Tượng Vua Lê Thánh Tông. |
Thiên Lý – Vanut (Quảng Nam)
Kiến
trúc của văn miếu Hà Lam (ở địa phận thuộc thị trấn Hà Lam, huyện Thăng
Bình, tỉnh Quảng Nam) đã bị huỷ hoại, “tàn dư” của văn miếu là 9 tấm
bia đang chống chọi với thời gian vô tình.
Còn đâu văn miếu! Với ngọn cờ “Bình Chiêm Hưng Quốc”, rồi chương trình “di dân Nam tiến, khai cơ lập nghiệp” của vua Lê Thánh Tông (vào năm 1471), làng Hà Lam (bao gồm địa phận thị trấn Hà Lam hiện nay và một số khu vực phụ cận) được hình thành.
Đến nay, người
ta chỉ biết mông lung rằng làng được lập cách đây khoảng 500 – 600 năm,
mà chưa biết được chính xác khoảng thời gian lập làng, cũng như xã hiệu
Hà Lam có từ thời điểm nào. Nhưng những di tích đã mất hoặc vẫn còn như
đình Hà Lam, chùa Long Hội Tự, nhà thờ tiền hiền, miếu Ngũ Hành... cũng
đủ để khẳng định những giá trị lịch sử - văn hoá của một vùng đất.
Trong đó, có sự góp phần của văn miếu Hà Lam.
Theo nhiều tư liệu chúng tôi thu thập được, văn miếu Hà Lam được
xây dựng vào năm Tự Đức thứ 9 (tức năm 1856), do sự đề nghị của cụ
Nguyễn Đạo (người khai khoa cho làng Hà Lam, thân sinh của thượng thư Hà
Đình Nguyễn Thuật) với chính quyền đương thời. Như vậy, công trình này
là một văn miếu (mà không phải là văn chỉ); nhưng cũng có người gọi là
văn thánh
Có tư liệu cho rằng gọi là văn thánh khi kiến trúc đó thờ các vị
khoa bảng địa phương, và là nơi dạy học; còn gọi là văn miếu khi công
trình đó ngoài 2 chức năng trên còn có một chức năng là thờ đức Khổng Tử
và các vị á thánh. Bởi vậy, để đảm bảo tính chính xác tuyệt đối, chúng
tôi gọi là văn miếu Hà Lam (vì công trình này hội đủ 3 chức năng như đã
nói).
Văn miếu xưa kia nằm ở trung tâm làng Hà Lam, gần bàu sen Hà Kiều,
nơi có phong cảnh hữu tình. Theo mô tả của các vị bô lão trong làng thì
hệ thống kiến trúc nhà văn miếu rất quy mô. Văn miếu “xoay” về hướng
nam, có cổng Tam quan và được bao bọc bởi một bờ thành kiên cố, cổng tam
quan có lầu chuông trống, có cấp bậc lên lầu. Bên trong cổng và bờ
thành này là hệ thống kiến trúc; trong đó có tiền đường và hậu tẩm cách
nhau một sân gạch hình chữ nhật; 2 bên là tả vu và hữu vu, nơi đặt 9 tấm
bia tiến sĩ ghi danh các vị khoa bảng và các vị tiết hạnh háo nghĩa của
làng. Hậu tẩm thì có 3 gian, gian trung thờ đức Khổng tử có tạc tượng
bằng gỗ sơn son thiếp vàng, hai bên thờ các vị Á thánh như Mạnh tử, Tăng
tử, Tử Tư...Tên các vị Á thánh được viết trên những linh vị bằng gỗ mặt
trước sơn trắng. Còn gian tả và gian hữu thì thờ các vị khoa bảng tiền
bối của làng.
Thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Hình: tuoitrequangnam.com.vn |
Trong sân còn có
một nhà trù nơi bàn soạn nấu nướng khi có tế lễ. Đời Tự Đức năm thứ 13
(1859) dân trong làng xây dựng thêm nhà Tây đường để làm nơi hội họp,
khoản đãi. Năm Tự Đức thứ 18 (năm 1864) xây thêm nhà Đông đường, làm
trường học sơ cấp của làng Hà Lam dạy từ lớp 1 đến lớp 3 (học sinh mãn
lớp 3 được nhận bằng sơ học yếu lược). Con cháu trong làng phần đông học
ở đây.
Cũng theo các vị bô lão, thời nhà Nguyễn, nhà văn miếu được bảo
quản trang nghiêm và tổ chức sinh hoạt đều đặn. Hằng năm, vào tháng 2 Âm
lịch các vị khoa bảng trong làng tổ chức lễ tưởng niệm đức Khổng tử;
vào tháng 8 Âm lịch các vị quan thân cũng tổ chức lễ tưởng niệm, tục gọi
là “Lễ Thánh” với ý nghĩa tôn sư trọng đạo, đề cao sự học, thể hiện sự
thành kính với các bậc khoa bảng tiền bối; đồng thời cũng để vận động
quyên góp tiền bạc gây quỹ cho làng.
Văn miếu xưa kia huy hoàng là vậy, nhưng đến những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, với việc xây dựng trường tiểu học Kim Đồng thì văn miếu bị huỷ hoại, đến một phế tích cũng không còn.
Những tấm bia “khổ hạnh”
Văn miếu xưa kia huy hoàng là vậy, nhưng đến những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, với việc xây dựng trường tiểu học Kim Đồng thì văn miếu bị huỷ hoại, đến một phế tích cũng không còn.
Những tấm bia “khổ hạnh”
Khi văn miếu bị huỷ hoại, dân làng đã di dời 9 văn bia trong văn
miếu đến Nhà thờ tiền hiền Hà Lam (tổ 9, thị trấn Hà Lam). 9 tấm bia này
có nội dung gì? Qua tìm hiểu nhiều tư liệu, chúng tôi thấy hợp lý nhất
là tư liệu của ông Xa Văn Hùng, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Quảng
Nam, chuyên viên phòng văn hoá – thông tin huyện Thăng Bình.
Những tấm bia bị vứt lăn lóc. Ảnh: D.V.U |
Theo ông Hùng,
trong 9 văn bia trên, có 6 văn bia tiến sĩ khắc tên và công trạng của
180 vị khoa bảng của làng Hà Lam trong khoảng thời gian 124 năm, gồm 10
đời vua Nguyễn, từ triều vua Gia Long nguyên niên (1802) đến triều vua
Bảo Đại thập nhị niên (1936).
Ngoài những vị thi đỗ ở các khoa thi chính thức thì còn có những vị
thi đỗ ở các kỳ ân khoa; còn có những vị “tái trúng”: tức là người đã
thi đỗ cử nhân ở kỳ thi Hương, nhưng thi Hội không đậu nên một lần nữa
đậu Cử nhân. Tổng cộng gồm có: 1 vị Tiến sĩ, 3 vị Phó bảng, 36 Cử nhân,
139 vị tú tài, và 1 vị tú tài tân học. Trong số những vị khoa bảng này
có cụ Phó bảng Nguyễn Thuật, hiệu là Hà Đình (1842 – 1911), từng làm
Thượng thư bộ Hộ đời vua Kiến Phúc, Thượng thư bộ Binh đời vua Thành
Thái. Từng 2 lần đi sứ sang Trung Hoa (vào năm Tự Đức thứ 35 và 36).
Sinh thời, có nhiều sáng tác về thơ ca, hội hoạ nổi tiếng hiện còn lưu
giữ tại viện Hán – Nôm Hà Nội. Mộ của cụ đã được công nhận là di tích
lịch sử cấp tỉnh (vào tháng 12 – 2010).
Ba văn bia còn lại thì ghi danh và công trạng của “thập vị liệt nữ”
(10 vị liệt nữ) tiết hạnh, háo nghĩa (là những người phụ nữ chuẩn mực
đạo đức theo truyền thống Nho giáo) của làng, gồm những vị được các đời
vua Nguyễn ban tặng biển vàng “Tiết hạnh khả phong” (4 vị), “háo nghĩa
khả phong” (3 vị), và 3 vị có công cúng ngân cho làng ...
Trong số 10 vị này có bà Nguyễn Thị Phận, con của Hà Đình Nguyễn
Thuật. Theo lưu truyền, bà nổi tiếng là người đoan chính. Chồng mất sớm,
bà chăm lo nuôi dạy người con trai - sau này được bổ dụng làm Thừa phái
Ty niết tỉnh Quảng Nam. Bà còn có công quyên góp cứu trợ cho dân trong
tỉnh mỗi khi có nạn đói xảy ra. Năm Khải Định thứ 10 bà đuợc triều đình
ban thưởng biển vàng “Háo nghĩa khả phong”.
Ông Xa Văn Hùng có quan điểm: “văn miếu cùng với những văn bia là
một minh chứng cho truyền thống hiếu học của đất Hà Lam nói riêng và
vùng Ngũ phụng tề phi nói chung. Bởi vậy cần có những biện pháp kịp thời
để bảo vệ những văn bia còn lại; đó là cách con người hướng về quá khứ
để tu dưỡng truyền thống hiếu học trong hiện tại và tương lai”.
Tuy nhiên, thực trạng những tấm bia này thì: khi chúng tôi tìm đến
nhà thờ tiền hiền; một cảnh tượng “khổ hạnh” đập vào mắt: những tấm bia
nằm lăn lóc, bừa bộn cùng với những nông cụ, những ghế bàn...ở dãy hành
lang. Bà Nguyễn Thị Thu – cán bộ phụ trách bảo tồn – bảo tàng phòng văn
hóa- thông tin huyện Thăng Bình giải thích: “Là do kinh phí của phòng eo
hẹp nên khó khăn trong việc bảo trì những tấm bia này. Ngoài ra, còn do
9 tấm bia chưa được các cấp ngành văn hoá công nhận là gì cả, nên nhiều
năm qua, phòng cũng chưa có sự quan tâm gì nhiều”.
Lớp người trẻ hiện nay và mai sau ắt hẳn sẽ không hiểu gì về truyền
thống cha ông, khi những di tích lịch sử này vẫn còn bị lãng quên.
Thiên Lý – Vanut (Quảng Nam)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét