Nguyễn Mạnh Hùng
Học là việc của cả đời. Ngày tốt nghiệp
đại học tôi mới mới bắt đầu sự nghiệp học hành của chính mình - học từ cuộc
sống. Biết bao người thầy sau này đã dạy cho tôi vô vàn kiến thức. Họ là các
giáo sư, tiến sĩ, các chủ tịch, tổng giám đốc của nhiều tập đoàn lớn trên thế
giới. Tuy nhiên tôi không thể nào quên được một người thầy đặc biệt của mình :
Thầy Allen.
Hằng ngày từ ký túc xá trên phố Mountain - Sydney (Australia), tôi khoác ba lô đi học hay lên thư viện. Mỗi buổi sáng, tôi đều bắt gặp một anh công nhân vệ sinh thu dọn quanh khu nhà. Anh luôn tươi cười và kèm theo là lời chào rất thân thiện “Hello, how are you” (Chào bạn, bạn khỏe chứ?). Anh làm như vậy ngay khi gặp tôi.
Hằng ngày từ ký túc xá trên phố Mountain - Sydney (Australia), tôi khoác ba lô đi học hay lên thư viện. Mỗi buổi sáng, tôi đều bắt gặp một anh công nhân vệ sinh thu dọn quanh khu nhà. Anh luôn tươi cười và kèm theo là lời chào rất thân thiện “Hello, how are you” (Chào bạn, bạn khỏe chứ?). Anh làm như vậy ngay khi gặp tôi.
Về phần mình tôi luôn lẳng lặng bước đi, khuôn mặt lạnh tanh và
khó chịu. Trong đầu tôi lúc đó chỉ hiện lên một ý nghĩ duy nhất “Thằng cha này
thấy sang bắt quàng làm họ. Hắn thấy tôi có chức vụ, có tiền bạc, có học thức
nên muốn bắt quen đây. Hắn thì có khác gì mấy cô công nhân vệ sinh hay đi dọn
rác trước cổng nhà mình ở phố Thái Hà, Hà Nội”.
Ngày tiếp theo, anh công nhân vệ sinh vẫn cười tươi, vẫn chào
tôi hết sức niềm nở. Tôi vẫn khó chịu và đút hai tay vào túi quần đi
thẳng.
Khuôn mặt vênh váo. Ngày thứ ba vẫn vậy,
anh quét rác lại chào tôi rất vui vẻ, khuôn mặt và thân hình thể hiện sự thân
thiện với tôi. Tuy nhiên, trong lần này, để cho xong chuyện tôi đã trả lời anh
ta một cách miễn cưỡng: “I am fine, thank you. And you?” (Tôi khỏe, cám ơn anh.
Thế còn anh?)
Tôi nói xong và chợt nhận thấy rằng mình
đã cười. Tôi đã cười mà không biết, điều này không như trong kế hoạch ban đầu
của một người coi thường anh công nhân dọn vệ sinh. Thú vị hơn tôi phát hiện ra
khuôn mặt tươi tỉnh của chính mình, rằng hình như mình vui hơn, dễ chịu hơn,
hạnh phúc hơn, thư giãn hơn.
Vừa đi tôi vừa nghĩ về mình rồi lẩm bẩm: “Ta thật là ngu dốt”.
Quả thật, từ trước đến nay, trong suốt bao nhiêu năm qua tôi đã có một suy nghĩ
không đúng, rằng khi cười với ai đó tôi mang lại niềm vui cho
họ.
Khi bắt tay ai tôi luôn nghĩ mình ban ơn
cho họ. Khi gần gũi ai, tôi luôn nghĩ họ được lợi từ tôi. Và, tôi thấy mình thật
sai lầm. Bởi, khi tôi cười với anh công nhân quét rác này người được lợi đầu
tiên không phải là anh ta mà là chính tôi.
Và tôi chợt nhận ra rằng anh ta đâu có biết tôi là ai. Anh
không hề biết tôi có bao nhiêu tiền, làm chức vụ gì, có học thức đến đâu. Trong
mắt anh ta tôi từ ký túc xá bước ra tức tôi là sinh viên, là người đi học. Dù có
học tiến sĩ, thạc sĩ hay đại học vẫn là người đi học, là sinh viên. Mà thậm chí
anh cũng chẳng quan tâm tôi có là sinh viên hay không.
Trên thực tế tôi chỉ là một người châu Á da vàng, mũi tẹt.
Nhưng anh ta cũng chẳng để ý đến chuyện ấy. Anh chỉ cười và chào tôi như đã và
đang làm việc đó với tất cả những ai từ ký túc xá bước ra. Tất cả mọi người là
bình đẳng. Tất cả chúng ta là con người. Tôi thấy xấu hổ và tôi đã nhận ra vấn
đề. Tôi đã được học một bài quý giá. Từ đó đi đâu, gặp ai tôi cũng chào và cười.
Không chỉ cười mà là cười rất tươi. Cười từ trái tim mình, từ đáy lòng
mình.
Một bữa nọ khi từ thư viện về tôi phát
hiện ra Allen - người quét rác đang ngồi uống cà phê trong quán. Anh ăn mặc rất
lịch sự, vừa nhấm nháp ly café vừa đọc sách. Ngạc nhiên và tò mò, tôi lại gần
làm quen, cùng uống café, cùng nghe nhạc với anh.
Tôi không ngờ rằng người mặc bộ quần áo bảo hộ, đi lau nhà,
quét rác mỗi sáng bây giờ lại biến thành một người lịch lãm, trí tuệ thế này.
Anh đọc sách say sưa và đọc khá nhanh. Bài học nữa tôi đã học được: Mỗi lúc
chúng ta đang đảm nhận vai diễn nào đó, lúc đóng vai nào phải làm tốt vai đó.
Hơn nữa, không nên coi thường người công nhân quét rác. Anh ấy cũng đọc sách,
cũng nghe nhạc, cũng thưởng thức café và các món ăn.
Allen đã kể cho tôi nghe vanh vách về Kim Tự Tháp ở Ai Cập, về
những gì còn sót lại từ vườn treo Babillon ở Iraq, về vùng đất lạnh và băng giá
Siberie của nước Nga. Anh nói về thời kỳ La Mã, về chiến tranh Nam Bắc của nước
Mỹ, về cuộc sống của người Eskimo. Đặc biệt anh nói về Việt Nam khi biết tôi là
người Việt (Sau này anh kể rằng anh cứ ngỡ tôi là người Thái hay
Indonesia).
Hóa ra Alen đam mê đi du lịch. Anh đi du
lịch qua sách. Những hiểu biết của anh làm tôi kinh ngạc. Hóa ra anh rất hiểu
biết và có trí nhớ và sự tưởng tượng tuyệt vời. Allen hỏi tôi khu vực Hạ Long có
bao nhiêu hòn đảo? Khi đó, vì không biết, tôi đã nói đại rằng quãng 1.000
hòn.
Allen đã giảng giải về các hòn đảo, về địa
lý, khí hậu, thảm thực vật và thủy sản cũng như tính chất vùng biển của 1.960
hòn đảo, (chứ không phải con số 1.000 như tôi nghĩ) trong vùng diện tích 1.553
km2 này. Nhờ Allen mà tôi, có lẽ, đến chết không quên được những con số
này.
Allen đề nghị tôi phân tích về nhạc Việt
Nam, nhất là vấn đề đặc biệt của loại nhạc 5 nốt này. Tôi ngạc nhiên vì chưa bao
giờ biết đến nhạc của đất nước mình lại chỉ có 5 nốt. Tôi luôn nghĩ nhạc gì thì
nhạc, đã là nhạc thì phải là 7 nốt chứ.
Cuối cùng tôi đã phải há miệng ra nghe Allen nói về chèo, về
cải lương, về chầu văn, và về các loại nhạc cụ của Việt Nam, đất nước nơi tôi
sinh ra và lớn lên. Allen đã dạy cho tôi bài học quý giá về tính tìm tòi khám
phá, rằng tôi phải đọc nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn, quan sát và ghi nhớ nhiều
hơn.
Chính từ bài học quý giá này mà ngay sau
khi về Việt Nam tôi đã quyết định lái xe làm một chuyến xuyên Việt. Tôi cũng
quyết đi tham quan toàn bộ đất nước mình, không bỏ sót tỉnh nào. Tôi chợt nhận
ra rằng mình đã bỏ qua rất nhiều điều quan trọng, rằng tôi đã đi đến tận 39 quốc
gia nhưng lại chẳng hiểu được nhiều thứ đang diễn ra ngay tại đất nước
mình.
Ngày tôi đến thăm nhà của Allen, tôi lại
học thêm được một bài học quý giá nữa. Allen có khoảng gần 1.000 cuốn sách. Là
người học nhiều, đi nhiều, thường xuyên mua và đọc sách nhưng tủ sách của tôi
cũng chỉ có quãng 300 cuốn. Còn Allen, một công nhân vệ sinh đã có một tủ sách
quá vĩ đại. Anh đam mê sách và đã bỏ một khoản tiền lớn ra mua, trưng bày sách.
Anh nói đã đọc hết những cuốn sách này. Thậm chí có những cuốn đọc đến 2-3 lần.
Tôi nhớ khi đó tôi có mong muốn quỳ dưới chân anh xin nhận anh làm
thầy.
Cũng tại những lần đến thăm anh, tôi đã
được học cách nấu ăn. Làm sao nấu đơn giản, đủ chất, ngon miệng mà không quá cầu
kỳ. Một tình bạn thân thiết đã nảy mầm giữa một doanh nhân với một anh quét rác.
Chuyện này tôi không thể tưởng tượng được trước đó một vài
năm.
Từ ngày gặp Allen tôi bỏ hẳn các tính xấu
của mình: kiêu ngạo, soi mói, coi thường người khác. Tôi cũng trở nên điềm đạm
hơn, nói nhỏ hơn, ít nóng tính hơn. Tôi cũng không còn “bệnh” nhìn hình dáng bên
ngoài mà kết luận con người nữa.
Tôi luôn niềm nở và giúp đỡ mọi người. Tôi quyết định chọn sứ
mệnh “sẻ chia” của mình từ ngày đó.
Cũng nhờ Allen và những người thầy khác sau này tôi đã hiểu và
thực hành nguyên tắc “cho mà không đòi hỏi, cho mà không cần nhận”. Tôi cũng đã
triển khai mỗi ngày, mỗi giờ cách sống “pay it forward” - đáp đền tiếp nối. Cũng
từ ngày đó cuộc đời của tôi luôn hạnh phúc, bình an và chan chứa yêu
thương.
Gần chục năm đã trôi qua. Bây giờ nghĩ
lại, nếu không gặp được Allen, chắc tôi vẫn đang quay cuồng trong vòng quay vô
tận của đồng tiền, không chút nghỉ ngơi, không dành thời gian để hiểu và sống
hạnh phúc với những người xung quanh, trong đó có các bạn bè, đồng nghiệp và
hàng xóm. Tôi thật biết ơn thầy tôi, bạn tôi , Allen.
Nguyễn Mạnh Hùng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét