Linh mục Nguyễn Văn Hùng |
Thanh Trúc
RFA
Đài Loan, đất nước mà tính đến lúc này con số phụ nữ Việt Nam và những đứa con của họ với những
người chồng bản xứ đã lên tới trên hai trăm
ngàn. Nhiều trẻ sinh ra bởi cha Đài mẹ Việt đã đến tuổi vị thành
niên. Vì không khác màu da, cũng không nói được tiếng Việt, mọi người đương
nhiên đồng hóa các em là người Đài Loan mà không có gì phải thắc mắc. Trăn trở
về nguồn gốc, có chăng, nằm trong lòng những người mẹ Việt Nam ở xứ
người.
Dạy Việt ngữ cho trẻ em cha Đài Loan mẹ Việt
Khi nghe đến cô dâu Việt Nam ở Đài Loan thì người ta chỉ
mường tượng đến những đau khổ, mất mát, bất công đã xảy đến cho chị em. Lần này,
tôi nghĩ khi nghe thông tin này thì khán giả cũng như tôi, rất phấn khởi là bởi
vì chị em đã và đang bắt đầu vươn lên. Sự vươn lên đó không phải cho chị em mà
cho thế hệ mai sau, những trẻ em Việt Nam sinh ra bởi cha là người Đài Loan và
mẹ là người Việt Nam.
Đó là lời linh mục Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Văn Phòng Hỗ Trợ
Pháp Lý Cho Công Nhân và Cô Dâu Việt Ở Đài Loan, khi đề cập đến lớp đào tạo giáo
viên dạy tiếng Việt mà văn phòng ở Đào Viên đang tổ chức cho các cô dâu
Việt.
Một đội ngũ giáo viên dạy Việt ngữ chuyên nghiệp, theo đúng
phương pháp sư phạm như giáo viên của các hệ thống trường Việt ngữ bên Hoa Kỷ,
bên Australia, là ước muốn thầm kín nhưng mãnh liệt của linh mục Nguyễn Văn Hùng
từ lúc được nhà giòng bài sai qua Australia để làm việc trong hai năm
qua.
Trở về Đài Loan, linh mục Nguyễn Văn Hùng liên lạc với sư huynh
Võ Liêm, giám đốc Liên Trường Văn Hóa Việt Nam ở Australia . Cuối tuần qua, một
phái đoàn từ Australia đã có mặt tại Đào Viên, khởi sự khóa đào tạo giáo viên
dạy tiếng Việt nơi đây:
Đây là lần đầu tiên mà văn phòng trợ giúp công nhân và cô dâu
ở Đài Loan thực hiện việc này. Văn phòng đã liên lạc với sư huynh Võ Liêm dòng
La San, là hiệu trưởng của các trường dạy tiếng Việt ở Sydney. Phái đoàn gồm có
sư huynh Liêm, hai xơ và hai cô giáo. Sư huynh đã rất nhiệt tình tạo bước đầu,
đến đây dạy trong vòng hai ngày và hai buổi tối cho các chị em cô dâu mà có khả
năng cũng như có tinh thần và ước muốn tham gia vào lớp dạy Việt ngữ cho các trẻ
em Việt Nam tại Đài Loan.
Sư huynh Võ Liêm dòng La San và linh mục Nguyễn Văn Hùng. |
Tuy nhiên, vẫn theo linh mục Nguyễn Văn Hùng, mục đích trước
nhất và thực tế nhất của khóa đào tạo này là huấn luyện cho các chị em cô dâu
một trình độ cơ bản để có thể dạy tiếng mẹ đẻ cho chính những đứa con mang hai
giòng máu của mình.
Mở lời với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi về khóa đào tạo miễn
phí này, sư huynh Võ Liêm cho biết thành phần giảng dạy được chọn lọc rất kỹ
càng:
Trong thời gian cha Hùng trở về Sydney thì cha có gọi điện
thoại cho tôi, cho biết rằng bên Đài Loan cha đã thử một lớp dạy tiếng Việt
nhưng sau một thời gian thì thấy không đạt mục đích mong muốn. Ở Sydney và có
dịp xem sự hoạt động của Liên Trường Văn Hóa Việt Nam của chúng tôi, cha có nêu
vấn đề chúng tôi có thể sang giúp huấn luyện các chị em tại Đài Loan thì cha rất
hoan nghênh.
Sau một thời gian suy nghĩ, nói chuyện với Ban Điều Hành,
thấy đó là một công việc mà của chúng tôi có thể làm được và sẵn sàng giúp anh
chị em cũng như với con em Việt Nam của chúng ta ở tại Đài Loan. Vì vậy
mà chúng tôi tiến hành công việc này.
Tôi cũng xin thưa rằng nhìn vào môi trường của các em học
sinh Việt Nam tại Úc thì các em cũng nói hai thứ tiếng là tiếng Anh và tiếng
Việt. Bây giờ nhìn vào trường hợp của Đài Loan thì ở đây tiếng Đài Loan là
chính, có những gia đình dùng tiếng Việt thì các em cũng có thể bập bẹ, hay có
em cũng có thể nói giỏi tiếng Việt nữa. Vì vậy chúng tôi dùng chương trình đào
tạo các giáo viên Việt Nam của chúng ta tại Sydney để áp dụng và huấn luyện các
giáo viên ở tại Đài Loan này.
Chúng tôi đã lựa ra một số giáo viên, lập thành ban huấn
luyện sang bên này, gồm có tôi là trưởng ban điều hành của Liên Trường Văn Hóa
Việt Nam Sydney. Ngoài tôi ra còn có xơ Minh Nguyệt và xơ Cách là hai hiệu
trưởng trong sáu trường của chúng tôi. Ngoài ra có cô Ngọc Yến, cũng là hiệu
trưởng một trường khác, rồi có cô Võ Thị Gái, một trong những giáo viên mà trong
thời gian mấy chục năm qua đã dạy đặc biệt những lớp Mẫu Giáo. Thành ra chúng
tôi đã lựa rất kỹ những thành phần sang giúp trong chương trình huấn luyện tại
Đài Loan.
Vì thời gian tương đối eo hẹp, hơn nữa phần lớn chị em cô dâu
phải đi làm mỗi ngày, sư huynh Võ Liêm trình bày tiếp, chương trình huấn luyện
được gói gọn trong hai ngày Chúa Nhật và thứ Hai của tuần qua:
Trong hai ngày đấy thì chúng tôi bắt đầu buổi sáng từ 9 giờ
cho tới 5 giờ chiều. Ngoài hai ngày đó thì có thêm hai buổi nữa là ngày thứ Ba
và ngày thứ Tư. Trong hai ngày đó chúng tôi có hai buổi, mỗi buổi như vậy chỉ
có được hai tiếng đồng hồ, từ 7 giờ tối cho đến 9 giờ tối. Lý do chỉ hai tiếng
đồng hồ là tại vì chị em bên này, những người tham dự khóa huấn luyện, họ phải
đi làm. Thành ra chúng tôi không thể nào tổ chức nguyên ngày được.
Ước mơ của những bà mẹ Việt ở Đài Loan
Tuy khóa huấn luyện chỉ có hai ngày chính vào cuối tuần, hai
ngày trong tuần với mỗi ngày hai tiếng, nhưng lần đầu tiên một số cô dâu ở Đài
Loan, mà theo linh mục Nguyễn Văn Hùng là những bà mẹ Việt có khả năng, có trình
độ và nhất là ước muốn dạy dỗ con trẻ học tiếng Việt, thấy mình được tham gia
vào một sinh hoạt bận rộn nhưng vô cùng ý nghĩa và vô cùng cần thiết cho bản
thân.
Một học viên, chị Nguyễn Thị Mộng Thúy, quê ở Đồng Tháp, theo
chồng về Đài Loan đã 15 năm, có hai đứa con, xúc động ít nhiều khi chia sẻ với
Thanh Trúc :
Em cảm thấy hạnh phúc lắm. Từ trước tới nay em chưa từng học
hỏi, bây giờ em mới học mà em cảm thấy hai ngày nay em tiếp thu được nhiều.
Dạy cho con nói tiếng mẹ đẻ là khát vọng của Mộng Thúy, nhưng
ước muốn mà cô cho là giản dị này đã bị cản trở bởi người chồng Đài Loan và cả
gia đình bên chồng:
Em có hai đứa, đứa lớn năm nay 16 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi . Hồi
xưa là em có muốn dạy cho con trai tiếng Việt nhưng mà mẹ chồng không đồng ý, sợ
con mình mai mốt vô trường học nó nói tiếng Việt người ta ăn hiếp. Nhưng mà sau
này khi có đứa thứ hai là em quyết tâm phải dạy cho nó tiếng Việt tại em nghĩ
tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của em.
Sau này mẹ chồng với ba chồng với ông xã đều đồng ý hết cũng
nhờ cái cương quyết của em. Cho nên em cũng thành công chút đỉnh là con gái em
biết nói tiếng Việt. Hai ngày nay em học em rất là sung sướng hạnh phúc và gần
gũi . Như hồi nãy em coi một đoạn một cô giáo ở bên bển dạy các em nhỏ đánh vần
hay là ôn bài em cảm động em cứ rơi nước mắt. Em ước gì các con em Đài Loan và
con của em sau này cũng được như vậy.
Ngoài chị Mộng Thúy là cư dân Đào Viên, cách thủ đô Đài Bắc
khoảng 100 kilômét, còn nhiều cô dâu từ những nơi xa đến dự khóa huấn luyện thí
dụ từ tỉnh Bình Đông mạn Nam, rồi là Nam Đầu, Đài Trung, Tân Trúc, Đài
Bắc.
Cũng không chỉ các cô dâu Việt, các bà mẹ trẻ Việt ở Đài Loan
tham gia khóa huấn luyện dạy tiếng Việt theo đúng phương pháp sư phạm này, mà cả
một vài du học sinh như Dương Chí Dũng, quê ở Hải Phòng, đang học năm thứ ba đại
học Đài Bắc, cũng thấy cần học để biết mình sẽ dạy tiếng Việt với trẻ thế nào
cho đúng và đôi khi giải thích thế nào về ngôn ngữ Việt Nam của mình với bạn bè
nước ngoài:
Bản thân em cũng rất thích trẻ em, nếu có cơ hội dạy tiếng
Việt cho trẻ em thì em thấy rất tốt, thấy mình rất là vui thôi.
Cái lý do mà em đến với lớp học này bởi vì em đi học ở Đài
Loan này em đi làm hoặc đi học thì có rất nhiều người Đài Loan người ta biết em
là người Việt Nam, người ta hỏi thế những chữ như “yêu” như “ăn” là gì? Mình
biết cái chữ đó là gì mà mình không biết dạy cho người ta như thế nào. Sau đó
thì có người giới thiệu lớp học này thì em nghĩ đây là một cơ hội rất tuyệt vời.
Mình biết tiếng Đài Loan rồi mình dạy cho người Đài Loan học tiếng Việt như thế
mình sẽ mang văn hóa của mình giới thiệu cho họ, như thế người Việt Nam với
người Đài Loan gần gũi với nhau hơn.
Những lớp Việt ngữ trong tương lai, có bài bản và theo đúng
phương pháp sư phạm, cũng là tâm huyết của chị Vân Anh, hội trưởng Hội Phụ Nữ
Việt Nam trong Văn Phòng Hỗ Trợ Pháp Lý Cho Công Nhân Và Cô Dâu Việt Nam ở Đào
Viên. Nhấn mạnh tiếng Việt là một nhu cầu cấp thiết cho trẻ có cha người Đài
Loan và mẹ người Việt Nam, chị Vân Anh giải thích:
Nhu cầu của các chị em và các con em bên Đài Loan là nhu cầu
tiếng Việt với nếp văn hóa Việt Nam mình, làm sao mà truyền tải đến con em của
mình. Đối với các trẻ em bên này hầu như nguồn gốc đó gần mất đi rồi, mà ngay
đối với con cái của em cũng vậy.
Thúc đẩy vấn đề dạy học và đào tạo sư phạm cho các chị em có
một trình độ nhất định để sau này đi dạy chính con em mình, để truyền đạt được
cài nền văn hóa, để không mất đi cái cội nguồn của người mẹ mình tại Đài Loan
này.
Theo xơ Dorothy Hoàng Thị Minh Nguyệt, đang cùng sư huynh Võ
Liêm cũng như xơ Cách và hai cô giáo Liên Trường Văn Hóa Việt Ngữ Sydney, hy
vọng mà xơ nhìn thấy được là:
Xơ thấy các cô dâu Việt Nam trẻ mà dễ thương. Khi xơ dạy thì
các cô chăm chú mình cứ tưởng tượng những điều mình muốn truyền đạt cho các cô
giống như là một cái nắm bông mà mình cho nước thấm vào. Mình thấy lòng nhiệt
thành của họ rất cao, đấy là điều mình thưa với cha Hùng rằng cha có một nhóm
nhiệt thành như thế này là cái điểm đầu tiên để cha có thể làm thành cái trường.
Trường Văn Hóa Việt Nam ở Sydney ngày xưa cũng có một nhóm người như vậy.
Đối với linh mục Nguyễn Văn Hùng, tuy có nuôi một mơ ước cao hơn
và xa hơn, nhưng lúc này mọi sự chỉ mới là khởi đầu, và bước đầu nào cũng gian
nan và cần phải cố gắng hết sức:
Qua việc được huấn luyện dạy tiếng Việt là một sự khởi đầu mà
tôi tin là nó sẽ mang lại những yếu tố rất tích cực, giúp chị em cô dâu người
Việt Nam ở đây lấy lại sự tự tin cũng như giá trị về cuộc sống về con người, để
từ đó các em các chị có thể vươn lên.
Qua vấn đề dạy dỗ tiếng Việt chúng tôi hy vọng sẽ làm việc
cùng các tổ chức phi chính phủ bên đây, sẽ có những cuộc vận động đến chính phủ
Đài Loan để họ có thể thay đổi chính sách liên quan đến vấn đề giáo dục , có thể
đưa chương trình dạy tiếng Việt vào chương trình học cho những trẻ em có mẹ là
người Việt Nam.
Trả lời câu hỏi sau cùng của Thanh Trúc, linh mục Nguyễn Văn
Hùng khẳng định trong trách nhiệm bảo tồn văn hóa và tiếng mẹ đẻ trên mãnh đất
nay đã là quê hương thứ hai của rất nhiều cô dâu Việt Nam, điều ông muốn bày tỏ
là ông và mọi người ở Đài Loan rất cần sự hỗ trợ và tư vấn của những tổ chức đi
trước và đã lớn mạnh trong lãnh vực dạy tiếng Việt trên xứ người như các trường
Việt ngữ ở Hoa Kỳ, ở Australia, ở Canada và cả những nơi khác.
Thanh Trúc
RFA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét