|
“Đoạn kết của những Ông Bình Vôi.” (Hình minh họa.Tư liệu của Huy Phương) |
Huy Phương
Cô đào thương
biết lúc phải giã từ sân khấu lúc mình về già, khi nhan sắc đã tàn
phai, giọng hát đã rã rời, đứt đoạn. Dù sự ra đi ấy có đem lại những
thiệt thòi, đau xót, người trong cuộc cũng phải đành chấp nhận. Chính
người hâm mộ cũng không bao giờ muốn thấy thần tượng của mình lúc xế
chiều, mà họ muốn giữ lại cái hình ảnh đẹp đẽ của những ngày xưa.
“Limelight” là
cuốn phim nổi tiếng nhất của Charlie Chaplin, một phim rất cảm động về
tình đời. Trong phim, Charlie Chaplin đóng vai một ca sĩ hài hước về...
chiều, thất bại vì tài năng đã đến lúc tàn tạ, “Rồi khi ánh đèn tắt lặng
lẽ cô đơn, chìm trong bóng đêm, người ta lãng quên bẽ bàng...”
Chúng ta thương xót cho cuộc đời nghệ sĩ lúc về chiều, không còn ai
hâm mộ, chết trong lãng quên, nhưng chúng ta cũng không muốn người nghệ
sĩ kéo dài năm tháng trên sân khấu khi nhan sắc đã về chiều, tẻ nhạt và
buồn phiền.
Người ta thường tự kết liễu thanh danh của mình bằng những đoạn kết... buồn.
Trong những con người đó chúng ta có thể kể đến Phạm Duy, một tên
tuổi hay nói ví von hơn, là một “ cây cổ thụ” trong làng âm nhạc Việt
Nam, đã có một đoạn kết dở, khi ông đã tự phủ nhận tất cả chính kiến của
mình để xoay chiều 180 độ. Những người đó, cũng là Trịnh Công Sơn,
người đã được sự yêu thương của tất cả người Việt Nam, đã có một đoạn
kết... buồn, khi dưới bạo lực... mềm, ông đã kéo dài thêm một quãng đời,
khi đồng bào rên xiết, ông đã reo vui bằng những câu hát mê muội, “Em ở
nông trường anh ra biên giới,” “ Huyền thoại Mẹ,” “Ra chợ ngày thống
nhất,” và tệ hại hơn là “Ánh sáng Mạc Tư Khoa,” được xem như một bản
“báo cáo công tác” sau khi ông được ân huệ của Cộng Sản trả công bằng
một chuyến “tham quan” Liên Xô.