Ads 468x60px

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Thêm phí nội đô, ôtô, xe máy cõng 10 loại thuế phí

Xuân Tùng (Báo Đất Việt) - Bộ GTVT lại vừa trình Thủ tướng dự thảo hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô, áp dụng với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, ô tô, xe máy sẽ bị đề xuất thu thêm hai loại phí nữa là "phí lưu hành nội đô" và "phí trông giữ xe".
Như vậy, mỗi loại ô tô, xe máy sẽ phải cõng tổng cộng khoảng hơn 10 loại thuế, phí.
Đếm không xuể
Bộ GTVT khẳng định: Có thêm hai loại phí trên sẽ hạn chế việc tăng xe cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm thiểu kẹt xe, tai nạn.
Thực tế, hiện một chiếc xe đã cõng quá nhiều loại thuế, phí, lệ phí nhưng hệ thống giao thông công cộng còn quá kém, có tăng phí cũng không đạt mục đích mà chỉ tăng gánh nặng cho người dân.
Theo tính toán của một chuyên gia, nếu dự thảo này được thông qua, đối với ô tô, tổng hợp các loại phí có thể lên đến ít nhất 70 triệu đồng/năm. Đối với người sở hữu xe máy là 31 triệu đồng/năm.
 Các loại phí, lệ phí với ô tô, xe máy
Cụ thể: Để nhập một ô tô cá nhân, chủ xe phải chịu thuế: nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT). Cụ thể, tùy theo khu vực xuất khẩu của chiếc xe mà mức thuế nhập khẩu là 5% (khối ASEAN) hoặc 72%-82% với xe nhập từ các khu vực khác. Thuế tiêu thụ đặc biệt thì phụ thuộc vào giá trị chiếc xe, thường ở mức 45%-65%. Kế đến là thuế VAT là 10%. Nếu xe nhập linh kiện về lắp ráp, cũng phải chịu mức thuế trung bình 30%.
Sau các loại thuế trên, chủ xe còn phải chịu các loại phí, lệ phí: kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đăng kiểm), đăng ký, xin cấp biển số… và tương ứng với mỗi việc ấy thì phải đóng một loại phí, lệ phí khác nhau. 
Bắt đầu từ 1/1/2012, chủ phương tiện lưu hành tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM còn phải đóng lệ phí trước bạ và lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số cho ô tô hơn nhiều lần các địa phương khác. Cụ thể, mức lệ phí trước bạ đối với ô tô đăng ký lần đầu (gồm cả ô tô từ tỉnh khác chuyển về) là 15% (mức cũ là 10%) và phí cấp giấy đăng ký, biển số của ô tô con tăng đến 10 lần, từ 2 triệu vọt lên 20 triệu đồng cho lần đăng ký đầu.
Ngoài ra chủ xe còn phải đóng thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng dầu. Và với dự thảo này, ô tô và xe máy sẽ phải đóng thêm hai loại phí nữa là "phí lưu hành nội đô" và "phí trông giữ xe".
Đó là còn chưa kể, khi lưu thông qua các trạm thu phí, chủ xe còn phải chịu mức phí từ 10.000-80.000 đồng/lượt, tùy theo loại xe cho mỗi trạm (theo Thông tư 90/2004 của Bộ Tài chính). 
Trên các tuyến đường cao tốc cũng tổ chức thu phí và dự tính sẽ thu theo kilômét xe chạy, như tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ Tài chính trình thu 1.000-1.500 đồng/km, tùy theo loại xe...
Trả lời báo PL.TPHCM, kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội KHKT Xây dựng TP.HCM bày tỏ: 
"Trong điều kiện hiện nay, người dân sẽ “cắn răng” đóng phí chứ không từ bỏ xe máy. Do vậy, mục đích hạn chế xe cá nhân không đạt và việc thu phí lưu hành không làm giảm kẹt xe mà chỉ tăng gánh nặng cho người dân.
Còn ở “nhóm trên”, với mức phí đề xuất không đủ tác động đến quyết định sắm ô tô cá nhân. Thực tế là lệ phí trước bạ trước đây tăng từ 2% lên 10% vẫn không hạn chế được lượng ô tô đăng ký mới".
Người Việt cõng 432 loại phí
Dự thảo đưa ra giải pháp hạn chế xe cá nhân (ôtô con, xe máy) lưu thông trong khu vực trung tâm các thành phố, của Bộ GTVT do Viện chiến lược và phát triển GTVT nghiên cứu.
Dự thảo nghiên cứu dựa trên hiện trạng giao thông tại 5 TP lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. 
 Người Việt phải cõng432 loại thuế, phí. (Ảnh: minh họa)
PGS.TS Nguyễn Quang Toản (nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ, ĐH Giao thông vận tải) cho rằng, trước khi đưa vào thực hiện chủ trương này cần phải được thí điểm trên phạm vi hẹp.
"Vấn đề quan trọng là nếu muốn hạn chế xe cá nhân cần phải có giải pháp thay thế. Giải pháp về giao thông công cộng như tăng xe buýt, xe điện, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh sẽ phát triển theo lộ trình nhưng không thể nhanh chóng được.
Theo tính toán, đến năm 2020, giao thông cá nhân vẫn ở mức trên 70% tại Hà Nội và TP.HCM. Điều này có nghĩa xe cá nhân vẫn đóng vai trò chi phối. Chỉ khi giao thông công cộng chiếm khoảng 40-50% mới có thể dùng những biện pháp hạn chế xe cá nhân cực đoan để buộc người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng", báo Tuổi trẻ trích dẫn.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng khẳng định: "Phải có lộ trình".
"Muốn hạn chế xe cá nhân phải điều chỉnh, quy hoạch lại mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng đô thị cho thích ứng. Ví dụ không cho phương tiện cá nhân vào trung tâm thì phải có các phương tiện công cộng thay thế. Thời gian đi bằng phương tiện cá nhân và công cộng không chênh lệch quá lớn.
Nếu một người đi xe máy vào vị trí nào đó trong trung tâm TP mất 5-10 phút thì ít ra phương tiện công cộng như xe buýt chẳng hạn phải đáp ứng trong khoảng thời gian 15 phút chứ không thể kéo dài 1 giờ được".
TS.KTS Sơn cho rằng, các bãi giữ xe nên miễn phí để khuyến khích người dân. Và khi đã có những điều kiện cần và đủ thì khi đó hãy tính đến chuyện hạn chế xe cá nhân vào các TP lớn.
Theo TS Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả (Bộ Tài chính), hiện nay có đến 432 khoản phí và lệ phí đang được triển khai thu trên cả nước. Cụ thể, có 357 khoản phí và 75 khoản lệ phí; trong số này có 393 khoản thuộc thẩm quyền quyết định của trung ương, còn lại phân cấp cho địa phương.
TS Long còn cho biết thêm Việt Nam nằm trong số những nước có mức thu thuế và phí rất cao so với khu vực. Trung bình trong 5 năm qua, tỷ lệ thu thuế, phí tính trên GDP (không kể dầu thô) của Việt Nam là hơn 20%, trong khi Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan chừng 15,5%, Philippines 13%, Indonesia 12,1%...
“Việc thu phí và lệ phí đang bị lạm dụng, diễn ra ở mọi lĩnh vực trong đời sống của người dân, từ các loại phí dịch vụ chung cư cho tới phí chồng phí trong giao thông, y tế, giáo dục. Đáng nói là tình trạng “phép vua thua lệ làng” rất phổ biến trong thu phí”, TS Long nói.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét