Ads 468x60px

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Hạn hán khốc liệt, dân xuống lòng hồ thủy điện mưu sinh

Người dân huyện Bác Ái phải xuống lòng hồ thủy điện
cất chòi tạm để trồng rau củ kiếm cái ăn qua ngày.
(Hình: VnExpress)
Hạn hán đang diễn ra khốc liệt, đất đai khô cằn không thể trồng trọt, chăn nuôi, người dân huyện Bác Ái buộc phải kéo xuống lòng hồ thủy điện Sông Sắt lớn nhất tỉnh để tìm cái ăn.
Nói với VnExpress, ngày 30 tháng 3, ông Mẫu Thái Phương, chủ tịch huyện Bác Ái cho biết, chính quyền đã biết việc người dân dắt díu nhau xuống lòng hồ Sông Sắt sinh sống tìm hướng mưu sinh. “Bà con chỉ được phép sản xuất tạm thời để cứu đói trong lúc hạn hán khó khăn. Tới mùa mưa, qua khỏi đợt hạn hán này, bà con phải trở về làng mình sinh sống,” ông Phương nói.
Sông Sắt là hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Ninh Thuận với dung tích thiết kế 70 triệu khối nước. Hạn hán kéo dài khiến nước trong lòng hồ xuống thấp, chỉ còn 1/4, trơ ra những khoảng đất ẩm ướt, có thể trồng tỉa cây ngắn ngày. Để có cái ăn trong mùa hạn, hai năm nay, nhiều gia đình đã rời làng kéo xuống lòng hồ sinh sống.
Quanh lòng hồ đã có gần trăm hộ dân ở huyện Bác Ái vào đây làm hàng rào và chòi tạm. Nước rút xuống, ai chiếm được khoảng nào liền làm hàng rào sở hữu tạm thời đến đó. Họ trồng các loại cây chịu hạn như: bắp, đậu xanh, đậu ván để mua bán và ăn chống đói.
Ngoài thu nhập từ nông sản bán được, phụ phẩm từ cây trồng còn được sử dụng cho chăn nuôi bò và dê. Ngoài ra, mỗi buổi chiều, người dân sống trong lòng hồ còn tranh thủ đi câu cá ở các khe nước còn lại để có thức ăn dùng cho ngày hôm sau. Khó khăn, vất vả, nhưng nhờ đó vẫn còn có cái ăn qua ngày.
Từ cuối năm ngoái, gia đình bà Pinăng Thị Nhém (56 tuổi) ở thôn Ma Nai đã xuống lòng hồ “xí phần” được một hecta đất ẩm. Họ cất chòi tạm để ở và trồng trọt. Mùa bắp vừa rồi, do không có tiền đầu tư phân thuốc, cuối vụ, gia đình bà thu hoạch bán được 6 triệu đồng. “May mà thu được ít bắp trồng dưới này, chứ không cả nhà đói rồi. Hạn hán, đất ở trên làng đâu có sản xuất được,” bà Nhém thở dài.
Cách đó 300 mét là căn chòi của đại gia đình bà Katơh Thị Ném (67 tuổi), với ba thế hệ tá túc. Con cháu bà đều đến đây làm rẫy. “Sống trong này buồn hơn ngoài làng, nhưng giờ chúng tôi cũng quen rồi, nhiều người cũng như mình mà,” bà Ném nói.
Theo ủy ban tỉnh Ninh Thuận, việc thiếu nước sinh hoạt xảy ra ở nhiều nơi do nguồn nước cấp bị nhiễm mặn hoặc trạm bơm hết nước. Dự báo sắp tới 10/50 hồ chứa nước nhỏ sẽ cạn, do vậy nguồn nước sản xuất chủ yếu dựa vào hồ Đơn Dương xả qua nhà máy thủy điện Đa Nhim.
Hạn hán khốc liệt đã tác động lớn đến tình hình kinh tế, xã hội và đời sống của người dân trong tỉnh, hơn là 5,700 ha buộc phải dừng sản xuất do thiếu nước tưới. Hiện tỉnh cần 6,000 tấn gạo để cứu đói do người dân không thể sản xuất.
Tr.N-Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét