Ads 468x60px

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

12 TỶ ĐỒNG ĐỂ “GIẢI CỨU” HÀNG CÂY TRĂM TUỔI TRÊN ĐƯỜNG CƯỜNG ĐỂ - TÔN ĐỨC THẮNG

Người dân phản đối việc chặt hạ cây xanh.
Minh Châu
Tại họp báo hôm 23/3, ông Hoàng Như Cương – Phó ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM thông báo dự kiến việc đốn hạ, di dời 16 cây xà cừ trên đường Tôn Đức Thắng sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 26/3 đến ngày 7/5, trong đó giai đoạn 1 (26-30/3) đốn 5 cây di dời 3 cây; giai đoạn 2 (5-9/4) đốn 4 cây; giai đoạn 3 đốn 3 cây, di dời 1 cây.
Cuối tháng 4 cơ quan chức năng sẽ có báo cáo kế hoạch chặt, di dời số cây xanh nằm trong dự án cầu Thủ Thiêm 2.
Theo tiêu chí đưa ra, cơ quan chức năng sẽ chỉ bứng dưỡng những cây có đường kính dưới 50cm, thân thẳng, không sâu bệnh, số còn lại buộc phải chặt hạ.
Đồng quan điểm này, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP cho biết đã có những đánh giá kỹ lưỡng, qua đó họ đồng ý với phương án xử lý số cây như đề xuất của Ban quản lý đường sắt đô thị.
Trong khi đó ông Đồng Văn Khiêm – Phó chủ tịch Hội đồng phản biện xử lý cây xanh cho biết giá thành chặt hạ một cây xà cừ hiện khoảng 4 triệu đồng, còn nếu bứng dưỡng sẽ tốn 20 triệu, với những cây lớn phải mất đến 40 triệu do có bộ rễ rất lớn mà khả năng sống chỉ 50%.
Như vậy, vấn đề cần minh bạch là nếu có 12 tỷ đồng để “bứng dưỡng – di dời” toàn bộ 300 cây xanh trên con đường Cường Để/ Tôn Đức Thắng này, liệu có được chính quyền TP.HCM đồng ý?
Lưu ý, số tiền 12 tỷ đồng này là mức tối đa, vì có những cây mà “bứng dưỡng – di dời” chỉ tốn có 20 triệu đồng/ cây. Rủi ro khả năng sống chỉ 50% thì người Sài Gòn cũng chỉ mất có 150 cây xanh đã trăm tuổi.
12 tỷ đồng lớn hơn nhỏ? Con số báo cáo tại các kỳ họp hội đồng nhân dân TP.HCM, mỗi năm ngân sách thành phố chi để bù giá cho xe buýt là trên 1.000 tỷ đồng.
“Nỗi buồn cây xanh” bắt đầu từ đường Nguyễn Huệ, một trong những con đường đẹp nhất, rực rỡ nhất trung tâm Sài Gòn giờ trơ trọi với bê tông, cốt thép. Và trước Nhà hát lớn, không còn đài phun nước với hàng liễu rũ thơ mộng, không còn hàng cây cổ thụ bao năm gắn bó với người dân yêu mến thành phố này.
Rồi bây giờ đến lượt cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng. Mai mốt là cây xanh khu vực gần công viên 23 – 9, tiếp theo là 215 cây xanh trên đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2 cũng bị khai tử…
Kiến trúc sư Nguyễn Phương Thảo cho biết, hiện tại đã có một số kiến trúc sư và các tổ chức phi chính phủ đồng ý tư vấn và thực hiện một bản quy hoạch đô thị gắn liền với cây xanh. Sau khi xong, bản quy hoạch này sẽ được gửi cho UBND TP.HCM.
Cây xanh và môi trường sống là cái giá quá đắt để đánh đổi lấy sự phát triển. Hy vọng với những nỗ lực nói trên, người dân Sài Gòn sẽ không còn phải ngậm ngùi vĩnh biệt những hàng cây xanh mát.
Hình ảnh người dân phản đối việc chặt hạ cây xanh.

Minh Châu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét