Ads 468x60px

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Văn hóa lễ hội của người Việt trong nước đang đi về đâu?

Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh
Tâm Thiện
Theo truyền thống lâu đời của người Việt Nam, cứ mỗi năm dịp Tết đến xuân về là người Việt khắp nơi trong nước háo hức đi trẩy hội vui xuân. Đặc biệt là khoảng thời gian từ ngày đầu năm mới đến rằm tháng Giêng, hầu hết ở khắp các vùng miền từ Bắc chí Nam trên mảnh đất hình chữ S, đâu đâu cũng thấy lễ hội đón xuân. Trẩy hội ngày xuân từ ngàn xưa như là một nét đẹp truyền thống của người Việt chúng ta, đó không chỉ là một nét văn hóa lâu đời cần được gìn giữ cho thế hệ mai sau mà còn là một hình thức sinh hoạt cộng đồng cần được phổ biến rộng rãi cho bạn bè thế giới biết đến văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Ấy vậy mà những năm gần đây, cứ mỗi dịp đầu năm mới, lễ hội ngày xuân đã trở thành một trong những vấn nạn đáng lên án trong xã hội Việt Nam.
Có lẽ một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của người Việt ở miền Bắc được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng mà những năm gần đây dư luận cũng như báo chí trong nước đã lên tiếng về sự hỗn loạn cũng như hành động vô văn hóa của người dân khi đi trẩy hội đó là Lễ hội Khai Ấn Đền Trần ở thành phố Nam Định. Nếu như người Việt xưa đi trẩy hội ngày xuân mang trong mình tâm trạng phấn khởi vui xuân, thư thái chúc mừng năm mới cùng lộc xuân đầu năm thì giờ đây, Khai Ấn Đền Trần như là một lễ hội ngày xuân để người người tranh nhau cướp lộc. Theo truyền thống của lễ hội, sau thời gian cử hành lễ rước kiệu, dâng hương trước cửa chính của đền thờ và khai ấn, người dân được phép tự do vào lễ bái cúng dường. Đây là lúc cuộc tranh giành cướp bóc trong đêm rằm tháng Giêng tại đền Trần được bắt đầu. Hàng ngàn người mang danh nghĩa đi trẩy hội vui xuân, nhưng thực chất là cố gắng dùng hết sức mình hung hãn lao vào đền thơ giành giật lộc trên các bàn thờ để lấy may mắn. Họ lấy không từ một thứ gì, từ hoa quả, đồ ăn thức uống cho đến đèn nến, bình hoa, chén dĩa. Chỉ sau ít phút mở cửa để người dân tự do vào đền, các bàn thờ đã bị vơ vét sạch sẽ lễ vật và đồ đạc. Thậm chí cửa vào đền quá nhỏ, có người đã thi nhau leo rào để được vào bên trong đền, có người còn không ngần ngại leo trèo lên cả linh vật trong đền là đôi hạc song đôi đứng trên lưng rùa để nhanh tay “cướp” lấy lộc may mắn. Không chỉ người dân thường có hành động vô văn hóa như thế mà ngay cả những người trong ban tổ chức, ban phận sự của lễ hội hay những người mang trên mình thẻ đại biểu, khách mời, cũng sẵn sàng lao vào tranh nhau cướp lộc may mắn như một cuộc hỗn loạn chứ không phải là trẩy hội vui xuân. Có lẽ văn hóa cướp giật của đảng và nhà nước đã nhiễm quà sâu vào tư duy của người dân, đến mức vào những ngày đầu năm mới ở một nơi thờ cúng tôn nghiêm mà họ cũng ra sức tranh giành cướp bóc xô xác lẫn nhau không một chút xấu hổ. 
Không hỗn loạn, không ồn ào, không náo nhiệt như lễ hội Khai Ấn Đền Trần ở Nam Định, nhưng lễ hội “Rước Của Quý” ở Lạng Sơn lại gây một làn sóng mạnh mẽ trong dư luận trong nước. “Của quý” của đàn ông được đẽo từ một khúc gỗ vừa to vừa thô và sơn màu sắc lòe loẹt. Sau đó dược nhiều người dân địa phương rước đi cùng một tấm bảng trên đó có ghi ước nguyện mà người ta mong muốn sẽ diễn ra trong năm mới. Tôi không biết lễ hội truyền thống này được bắt đầu từ bao giờ nhưng theo tôi được biết thì lễ hội “Rước Của Quý” này đã được diễn ra nhiều năm gần đây ở Lạng Sơn. Theo ý kiến cá nhân tôi, đây là một lễ hội nên bãi bỏ, vì nó không phù hợp với thuần phong mỹ tục của văn hóa người Việt chúng ta. Hơn nữa, nó không mang một ý nghĩa văn hóa giáo dục nào cả nếu không muốn nói là chỉ thề hiện mong muốn trần tục của những người thiểu não, kém ý thức. Lễ hội này chỉ làm hỏng giá trị đạo đức của giới trẻ trong xã hội ngày nay khi mà văn hóa đạo đức trong xã hội Việt Nam đang ngày một xuống cấp trầm trọng.
Ngoài hình ảnh hỗn loạn của lễ hội Khai Ấn Đền Trần ở Nam Định và tính chất dung tục của lễ hội “Rước Của Quý” ở Lạng Sơn thì lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh hay lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên lại mang tính man rợ cần được ngăn chặn sớm. Vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm, ở Bắc Ninh, những con lợn to béo khỏe mạnh được dân làng Ném Thượng mang ra chém làm đôi giữ đám đông, Sau đó những người đi dự lễ sẽ lấy tiền lẻ nhúng vào máu lợn văng tung tóe trên mặt đất để cầu may đầu năm mới. Tôi chẳng cái nét văn hóa truyền thống kiểu gì mà lại mang máu của động vật bị giết ra cầu may như thế. Những năm vừa qua, theo tôi được biết Tổ chức bảo vệ động vật châu Á (Animals Asia) đã phản đối quyết liệt lễ hội này khi gửi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thông báo theo đó "việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng." Mặc cho báo chí trong và ngoài nước những năm gần đây liên tục đưa tin, lên án và nhắc nhở về lễ hội văn hóa man rợ này nhưng hình như lực lượng chức năng trong nước đã bất lực trước việc làm này vì với họ, đó là một lễ hội văn hóa truyền thống cần được giữ gìn.
Nhìn những lễ hội ngày đầu năm mới và cách thức đi trẩy hội ngày đầu xuân của người Việt mình mà thấy lòng buồn rười rượi. Có khi chẳng thể tin nổi đó là lễ hội truyền thống văn hóa của người Việt Nam chứ không phải cảnh hỗn loạn tranh nhau cướp giật, một cuộc dạo chơi dung tục hay một cảnh tượng giết man rợ mà tôi đang được xem. Không biết rồi văn hóa của người Việt trong nước đang đi về đâu? Những nhà chức trách trong nước cũng như những người làm công tác văn hóa trong nước liệu có bao giờ nghĩ đến việc xây dựng, củng cố và giữ gìn một nền văn hóa truyền thống thuần Việt cho dân tộc mình hôm nay và ngày mai để giáo dục con em chúng ta và các thế hệ sau về nét đẹp văn hóa đạo đức truyền thống đáng quý của người Việt là hướng về cái thiện, cái đẹp.
Không ai phủ nhận văn hóa truyền thống của người Việt Nam mình rất đa dạng và phong phú, tôi không phải là một nhà văn hóa để phê phán việc tốt hay xấu, đúng hay sai trong những lễ hội ngày đầu xuân ở Việt Nam hiện nay. Nhưng theo tôi nghĩ một khi đã không làm nên việc gì tốt đẹp để giữ gìn truyền thống văn hóa trong lễ hội mà chỉ trong tính hỗn loạn, dung tục, man rợ thì nên dẹp bỏ đi. Đừng để văn hóa của người Việt Nam mình phát triển theo một đường lối sai lầm.
Tâm Thiện

0 nhận xét:

Đăng nhận xét