Ads 468x60px

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Cuộc hôn nhân giữa độc tài và mê tín quyền lực ở Việt Nam

Nhà văn Võ Thị Hảo
Nhà văn Võ Thị Hảo
“Kinh hoàng giẫm đạp, cướp lộc sau giờ khai ấn đền Trần” (22/2/2016), “Hỗn loạn cướp lộc chùa Phúc Khánh sau lễ cầu an”(21/2/2016), “Hỗn loạn, ngất xỉu ờ Hội Phết Hiền Quan” (Vietnamnest “ 20/2/2016), “Kinh hoàng! Đánh đấm nhau gục hàng loạt ở lễ hội Phết” (tuoitre, 20/2/2016).
Theo thông tin trên báo chí, có tới hàng ngàn thanh niên và trung niên trai tráng cởi trần, liều mình như chẳng có, lao xuống vũng bùn trong giá lạnh, mồm văng tục chửi rủa hò hét, tay vung nắm đấm, giẫm đạp lên nhau bất kể người khác có thể bị trọng thương hoặc chết vì hành động bạo lực của mình tại Hội Phết Hiền Quan tỉnh Phú Thọ. Không thể thống kê hết số người bị thương, đổ máu hoặc ngất xỉu ngay trong một mùa hội và qua vài năm gần đây.
Thật kinh hoàng là cả biển người giẫm đạp nhau chỉ để tranh cướp một quả “phết,” một vật vô tri thường làm từ gộc tre sơn đỏ. Với kiểu tổ chức thế này, không ngất xỉu và đổ máu mới là lạ.
Hội cướp phết xưa nay vốn chỉ là hội làng vốn thanh tao đạm bạc nhưng mấy năm gần đây đã bị biến tướng. Những hủ tục mê tín dị đoan được chính quyền đứng ra tổ chức cùng đám buôn thần bán thánh nhằm khuếch đại lễ hội để thu lợi.
Người ta quên đi mục đích tốt đẹp ban đầu là tưởng nhớ Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng. Hội này chỉ còn ý nghĩa khuyến khích người ta tranh cướp cầu lợi danh tiền bạc, kích động tính hoang dã mông muội của đám đông.
Mặc dù bị kìm giữ bởi  định hướng tuyên truyền của Đảng Cộng Sản, chính phủ và Ban Tuyên Giáo Trung Ương, nhiều người Việt Nam và phóng viên báo chí không thể kìm giữ lời cảm thán đầy chua xót trước thực trạng cạn đáy về văn hóa trong những lễ hội Việt Nam hiện nay.
Làm sao có thể không tủi hổ và xót thương cho những nam nhi trai tráng Việt đã đang từng bước phá hủy một kiếp làm người.
Chí làm trai, sức dài vai rộng lẽ ra phải dành cho những việc như kinh bang tế thế, một vai gánh vác gia đình và nợ non sông, nếu bắt buộc phải dùng đến sức mạnh cơ bắp, thì chí nam nhi chỉ nên dùng để đánh cướp, đánh tham quan ô lại và giặc ngoại xâm bảo vệ đồng bào mình.
Làm nam nhi, nếu có cất lời giữa đám đông, chỉ đáng để cất những lời ngay thẳng chính trực, khiến cho lũ bất lương phải run sợ chứ không phải là hú hét văng tục chửi bậy và xì xụp khấn vái xin xỏ những ngẫu tượng ô trọc.
Người Việt Nam đang được dẫn vào “hố đen”
Từ khoảng chục năm trở lại đây, tận dụng tâm lý sợ hãi, bất an của người dân, đa phần người quản lý đền chùa trong cả nước, đặc biệt là phía Bắc, kết hợp với bàn tay đạo diễn của chính quyền, đã thay đổi mục đích thờ phụng và dùng nhiều phương cách để thu hút tiền bạc của người Việt Nam.
Thật dễ thao túng, khi dân Việt Nam phải sống trong một xã hội nhiều bất công, thiếu minh bạch. người ta kiếm được tiền hay vị trí làm việc phần nhiều là do quan hệ quyền lực, thân hữu, mua bán đổi chác. Từ đó, người Việt Nam không thể trông mong vào năng lực và sự trung thực của chính bản thân mình, bị tước đoạt cơ hội, mất tự tin và trở nên bấn loạn, chỉ còn biết trông mong vào vận may và “ơn trên.”
Công luận đã phát hiện rất nhiều sư sãi tự phong là “đại đức” sống xa hoa và ô trọc trên sự đóng góp chắt chiu của người dân qua cái gọi là “dâng cúng,” “đồ lễ” và tiền “công đức.” Đương nhiên dưới sự quản lý của chính quyền, họ không thể hưởng thụ một mình.
Ngay cả những đền chùa, lễ hội từ hàng trăm năm nay được tiếng là thâm nghiêm, thanh bạch theo tư tưởng nhà Phật cũng đã đưa ra chiêu bài cầu an, cầu tài cầu lộc, dâng sao giải hạn, cầu siêu và muôn mánh khóe khác để “móc túi” người dân.
Sự mê muội của dân là mảnh đất kiếm tiền của đám sư sãi, thầy cúng thầy bói, đám “ngoại cảm” rởm, cũng là cơ hội kiếm tiền của một số nhân vật trong chính quyền đã tận dụng thần quyền để ngu dân hóa , triệt tiêu sức mạnh và sự phẫn nộ của người Việt Nam.
Người ta có thể nhận thấy cái chợ khổng lồ mua quan bán tước trong thể chế thiếu vắng dân chủ ở Việt Nam được tái hiện, được trình diễn hết sức điển hình trong lễ hội đền Trần Nam Định. Những thủ pháp tâm lý tuyên truyền tinh vi và sự dối lừa của những kẻ buôn thần bán thánh đã tuyệt đối hóa sự thần phục “bề trên.” Hội này cũng đã kích động khát vọng không đáy về bổng lộc và quan tước. Theo phản ánh của báo chí, hội đền Trần từ nhiều năm nay đã trở thành một đại thảm họa văn hóa và mê tín dị đoan.
Từ chỗ chỉ là một ngôi đền trong phạm vi người họ Trần làng Tức Mặc lập nên vào thế kỷ 17 để thờ 14 vị vua triều Trần, ngày lễ hội đã ấn định xưa nay là trong khoảng là từ 15 đến 20 tháng 8 âm lịch hàng năm, khai ấn chỉ là một thủ tục nhỏ trong phạm vi lễ của một dòng họ. Nhưng từ khoảng năm 2000 đến nay, khi lãnh đạo chính quyền nhúng tay vào tổ chức, thì lễ hội đã chuyển ngày, phóng đại thành lễ khai ấn rầm rộ mang tầm cỡ quốc gia vào dịp rằm tháng giêng. Năm 2016 có bộ trưởng Công An và chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc, “hai ủy viên Bộ Chính Trị” đến “dâng hương và khai ấn” cho lễ hội.
Chính quyền Việt Nam đã không che giấu việc họ tham gia vào điều khiển lễ hội, phát biểu, bày đặt trò diễn mở màn “khai ấn vua ban” trong mấy năm trở lại đây.
Rất nhiều quan chức, cán bộ nhân viên nhà nước đua nhau đi lễ đền Trần, tung tiền và mối quan hệ thân hữu ra để kiếm được hoặc mua thẻ “đại biểu,” “khách mời.” Họ kiếm bằng được cái gọi là “ấn vua ban,” mong được thăng chức, hơn người, hưởng nhiều lợi lộc.
Sự có mặt của những ủy viên Bộ Chính Trị lâu nay đã “quốc gia hóa” hình thức “khai ấn,” như một sự ban phát đầu năm của “vua cộng sản” cho những kẻ thần dân ngoan ngoãn đến cầu xin. Người ta nghĩ rằng hội khai ấn quan trọng đến cỡ ấy, bỏ tiền ra mua chức tước ảo, trước hết phải lo lót “ơn trên,” xin xỏ mua bán chức ảo rồi sẽ có chức thật.
Công lao và hào khí Đông A của các vua Trần xưa trong việc bảo vệ tổ quốc chống ngoại xâm Trung Quốc xưa, đã bị khỏa lấp một cách tinh vi. Dấu ấn đọng lại chỉ là một “chợ tâm linh” cầu quan bán tước, cầu tiền tài bổng lộc được quốc gia hóa và chính trị hóa.
Tâm lý đó đã kích động lòng tham của đám đông đến mức hàng vạn người đổ về, chen chúc nhau, sẵn sàng giẫm đạp lên nhau để tranh giành được chạm, được nhét, vứt tiền lẻ vào kiệu, vào đồ thờ để “hối lộ” thần thánh.
Nhưng những cái gọi là “ấn” đem bán hoặc phát cho mọi người trong lễ hội đã bị người dân phát hiện là rởm, vì đó chỉ là hàng vạn, hàng triệu mảnh vải hoặc giấy in lòe loẹt có hình ấn mà thôi. Dịch vụ mua ấn phát đạt đến nỗi có cả chuyển phát nhanh ấn cho những người ở xa. Trong khi đó người trong Ban tổ chức vẫn lớn tiếng rằng cứ “mười mảnh ấn lại có một ấn rất thiêng, vì được cắt từ vạt áo hoàng bào của vua, đem lại may mắn lớn cho người có được nó.”
Ban tổ chức nhiều lễ hội đã dùng những thủ pháp thu hút tinh vi, trong đó có sử dụng vũ khí “tin đồn” của “chiến tranh tâm lý” mà một trong những biện pháp rất lợi hại là đọc trên loa phóng thanh tên nhiều quan chức lớn và người nổi tiếng đến đền chùa dâng lễ cầu an giải hạn, cầu lên chức thêm bổng lộc cho gia đình. Người dân thấy vậy cho rằng đó là những đền chùa rất thiêng thì các nhân vật này mới làm vậy và đua nhau bắt chước.
Hậu quả là người dân và vừa là thủ phạm, lại vừa là nạn nhân của việc chen vai thích cánh hỗn loạn giày xéo lên nhau, vét cạn túi những đồng tiền ít ỏi thấm mồ hôi và cả máu của họ ra rải khắp nơi, nhét cả vào tay tượng gỗ, bệ xi măng, gốc đa lu nước, miệng rắn miệng ba ba xi măng để cầu an.
Qua những động thái của chính quyền kết hợp thần quyền Việt Nam, người ta bị ám thị rằng dù cõi trần hay cõi âm hay cõi Niết Bàn thì cũng phải đút lót, hối lộ, thì mới mong tồn tại.
Ai đã cổ vũ não trạng cướp và giẫm đạp?
Lễ khai ấn đền Trần, với bàn tay đạo diễn của nhiều vị thuộc hàng cao nhất trong nhà cầm quyền Việt Nam, là một trò diễn mô phỏng lại mô hình thể chế xã hội độc quyền “xin cho” thời bao cấp. Đảng cộng sản từ chỗ vô thần, phủ nhận sự tồn tại của đời sống tâm linh, phá huy nhà thờ, đình chùa miếu mạo, nhưng trong khoảng mươi năm trở lại đây, đã tận dụng lực lượng hành nghề mê tín dị đoan để dễ bề nô dịch hóa người dân.
Theo VNExpress.net, 24/2/2016, bài  Ấn đền Trần không có giá trị phù trợ đường quan lộc, tại đề án “khôi phục lễ hội đền Trần” của các chuyên gia lịch sử cùng các nhà văn hóa dân gian đã xác định, thì ấn dùng trong lễ khai ấn đền Trần hiện nay không liên quan gì đến triều chính, chỉ là chiếc ấn bình thường của phủ đền xưa, làm bằng gỗ..., người ta gán ghép cho nó các ý nghĩa mới để thu hút người tham dự...
Sự thật rõ ràng là thế, vậy mà người trong ban tổ chức lễ hội còn dám khẳng định: “Còn có một loại ấn được đóng trên tấm lụa đỏ. Loại này chỉ có rất ít, và chỉ dành cho các quan chức cấp tỉnh, trung ương về dự. Cứ 10 khắc trên lụa đỏ chỉ có một tấm duy nhất là có giá trị vì được cắt ra từ tấm áo hoàng bào của các đời vua. Và nếu ai may mắn được tấm lụa đó thì coi như đã đắc lộc, đắc thọ.”
Qua nhiều lễ hội gần đây, đặc biệt là những lễ hội đã được chính quyền tham gia quản lý và tổ chức, người ta có thể thấy sức mạnh cơ bắp và tinh thần của người Việt Nam đang được truyền dẫn tinh vi vào những “hố đen” mê tín dị đoan, thần quyền thô thiển vật dục kết hợp độc quyền Cộng Sản, triệt tiêu sức mạnh của lòng tự tin, tính độc lập, sáng tạo và nhân tính.
Nếu như trong truyền thống, các đền chùa miếu mạo Việt Nam chỉ là những địa chỉ khiêm tốn, thanh tịnh để vọng tưởng một danh nhân văn hóa hoặc một anh hùng dân tộc chống ngoại xâm phương Bắc, thì ngày nay, dưới sự tham gia tổ chức và điều hành của chính quyền, những lễ hội đó đã bị biến tướng, vặn xoắn theo mục đích của họ.
Cả nước hiện có hơn 8,000 lễ hội. Cứ theo đà này, sự lãng phí, sự mê tín, sự trục lợi, sự ngu dân được phóng đại năm sau hơn năm trước, thì người Việt Nam còn khốn khổ đến đâu?
Nhà cai trị Việt Nam ngày nay đã biết tận dụng triệt để vũ khí độc tài và thần quyền dị đoan để dễ bề phá hủy đi sự tự tin, lý trí, khả năng nhìn nhận phân tích vấn đề và tính phản kháng của người dân Việt Nam. Họ đã làm điều đó rất thành công.
Một số nhà khoa học và nhà báo, cùng người đọc đã dũng cảm phân tích cho người dân thấy nguy cơ đó. Các nhà báo và trí thức Việt Nam cần vào cuộc mạnh dạn hơn nữa vì nhân tính và tương lai của người Việt Nam.
Nhà văn Võ Thị Hảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét