Tàu Kojima, tàu huấn luyện của lực lượng Cảnh Sát Biển Nhật Bản cập cảng Tiên Sa trong chuyến thăm Đà Nẵng hồi cuối Tháng bảy 2013 vừa qua. (Hình: Dân Trí) |
Thông qua bộ trưởng Quốc phòng Nhật, nhà cầm quyền Hà Nội chính thức đề nghị Tokyo hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam.
Theo báo điện tử
của chính phủ Việt Nam, trong cuộc gặp ông Itsunori Onodera, Bộ trưởng
quốc phòng Nhật, khi ông này đến thăm Việt Nam, ông thủ tướng CSVN
Nguyễn Tấn Dũng được báo này thuật lời lại là ”Việt Nam đặc biệt coi
trọng quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản" và hy vọng bộ quốc phòng
hai quốc gia sẽ “tiếp tục thắt chặt quan hệ”.
Cũng tại buổi gặp vừa kể, phía Việt Nam đã chính thức "đề nghị Nhật
tăng cường hợp tác với Việt Nam trong đào tạo cán bộ, nhất là đào tạo về
tiếng Nhật, tiếng Anh. Hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong hiện đại hóa
trang thiết bị của lực lượng cảnh sát biển. Hỗ trợ Việt Nam trong tham
gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế”.
Một vài hãng tin quốc tế cho biết, ông Onodera, bộ trưởng Quốc Phòng
Nhật, xác nhận, Việt Nam đã chính thức yêu cầu Nhật cung cấp tàu tuần
tra cho lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam, để lực lượng này tăng
cường khả năng thực thi pháp luật trên vùng biển của Việt Nam. Theo ông
Onodera, ông sẽ chuyển đề nghị của Việt Nam cho thủ tướng Nhật và các bộ
có liên quan.
Tháng trước, bộ trưởng Quốc phòng Nhật từng tiếp ông Nguyễn Chí Vịnh,
thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tại Tokyo. Sau cuộc gặp, đài truyền
hình NHK cho biết, hai bên (Nhật – Việt) đã cùng thảo luận về việc phối
hợp để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Nguyễn Chí
Vịnh đã lên tiếng bác bỏ chi tiết này. Ông Vịnh nói rằng, trong cuộc gặp
giữa ông và bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, hai bên chỉ bàn bạc về việc phối
hợp với nhau chứ không đề cập tới bên thứ ba.
Cả Nhật lẫn Việt Nam đều đang phải đối phó với các tuyên bố cũng như
các hành động mở rộng yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông
và biển Nhật. Gần đây, Nhật vừa tăng cường lực lượng hải quân, vừa đẩy
mạnh việc hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á đang trong tình trạng phải đối
phó với tham vọng của Trung Quốc như mình.
Mong muốn của Việt Nam, “được Nhật hỗ trợ tàu tuần tra” đã từng được
nhắc tới hồi Tháng Tư, sau khi có tin, Nhật đã đồng ý viện trợ cho
Philippines 10 tàu tuần tiễu.
Quan hệ hợp tác song phương Việt - Nhật trong lĩnh vực gìn giữ an
ninh biển đã khởi đầu từ năm 2000. Nhật đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều
sĩ quan cho lực lượng cảnh sát biển.
Hồi cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, một con tàu, mang tên Kojima
của cảnh sát biển Nhật, với 82 sĩ quan, thủy thủ và học viên cảnh sát đã
ghé thăm Cảnh sát biển Vùng 2 của Việt Nam trong năm ngày.
Hạ tuần tháng 8, tờ Asahi Shimbun của Nhật loan báo, sau Indonesia và
Philippines, Việt Nam sẽ là quốc gia kế tiếp được Nhật viện trợ tàu
tuần tiễu.
Theo Asahi Shimbun, đã có tám quốc gia đề nghị Nhật
hỗ trợ tàu tuần tiễu để bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển. Đa số
quốc gia đề nghị Nhật hỗ trợ tàu tuần tiễu nằm trong khu vực biển Đông
và “có cùng mối quan tâm” giống như Nhật về an ninh trên biển Đông, biển
Nhật Bản.
Cũng theo Asahi Shimbun, có rất nhiều quốc gia Đông Nam Á “bày tỏ sự
quan tâm và hy vọng được hợp tác với Nhật trong lĩnh vực bảo vệ an
ninh trên biển”. Còn Lực lượng tự vệ trên biển của Nhật thì “rất quan
tâm đến tình hình hoạt động chống hải tặc, bảo vệ các thương thuyền và
tàu dầu hành trình trên biển Đông qua eo biển Malacca”.
Nhiều năm qua, Nhật đã cung cấp các thiết bị, hỗ trợ đào tạo, huấn
luyện nhân viên trong các lĩnh vực từ giao thông đến cứu hộ trên biển
cho Malaysia, Indonesia, Philippines. Trước sự gia tăng các tranh chấp
trên biển, chính phủ Nhật khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc
gia có “cùng mối quan tâm”, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á.
Riêng với Việt Nam, theo tờ Asahi Shimbun, Thủ tướng Nhật “đặc biệt
quan tâm đến vấn đề hỗ trợ tàu tuần tiễu cho Việt Nam”. Theo một thỏa
thuận song phương giữa Việt Nam – Nhật hồi tháng 7 năm nay, Nhật cam kết
sẽ viện trợ cho Việt Nam 10 “tàu tuần tiễu mới, loại 40 mét”.
Tuy hai bên không cung cấp các chi tiết liên quan tới “tàu tuần tiễu
mới, loại 40 mét” nhưng trang web Đông Phương của Trung Quốc có mô tả về
“tàu tuần tiễu mới, loại 40 mét” mà Nhật từng viện trợ cho Philippines.
Theo đó, đây là loại tàu tuần tiễu thuộc lớp Mihashi/Raizan, dài 43m,
lượng giãn nước 198 tấn, được trang bị súng 20mm JM-61 Vulcan Gatling. (G.Đ.)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét