Ads 468x60px

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

HẠNH PHÚC VỚI MIẾNG BÁNH MÌ

Hình minh họa
Tuấn Khanh
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết rằng “khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm”… Chúng ta hãy cùng nhau đi thăm mọi nơi, và nhớ ghi chú rằng “hạnh phúc không nằm trong chỉ số”.
Đầu tháng 1/2016, tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), người dân ở đây được giới thiệu bộ Hạnh phúc, do bà Ohood Al Roumi làm bộ trưởng, mà theo như chính quyền thông báo, thì bộ này có quyền hạn bổ sung, lèo lái các chính sách chung nhằm đem lại “niềm vui và sự thoả lòng” của dân chúng trong đời sống hiện tại.
Những thập niên đầu của thế kỷ 21, lịch sử nhân loại ghi nhận rất nhiều những thành công về kinh tế, khoa học… của loài người đến mức vượt bậc.
Hôm nay con người có thể thay ghép thân thể cho nhau, có thể mơ đến việc chống lại tự nhiên, kéo dài tuổi thọ… nhưng tranh cãi và băn khoăn vô cùng về cách làm sao để hạnh phúc.
Hạnh phúc, quả có một hạnh phúc cho mỗi cuộc đời con người trên trần thế, nhưng mong manh và hư ảo làm sao. Thậm chí con người vẫn luôn lầm tưởng rằng mình đang hạnh phúc, với những nhu cầu được biện giải giản đơn của trần thế như tiền bạc, xác thịt, danh vọng…
Hạnh phúc vẫn có thể bị lãng quên hoặc lạc nơi xó xỉnh nào đó giữa những nhu cầu con người ngày càng phức tạp, đến mức Liên Hiệp Quốc phải ấn định ngày 20.3 hàng năm là ngày International Day of Happiness để mỗi người tự xem lại đời mình đã thật sự có phút giây hạnh phúc nào chưa?
Tuy nhiên, vùng đất Hồi giáo rất hà khắc UAE này không phải là nơi đầu tiên nghĩ ra việc biến một khái niệm trừu tượng thành cơ sở hoạt động hành chính cụ thể. Năm 2013, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng đã tuyên bố thành lập một thứ trưởng phụ trách “hạnh phúc xã hội tối cao” là ông Rafael Rios.
Nhân vật được phó thác đi tìm hạnh phúc của quốc gia này nói với tờ NPR rằng lý tưởng của chính phủ là sẽ tạo ra số tiền thu nhập lớn nhất để đem lại hạnh phúc cho con người. Freddy Ehlers, bộ trưởng ngôi sao truyền hình và du lịch, thì nói đơn giản hơn: “buen vivir”. Hạnh phúc”, một cụm từ mà nôm na là “sống tốt”, vậy thôi.
Ngay cả cách nói này, tưởng chừng là dễ hiểu, cũng rất mông lung. Báo cáo của Human Rights Watch năm 2015 cho biết tất cả những lao động của Bắc Triều Tiên đưa ra nước ngoài lao động tập thể bị chính quyền lấy đi hết 70% lương mỗi tháng, nhưng khi được báo chí hỏi đến, họ đều nói là “rất hạnh phúc”.
Nhà văn lừng danh của Nga M. A. Solokhov (1905 – 1984) khi bị mật vụ Nga tố tập 2 của bộ tiểu thuyết Họ đã chiến đấu vì tổ quốc “có vấn đề”, ông buộc phải đốt bản thảo này, và trả lời với an ninh văn hoá rằng “tôi hạnh phúc với miếng bánh mì của mình”.
Liệu một quốc gia sẽ mạnh miệng tuyên bố mình là đất nước hạnh phúc như thế nào, với khái niệm quá ư ảo diệu này? Và một chính phủ có thể điều chỉnh suy nghĩ về hạnh phúc của dân chúng như thế nào?
Năm 1972, vua Jigme Singye Ưangchuc của Bhutan đã từng gợi ý rằng nước này sẽ đặt ra một chỉ số đánh giá mang tên “Tổng hạnh phúc quốc gia” (Gross National Happiness/GNH) và coi trọng hơn hoạt động kinh tế của mọi chính sách công.
Tuy không có cấp bộ nhưng Ủy ban hạnh phúc quốc gia Bhutan được giao nhiệm vụ khảo sát mức độ hạnh phúc hàng năm trong cả nước. Các thông tin mà họ thu thập được sau đó được sử dụng bởi các chính phủ để đưa ra các chính sách quyết định.
Ấy vậy mà, dựa theo hoạt động của chính Bhutan, báo cáo của Liên hiệp quốc về Hạnh phúc thế giới gần đây nhất, Bhutan chỉ đứng thứ 79 ra trên 158 quốc gia. Hiện định kiến về vấn đề giới tính, một người bị tố cáo là gay sẽ phải chịu án giam từ một tháng đến một năm, có lẽ chỉ số hạnh phúc của Bhutan với thế giới trong năm nay sẽ còn giảm nữa.
Trong khi đó, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy… rất “vô danh” trong những hoạt động có tên gọi xây dựng hạnh phúc nhưng lại nằm trong top 10 những quốc gia Hạnh phúc thế giới, với chú thích rằng người dân ở đây khi được hỏi, họ nói rằng họ cảm thấy mình đủ quyền của một con người, và hơn hết, là tự do.
Tự do, lại thêm một khái niệm gây tranh cãi. Nhưng rõ ràng hạnh phúc và tự do rất gần nhau, đặc biệt, khi người được hỏi có quyền tự do diễn đạt mình có hạnh phúc hay không mà không lo ngại gì. Những phụ nữ bị buộc phải lấy chồng là chiến binh ISIS ở Syria cũng luôn nói rằng mình hạnh phúc, cho đến khi đào thoát được sang vùng đất khác.
Trên Twitter, Người ta bắt đầu thấy những câu bình luận được đánh dấu “If_you_were_the_happiness_minister” để chế giễu về việc áp đặt và nhận dạng hạnh phúc của người khác. Những câu bình luận cho mục nói trên (nếu như tôi là bộ trưởng bộ Hạnh phúc) có thể dành cho bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào một cách nghiêm túc dù phải nở chút đỉnh nụ cười.
Nếu tôi là bộ trưởng Hạnh phúc, tôi sẽ làm gì? Công việc của tôi chắc là nhiều lắm, nhưng để làm vài việc đầu tiên, chẳng hạn, tôi sẽ đến U Minh, Cà Mau để hỏi xem người dân bị cưỡng chế đập nhà để xây cầu, né không làm hại nhà của chị ông chủ tịch thị trấn có hạnh phúc không?
Tôi sẽ tìm đến các luật sư của em thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn để hỏi họ có hạnh phúc không, khi mọi chứng cứ buộc tội em bị báo chí bóc trần là cố ý sai lệch, vu cáo… nhưng toà án tỉnh Long An vẫn khư khư cố chấp? Hoặc tôi sẽ đến Sơn La, nơi các học sinh phải bắt chuột để ăn khi tết này rực pháo hoa hàng trăm tỉ vô nghĩa – rằng các em có hạnh phúc không?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết rằng “khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm”… Chúng ta hãy cùng nhau đi thăm mọi nơi, và nhớ ghi chú rằng “hạnh phúc không nằm trong chỉ số”.
Hạnh phúc là nơi gương mặt con người, nơi tự do và lời nói về cuộc đời mình đang có. Hạnh phúc không rõ ràng như thấy ở đám đông vui cười mặc veste, đi xe hơi và nói tiền tỉ. Hạnh phúc có thể nằm ẩn sâu trong những đôi mắt im lặng nhìn chúng ta, những cái nhìn có thể làm chúng ta thao thức.
Tuấn Khanh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét