Ads 468x60px

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

'Ba Sàm' Nguyễn Hữu Vinh bị kết án 5 năm tù giam

Những người ủng hộ Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy 
bị công an đẩy ra xa, đứng bên lề đường, không được cho vào phiên xử “công khai.” 
(Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Sau một ngày xét xử, toàn án thành phố Hà Nội kết án Nguyễn Hữu Vinh, tức Blogger Anh Ba Sàm 5 năm tù và đồng sự Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù theo điều 258 của Luật Hình Sự CSVN.
Cả ông Vinh và người cộng sự bị cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước...” dẫn chứng bằng một số bài viết phổ biến trên mạng thông tin Internet. Sau một thời gian đóng góp hoạt động thông tin “lề trái” trên trang mạng “Ba sàm” từ năm 2007 có hàng triệu lượt người đọc, ông lập thêm trang mạng Dân Quyền năm 2013 rồi Chép Sử Việt năm 2014.
Chỉ được một thời gian ngắn sau thì ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt ngày 5 tháng 5, 2014, giam giữ gần hai năm mới đem ra kết án tù.
Theo lời tường thuật của các luật sư tham dự bào chữa cho hai người, ông Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy rất bình tĩnh trả lời các câu hỏi của thẩm phán và phủ nhận tất cả các cáo buộc về vi phạm luật lệ của chế độ.
Tất cả 7 luật sư biện hộ cho họ đều nêu ra các vi phạm tố tụng hình sự nghiêm trọng của hệ thống công an và tòa án CSVN từ khi bắt giam họ đến khi lôi ra tòa kết án. Trong các nước có nền tư pháp độc lập, không một nghi can nào có thể bị giam giữ hay kết án.
Loan báo là phiên tòa công khai nhưng khoảng 200 người dân và bằng hữu của ông Nguyễn Hữu Vinh cũng như bà Nguyễn Thị Minh Thúy đều không được cho vào bên trong phòng xử. Họ đều bị chận lại từ xa.
Ông Martin Patzelt, nghị sĩ Quốc Hội Cộng Hòa liên bang Đức đến Việt Nam quan sát phiên xử và tham tán chính trị của Đại Sứ Quán Đức cũng không được vào. Hôm qua, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) và Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) kêu gọi chế độ Hà Nội phải trả tự do tức khắc cho ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy vì những người này chỉ sử dụng quyền tự do thông tin, không phạm luật lệ gì hết.
Bỏ đảng theo dân
 
Ông Nguyễn Hữu Vinh, 60 tuổi, được biết đến nhiều hơn với cái tên “anh Ba Sàm.” Ông Vinh là con trai út của ông Nguyễn Hữu Khiếu (1915-2005), từng là ủy viên Trung Ương Đảng CSVN trong 2 khóa, bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa, bộ trưởng Bộ Lao Động CSVN, đại sứ Việt Nam tại Liên Xô. 
“Anh Ba Sam” tốt nghiệp Đại Học An Ninh Nhân Dân năm 1979, từng 20 năm công tác tại Tổng Cục An Ninh và biệt phái công tác tại ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại Giao). Với lý lịch “toàn màu đỏ,” thế nhưng sau khi nhận ra được các sai trái trong bộ máy chính quyền CSVN, ông đã tự nguyện ra khỏi ngành công an vào tháng 11 năm 1999. Vài tháng sau, cựu trung tá này lập công ty Điều Tra và Bảo Vệ V, tiên phong trong lĩnh vực thám tử tư tại Hà Nội.
Ngày 9 tháng 9 năm 2007, ông Vinh lập trang blog anhbasam, tự gọi là Cơ Quan Ngôn Luận của “thông tấn xã vỉa hè,” là một trang web đăng tin nổi tiếng, có tiếng nói trái ngược với tuyên truyền của báo chí chính thống trong nước, với mục tiêu: “Phá vòng nô lệ” - khai dân trí, đồng thời tận dụng tối đa các tiện ích của Internet để mang tri thức đến cho mọi người.
Cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Hà Nội không nhắc gì nhiều đến trang anhbasam, mà chủ yếu cáo buộc “từ năm 2009, Nguyễn Hữu Vinh đã thành lập 2 trang blog Dân Quyền và Chép Sử Việt, ông Vinh đã cung cấp mật khẩu truy cập, chia sẻ cho Nguyễn Thị Minh Thúy một số quyền quản trị đối hai blog trên.”
“Từ khi được lập đến khi Vinh, Thúy bị bắt, blog Dân Quyền đã đăng hơn 2,000 bài viết, gần 40,000 phản hồi. Năm 2014, Bộ Thông Tin và Truyền Thông đã có kết luận cho rằng, trên blog này có 24 bài viết “sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang, lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với lãnh đạo đất nước.”
“Hai blog trên có hơn 3,7 triệu lượt truy cập, nhiều người phản hồi với nội dung tiêu cực, bị lôi kéo theo quan điểm của các bài viết. Trong số đó có bài viết: Tham nhũng , chống tham nhũng và thể chế; Mấy suy nghĩ về tình hình, nhiệm vụ hiện nay” - vẫn theo cáo trạng.
Theo dự kiến, phiên xử sơ thẩm diễn ra vào ngày 19 tháng 1 năm 2016, một ngày trước Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 12. Thế nhưng sau đó, tòa án Hà Nội đã tạm hoãn phiên tòa và chuyển qua ngày 23 tháng 3 mới xét xử, với lý do “hội thẩm nhân dân được phân công tham gia Hội Đồng Xét Xử vụ án không thể tham gia phiên tòa vào ngày đã dự kiến.” Giới quan sát cho rằng, lý do chính là “nhằm để né tránh sự chú ý từ phía công luận và tụ tập đông người trước Đại Hội Đảng Cộng Sản.”
Phiên tòa Ba Sàm, xét xử ba láp

Từ Hà Nội, nhà hoạt động xã hội Bạch Hồng Quyền cho biết: “Từ sáng nay (ngày 23 tháng 3). Tất cả các ngã đường hướng về tòa án Hà Nội đều bị phong tỏa. Có vài người bị bắt về đồn công an như bác Nguyễn Quang A, nhà báo Đoan Trang và ứng cử viên đại biểu Quốc Hội Nguyễn Đình Hà. Mãi đến khi kết thúc phiên tòa họ mới thả ra.”
Nghị Sĩ Martin Patzelt (bên phải), và tham tán viên chính trị của Đại Sứ Quán Đức 
cũng phải tham dự phiên tòa từ... lề đường (Hình: FB Bạch Hồng Quyền)
“Ngay cả các đại diện của đại sứ quán Anh, Đức, Mỹ, Thụy Điển cũng không thể vào dự phiên tòa vì lý do được phía công an đưa ra là ‘chưa có giấy mời tham dự.’ Tuy nhiên họ vẫn kiên trì đứng trước cổng phiên tòa, để bày tỏ sự ủng hộ anh Vinh.”
Ngay sau khi tòa án thành phố Hà Nội tuyên án “anh Ba Sàm” 5 năm tù giam và Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù giam. Rất nhiều người dân bày tỏ thái độ phẫn nộ với bản án này.
Luật Sư Lê Công Định bức xúc: “Bản án dành cho anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh cho thấy chế độ Cộng Sản này hoàn toàn hết thuốc chữa. Điều duy nhất cần làm là chôn cái xác đang thối rữa của nó cùng những con ký sinh trùng đang sống bám vào thôi, không còn lựa chọn khác!”
Còn Facebook của JB Nguyễn Hữu Vinh đăng tải: “Theo luật pháp hiện hành, đây là một phiên tòa công khai, mọi người có quyền tham dự phiên tòa. Thế nhưng, với hệ thống công an, dân phòng, mật vụ dày đặc và chặn người khắp nơi từ nhà đến đường, nhà cầm quyền Việt Nam đã thể hiện sự minh bạch và sự nghiêm minh của luật pháp như thế nào?”
“Với những cách hành xử này, người ta có thể kết luận đơn giản như sau: Phiên tòa Ba Sàm, xét xử ba láp, lý luận ba bửa, hành xử ba búa” - JB Nguyễn Hữu Vinh nhận xét.
Trả lời báo Người Việt qua điện thoại, Luật Sư Hà Huy Sơn, người bào chữa trong phiên tòa cho biết: “Hôm nay thì sức khỏe của anh Vinh thì tạm ổn, còn cô Thúy thì khá mệt mỏi, nhưng tinh thần của cả hai người thì rất minh mẫn, họ khẳng định là họ không có tội gì hết.”
“Khi được nói lời cuối cùng, anh Nguyễn Hữu Vinh đã tuyên bố 'Tôi vô tội' còn chị Minh Thúy thì yêu cầu tòa xét xử một cách khách quan, công bằng” - luật sư Sơn.
Trên trang Facebook của mình, nhà báo độc lập Trương Duy Nhất từng bị bỏ tù vì điều 258 viết rằng “5 năm tù giam. Nhưng tôi tin, kẻ khiếp sợ không phải anh. Không phải chúng ta. Họ không chỉ run sợ trước ý chí và bản lĩnh Ba Sàm, mà sẽ còn phải tiếp tục run sợ trước những Ba Sàm khác.”
Bỏ tù Nguyễn Hữu Vinh, thì sẽ thêm nhiều hơn những Nguyễn Hữu Vinh khác. Cũng như hai năm trước, trong phiên sơ thẩm xét xử tôi, Luật Sư Trần Vũ Hải nói rằng: “Nếu những hành vi như Trương Duy Nhất mà bị kết tội, thì xã hội này, bất cứ ai cũng đều có nguy cơ trở thành những Trương Duy Nhất dự bị.”
“Khác với những gì khi anh và tôi bị bắt. Giờ đây, không chỉ có một Ba Sàm và cũng không chỉ ‘Một Góc Nhìn Khác.’ Đã có nhiều hơn những Ba Sàm khác, nhiều hơn những ‘Một Góc Nhìn Khác’ khác.
Kể cả chị Cấn Thị Thêu và bà con dân oan Dương Nội kia. Họ cũng đã và đang là những Ba Sàm khác.
Những Ba Sàm mà cái còng, khẩu súng và nhà tù không thể khuất phục.”
Phiên xét xử anh Ba Sàm và đồng sự đã gây ra rất nhiều sự chú ý từ truyền thông, người dân và giới ngoại giao. Trước đó vài ngày, ông Martin Patzelt, nghị sĩ, thành viên Ủy Ban Nhân Quyền của Quốc Hội CHLB Đức, đã tới Hà Nội trong chuyến đi có mục đích tham dự phiên tòa này, nhưng hôm nay ông đã phải thất vọng vì bất đắc dĩ phải theo dõi phiên tòa từ... bên ngoài cổng.
Trước ngày xét xử một ngày, ngày 22 tháng 3, tại Hà Nội gia đình ông Nguyễn Hữu Vinh và những người bạn đã họp báo cho ra mắt chính thức cuốn sách “Anh Ba Sàm” - tác phẩm song ngữ Việt-Anh đầu tiên về một tù nhân lương tâm Việt Nam, được phát hành qua Amazon từ ngày 15 tháng 3, 2016.
Nội dung cuốn sách nói về những vấn đề liên quan đến anh Ba Sàm, trong đó có những bài viết nêu rõ “Sáu sai phạm trong quá trình tố tụng,” “sự yếu kém của công an bộc lộ trong vấn đề chứng cứ điện tử,” và “sự nguy hiểm của Điều 258.” Được biết, trước đó, một bản của cuốn sách đã được gửi đến Văn Phòng Thủ Tướng ở Hà Nội.
 

VH-TN-Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét