Ads 468x60px

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Trà Vinh: Người nghèo khát nước, ruộng đồng cháy khô

Người nông dân này nói: “Nhà tôi mấy đời làm ruộng ở đây chưa từng gặp nạn này. 
Hái vài bông coi thì biết, đưa lên thổi một cái không có hột lúa nào rớt xuống, 
bay về trời hết trọi.” (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Trần Tiến Dũng
Ngày nay, các chuyến xe đò về Trà Vinh đều đi tuyến quốc lộ 60, qua cây cầu Cổ Chiên mới toanh.
Cả bờ Bến Tre và bờ Trà Vinh trước đây nước mặn ít khi chạm tới các vườn cây trái xanh mượt, nay chỉ mới vào đầu mùa khô 2016, các ngọn dừa bắt đầu đỏ đọt dù phải hơn ba tháng nữa nguồn nước ngọt đầu nguồn mới về tới các vàm sông Tiền.
Lúc này cả hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh cùng 6 tỉnh miền Tây khác đã công bố thiên tai hạn hán và ngập mặn, hầu nhưng không ai dự đoán được bao giờ thoát được tai họa này khi mùa nước nổi của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long bị bức tử vì hệ thống thủy điện của Trung Quốc.
Sông Cổ Chiên từ bao đời là nguồn phù sa cũng như cung cấp nước ngọt cho vùng đất trù phú bậc nhất.
Tài liệu lịch sử cho biết từ thế kỷ thứ 15, các nhà thám hiểm Châu Âu cũng đã vào cửa sông Cổ Chiên để đổi nước ngọt và mua lương thực. Ngày nay dòng phụ lưu sông Mekong chảy qua ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh đang hứng chịu thảm họa do nước mặn từ biển ngược dòng ngày một xâm nhập sâu và rộng, bao trùm hầu hết các vùng đồng bằng ven biển.
Nước bình, giếng đóng: Cơ may vượt qua thiên tai?
Người đàn ông làm nghề xe ôm kể rằng. Khi cống Láng Thé, còn gọi là cống 10 cửa trên sông đóng lại để ngăn mặn, tất cả các nguồn nước đang bị nhốt trong nội đồng trở thành nguồn nước ngọt tù đọng nhưng lại là nguồn nước xài hàng ngày của hàng vạn con người. Có thật như lời anh nói không?
Một cánh đồng thuộc vùng đất nước ngọt bên ngoài 
thành phố Trà Vinh đã nứt nẻ và khô cháy.
Chúng tôi theo lời mách của dân địa phương tìm đến một ấp gọi là ấp Ðầu Bờ, theo lời kể ngày xưa, nơi đây có cả một ao nước rất ngọt và vào các tháng mùa khô nơi đây mỗi chiều có các xe nước đến đổi nước cho dân lao động. Khi đến ấp Ðầu Bờ chúng tôi không gặp cảnh gánh đổi nước nữa thay vào đó là những người giao nước thùng, gọi là nước tinh khiết có giá 12 ngàn đồng 12 lít. Người dân thành phố Trà Vinh ngày nay nấu cơm và uống nước từ loại nước thùng được gọi là nước tinh khiết mà không cần cũng như không cơ quan nào kiểm chứng chất lượng.
Khi chúng tôi hỏi bà chủ tiệm cơm vào loại lớn ở thị xã. Sao dân không dùng nước máy của nhà nước để nấu ăn uống, bà cười cười nói, “Nước hôi thuốc tẩy thấy mồ uống sao được, mà năm nay nước máy mới tháng này nước đã trở vị măn mẳn rồi.” Ðược biết, nhà máy nước Trà Vinh lấy từ giếng khoan, công suất ít, chất lượng nước không đủ tiêu chuẩn.
Tỉnh Trà Vinh đã công bố tình trạng thiên tai do hạn và ngập mặn, trong đó có chi tiết, hiện nay có 17,000 hộ dân nông thôn các huyện Càng Long, Châu Thành và thị thiếu xả nước ngọt tiêu dùng trầm trọng. 
Ở thành phố Trà Vinh, Nguồn nước uống chính đang trông cậy vào thứ nước bình “tinh khiết” không rõ chất lượng. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Khi đặt ra vấn đề là hiện nay, người dân Trà Vinh, kể cả người dân sống ở các huyện ven biển quanh năm ngập mặn và dân cư ở các vùng thiên tai có tình trạng đói nước không? Không có câu trả lời mà chỉ có lời than thở rằng: Mong có đủ tiền mua nước bình để sống qua mấy tháng trời hành mặn hạn; còn nước xài thì có tiền để đóng nước cây (khoan giếng ngầm), không có thì đi xin hàng xóm. Phải chăng nước bình và giếng đóng là cơ may để hàng triệu người dân vượt qua thiên tai?
Dù không dễ chấp nhận chuyện giới con buôn bán nước lọc, bán tài nguyên nước ngầm làm giàu trên cơn đói nước của lương dân, một thứ đói mà có kêu trời thì họng khô của người nghèo không thể kêu thành tiếng. Vấn đề là chế độ cầm quyền trong thời đại biến đổi khí hậu và trong một đất nước được cảnh báo chịu thảm họa nước biển dâng cao lại trao sinh mạng người dân khát nước ngọt cho các kẻ đầu cơ trục lợi buôn bán nước ngọt.
Ai là người miền Nam, đều có ký ức về những lu nước ngọt để trước cửa nhà ở khắp làng, khắp phố cả trong mùa khô, mùa mưa để khách lỡ đường giải khát miễn phí. Ðó là chưa kể đến chuyện nhà chùa, nhà thờ và cả các phú gia ngày trước hễ cứ vào mùa khô hạn là mở hồ chứa nước ngọt, vận chuyển nước bằng ghe, bằng xe về cứu khát cho dân nghèo. Tập quán ấy không còn ở Trà vinh, một tỉnh giàu tinh thần rộng lòng hào hiệp.
*Cánh đồng lúa chết
Tìm đến cánh đồng được chính quyền thông báo là một trong các địa phương bị thiên tai nặng nhất tỉnh, ấp Thanh Nguyên B, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành. 
Rất nhiều hộ nông dân đứt ruột bỏ lúa chết trên đồng trước khi họ cũng bỏ nhà 
tha hương cầu thực. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Theo lời chỉ đường, đến chùa Thanh Quan, chúng tôi đi theo con đường làng nhỏ đến nhà ông H lúc mặt trời gần đứng bóng. Ông H, không mời chúng tôi vô nhà, người bộ đội từng có 5 năm cầm súng ở Cambodia, mặc vội áo, biểu chúng tôi ngồi sau xe gắn máy của ông rồi phóng ra cánh đồng trên các bờ đê quanh co. Khi đi qua các cánh đồng vụ ba, vụ chính trong năm của nông dân, thấy cảnh lúa có màu vàng rỉ sét, chúng muốn dừng lại chụp ảnh, ông H nói. “Chưa phải cháy đâu, còn lưng lưng, ra ngoài kia mới thấy thê thảm.”
Chúng tôi hỏi lúa còn lưng lưng là sao? Ông nói: “Lưng lưng là còn nửa hạt gạo, gặt với vát cho heo, gà vịt ăn, nếu bị đói thì người ăn cũng sống được qua ngày.”
Ông chở tôi qua các con kênh cấp ba, chỗ cạn thì nứt nẻ, đôi ba chỗ sâu chỉ còn váng chút nước vàng khè mày phèn; đây đó các máy bơm nằm im tiếng.
Ông H nói. ”Ðồng này từ đời ông, đời bà đến giờ mới có chuyện này. Trước đây nước ngọt quanh năm làm ba vụ, mỗi công bảy tám chục giạ lúa là thường, năm nay thê lương rồi.” Dừng xe, ông chỉ cho chúng tôi cánh đồng hàng trăm mẫu đất rặt một màu vàng gốc rạ đã mục. Phải đến tận nơi mới biết thế nào là một cánh đồng phì nhiêu, lúa đang độ ngậm hạt chờ chín rộ bỗng chuyển sang màu vàng gốc rạ mục, màu của cánh đồng chết!  
độ sâu hơn 6m, nước giếng nhiễm mặn như trong thùng nước này thì liệu các chân ruộng nước ngọt lâu đời nơi đây sẽ ra sao? (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Ông H, nói như khóc, “Anh hái vài bông coi thì biết, đưa lên thổi một cái không có hột lúa nào rớt xuống, bay về trời hết trọi.” Rồi không đợi chúng tôi hái, chính ông hái lúa, đưa ra trước mặt chu miệng thổi, mấy bông lúa bay túa ra như một đám sâu rầy. Ông còn nắm bàn tay cầm thân cây lúa lại vò nhẹ mấy cái, mở bàn tay ra thân lá lúa cũng bay mù như bụi đất.
Ông nói, “Giờ tôi mới thấm thía câu ông bà nói, người hại không chết, Trời hại mới chết! Nông dân ấp tui năm nay chết chắc! Trước giờ ở đâu bị chớ cả trăm năm nay ruộng chỗ tui nước ngọt quanh năm, trời hạn thì bơm nước kênh vô, còn năm nay thêm cái chuyện nước mặn vô tới lòng đất rồi trồi lên chân ruộng, trong vòng chưa đầy một tháng lúa chết hết trơn.”
Ông kể, “Vụ này là vụ ba, vụ mùa chính trong năm, trong ấp có nhà ông T. là hộ nghèo. Vay của ai không biết, thuê 20 chục công đất, mỗi công giá 2 triệu, tiền giống, phân, công cày, công xạ, công bơm nước... tiền là tiền; kia kìa, chỗ lúa vàng như bùn cát từ dưới sông mới moi lên. Ổng hết dám ra thăm ruộng rồi, tụi tui cũng vậy, bây giờ tạm thời chưa thấy gì đâu, rồi nợ đen, nợ đỏ đòi tới, bỏ xứ trốn nợ mà đi kiếm cái ăn chớ ai cho vay. Còn nếu chân ruộng mà nhiễm mặn kiểu này thêm một hai vụ nữa thì đất ở đây bỏ hoang luôn, ai làm ăn gì được mà bán ruộng.”
Ðược biết, các cánh đồng trồng lúa sản lượng cao vào bậc nhất của huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh như Ða Lộc, Hưng Mỹ... đều đang có các cánh đồng chết ngay trong vụ mùa chính, riêng mỗi ấp Thanh Nguyên B của ông H, có 275 ha, lúa vụ mùa đã chết trắng hơn 75% diện tích!
Chia tay với ông H, người nông dân chân chất ở Trà Vinh, chúng tôi bị ám ảnh bởi điều ông hỏi: Liệu các chân ruộng bị nhiễm mặn, nước mặn thấm vô rồi có ra không? Hay là ở lại để biến đất ruộng phì nhiêu của ông thành đất chết. Các giới chức của chế độ hiện hành Hà Nội và các tỉnh đã công bố thiên tai với các màn đi thăm biểu diễn, cứu trợ qua quít... có trả lời được câu hỏi mang tính sống còn của người nông dân đang khóc trên những thửa ruộng đang chết giữa vùng đồng bằng sông Mekong không ?
Trần Tiến Dũng/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét