Ads 468x60px

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Sài Gòn ba ngày Xuân

Dân Sài Gòn mua bông, trưa 29 Tết. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Văn Lang
Thành phố Sài Gòn những ngày cuối năm trời nóng, nhưng đột nhiên đêm 29 Tết, gió đêm mát lạnh chợt lùa về. Nhiều người phải nửa đêm thức giấc. Nhờ buổi sáng trời mát, vùng ven Sài Gòn có nơi chỉ khoảng 23 độ, vì vậy người bán hoa Tết đỡ thấy nóng ruột phần nào.
Lượng hoa, trái đổ về Sài Gòn năm nay không nhiều bằng mọi năm, hàng độc và lạ cũng không thấy xuất hiện. Có lẽ các thương lái cũng đã tiên liệu trước thị trường, vì năm ngoái quá ế ẩm.
Ðơn cử như khu chợ hoa Bến Bình Ðông. Mọi năm, các ghe về đậu kín hai phía bên cầu Chà Và. Năm nay, ghe chở bông chỉ về đậu có một phía.
Cây mai lớn nhất ở Bến Bình Ðông được kêu giá là 50 triệu đồng, còn nếu muốn thuê tới ra Giêng (rằm 15) thì phải trả là 10 triệu đồng. Nhưng hầu hết mai Bến Bình Ðông năm nay là mai loại nhỏ, có giá khoảng từ 1 tới 2 triệu đồng.
Tại khu chợ hoa Thành Thái, nơi năm nào cũng bán rất nhiều mai và tắc kiểng. Năm nay chẳng những lượng hàng ở đây giảm, mà loại tắc kiểng bày bán ở đây cũng là loại thường (không tạo dáng - hình tháp), cây cũng là loại hàng trung chứ không phải hàng khổng lồ. Bù lại, thì hầu như cây nào cũng mơn mởn, tốt tươi...
Mấy ngày trước đi ngang khu chợ hoa Thành Thái, chúng tôi để ý thấy có những gian hàng đã đưa cây bắp đang có trái, tham gia thị trường hoa ngày Tết. Chúng tôi đoán là loại cây này khó được dân Sài Gòn chấp nhận “chơi” ba ngày Tết.
Những chú khỉ tại khu đường hoa Nguyễn Huệ. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Chiều 30, khoảng lúc 13 giờ 30, đi ra chợ hoa Thành Thái, thấy đám cây bắp của gian hàng bày bán vẫn còn “trơ gan cùng tuế nguyệt” trong cái nắng của Sài Gòn. Lác đác có xe tải tới chở số mai và tắc về, số này không nhiều, chứng tỏ hàng bán cũng được.
Riêng dưa hấu, năm ngoái tại khu Thành Thái này, mới 12 giờ trưa 30 chủ hàng đã bỏ của chạy lấy người. Hàng mấy chục trái dưa, loại từ 5 tới 7 ký bị bỏ lại trên đường cho ai muốn lượm thì lượm. Năm nay, dưa hấu ở đây trái nhỏ hơn một chút, nhưng gần 2 giờ trưa, chủ nhân vẫn kiên nhẫn ngồi giang nắng bán với giá đồng hạng - 50 ngàn đồng/1 trái.
Tại khu công viên 23 tháng 9 ngoài Sài Gòn (khu nhà ga xe lửa cũ), mọi việc không diễn ra suôn sẻ lắm cho người bán bông Tết. Năm ngoái, nhiều chủ hoa phải nhổ bỏ hoa kiểng để mang chậu hoa không về. Năm nay, nhiều chủ hoa đào mang hàng từ Bắc vô phải khóc ròng. Vì đúng 12 giờ trưa 30, công viên đóng cửa để công nhân vệ sinh vô dọn dẹp. Thì một cây đào đẹp, lúc trước có giá từ 5 tới 7 triệu đồng/1 cây. Nay rớt giá xuống còn có...150 ngàn đồng/1 cây. Có chủ hàng còn tới cả hơn 200 gốc đào, đành đứng dậy “phủi tay,” cho xe rác chở đi, chứ nhất định không chịu bán kiểu “đại hạ giá.”
Kiểu buôn bán, trước ngày đưa ông Táo (23) thì kêu giá thật cao, càng cận giờ thì càng xuống giá thê thảm, vô tình người bán tạo ra vô số khách hàng “tiềm năng.” Những người chỉ muốn mua với giá thật thấp, hoặc là “cướp không” mà khỏi phải trả tiền. Nếu việc mua bán kiểu này không thay đổi thì những chủ hàng hoa rồi đây sẽ còn phải khóc dài dài..
Bán đồ chơi dân gian trên đường hoa Nguyễn Huệ. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Tại Bến Bình Ðông, 6 giờ chiều khi hoàng hôn đã gần tắt nắng trên bến, người mua kẻ bán vẫn tấp nập. Chân cầu Chà Và phía quận 8 bị kẹt xe, vì lượng người đi mua bông Tết dồn về.
Có lẽ vì lượng hàng vừa phải, giá cả phải chăng, không quá nói thách mà năm nay thường lái trên Bến Bình Ðông có thể quay ghe nhẹ nhàng về quê ăn Tết. Chứ không nặng trĩu nỗi buồn thất bại ê chề như năm ngoái.
Dân Sài Gòn bây giờ, phần đông có lẽ đã thích chọn lối sống tiện ích, đơn giản hơn cho lòng thanh thản. Việc hoa trái ngày Tết coi bộ không dễ “ăn” như ngày xưa. Chỉ có điều rượu bia, thuốc lá và cờ bạc thì vẫn “móc túi” của họ được đều đều.
Thú vui ngao du ba ngày Tết của dân Sài Gòn thì cũng chẳng biết đi đâu. Dân có tiền mà chán cảnh ồn ào ngày Tết ở Sài Gòn thì họ đi “trốn Tết” ở nước ngoài. Tùy túi tiền, xa thì đi tới Trung Ðông mà gần thì đi qua Thái Lan.
Dân “thường thường bậc trung trung” nếu chán nhậu, mà còn nhớ tới “trách nhiệm và nghĩa vụ” thì cũng cố gắng đưa vợ con đi ra khu hồ bán nguyệt (Phú Mỹ Hưng), hoặc ra đường hoa Nguyễn Huệ, hay Hội Hoa Xuân công viên Tao Ðàn. 
Ði lễ chùa Bà, tỉnh Bình Dương, sáng Mùng Một Tết. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Hồ Bán Nguyệt, cũng như đường hoa Nguyễn Huệ (năm nay đã trở lại), đều cố gắng tạo ra những tiểu cảnh, kiểu như “đồng quê trong lòng phố thị.” Nhưng những hình ảnh giả mà xấu này không thể thay được đồng quê thật sự trong lòng những người dân.
Trước giờ giao thừa, người ta đổ tới chùa xin xăm, hái lộc. Dâng hương lên ban thờ, nguyện cầu cho một năm mới an lành, sung túc.
Nhiều người cũng tới Lăng Ông ở khu Bà Chiểu để dâng hương lên bậc tiền hiền, người giống như tổ tiên đã có công lớn trong việc định quốc, yên dân ở phương Nam này.
Mùng một ở nhà cúng gia tiên. Mùng hai đi ra ngõ kiếm bạn hiền... nhậu. Mùng ba, nếu ai không có quê, hay hoặc là quê... quá gần, thì cũng cố gắng để đi về quê... vợ.
Vì nhu cầu ra khỏi Sài Gòn là rất lớn, để mùa Xuân còn được hưởng ngọn gió trong lành, được nhìn dòng nước trong xanh, được thấy lại tình người trong ly rượu đầy sóng sánh.
Mùa Xuân nếu không mơ những giấc mơ, thì sao những hy vọng có thể đâm chồi, nảy lộc?
 
 
 
Văn Lang/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét