Ads 468x60px

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Liệu chính quyền có nợ ngư dân một lời xin lỗi?

Ngư dân yêu cầu lãnh đạo tỉnh để lại một phần nhỏ
bờ biển để mưu sinh. Ảnh: Đ. Trung
Hùng Vĩnh
Đặt ra câu hỏi như vậy vì nó liên quan tới dự án hơn 432ha được treo đến 10 năm trời ở Quảng Cư (Sầm Sơn, Thanh Hóa) mà gần như toàn bộ diện tích này sau đó được giao lại cho FLC vào cuối năm 2014.
Căn cứ vào Quyết định 2784 ngày 28/8/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì chính quyền thị xã Sầm Sơn sẽ bàn giao hơn 2.000.000 mét vuông đất cho FLC triển khai dự án sân golf Quảng Cư và các dự án tại khu du lịch sinh thái Quảng Cư của Cty CP tập đoàn FLC.
Chúng tôi sẽ bàn đến việc UBND tỉnh Thanh Hóa ủy quyền cho UBND thị xã Sầm Sơn ban hành các Quyết định thu hồi đất để giao cho FLC trong một lần khác. Ở đây, chúng tôi muốn nhắc đến một bi kịch của người dân Quảng Cư mà tôi dám chắc rằng, trong 3 khóa nhiệm kỳ, các lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và thị xã Sầm Sơn hiểu hơn ai hết về nỗi thống khổ của người dân nơi đây.
Vì sao? Vì trước khi FLC vào đầu tư tại Sầm Sơn thì 2/3 diện tích tự nhiên của xã Quảng Cư (432/647ha) tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định giao cho một chủ đầu tư khác từ năm 2004.
Đằng đẵng 10 năm trời, 432ha đất bao gồm đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp của người dân Quảng Cư nằm trong quy hoạch của dự án. Chừng đó thời gian, người dân Quảng Cư không nhận được bất kỳ một sự hỗ trợ nào nhưng lại sống trong điều kiện của quy hoạch treo bởi một dự án khủng khiến nhà cửa dột nát không thể sửa sang, vườn tược cỏ mọc, chuồng trại không thể cơi nới để chăn nuôi vì đất đã nằm trong quy hoạch của dự án nên không được ai làm thay đổi hiện trạng.
Tôi đã gặp giới lãnh đạo xã Quảng Cư, nhân dân Quảng Cư và 3 đời Bí thư Thị ủy Sầm Sơn phản ánh về việc này rằng, Thanh Hóa cần có biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân, không thể để họ sống mãi trong điều kiện kìm nén sự phát triển như thế được. Rất tiếc…
Khoảng đầu 2014, tức sau 10 năm Quy hoạch treo ở Quảng Cư bắt đầu có chuyển động khi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa “xắn quần” đi kêu gọi thu hút đầu tư. FLC là nhà đầu tư được tỉnh đón nhận và ngay lập tức các bước quy trình thủ tục được triển khai. Rõ ràng với hiện trạng lúc này ở Quảng Cư và ở Sầm Sơn so với 10 năm qua thì có thay đổi lớn. Từ chỗ hàng trăm ha bị treo trông tiêu điều, nhà cửa lụp sụp, cỏ mọc… nay thay vào đó là các công trình biệt thự, sân golf hoành tráng thì rõ ràng hạ tầng Sầm Sơn đã có thay đổi.
Nhưng thay đổi đó người dân Sầm Sơn được gì? Nhân dân các phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn và xã Quảng Cư được gì? Dĩ nhiên, nếu không bị “treo” đến 10 năm trời chắc hẳn vùng đất ấy không đến nổi hoang sơ? Vậy khi giao đất vùng này cho FLC đầu tư, liệu chính quyền nơi đây có xin lỗi người dân một lời? Ai trả lời giúp những câu hỏi này?
Hãy đi dọc 7,5km bờ biển Sầm Sơn và ngước lên nhìn những tòa nhà cao tầng khang trang. Nào là trung tâm bồi dưỡng, trung tâm điều dưỡng, trung tâm… của cơ quan này, ngành kia được xây dựng bề thế ở những vị trí đắc địa với phòng ốc hoành tráng.
Đã có biết bao dự án công trình đồ sộ như thế được xây dựng lên làm “thay đổi hạ tầng Sầm Sơn, thay đổi du lịch Sầm Sơn” nhưng cũng từ đó đã có biết bao gia đình với bao con người đã phải nhường đất, mất nghề mà tha phương phiêu bạt. Họ vào Nam, ra Bắc, xuất khẩu lao động và cả lênh đênh trên biển sóng dữ ngoài khơi xa. Nghĩa là người dân đã dành tất cả cho sự phát triển của Sầm Sơn rồi.
Đến hôm nay, chút còn lại của bến đỗ, nơi neo đậu của 705 hộ dân làm nghề chài lưới. Họ, những người không phiêu bạt để tha phương cầu thực. Họ, những người không đi xuất khẩu lao động… vì những lý do khác nhau. Họ lựa chọn con đường lênh đên trên biển cả. Cuộc sống của họ là bãi bờ và biển bạc. Nhưng với họ như thế là đảm bảo cuộc sống ổn định cho cả gia đình 4 – 5 miệng ăn, cho thế hệ này đến thế hệ khác, cho năm này, qua năm khác.
705 hộ dân làng biển với hơn 4.000 nhân khẩu ở Sầm Sơn kiến nghị tỉnh dành lại 500 – 1000 mét bờ biển trong tổng số 7.500 mét bờ biển tính giao cho nhà đầu tư để ngư dân có bãi neo đậu tàu thuyền mỗi khi cập bến. Chút tình và lý đòi hỏi đó rất chính đáng. Lẽ nào?
Thử ví, một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, áo ves, đeo cà vạt, đi dày đinh mà trong lòng đầy trắc ẩn, đến khi cởi áo quần ra trên người đầy ghẻ lở, hắc lào thì áo vest đẹp, cà vạt đỏ và dày đinh đẹp đó không có ý nghĩa gì cả.
Vậy thì cái đại cục cần hướng đến chính là sự ổn định về tư tưởng và sự an dân. Bất luận trong hoàn cảnh nào thì việc yên dân là cốt lõi cho sự phát triển. Không thể bàn câu chuyện thắng hay thua dân ở đây mà vấn đề là niềm tin và lòng dân. Khi lòng dân chưa yên thì dù quyết định đó thế nào cũng không phải là sáng suốt, đúng đắn được.
* Theo lịch trình công tác, 08 giờ sáng nay, thứ 2 ngày 07/3/2016 tại Hội trường Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ trực tiếp đối thoại với ngư dân Sầm Sơn.
Dư luận rất hoan nghênh trước việc người đứng đầu Cấp ủy và Cơ quan đại diện của Nhân dân cao nhất ở tỉnh Thanh Hóa có cuộc đối thoại với ngư dân. Đây là một động thái tích cực trong chuỗi sự kiện nóng nhất diễn ra thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Một phát biểu, một quyết định của ông Chiến lúc này rất có thể làm thay đổi được tình hình và dĩ nhiên mong muốn của tập thể lãnh đạo tỉnh cũng như nhân dân đều hướng đến đó là ổn định để phát triển. Vì sao cần đến sự ổn định? Vì như thế mới có động lực để phát triển!
Còn chúng tôi, thì cho rằng, việc thị xã Sầm Sơn tiến hành thực hiện Dự án trên đã không tính toán kỹ lưỡng đến các tác động và những ảnh hưởng lớn lao đến đời sống của hàng trăm hộ dân làng biển với 4000 nhân khẩu chỉ quen với nghề đi biển.
Lẽ ra, khi triển khai dự án này, ngoài việc tổ chức lấy ý kiến ngư dân, chính quyền Sầm Sơn phải có đồng thời cùng lúc hai kế hoạch, một là quy hoạch khu tái định cư và bến thuyền mới để thay thế, hai là thực hiện việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Chính vì bỏ qua các bước này mà quyền lợi chính đáng của ngư dân đã bị xem nhẹ.
Chúng tôi cho rằng, việc cần kíp nhất lúc này Thanh Hóa nên thành tâm lắng nghe nguyện vọng chính đáng của ngư dân. Một dự án có thể làm “thay đổi bộ mặt hạ tầng” cho Sầm Sơn nhưng đằng sau đó là nước mắt, là nỗi lo sinh kế của 4.000 nhân khẩu chưa biết đi đâu, về đâu, làm gì nếu như họ mất đi bến đậu bình yên.
Chúng ta biết rằng, chính ngư dân đang ra sức bám biển, không chỉ kiếm kế sinh nhai mà còn góp phần vào việc gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu!
Hùng Vĩnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét