Ads 468x60px

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Hiện tượng Lê Hiếu Đằng và nhu cầu đa đảng !!!

                      Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 178 (01-09-2013)
Với hai bài viết đăng trên mạng Bauxite Việt Nam: “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” (đăng ngày 17-8-2013) và “Những điều nói rõ thêm...” (đăng ngày 19-8-2013), có nội dung chủ yếu là vạch trần bản chất khốn nạn của chế độ hiện hành và kêu mời thành lập đảng Dân chủ Xã hội để thực hiện đa nguyên đa đảng, luật gia đảng viên Lê Hiếu Đằng đã trở thành một hiện tượng chính trị nổi bật thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh người dân Việt ngày càng không chịu nổi ách độc tài toàn trị mà lại vô tài bất tướng, đầy tội ác và lầm sai của đảng Cộng sản. Từ trong nước ra tới hải ngoại, người đồng ý với ông cũng nhiều mà phản bác ông cũng lắm. Người đồng ý thì thấy nơi ông là một đầu óc phản tỉnh và một niềm hy vọng. Người phản bác thì cho ông là đối lập cuội, là trò giăng bẫy (hải ngoại) hay là tên phản đảng, kẻ thay lòng đổi dạ (đảng viên trung thành).
• Bình tĩnh mà đọc những lời bộc bạch của tác giả, nhất là trong bài đầu, chúng ta nhận thấy ông Lê Hiếu Đằng thẳng thắn và minh bạch:
1. Nêu lý do kêu gọi thành lập tân đảng
Trước hết là “sự bi thảm của thân phận con người trong cái gọi là CNXH, một xã hội không có bóng người”. Trong xã hội đó, “Đảng và nhà nước đã nhận chìm các tầng lớp nhân dân dưới chế độ quản lý kinh tế bao cấp, đi ngược lại tất cả qui luật tự nhiên… làm dân chúng đói kém rên xiết”. Nhân mạng bị coi thường, như “trong Cải cách Ruộng đất, ba mẹ vợ [nhà văn Hữu Loan] đã bị chôn sống để trâu bò bừa lên đầu, lên cổ cho đến chết”. Rồi “Nhà Nước độc tài Đảng trị… đã ra tay đàn áp, bắt bớ, tù đày [các thành phần Nhân Văn Giai Phẩm] một cách không nương tay”. Chế độ đã khiến những nhà đại trí thức như thạc sĩ Nguyễn Mạnh Tường “bị cô lập đến nỗi học trò cũng không dám nhìn mặt, phải bán tủ sách quí để sống qua ngày” và triết gia Trần Đức Thảo thành con người sợ hãi, không dám nói lên điều gì trái ngược với chính sách của đảng. Tiếp đến, “các đợt cải tạo tư sản đã làm tan nát biết bao gia đình, làm dòng người vượt biên ngày càng nhiều, và biết bao gia đình phải chết tức tưởi trên biển ... hoặc bị bọn cướp biển hãm hiếp làm nhục trước mặt chồng con”. Và ông Đằng khẳng định: “Tất cả những điều đó là tội ác của Đảng và Nhà nước Việt Nam”. Liên tưởng đến Trung cộng mà lãnh đạo của mình luôn cho là đồng chí, là anh em thân thiết, ông Đằng nhận thấy nơi đó có “Sự khô cứng, lạnh lùng của một nước lớn đầy tham vọng”. Không những thế, Trung cộng tàn ác đã “xua quân tàn sát người dân Lạng Sơn và các tỉnh phía Bắc…uy hiếp, săn đuổi, bắt bớ một cách vô nhân đạo các ngư dân Việt Nam…, hèn hạ cắt đứt cáp các tàu thăm dò dầu khí của chúng ta”.
Tiếp đến, qua kinh nghiệm bản thân thời học sinh tại Huế (đang ở trong tù mà vẫn được đi ra thi Tú tài toàn phần, vẫn được phép làm văn nghệ, ca hát để thoả mãn cái tính “lãng mạn”), ông công nhận chính quyền Miền Nam nhân bản hơn, có tình người hơn. Ông còn tuyên bố: “Thật sự Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc trên tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, văn hoá tư tưởng…”. Thậm chí ông đánh giá CSVN còn thua chế độ Thực dân Pháp: “Trong chế độ thuộc Pháp có một thời báo chí, văn học nghệ thuật phát triển mà cho đến nay chưa có thời kì nào có thể so sánh được dù là chế độ gọi là “tự do gấp vạn lần” như bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nói một cách hàm hồ, thiếu suy nghĩ, chỉ làm trò cười cho thiên hạ”. Cuối cùng ông kết luận: “Trước đây chúng ta [người cộng sản như ông] chưa có đủ điều kiện, dữ kiện để nhận thức một số vấn đề sống còn của đất nước nên đã có thời gian dài nuôi ảo tưởng về ĐCS VN và XHCN”. “Thực tế hiện nay, trong Nam ngoài Bắc đã tập hợp được những khuynh hướng có chủ trương đấu tranh cho một thể chế dân chủ cộng hoà”.
2. Vạch ra những con đường hành động
Với phương châm của chí sĩ Phan Chu Trinh: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” theo trình tự “chấn dân khí” trước để “không còn sợ hãi các thế lực tàn bạo, không sợ bắt bớ, tù đày. Sau đó là “khai dân trí” và “hậu dân sinh””, rồi đưa ra khẩu hiệu “Hành động, hành động và hành động”, ông Đằng kêu gọi những đảng viên cộng sản đang cảm thấy lí tưởng của mình bị phản bội hãy “tuyên bố tập thể ra khỏi đảng” và cùng với “lớp trẻ hăng hái, nhiệt tình bao gồm những bloggers, những sinh viên đang có những hoạt động ở các Đại học hoặc nhiều tổ chức khác” “thành lập một đảng mới” để tiến đến “đa nguyên đa đảng”. Nhằm thiết lập một “xã hội công dân, xã hội dân sự mạnh …Đây là cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay”. “Chúng ta phải đấu tranh với phương châm công khai, minh bạch, ôn hoà, bất bạo động, phản đối tất cả mọi hành động manh động, bạo lực khiêu khích gây chiến tranh”. Một khi đã hình thành được, “các đảng, tổ chức đối lập sẽ đấu tranh bình đẳng với ĐCS trong các cuộc bầu cử hợp pháp có quan sát viên Quốc tế giám sát như hiện nay Campuchia đã làm”, để “thay đổi từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hoà với tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp, tư pháp, riêng biệt và độc lập”. Bởi lẽ “Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lạc điệu, không còn phù hợp nữa và đã sụp đổ tan tành ở ngay quê hương Xô Viết. Hiện nay là cuộc đấu tranh trên thế giới về dân quyền, dân sinh, dân chủ, tự do, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là cuộc đấu tranh quyết liệt cho con người, vì con người chống lại các thế lực phản động đang âm mưu nô dịch nhân dân, phá hoại môi trường vì những lợi ích kinh tế ích kỷ của các tập đoàn, lũng đoạn nhà nước”. Và ông kết luận phải “cương quyết đấu tranh cho một xã hội công bằng, dân chủ và tiến bộ, tôn trọng, thực hiện những lý tưởng của biết bao thế hệ cha anh chúng ta về một nước VN hoà bình, độc lập, tiến bộ xã hội, văn minh và giàu mạnh”.
So với nhà văn Nguyễn Khải vốn đã nhận ra bộ mặt chế độ nhưng chỉ dám mở lời sau khi chết, với tướng Trần Độ vốn biết đảng đi sai đường nhưng chỉ phản ứng bằng lời lẽ suông, ông Lê Hiếu Đằng quả có cái khác biệt và trổi vượt, đó là hành động, hay đúng hơn lúc này là kêu gọi hành động, hành động kiểu chính trị đúng nghĩa là lập một tân đảng mang tên Dân chủ Xã hội.
• Dĩ nhiên trước thái độ phản tỉnh vừa là lời nói tố cáo (tiêu cực) vừa là hành động lập đảng (tích cực) này, như người ta đã thấy nhiều trường hợp bên Liên Xô và Đông Âu trước đây mà sau đó đã làm tan vỡ Khối Vácxava, đảng Cộng sản Việt Nam không thể ngồi yên. Trước mắt họ cho tay chân viết bài phê phán ông Đằng trên báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Đại Đoàn Kết… Trang Ba Sàm hôm 29-08 đã tổng kết có 18 bài viết trên hệ thống truyền thông độc quyền của đảng, phản biện lại việc "tính sổ cuộc đời" của người đảng viên tỉnh ngộ và việc ông hô hào lập đảng mới để lành mạnh hóa hoạt động chính trị, để xây dựng những xã hội dân sự và tiến đến dân chủ hóa đất nước.
Những bài viết đó rất giống khẩu khí, giọng điệu, giống cả thái độ quyền uy lấn lướt, tâm địa hằn học nhỏ nhen của thời đánh Nhân Văn Giai Phẩm, như muốn làm sống lại không khí ngột ngạt, bầu khí căng thẳng của thời này. Tuy nhiều (trong đó nổi bật hai bồi bút vô liêm sỉ kiêm dư luận viên hăng máu háu đá là Hoàng Chí Bảo và Đông La), luận điệu phản biện vẫn hoàn toàn giống hệt nhau: nghèo nàn, xơ cứng, ngụy biện, nói lấy nói được, quanh đi quẩn lại cũng chỉ hô các khẩu hiệu: Con đường tiến lên CNXH là chọn lựa duy nhất của dân tộc VN, đảng CS độc quyền lãnh đạo là tất yếu và thực tế lịch sử vì đảng đã đưa đất nước đi từ thắng lợi nầy đến thắng lợi khác, xương máu của hàng triệu đảng viên đã góp phần làm nên chiến thắng nên đảng độc quyền lãnh đạo vĩnh viễn là đương nhiên không cần bàn cãi, dân chủ theo kiểu của VN là dân chủ tập trung, pháp quyền kiểu Việt Nam là pháp quyền xã hội chủ nghĩa, độc đảng như ta vẫn dân chủ gấp vạn lần tư bản, không cần đa nguyên đa đảng làm gì, đa nguyên đa đảng chỉ tổ đưa đến bất ổn chính trị và rối loạn xã hội ... Rồi trên cái nền khẩu hiệu duy ý chí, ngang ngược, kiêu căng và phản khoa học ấy, các tác giả lý luận cung đình lặp lại cung cách truyền thống mà những kẻ bình dân, chợ búa, vô học vẫn làm khi muốn "phản biện" đối thủ của mình: thóa mạ, quy chụp, chửi bới về nhân thân cũng như về động cơ của ông Lê Hiếu Đằng, với đủ mọi ngôn từ thô tục (Theo Huỳnh Ngọc Chênh). Cộng sản bao giờ chả vậy!
• Nhiều tác giả ở hải ngoại từng nếm mùi đau thương do CS gây nên thì tỏ ra nghi ngờ. Trước hết nghi ngờ rằng đây chỉ là âm mưu quen thuộc của đảng theo kiểu trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, nhằm tóm một mẻ thật lớn những ai thách thức quyền độc tôn của đảng bằng cách gia nhập tân đảng. Nhưng nên nhớ hoàn cảnh và thời thế quốc nội lẫn quốc tế của thập niên 50-60 thế kỷ trước khác với thập niên 10-20 của thế kỷ này. Thứ đến nghi ngờ chính ông Đằng. Họ biện luận rằng một đảng viên kỳ cựu, từng sống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, không nhiều thì ít đã nếm mùi tự do dân chủ non trẻ của miền Nam, thế mà sau 45 năm (45 tuổi đảng) mới mở mắt ra, thì có đáng tin không chứ. Có người còn cực đoan cho rằng đã là người Cộng sản thì không thể thay đổi. Họ quên đi những Milovan Djilas, những Mikhail Gorbachev, những Boris Elsine, những Hoàng Minh Chính, những Trần Độ…
Dẫu sao, ông Lê Hiếu Đằng (và thân hữu như Hồ Ngọc Nhuận, cũng từng ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản) cần phải tỏ ra đoạn tuyệt với quá khứ dứt khoát hơn nữa, bởi cả hai đã góp công sức vào sai lầm và tội ác của đảng trên dân tộc. Đó là hãy mạnh dạn tuyên bố từ bỏ đảng CS (như nhiều người đã làm thời gian gần đây), hãy khiêm tốn xin lỗi nhân dân, nhất là nhân dân miền Nam về những gì mình đã gây ra cho họ (như hai anh em cựu đảng viên tại Đà Lạt) và cuối cùng nhanh chóng thực hiện các bước cụ thể để thành lập đảng Dân chủ Xã hội, bất chấp những cấm cản đe dọa của nhà cầm quyền. Đừng để những ai thông cảm khoan thứ hoặc tin tưởng hy vọng vào ông phải thất vọng.(NPH in nghiêng)
BAN BIÊN TẬP

0 nhận xét:

Đăng nhận xét