“Em là nỗi nhục của bộ giáo dục”, một cô giáo ở Việt Nam đã phê như thế vào bài kiểm tra bị chấm 1,5 điểm của học trò. Trang Vietnamnet đưa tin này vào một bài chạy tít “Bật cười với những lời phê hài hước của thày cô.”
Tôi chỉ thấy mình bật ngửa. Rồi được một
người bạn nắn sốc, rằng Hoài đi xa lâu rồi không biết, dân mình là
giống ưa nặng, không thượng cẳng chân hạ cẳng tay không được. Còn đã nói
thì phải rát mặt, nhiếc móc phải xóc óc, chửi chưa rách mồm chưa đạt
nghị quyết. Cái gì cũng phải thật phũ. Phê thế đã ăn thua gì. Ờ, ra vậy.
Bên này, nơi tôi vừa mới qua 12 năm đi họp phụ huynh, học trò là Thượng
đế toàn tập. Thượng đế có khùng, lười chảy thây, láo toét, dốt không
lưu vào ổ nào cho hết, cũng không thể bị tước địa vị. Phê bình Thượng đế
ở bên này là việc vô cùng nhạy cảm.
Nên tôi bỏ qua chuyện phong tục mỗi nơi
một khác, chỉ bàn về nghĩa của lời phê nói trên. Nó trước hết cho thấy
giáo viên quan tâm đến điều gì.
Tác hại duy nhất của học kém đáng cho cô
giáo ấy nói đến là nó sỉ nhục Bộ Giáo dục. Như thể mục đích quan trọng
nhất của sự học trong nhà trường là vinh danh Bộ này. Suy ra, nông dân
thất bát là sỉ nhục Bộ Nông nghiệp, bệnh nhân sâu răng mắt toét là sỉ
nhục Bộ Y tế, vượt đèn đỏ là sỉ nhục Bộ Giao thông, doanh nghiệp phá sản
là sỉ nhục Bộ Tài chính, giết người là sỉ nhục Bộ Công an, và giữa
hoàng hôn cộng sản mà dựng quán cafe nháy mắt với Lenin,
hoài niệm một thuở bình minh cộng sản thì tất nhiên là sỉ nhục Bộ Chính
trị. Ý nghĩa của toàn bộ thành tích sống, chiến đấu, lao động, học tập
và uống cà phê của người Việt được xác định qua vinh và nhục cho các
thiết chế chính quyền.
Nỗi nhục có hai khả năng liên đới. Nỗi nhục của ai, của cái gì và nỗi nhục cho ai, cho
cái gì. Trong văn cảnh đang nói tới, giáo viên đã viết ẩu, ẩu không
chừa cả chính tả và dấu chấm câu. Lẽ ra phải sửa thành “Em là nỗi nhục cho Bộ Giáo dục.” mới đúng ý xỉ vả muốn gửi đến cậu học trò. Còn nỗi nhục của
Bộ Giáo dục là bất lực trước một nền sư phạm không chỉ phũ phàng mà còn
hoàn toàn nhầm đối tượng phụng sự. Không phải cậu học trò, mà cô giáo
ấy là nỗi nhục của Bộ này. Còn nỗi nhục của truyền thông khi gợi ý cho công luận “bật cười” ở đây, tôi không muốn đếm xỉa.
Một năm học mới ở Việt Nam lại bắt đầu. Bên này cũng thế, các Thượng đế lại lon ton đến trường.
Phạm Thị Hoài
0 nhận xét:
Đăng nhận xét