Ads 468x60px

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Hạn hán, ngập mặn xảy ra khắp nơi tại Việt Nam

Độ mặn cao lên là nguyên nhân khiến cho hàu bị chết.
Ảnh: Tuổi Trẻ
Người Quan Sát
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang được báo động tại Tây Nam phần Việt Nam. Cho đến nay, chính quyền vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào ngoài việc công bố thiên tai. Ngoài Vĩnh Long, các tỉnh đã công bố thiên tai trước đó là: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang. 
Trong một bản phúc trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết. Tình trạng hạn hán ngày một trở nên xấu đi. Có đến 139,000 hecta lúa bị thiệt hại nghiêm trọng.
Tình trạng xâm nhập mặn khiến rất nhiều người nuôi hàu ở huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) điêu đứng.  Có đến hơn 80% diện tích nuôi hàu của người dân tại đây bị mất trắng. Nguyên nhân được xác định là do độ mặn quá cao. Tổng thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng CSVN, ông Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu bộ Tài nguyên- Môi trường, Bộ Ngoại giao và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam phải có công hàm gửi các nước thượng lưu xả nước ở các đập thủy điện để bổ sung nước cho hạ lưu. Đây là một việc làm được cho là cấp bách trong tình hình hiện nay.
Trong khi người dân và chính quyền lo lắng trước tình trạng xâm nhập mặn, thì Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, không nên quá bi quan.
Theo Giáo sư Xuân, trước tình trạng ngập mặn, báo chí đã không loan tin đầy đủ. Báo chí đã nghiêm trọng hóa vấn đề ngập mặn, nhưng không thấy được hết những cái lợi của nó. Trước việc ngập mặn, người dân ở một số tỉnh Tây Nam phần đã chuyển sang nuôi tôm, và họ nuôi rất đạt. Giá trị của tôm so với lúa là gấp 3-4 lần.
Cùng với đó, Giáo sư Võ Tòng Xuân còn cho rằng, trình độ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quá kém. Trong đầu của những lãnh đạo, cán bộ chỉ biết trồng lúa, cho dù điều kiện thiên nhiên tại các tỉnh có bờ biển tiếp giáp là không thuận lợi. Chính quyền đã bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để ngọt hóa bán đảo Cà Mau. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chẳng thể nào ngọt hóa được vì do...thiếu nước.
Người dân hằng ngày phải đi chở nước về phục vụ cho
sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: Thanh Niên
Hiện nay, Việt Nam không còn phải lo với vấn đề an ninh lương thực nên không phải lo lắng với tình trạng ngập mặn hiện nay. Cùng với đó, não trạng coi nước mặn là kẻ thù cần phải ngăn chặn của nhiều lãnh đạo đã không còn phù hợp với thời thế. Vì có nước mặn sẽ giúp những người nông dân giàu lên bằng cách chuyển đổi canh tác. Không trồng lúa nữa, để chuyển sang nuôi tôm, cua.
Những trấn an của Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng không thể làm người dân và chính quyền an tâm. Vì Tây Nam phần đang đứng trước việc ngập mặn, mực nước sông Mê Kông xuống thấp nhất trong vòng 90 năm qua.
Không chỉ ở Tây Nam phần mới đối diện với nguy cơ hạn hán, mà ngay cả trên Cao nguyên Trung phần, dù chỉ mới bước vào đầu mùa khô nhưng trên rất nhiều con sông đã cạn kiệt nước. Hàng chục ngàn hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng hạn hán đang được báo động tại nhiều tỉnh thành trên cao nguyên.
Trước tình trạng hạn hán, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đích thân đến tỉnh Đắk Lắk để thực địa. Có đến 9,300 hecta cây trồng không có nước tưới tiêu; 5,300 hộ dân không có nước sinh hoạt. Đến ngay cả thành phố Buôn Ma Thuột nhà máy nước phải cúp nước luân phiên mới đủ nước cho dân phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. 
Trong thời gian tới đây, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 80,000 hecta cây trồng không có nước tưới, 25,000 hộ dân không có nước sử dụng hằng ngày.
Không chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk mà những tỉnh thành còn lại trên Cao nguyên cũng cùng chung cảnh ngộ. Cho đến nay, tỉnh Gia Lai đã thiệt hại gần 100 tỷ đồng do hạn hán gây ra. Tất cả những con sông trên cao nguyên đều cạn kiệt nước.
Có một sự thật mà rất nhiều tờ báo trong nước nói đến, đó là với chủ trương cho phép các doanh nghiệp, quân đội khai thác rừng đã khiến cho rừng trên Cao nguyên không còn nên không thể giữ được nước. Cùng với đó, rất nhiều các đập thủy điện được xây dựng, các đập này đã tích trữ nước khiến cho các con sông trơ đáy, người dân không có nước tươi tiêu và phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Chỉ riêng tại tỉnh Gia Lai đã có đến 40 đập thủy điện lớn nhỏ. Với con số kinh hoàng như vậy, việc các con sông trơ đáy và người dân thiếu nước là điều đương nhiên.
Tại Đắk Lắk, sau khi thực địa, ông Cao Đức Phát đã yêu cầu các đập thủy điện phải phối hợp, chịu sự chỉ thị của chính quyền tỉnh, phải xả nước khi được yêu cầu để người dân có nước sinh hoạt.
Các doanh nghiệp khai thác thủy điện trên cao nguyên ngày càng trở thành những ông trùm quyền lực. Với việc tích trữ nước, họ đã tạo quyết định được cái uống của người dân, với vụ mùa và với cả việc tưới tiêu của cây trồng. Trong một tương lai không xa, chắc chắn sẽ có xung đột quyền lợi giữa người dân đối với những ông chủ thủy điện ở Cao nguyên.
Song, đó là việc trong tương lai. Trước mắt, người dân Việt Nam đang phải đối diện với hạn hán, đói kém.
Người Quan Sát

0 nhận xét:

Đăng nhận xét