Ads 468x60px

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Ðến Hà Nội coi chừng gặp ‘giá trên trời’

Quán Cơm Quế phố Ðinh Liệt thu hút rất nhiều
du khách ngoại quốc. (Hình: Nguyên Lê)
Nguyên Lê
Du khách ngoại quốc và nhất là Việt kiều vào bất cứ một quán ăn nào ở Hà Nội, thường bị các chủ quán “chặt chém”, nâng giá tính tiền khác hẳn so với khách bình thường.
Ðể thoải mái ‘chặt chém’ du khách, đa số các quán ăn này đều không treo bảng giá và khi tính tiền, họ sẽ thu theo từng bàn hoặc từng người trên hóa đơn riêng. Cùng một món ăn, các du khách thường phải trả tiền gấp đôi, gấp ba so với khách bản địa.
Ở Hà Nội, khách du lịch ngoại quốc hay ‘Tây ba lô’ thường tập trung ở khu vực phố cổ (những phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm). Vì thế các quán ăn mọc lên trong khu vực này thường bán đắt hơn so với những khu vực khác vì lý do thuê địa điểm quá đắt. Và đây cũng là nơi những quán ăn có nhiều cơ hội “chặt chém” khách du lịch nhất.
Quán Cơm Quế ở phố Ðinh Liệt, quận Hoàn Kiếm được coi là một trong những quán cơm bình dân ngon trong khu vực phố cổ. Mặc dù diện tích nhỏ nhưng nằm ở vị trí đắc đạo, ngã ba đường Ðinh Liệt cắt với đường Cầu Gỗ, đồ ăn cũng khá ngon nên quán Cơm Quế thu hút được rất đông khách du lịch.
Vì là quán cơm bình dân nên ngoại trừ cơm tính tiền theo số lượng bát thì đồ ăn ở quán Cơm Quế được tính tiền theo đĩa, tùy theo số lượng khách và tùy theo khách du lịch hay khách bản địa.
Quán cơm này không có bảng giá, sau khi khách gọi đồ ăn xong nhân viên sẽ ghi giá tiền trong một quyển sổ, đợi đến khi khách gọi tính tiền sẽ đến thu. Chỉ cần nhìn thấy khách là người ngoại quốc đeo ba lô, là ngay lập tức nhân viên trong quán này sẽ nâng giá đồ ăn.
Gọi cùng số món ăn, hai khách bản địa chỉ phải trả khoảng 100,000 ngàn đồng (khoảng 5$) thì khách du lịch sẽ phải trả từ 200,000 ngàn đồng (khoảng 10$) đến 250,000 ngàn đồng (khoảng 12.5$).
Cũng giống như quán Cơm Quế, rất nhiều quán ăn ở khu vực Tống Duy Tân (phố hàng ăn nổi tiếng ở Hà Nội) hễ cứ thấy khách ngoại quốc là tính tiền giá “cắt cổ”.
Chị Hồng Liên, chủ một quán ăn trong khu vực này cho biết: “Ở đâu mà chẳng thế em ơi. Em đi du lịch nơi khác cũng bị chém đẹp thì ở đây cũng thế thôi. Với cả đấy hầu như là khách chỉ phục vụ một đến hai lần nên mình cũng phải biết tận dụng cơ hội kiếm ăn chứ”.
Những chiêu ‘chặt chém”
Ða số các quán ăn không có giá, khách gọi
món xong nhân viên sẽ tự ghi giá tiền vào
một quyền sổ. (Hình: Nguyên Lê)
Khác với các loại mặt hàng, sản phẩm, khách du lịch thường gọi đồ ăn là dịch vụ không thể trả giá. Do đó, khi chủ cửa hàng không có menu, không có báo giá thì khách du lịch cũng phải chấp nhận để chủ quán “chém đẹp” mà không thể làm được gì.
Tận dụng sự khác biệt về ngôn ngữ, với khách ngoại quốc không biết tiếng Việt, các quán ăn có thể thoải mái hét giá và yêu cầu khách trả bằng ngoại tệ. Còn khách du lịch đến từ vùng khác, các quán ăn lại có đủ chiêu trò để nâng giá.
Anh Việt Hà, khách du lịch người Sài Gòn đến Hà Nội bực tức: “Tôi rất ghét dịch vụ ở Hà Nội vì các quán ăn rất hay tính đắt cho khách du lịch. Cứ nghe giọng nói ở nơi khác đến là chủ quán tăng giá. Có hôm tôi hỏi vì sao tính tiền cho tôi đắt hơn bàn bên cạnh, thì chủ quán tỉnh bơ trả lời là lấy cho tôi nhiều đồ ăn hơn dù tôi không gọi và tôi thấy chẳng khác gì so với khách kia. Khi ăn tôi có gọi thêm một chai bia cũng bị tính tiền bia lạnh khác với bia thường, khiến tôi rất bực mình. Sau này tôi toàn phải rủ bạn ở đây đi cùng để gọi phục vụ đỡ bị tăng giá”.
Sau nhiều lần bị các quán ăn “chặt chém”, một số khách du lịch đã đề phòng bằng cách yêu cầu chủ quán cho biết giá trước rồi mới gọi đồ ăn. Thế nhưng khách du lịch cũng vẫn phải chào thua người bán hàng vì một vài quán ăn sau khi rút kinh nghiệm vì sợ khách bỏ đi do không có menu nên làm hẳn hai quyển menu, một dành cho khách bản địa và một dành cho khách ngoại quốc.
Chị Hồng Anh, Việt kiều Ðức ngán ngẩm với dịch vụ phục vụ ở Hà Nội: “Tôi về Việt Nam chơi một tháng. Mọi khi tôi hay đi cùng đứa em gái, gọi đồ ăn ở quán hai chị em vẫn hay ăn thì chẳng sao. Hôm tôi dắt bạn đến ăn chủ quán tính 600 nghìn đồng (khoảng 30$) một nồi lẩu mà mọi khi chị em tôi ăn chỉ mất 200,000 nghìn đồng (khoảng 10$). Tôi tức quá hỏi lại thì chủ quán bảo chiều được giảm giá còn tối bán giá khác dù lần trước chị em tôi cũng đi ăn tối”.
Cứ thế, với hàng loạt lý do, chiêu trò, những quán ăn tại Hà Nội thản nhiên nhìn mặt du khách, nghe giọng nói rồi mới tính tiền.
Nguyên Lê

0 nhận xét:

Đăng nhận xét