Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

'Bom nước' tại Việt Nam đe dọa hàng trăm ngàn người

Dân xã Hòa An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk,
không yên tâm khi các vết nứt lớn xuất hiện dọc
thân đập thủy lợi ở vùng này. (Hình: Người Lao Động)
Việt Nam hiện có 317 hồ chứa nước trong tình trạng có thể vỡ bất kỳ lúc nào. Mỗi hồ chứa nước này có dung tích hàng triệu khối nước nên được ví von là “bom nước”.
Theo ước đoán, hơn 300 quả “bom nước” này đang đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn dân. Ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng CSVN gọi đó là những thảm họa tiềm ẩn.
Tại một hội nghị bàn về sự an toàn của hệ thống hồ chứa nước, đập thủy lợi, thủy điện trên toàn Việt Nam, diễn ra hồi cuối tuần trước, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn CSVN loan báo, Việt Nam có khoảng 7,000 hồ, cung cấp nước cho thủy lợi và thủy điện. Trong số này, có hơn 300 hồ chứa nước đang trong tình trạng “không an toàn”, vì được xây dựng theo phương pháp thủ công, hoặc khả năng khảo sát thiết kế của chủ đầu tư quá kém cỏi.
Đây cũng là lý do khiến nhiều hồ chứa nước, đập chắn nước liên tục vỡ trong thời gian vừa qua: Z20, Khe Mơ, Vàng Anh (Hà Tĩnh), Khe Làng, 271 (Nghệ An), Vưng (Hoà Bình), Bà Râu (Ninh Thuận),… Theo kết quả điều tra, các hồ, đập đã vỡ đều mắc một số lỗi nghiêm trọng: Không đủ khả năng chống lũ, đập không đảm bảo kích thước, tràn thiếu khả năng xả, hoặc đập bị xuống cấp, tràn xả lũ bị hư nhưng không được sửa chữa, cống hư, nước thấm qua thân đập, mối xâm hại thân đập...
Ngoài những nguy cơ tiềm ẩn trong các hồ chứa nước dành cho thủy lợi, các hồ chứa nước dành cho thủy điện cũng đang đe dọa tính mạng của hàng trăm ngàn người. Một viên chức Bộ Xây dựng loan báo, gần đây, họ phát giác khá nhiều hồ chứa nước, đập chắn nước dành cho thủy điện không đạt yêu cầu an toàn.
Chẳng hạn đập chắn nước của nhiều công trình thủy điện như: Bản Vẽ, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Sông Tranh 2... bị nứt, nước thấm qua thân đập. Thậm chí đập chắn nước của một số công trình thủy điện như: Đăk Rông 3 (Quảng Trị), Đăm Bol-Đạ Tẻh (Lâm Đồng), Đăk Mêk 3 (Kon Tum), Ia Krêl 2 (Gia Lai), Ea Súp 3 (Đắk Lắk)… đã bị vỡ.
Đập thủy điện Đồng Nai 4
Thứ trưởng của Bộ Công Thương CSVN, Nguyễn Cẩm Tú, kể thêm rằng, đa số chủ đầu tư các công trình thủy điện thuộc loại vừa và nhỏ (có công suất từ 30 MW trở xuống), không tiến hành kiểm định đập và kiểm tra lại dòng chảy của lũ theo quy định.
Điểm đáng chú ý là ngay sau khi các viên chức cấp cao của nhà cầm quyền trung ương, cảnh báo về thảm họa “bom nước” và  yêu cầu nhà cầm quyền các địa phương phải kiểm tra, sửa chữa gấp những hồ, đập dành cho thủy lợi, thủy điện trước mùa mưa bão thì các viên chức địa phương không muốn nhận trách nhiệm.
Một viên chức chịu trách nhiệm quản lý các hồ chứa nước dành cho thủy lợi của tỉnh Đắk Nông bảo rằng, tỉnh của ông ta có khoảng 200 hồ, đập dành cho thủy lợi. Khoảng một nửa số hồ, đập này không an toàn nhưng ông ta không thể làm gì khác vì không có tiền. Để sửa chữa số hồ, đập đang trong tình trạng không an toàn, cơ quan của ông ta cần 500 tỉ nhưng ngân sách chỉ cấp 15 tỉ.
Đập thủy điện Sông Tranh 2
Rất nhiều viên chức địa phương tỏ ra đồng tình với ý kiến vừa dẫn. Viên giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, nói thêm, các hồ chứa nước ở Quảng Ngãi vừa phải tích nước chống hạn, vừa phải kiêm thêm chức năng chứa lũ và tất cả đều không an toàn, có thể vỡ bất kỳ lúc nào.
Ông ta đã “kêu gào” nhiều lần rằng sự an toàn của những hồ chứa nước này đe dọa hàng trăm ngàn dân nhưng chưa bao giờ nhận được đủ tiền để sửa chữa.
Là người chỉ đạo hội nghị bàn về sự an toàn của hệ thống hồ chứa nước, đập thủy lợi, thủy điện trên toàn Việt Nam, ông Hoàng Trung Hải chỉ yêu cầu các bộ hữu quan của nhà cầm quyền trung ương, “điều chỉnh các quy chuẩn bảo đảm an toàn công trình, rà soát mức độ an toàn của hệ thống hồ, đập trước mùa lũ, báo cáo tình hình thường xuyên” vì “quên một hồ là phải trả giá đắt”.
Tuy nhiên, ông ta không hề nói gì đến chuyện chi tiền để sửa chữa các hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo đề nghị của nhà cầm quyền nhiều địa phương. (G.Đ.)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét