Đập Nọa Trác Độ ở Vân Nam. Ảnh: Flickr/International rivers |
Đi tìm nguyên nhân nguồn cá tôm trên con sông Mekong dài thứ 12 thế giới cạn kiệt trầm trọng, nhiều biến đổi thủy văn tiêu cực xuất hiện, người ta thấy nổi lên một cái tên: Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số nước láng giềng “quá nhỏ bé và sợ hãi đến mức không
dám nêu thẳng vấn đề với Trung Quốc”, theo nhận định của chuyên gia trên
báo Financial Times.
Den Kroolong bị một cú điện thoại dựng dậy
lúc 6 giờ sáng trong lúc đang ngủ tại nhà ở miền bắc Thái Lan một ngày
cuối năm ngoái. Chiếc thuyền của ông đã biến mất.
Là ngư dân giàu
kinh nghiệm, trước khi về nhà, anh đã cẩn thận cột chặt thuyền vào cọc ở
bờ sông Mekong. Nhưng bạn ông nói có điều gì đó bất thường đã xảy ra
trong đêm, cách ly phần đất này của Thái Lan với đất Lào.
Bùn
đất, mảnh vỡ, rác rưởi từ đâu đổ về ầm ầm, nước dâng thêm vài mét. Đây
là điều bất thường vì tháng 12 là mùa khô, nước sông Mekong thường lặng
và cạn. Người ta có thể trồng rau dọc bờ sông.
LŨ LỚN GIỮA MÙA KHÔ
Kroolong, 53 tuổi, đã có cháu nội, bắt đầu đánh cá trên sông Mekong từ năm lên chín.
Ông thấy rất ngỡ ngàng khi tới bờ sông: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cảnh này”, ông nói.
Mọi thứ dọc bờ sông bị tàn phá. Hoa màu ven sông như cà chua và bắp cải
bị quét đi hết. Các bè cá bị hư hại nghiêm trọng. Tàu thuyền bị chìm,
bị cuốn trôi trong dòng nước lũ.
Ông và người bạn lên một con
xuồng khác, vừa chạy xuôi dòng tìm thuyền vừa né tránh khá liều lĩnh
những cành cây, khúc gỗ và rác rưởi trôi lềnh bềnh trên sông. Vài giờ
sau, họ phát hiện một số người dân Lào ở bên kia sông đã giữ chiếc
thuyền của Kroolong.
“Họ đòi 460 USD tiền chuộc trong khi mỗi
ngày đánh cá tôi chỉ kiếm được 6 USD. Gọi cảnh sát Thái Lan cũng chẳng
ích gì”. Kroolong đành bỏ lại con thuyền và cũng bỏ luôn sinh kế gắn bó
với ông bấy lâu nay.
Sau đó Kroolong nhận làm bảo vệ cho một bệnh
viện gần đó, nơi ông có nhiều thời gian để nghĩ vì sao con sông lại bất
thình lình có lũ lớn đến thế. “Có thể có mưa ở trên phía bắc. Hoặc có
thể do đập ở Trung Quốc xả lũ”.
Những con đập mà Kroolong nói đến
được xây trên sông Mekong, đoạn chảy trên đất Trung Quốc. Sông Mekong
bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, đổ về Vân Nam rồi qua Myanmar, Thái
Lan, Lào, Campuchia và cuối cùng là Việt Nam, nơi nó đổ ra biển.
Một nửa chiều dài của Mekong là trên đất Trung Quốc, nơi người ta cho
xây dựng con đập đầu tiên ở Vân Nam hơn 20 năm trước. Những con đập đầu
tiên đều lớn nhưng không thể so với hai con đập khổng lồ được xây gần
đây.
Đập Tiểu Loan, hoàn thành cách đây hơn 5 năm, là một trong
các dự án thủy điện lớn nhất Trung Quốc sau đập Tam Hiệp trên sông Dương
Tử. Bức tường chắn của con đập cao ngang tháp Eiffel ở Pháp, hồ chứa có
dung tích 15 tỷ m3 nước.
Tuy nhiên, so với con đập sinh sau là
Nọa Trác Độ vẫn còn thua. Hồ chứa của đập này có dung tích 22,7 tỷ m3
nước. Từ lâu đã có những câu chuyện kỳ lạ về ảnh hưởng của các con đập
có thể gây ra đối với các nước hạ nguồn, từ hạn hán đến việc nguồn cá
suy giảm.
Nhưng điều phóng viên Financial Times thấy rõ nhất,
thậm chí còn kỳ lạ hơn là câu chuyện đầy tính cảnh báo về siêu cường mới
nhất của thế giới, về nước, một nguồn tài nguyên đang chịu những áp
lực ngày càng lớn.
Trung Quốc, một cường quốc kinh tế, nơi khởi nguồn của gần 40 con sông lớn chảy qua hơn mười nước láng giềng.
Trung Quốc cũng có năng lực vượt trội trong việc chinh phục các dòng
nước. Kể từ những năm 1950, một đội quân gồm các kỹ sư thủy lợi, trong
đó có cả cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Lý Bằng, đã chặn, nắn
thẳng, uốn dòng các con sông để phục vụ kế hoạch tăng tốc công nghiệp
hóa giúp biến Trung Quốc thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đưa hơn
500 triệu người thoát khỏi đói nghèo.
HẠ DU MEKONG – “CON TIN” CỦA TRUNG QUỐC
Bởi vì Trung Quốc có dân số chiếm 20% thế giới nhưng chỉ có 6% nước
ngọt toàn cầu, họ đôi lúc muốn đơn giản là chuyển nước từ nơi có đến nơi
không.
Do vậy dự án “đảo nước” từ miền Nam lên miền Bắc khô hạn
đã được thực thi. Cùng lúc đó, cơn khát điện đã biến nước này thành nhà
xây dựng đập không giống ai với khoảng 22.000 con đập lớn, chiếm gần 50%
tổng số toàn cầu.
Và bởi vì các thành phố của Trung Quốc không
thể xây thêm các nhà máy điện chạy than nữa, họ lại lên kế hoạch xây
thêm các đập thủy điện, bao gồm một số đập ở tỉnh Vân Nam nhằm chuyển
điện cho các nhà máy ở phía đông cách đó hàng trăm km.
Nhưng ở hạ
du Mekong là 5 quốc gia Đông Nam Á, nơi đói nghèo và thất nghiệp vẫn
tràn lan và nguồn đầu tư từ Trung Quốc có vai trò lớn.
Sông
Mekong là nhà máy sản xuất cá khổng lồ, là nguồn nước tưới cho mùa màng,
nguồn sống của hàng chục triệu người. Dân hạ du Mekong ăn 46kg
cá/người/năm, gần gấp đôi con số trung bình của thế giới. Một nửa sản
lượng lúa gạo của Việt Nam đến từ đồng bằng hạ du Mekong.
Đó là
lý do các đập của Trung Quốc gây quan ngại lớn. Ngay cả những đập qui mô
tầm trung cũng có thể gây ra các vấn đề đối với dòng sông. Chúng chặn
cá lên khu vực sinh sản ở đầu nguồn, chúng xả lũ gây xáo trộn đáy sông,
phá hủy các khu vực cá sinh sản.
Các con đập còn chặn lại lớp phù
sa giàu dưỡng chất giúp đất đai màu mỡ, không bị rửa trôi. Nhiều ngư
dân phải bỏ nghề vì cá ngày càng hiếm. Không những thế, một số nước hạ
du nay cũng có kế hoạch xây đập riêng, khiến vấn đề ngày càng trầm
trọng.
Các chuyên gia quốc tế nói vấn đề còn nghiêm trọng khi một
bên là Trung Quốc, một bên là các nước láng giềng nhỏ hơn đang tranh
chấp trên biển Đông.
Nếu Trung Quốc vì lý do nào đó không xả đủ
nước trong mùa khô, hầu hết các đập ở hạ du sẽ rất khó khăn trong việc
phát điện và vô tình trở thành “con tin” của người Trung Quốc, theo
Richard Cronin, nhà nghiên cứu thuộc viện Stimson Center ở Washington
(Mỹ).
Ông cho rằng, xét trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang thiếu
nước ở một số vùng, họ rất có thể quyết định ưu tiên nước cho sinh hoạt
thay vì xả lũ để phát điện và có thể chặn dòng để thực hiện việc này.
Trong khi đó, phía Trung Quốc hoàn toàn không muốn chia sẻ thông tin về
các con đập.
Theo điều tra của Financial Times, các nhà khoa học
Trung Quốc nghiên cứu về các con đập ở Vân Nam coi số liệu của họ là bí
mật quốc gia. Các nhà báo nước ngoài đến tìm họ đều bị bắt giữ. Một
người từng nỗ lực đến thăm đập Tiểu Loan năm 2010 nói ngay cả người
Trung Quốc muốn đến gần khu vực đó cũng phải xuất trình thẻ căn cước.
Trung Quốc cũng từ chối thỏa hiệp với các nước liên quan về việc tận
dụng dòng sông. Trên thế giới, đã có nhiều trường hợp các nước ngồi lại
cùng bàn thảo, chia sẻ thông tin và hợp tác cùng sử dụng chung nguồn
nước.
“Nhưng trong trường hợp Mekong, có một bên có lịch sử lâu
dài thích hành động đơn phương”, Peter Gleick, chuyên gia của Viện Thái
Bình Dương ở California (Mỹ) bình luận.
Trung Quốc là một trong
ba nước ít ỏi bỏ phiếu chống lại hiệp ước năm 1997 của Liên hợp quốc về
việc quản lý các dòng sông chung và chưa bao giờ đồng ý đàm phán về việc
cùng quản lý dòng Mekong.
[Theo Nongnghiep.vn/Financial Times]
0 nhận xét:
Đăng nhận xét