tới đâu, người bán mới nướng tới đó, trở qua trở lại trên than hồng quạt rực tới khi chiếc bánh chín phồng to gấp ba, bốn lần bánh sống. Bởi vậy người làm biếng thức rồi mà cứ lăn qua lăn lại không ngồi dậy nổi gọi là ngủ nướng là vậy.
Bây giờ không ai ngồi đợi khách như thế nữa. Người bán chỉ cần chiếc đòn gánh móc vào hai đầu các bao bánh, đi khắp phố phường tìm khách, chào bán món bánh cổ truyền nướng sẵn này.
Tôi gọi ngừng lại khi một anh chàng gánh bánh tráng phồng đó đi ngang trước nhà. Quái lạ là mấy anh bán hàng rong, nhất là thịt heo hoặc ốc ghẹ, ngay cả chè bột lọc đều rao rất lớn, đứng sâu trong nhà vẫn nghe tiếng trong khi món bánh tráng phồng này thì đứng trước cửa, tôi thấy anh ta qua lại nhiều lần mà không nghe rao bán gì cả. Hàng chuối nướng cũng vậy, không rao hoặc rao rất nhỏ, ai đóng cửa trong nhà sẽ không nghe tiếng, không biết có hàng quà qua ngõ.
Nhiều buổi trưa quá ngọ, mặt trời đứng bóng nắng chói chan, thường có một bà chị đi qua rao lí nhí như bị hụt hơi:
- Bánh tráng, bánh phồng tôm đây.
Nhất là lúc trời sụp tối, mấy em với ít bánh tráng nướng và vài chục bịch đậu phộng rang nhỏ xíu, lặng lẽ bưng rổ quà vặt bán như bẹo thực khách ở các quán nhậu ngoài đường đông đúc. Chỉ có một chị gánh hàng kẽo kẹt có tiếng rao rất lớn cho món bánh tráng phồng dành riêng trẻ nít:
- Ai ăn bánh tráng kẹo không.
Đây là loại khách mua, chị mới lấy từng chiếc bánh tráng phồng nướng sẵn. Chùi tay vào khăn ướt cho khỏi dính, chị kéo mạch nha mỏng lên mặt, rắc dừa nạo rồi gấp đôi chiếc bánh lại. Tuy là nói bánh tráng kẹo bán cho con nít chứ người lớn và cả các bà già hảo ngọt cũng rất thích.
Anh chàng gánh chiếc đòn gánh đùm túm các bao đựng đủ loại bánh nướng bước đi nhịp nhàng trông rất vui mà đôi khi còn có vẻ khoan thai nữa chứ. Tôi nhận xét:
- Tôi thấy cái đòn gánh của anh coi bộ nhẹ nhàng quá vì bánh phồng cách mấy cũng không nặng nề như các món hàng khác.
Anh ta đồng ý:
- Vâng, hàng khá nhẹ nhưng lại dễ vỡ. Đi ngoài đường lúc nào cũng phải trông chừng để tránh va chạm. Đụng nhẹ bánh vỡ thì lỗ vốn to. Đầu tiên thì tôi gánh nhiều lắm có tới cả trăm bánh. Hôm nay may mắn gặp đoàn học sinh đi dã ngoại nên bán vợi hẳn, chỉ còn chỗ này thôi.
- Hàng chạy chứ?
Anh ta nói:
- Bán hết ngay, lời được một hai trăm.
Tôi nhìn các thứ bánh thứ tròn, thứ vuông, thứ màu cam, thứ vàng nhạt, hỏi:
- Loại nào ngon?
Anh ta ngồi xuống thềm nhà, đặt nhẹ các túi bánh xuống sợ bể, bánh nướng chín rồi nên rất giòn, mặc dù chúng chỉ cỡ bằng chiếc đĩa chứ không to như cả chiếc nia nhỏ ngày trước, chắc là cho dễ vận chuyển. Bánh to quá, lỡ mẻ một góc cũng đâu bán cho ai được. Anh ta kể:
- Tôi mua sỉ bánh ở chợ đầu mối, mỗi sáng dậy sớm nướng. Bánh bán hôm nào nướng hôm ấy nên rất thơm ngon vì đều mới cả.
Anh lại chỉ cho từng bọc khác nhau:
- Đây là bánh tráng ngọt, bánh tráng lạt, bánh mè đen, bánh phồng nếp, bánh phồng khoai làm từ khoai mì, phồng chuối... Bánh tráng tôm hơi mặn vì có rắc tép nhỏ và muối tiêu. Bánh tráng Phan Thiết thì mới bán hết hồi sáng.
Bánh phồng chuối nướng. (Hình: Duy Thức/Người Việt)
Bà hàng xóm kế nhà tôi mỗi lần về quê Phan Thiết lên. Buổi tối, cả mấy mẹ con cả trai và gái đem ra đường hẻm trước nhà quạt bếp lửa than hồng lên ngồi nướng giòn bánh tráng dầy kẹp khô mực nhỏ xé sợi thơm điếc mũi. Loại này bợm nhậu khoái lắm nhưng ít thấy ai bán.
Anh ta xem chừng rất rành về các loại tráng phồng nên thao thao nói về hai món hàng anh thiếu là phồng tôm và bánh tráng ngọt, nướng xong vẫn hơi mềm, cuốn tròn lại với dừa nạo làm nhân.
Tôi chọn mấy tấm phồng chuối giòn mà hơi dẻo. Mọi ngày tôi vẫn mua một nải chuối ăn vài ngày nhưng bây giờ sợ độc. Các loại trái cây muốn mau chín nhất là xoài, chuối, đu đủ... không phải dú khí đèn như xưa mà người ta nhúng vào hóa chất, để qua một lúc ửng chín vàng tươi ngay.
Có lần tôi mua nhầm nải chuối lá xiêm. Chỉ qua một ngày thì màu đổ nhớt, thâm kim và vỏ chuối lúc bóc mềm mụp rớt ra từng mảng đáng sợ. Tuy nhiên tinh ý và kinh nghiệm nhìn màu chín vàng hơi nhợt nhạt và rất đều thì sẽ biết ngay đó là chuối nhúng hóa chất. Cho nên ở Việt Nam gần đây hay hỏi nhau không biết ăn cái gì bây giờ?
Bởi hầu như tất cả rau trái đều có rải hóa chất. Gà vịt bơm nước để nặng cân, cá mú tôm tép trộn urê giữ tươi lâu. Người Việt đang giết người Việt đến nỗi gạo cũng sợ thì còn biết ăn gì được nữa. Đã có lần tôi ăn một chiếc bánh tráng nướng cắn hoài không bể mà dai nhách. Tôi nghĩ bụng khá hồ nghi không biết bánh làm bằng bột gạo, bột nếp hay thứ gì chẳng biết. Nhựa dẻo hay cao su phế phẩm như khô mực chẳng hạn.
Tôi mua giúp anh ta thêm vài cái bánh mè vì khi nếm thử, bánh giòn thơm chứ không dẻo quẹo như cái bánh tráng tôi ăn cách đây vài tháng. Tôi hỏi:
- Hôm nay mới thấy anh bán bánh ở khu vực này.
Anh ta trả lời:
- Tôi mới bán có tuần lễ thôi.
- Vậy chứ trước đây anh làm gì?
Anh ta có vẻ thật thà, tự nhiên nói:
- Trước đây tôi ở miền Trung, vào làm công cho các nông trường cao su. Nhằm mấy năm hạn hán, nước không đủ tưới, cao su lại rớt giá thê thảm. Nông trường lỗ lã không đủ tiền trả lương, công nhân tan tác. Cực quá, tôi về quê vợ cuốc rẫy cũng không khá nên chuyển nghề làm hồ. Vợ đi bán bánh phồng. Mấy tháng nay, nhà cửa gần Tết ít xây cất nên tôi xoay sang nghề của vợ.
- Vậy anh bỏ hoang vườn tược à?
- Có bà xã tôi lo. Bây giờ chỉ trồng khoai mì thôi chứ đất xấu thiếu nước không trồng được thứ gì khác.
Anh ta chào tôi và gánh mấy cái bánh còn lại quay đi bán tiếp. Tôi cũng không nghe anh ta cất tiếng rao giữa buổi trưa trời nắng đổ lửa này. 
Duy Thức/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét